Giống lúa đỏ "nước mặn" cổ truyền khiến nhiều người ngạc nhiên, thích thú
Giữ truyền thống
Trước tết, lần đầu tiên TP. Huế tổ chức không gian giới thiệu sản phẩm truyền thống địa phương tại phố đi bộ quanh Hoàng thành với mục đích tôn vinh sản phẩm của các làng nghề, khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân; thúc đẩy sự phát triển của làng nghề, nghề truyền thống.
Hơn 30 gian hàng từ các làng nghề truyền thống của 36 phố phường Huế đã hội tụ khá đầy đủ những món Huế nổi tiếng xưa nay, như: bánh tráng Lựu Bảo, mứt gừng Kim Long, rượu Minh Mạng thang, mè xửng Thiên Hương, nước mắm Phú Thượng, phấn nụ "Bà Tùng", hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, mộc mỹ nghệ An Hòa… điều khiến nhiều người ngạc nhiên là rất nhiều mặt hàng mới đã xuất hiện.
Cũng là bánh, nhưng bánh in của phường Đông Ba được sắp xếp đẹp như một bức tranh thuộc trường phái ấn tượng, đủ sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng. Cũng là trà sen xứ Huế nhưng phường Tây Lộc lại cất trà trong chiếc hộp tứ thời xuân - hạ - thu - đông, một cách để giới thiệu cùng du khách rồi đây sẽ về Huế thưởng lãm cùng Festival bốn mùa. Cũng là thanh trà nhưng phường Thủy Biều giới thiệu không chỉ quả thanh trà, mà là mười mấy sản phẩm từ thanh trà: mứt, rượu, tinh dầu và cả dầu gội đầu thanh trà dành cho giới nữ… Cũng là đèn gỗ nhưng đèn “thiền lũa” của phường Hương Hồ lại cháy bởi bơ không độc hại và cái bóng đèn thổi từ bàn tay nghệ nhân… Huế cũng có sản phẩm yến sào của các nghệ nhân ở phường An Đông, vừa đẹp, vừa chất lượng, giá cả lại rẻ hơn so với mặt bằng chung.
Cần tính hiện đại nhiều hơn
Nhiều sản phẩm được trang trí bắt mắt, gọn gàng như trà sen xuân - hạ - thu - đông, như bánh in Đông Ba, các món hàng làm từ thanh trà của các nghệ nhân phường Thủy Biều,… đem lại sự tò mò, hứng thú cho nhiều người. Về hình thức thì các mặt hàng nói trên đã đảm bảo tiêu chí mỹ thuật, đáp ứng những con mắt khó tính của thị trường. Về sự sáng tạo thì có thể thấy đã được đầu tư khá công phu. Kẹo mè xửng Huế đã được các nghệ nhân Đông Ba cắt miếng nhỏ hơn, và rất độc đáo khi bỏ kẹo trong hộp có tranh làng Sình. Tinh dầu hoa nén Thủy Xuân đã hình thành được cả trang web để tương tác với khách hàng…
Nhiều người không khỏi ngạc nhiên, xen lẫn thích thú khi thấy người nông dân xã Hương Phong vẫn giữ được giống lúa “nước mặn” cổ truyền. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, nếu gạo nước mặn không chỉ giới thiệu sản phẩm gạo “chay” mà được chế biến thành cháo gạo đỏ ăn với món “cá bống ngó lui” thì quả là không nơi nào có được.
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, làng hoa giấy Thanh Tiên chia sẻ, dịp tết, lượng người mua các sản phẩm của làng hoa giấy Thanh Tiên tăng cao so với hai năm vừa qua. Số lượng đặt hoa giấy trưng tết cũng đã tăng lên nhiều so với các năm trước. Đó là niềm vui của những người làm nghề truyền thống, khi các sản phẩm của mình vẫn còn được nhiều người ủng hộ.
Nhưng sản phẩm tranh làng Sình thì chưa thấy mới. Có người nêu ý kiến là tranh làng Sình cần sáng tạo ra nhiều tranh để treo hơn nữa, cần xóa bỏ nếp nghĩ cho rằng tranh làng Sình chỉ sản xuất hàng mã phục vụ cho lễ cúng. Ngành giáo dục cũng nên đưa việc in tranh hoa giấy vào môn giáo dục địa phương. Hoa giấy Thanh Tiên cũng vậy, cần có nhiều mẫu mã mới đáp ứng thị trường. Như để bù lại khoảng trống này, hiện Huế có tranh giấy lồng gương khá đẹp.
Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế cho biết, không gian giới thiệu sản phẩm là cơ hội để bảo tồn các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, tạo cơ hội cho các làng nghề giới thiệu sản phẩm, nét đặc trưng của mình đến với người dân địa phương. Sắp đến, thành phố sẽ cố gắng triển khai nhiều không gian như thế này hơn. Phố Lê Lợi đoạn từ nhà số 15 đến Bảo tàng Văn hóa (cũ) sẽ hình thành Ngôi nhà Huế để giới thiệu các mặt hàng lưu niệm của Huế phục vụ du khách gần xa. Rất cần những sáng tạo nhiều hơn, như mè xửng cắt miếng nhỏ hơn, mứt gừng thì phải có mẫu mã đẹp hơn. Quan trọng là phải nghĩ đến thị trường, vừa giữ được truyền thống, song cũng phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH