ClockThứ Tư, 22/01/2014 17:07

Bảo tồn và phát huy giá trị nhà rường Phước Tích

TTH - Năm 2009, làng Phước Tích (Phong Hòa, Phong Điền) được Bộ VH - TT & DL công nhận là Di sản Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia với vai trò chủ đạo của hệ thống nhà rường có tuổi đời hàng trăm năm. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản nhà rường đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của cả người dân và chính quyền địa phương.

Di sản nhà rường truyền thống

Với diện tích chỉ 1,2 km2, nhưng làng Phước Tích còn lưu giữ đến 30 ngôi nhà rường với tuổi đời hàng trăm năm, trong đó có 24 ngôi nhà ở và 6 nhà thờ họ. Nhà rường ở Phước Tích phổ biến là loại hình ba gian hai chái. Ngoài ra là kiểu kiến trúc một gian hai chái, còn gọi là nhà vuông, nhà bánh ú hay phương đình cũng là không gian cư trú quen thuộc, đồng thời, cũng được biết đến với chức năng là những ngôi nhà thờ họ.  

Nội thất một ngôi nhà rường ở Phước Tích

Cuối thế kỷ XX, do xu thế và nhu cầu của thị trường, nghề gốm đất nung truyền thống của người dân Phước Tích đi vào ngõ cụt. Mất nghề, lại vốn là ngôi làng không có đất ruộng, người dân Phước Tích bắt đầu ly hương đến các thành phố lớn làm ăn sinh sống, đặc biệt là lớp thanh niên trai tráng. Từ đó, chủ nhân của những ngôi nhà rường truyền thống nơi đây chỉ còn là người già. Sự thiếu hơi ấm con người, cộng với thời gian, mối mọt… tàn phá, khiến nhiều nhà rường Phước Tích bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có đến 5 ngôi nhà có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Cuối năm 2012, ngôi nhà rường ba gian hai chái của gia đình ông Trương Duy Thanh may mắn được trùng tu bởi sự tài trợ của dự án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa làng và phát triển du lịch”, thuộc Chương trình Hợp tác song phương Việt Nam - Wallonie/Bruxelles tài trợ kinh phí tu bổ, dưới sự chủ trì của Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng may mắn như vậy, vẫn còn đó nhiều ngôi nhà đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng gia chủ thì lực bất tòng tâm.

Để bảo tồn nhà rường ở Phước Tích một cách bền vững và hiệu quả, thiết nghĩ, cần thiết phải có những giải pháp mang tính lâu dài.

Một số đề xuất

* Quy hoạch chi tiết

Cần thiết phải có một đề án quy hoạch chi tiết mang tính dài hạn nhằm khoanh vùng và phân loại nhà rường ở Phước Tích. Xếp hạng những ngôi nhà có giá trị bậc nhất để đưa vào diện quản lý, khai thác giá trị trong chiến lược phát triển du lịch địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần phải phân loại, xếp hạng theo nhóm những ngôi nhà bị hư hỏng một phần, hư hỏng nặng, những ngôi nhà đang có nguy cơ sụp đổ… để có thể theo dõi và đưa vào chương trình, kế hoạch phục hồi ngay khi có thể. Ngoài ra, việc quy hoạch về yếu tố cảnh quan, môi trường và đề xuất những yếu tố có khả năng tác động tiêu cực đến các di sản kiến trúc như mưa bão, lũ lụt… cũng cần được đề cập đến một cách nghiêm túc, khoa học.

* Vấn đề nguồn nhân lực

Hiện nay, hơn 70% dân số Phước Tích là những người trong độ tuổi từ 60 trở lên. Đặc biệt, chủ nhân của những ngôi nhà rường hầu hết là người cao tuổi. Số phận những ngôi nhà này sẽ như thế nào khi thế hệ này không còn nữa. Một thực tế cho thấy, hiện tượng hoang hóa đang dần phổ biến đối với nhà rường Phước Tích, trong khi đó, các lớp con cháu đều đã có cuộc sống ổn định ở các địa phương khác và tất nhiên, họ sẽ không trở về làng khi không có công việc và thu nhập ổn định.

Để bảo tồn nhà rường Phước Tích một cách hiệu quả, một yếu tố vô cùng quan trọng là phải kêu gọi người dân hồi hương. Tuy nhiên, để người dân trở về, trước tiên cần phải tạo ra được công việc và đời sống kinh tế ổn định. Từ đó, những thế hệ con cháu sẽ tiếp nối chăm sóc, bảo vệ những ngôi nhà rường - di sản quý giá của làng Phước Tích.

