Tôi không xa lạ gì đụn rơm, bởi tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê, nhưng hơn cả chục năm nay, người dân quê tôi không còn xây đụn rơm nữa, bởi chuyện gặt hái đã hoàn thành ngay tại cánh đồng, rơm rạ ở lại làm phân bón cho cây lúa, mặt khác việc chuyển đổi từ đun cơm nước bằng rơm rạ năm xưa đã thay vào đó là bếp gas, bếp điện và bếp củi.
Con trai tôi, cháu năm nay vừa tròn 6 tuổi, nghe tôi hay nói đụn rơm của mạ, cháu ngẩn tò te, bởi sinh ra và lớn lên tại thành phố, rồi về quê nội chẳng bao giờ thấy đụn rơm là gì. Về Phú Lương vừa rồi, tôi chỉ cho cháu, đó là đụn rơm mà ba thường hay nói với con. Cháu nhìn thấy đụn rơm vui quá và cứ đến mân mê mải.
Nhớ ngày xưa, mạ tôi cũng như bao nhiêu người dân nông thôn khác, xem đụn rơm là quý giá vô cùng. Sau khi gặt lúa về, dùng máy đập xong, rơm phơi khô và chất thành đụn lớn. Rơm khô vừa dùng cho trâu bò ăn những lúc mưa rét, vừa dùng nấu cơm hàng ngày, có nhà còn lót rơm khô dưới chiếu để nằm cho ấm lúc trời quá rét (thời đó dân còn nghèo, thiếu thốn nhiều mặt, lấy gì có áo ấm, chăn êm), rồi rơm rải ra lớp mỏng khi mưa xuống ẩm mốc sẽ có nấm rơm mà ăn… và rơm còn sử dụng vào nhiều mục đích khác.
Nay, người dân Phú Lương vẫn xem trọng đụn rơm vô cùng, bởi đụn rơm ở đây đã đem lại cho họ cơm ăn áo mặc, con cái học hành đàng hoàng. Rơm Phú Lương không phải sử dụng cho việc đun cơm, nấu nước hay cho trâu bò ăn như ngày xưa nữa mà phục vụ cho việc trồng nấm. Hầu hết người dân Phú Lương nhà nào cũng có đụn rơm trước sân nhà cho công việc trồng nấm này. Nhà bạn thân tôi, Võ Hạp, nhờ trồng nấm rơm mà xây nhà hai tầng khang trang, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình đầy đủ…
Trọng Hoàng