ClockThứ Bảy, 03/10/2015 07:35

Mưa Huế trong tranh Lê Văn Nhường

TTH - Ghé thăm phòng triển lãm tranh “mưa” của họa sĩ (HS) Lê Văn Nhường tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TT Huế, tôi thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp vừa sang trọng, vừa đằm thắm, dịu êm lại vừa mang đến cho người xem thật nhiều cảm xúc. Chỉ riêng với số lượng 20 bức tranh sơn dầu khổ lớn (nhỏ nhất là 70cm x 70cm, lớn nhất là 115cm x 160cm) được treo trong 3 phòng liền kề cũng đủ làm nên vẻ sang trọng của một triển lãm cá nhân rồi.
Với chủ đề "mưa", trong 20 bức tranh đã có 17 bức mưa, từ Mưa 1 đến Mưa 18 (không hiểu tác giả có nhầm lẫn gì không nhưng thiếu bức Mưa 15(?). "Lạc" vào phòng tranh "Mưa" này có 3 bức tranh "Hội tụ" (Hội tụ 1, Hội tụ 2 và Hội tụ 3). Nhưng xem kỹ thì thật ra 3 bức "Hội tụ" cũng là tranh "Mưa", nhưng mưa ở ba bức tranh này không tràn ra như 17 “cơn mưa” kia mà kết tụ lại thành 3 mảng mưa “Hội tụ”. Suy cho cùng thì bản chất của mưa cũng là sự kết tụ và ngưng đọng vậy.
Đến với “Mưa” có thể thấy tác giả đã đầu tư cho phòng tranh này không ít cả thời gian, công sức và tiền bạc. Cái công phu là từ mưa to nặng hạt đến mưa nhỏ lây phây, mưa ở cường độ nào cũng vẫn nhìn ra từng giọt mưa một! Có cảm tưởng là tác giả trân trọng, nâng niu từng giọt mưa trong tranh của mình. Có lẽ “mưa” (một thứ được coi như “đặc sản” của Huế) với rất nhiều cường độ và biểu cảm khác nhau, đã được Lê Văn Nhường gom hết vào tranh của mình. Những người ở xa đến Huế, gặp những ngày mưa, họ thấy e ngại cho Huế. Nhưng họ đâu biết người Huế thì yêu mưa như chính Huế vậy. Khi đi xa Huế, thứ mà người Huế nhớ nhất cũng là mưa! Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh từng tả nỗi nhớ mưa ấy: “Khi mô anh về thăm Huế xưa / Nhớ gói giùm em một chút mưa”…
Về nghệ thuật, điều nổi bật trong phòng tranh “Mưa” là tác giả đã thể hiện mưa Huế theo hai trường phái trừu tượng và siêu thực của hội họa. Tôi rất thích những bức tranh vẽ theo trường phái trừu tượng của Lê Văn Nhường đầy tính nữ nhẹ nhàng, mượt mà và dịu êm. Trong phòng tranh “Mưa”, các bức tranh vẽ theo trường phái trừu tượng như “Mưa 1, 2, 3, 6, 8, 16, 17” ngoài vẻ đẹp long lanh và trong ngần về màu sắc và đường nét (chỉ có thể cảm nhận chứ khó diễn đạt bằng lời), tất cả đều mang đến cho người xem một cảm giác thanh bình, êm dịu, thật dễ chịu… Khác với sự thanh bình, êm dịu của các bức tranh trừu tượng, các bức tranh được tác giả vẽ theo trường phái siêu thực như “mưa 4, 5, 7, 9, 10, 11, 13, 18” lại đưa đến cho người xem nhiều suy ngẫm và triết lý về sự sống giữa cái thực và cái ảo của cả thiên nhiên, con người và sự vật.
Trên phương diện là một triển lãm tranh cá nhân, tôi cho rằng triển lãm “Mưa” là triển lãm thành công và rất đáng xem. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy hơi thiếu thiếu một chút gì đó trong phòng tranh “Mưa” này để làm điểm nhấn cho nét đặc trưng của mưa Huế. Cái đặc trưng mà tôi không dễ biểu đạt bằng lời. Và không biết có quá tham lam không, nhưng tôi cũng thấy thiếu thiếu một chút “ấn tượng” và “lập thể” để tạo nên sự đa dạng góc nhìn và góc cảm về mưa Huế.
Triển lãm mở cửa đến 5/10/2015.

Bài, ảnh: Nguyễn Việt
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa sâu rộng về hình ảnh người thẩm phán trong xã hội

Chiều 20/5, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh phối hợp với Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật tỉnh tổ chức gặp gỡ các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ thuộc hội viên Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế để thông tin cuộc thi sáng tác ca khúc về TAND hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/2025).

Lan tỏa sâu rộng về hình ảnh người thẩm phán trong xã hội
Kỷ niệm 8 năm Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” được công nhận Di sản Tư liệu thế giới

Cách đây 8 năm, ngày 19/5/2016, Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” (1802 - 1945) được Ủy ban chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên hợp quốc công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. ​

Kỷ niệm 8 năm Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” được công nhận Di sản Tư liệu thế giới
Dâng hoa sen lên Bác tại nhà lưu niệm ở Dương Nỗ

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng đại diện một số sở, ban ngành và người dân, du khách đã tham gia lễ rước hoa sen và dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, TP. Huế) sáng 19/5.

Dâng hoa sen lên Bác tại nhà lưu niệm ở Dương Nỗ
Chùa trên núi

Ngôi chùa nằm cheo leo trên một ngọn núi. Đường lên chùa ngoằn ngoèo, khúc khuỷu bám theo sườn núi nên chẳng mấy người lên chùa, thành ra chùa vắng vẻ quanh năm. Nếu như không có người dẫn lối hoặc nhắc tới thì hẳn chẳng ai biết trên núi này còn có một ngôi chùa. Vào những buổi sương mù, ngọn núi chìm trong một vùng mịt mờ trắng đục. Nhìn từ xa, ngọn núi mờ ảo, chỉ khi nắng lên, sương tan, đỉnh núi mới hiện rõ và xung quanh vẫn còn phủ vài đám mây trắng, khiến cảnh vật đẹp một cách lạ kỳ. Vậy nhưng, ngôi chùa vẫn khuất trong dáng núi, nằm khiêm nhường dưới những tán cây cổ thụ um tùm, chỉ tiếng chuông chùa là vang vọng lan xa, rồi tan dần vào gió, vào mây, vào nắng, vào tháng năm.

Chùa trên núi
Trân quý những tư liệu, hiện vật tưởng niệm Bác Hồ

Ngoài những di tích, những di sản văn hóa phi vật thể mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là tình yêu thương bao la của Người dành cho Nhân dân Thừa Thiên Huế, những hồi ức của Người với vùng đất Thừa Thiên Huế còn có tình cảm đặc biệt của Nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Người gồm hàng ngàn trang tư liệu viết và những câu chuyện kể. Đó là lòng tôn kính, tình cảm của Nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động thờ cúng trong mỗi gia đình sau khi Người qua đời.

Trân quý những tư liệu, hiện vật tưởng niệm Bác Hồ
Return to top