* Khai thác du lịch gắn liền với quyền lợi của người dân

Hiện nay Phước Tích đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Thừa Thiên Huế. Hoạt động du lịch ở Phước Tích đã được định hình, những chuyến thăm quan nhà rường, thưởng thức đặc sản ẩm thực địa phương trong không gian nhà rường cổ kính, thăm các di tích văn hóa lịch sử như Lò Gốm cổ, di tích văn hóa Chăm, du lịch Homestay… đang khởi sắc.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch ở Phước Tích hiện nay đang trong tình trạng tự phát là chủ yếu. Người dân địa phương, đặc biệt là chủ nhân những ngôi nhà cổ chưa thực sự hưởng lợi từ hoạt động khai thác du lịch. Một quy chế cụ thể, chi tiết cần sớm được đề ra và thông qua, như bán vé tham quan; vai trò, trách nhiệm của ban quản lý, trách nhiệm và quyền lợi của người dân. Một khi người dân được hưởng lợi trực tiếp từ du lịch, họ sẽ tái đầu tư chăm sóc, tu bổ ngôi nhà rường của mình để có thể tham gia hoạt động du lịch một cách lâu dài, bền vững.

Có thể thấy, nhà rường là di sản quan trọng đối với người dân Phước Tích, vì vậy họ luôn quan tâm, bảo quản, tôn tạo mỗi khi chúng xuống cấp. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, không phải gia chủ nào cũng có đủ khả năng để thực hiện được công việc này. Bên cạnh những chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, vai trò của người dân - chủ nhân của những ngôi nhà rường cần phải được đề cao hơn nữa tính tự chủ, sáng tạo trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản nhà rường mà vẫn tuân thủ những quy định mang tính pháp lý với những di sản cấp quốc gia.

Nguyễn Long
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa sâu rộng về hình ảnh người thẩm phán trong xã hội

Chiều 20/5, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh phối hợp với Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật tỉnh tổ chức gặp gỡ các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ thuộc hội viên Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế để thông tin cuộc thi sáng tác ca khúc về TAND hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/2025).

Lan tỏa sâu rộng về hình ảnh người thẩm phán trong xã hội
Kỷ niệm 8 năm Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” được công nhận Di sản Tư liệu thế giới

Cách đây 8 năm, ngày 19/5/2016, Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” (1802 - 1945) được Ủy ban chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên hợp quốc công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. ​

Kỷ niệm 8 năm Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” được công nhận Di sản Tư liệu thế giới
Dâng hoa sen lên Bác tại nhà lưu niệm ở Dương Nỗ

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng đại diện một số sở, ban ngành và người dân, du khách đã tham gia lễ rước hoa sen và dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, TP. Huế) sáng 19/5.

Dâng hoa sen lên Bác tại nhà lưu niệm ở Dương Nỗ
Chùa trên núi

Ngôi chùa nằm cheo leo trên một ngọn núi. Đường lên chùa ngoằn ngoèo, khúc khuỷu bám theo sườn núi nên chẳng mấy người lên chùa, thành ra chùa vắng vẻ quanh năm. Nếu như không có người dẫn lối hoặc nhắc tới thì hẳn chẳng ai biết trên núi này còn có một ngôi chùa. Vào những buổi sương mù, ngọn núi chìm trong một vùng mịt mờ trắng đục. Nhìn từ xa, ngọn núi mờ ảo, chỉ khi nắng lên, sương tan, đỉnh núi mới hiện rõ và xung quanh vẫn còn phủ vài đám mây trắng, khiến cảnh vật đẹp một cách lạ kỳ. Vậy nhưng, ngôi chùa vẫn khuất trong dáng núi, nằm khiêm nhường dưới những tán cây cổ thụ um tùm, chỉ tiếng chuông chùa là vang vọng lan xa, rồi tan dần vào gió, vào mây, vào nắng, vào tháng năm.

Chùa trên núi
Trân quý những tư liệu, hiện vật tưởng niệm Bác Hồ

Ngoài những di tích, những di sản văn hóa phi vật thể mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là tình yêu thương bao la của Người dành cho Nhân dân Thừa Thiên Huế, những hồi ức của Người với vùng đất Thừa Thiên Huế còn có tình cảm đặc biệt của Nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Người gồm hàng ngàn trang tư liệu viết và những câu chuyện kể. Đó là lòng tôn kính, tình cảm của Nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động thờ cúng trong mỗi gia đình sau khi Người qua đời.

Trân quý những tư liệu, hiện vật tưởng niệm Bác Hồ

TIN MỚI

Return to top