ClockThứ Ba, 19/05/2020 06:45

Phác họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh

TTH - Với hơn 200 tư liệu, hiện vật, triển lãm “Hồ Chí Minh – Những nét phác họa chân dung” (khai mạc ngày 18/5 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế) giới thiệu tới công chúng hình ảnh về một vị lãnh tụ vĩ đại, tận tụy quên mình vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc nhưng giàu lòng bác ái, dung dị trong cuộc sống đời thường.

Lãnh đạo tỉnh dâng hoa, báo công lên Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những hình ảnh giản dị, đời thường của Bác là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Chân dung vị lãnh tụ giản dị, gần gũi

Một đôi dép cao su, chiếc mũ cát, những bộ quần áo kaki giản dị… dẫu chỉ là hiện vật phục chế nhưng khiến người xem không khỏi bồi hồi xúc động, bởi đó là những vật dụng gắn liền với cuộc đời giản dị của Bác Hồ. Trong tâm trí mỗi người dân Việt, hình ảnh Bác vẫn luôn thân thương và dung dị trong bộ quần áo kaki mặc đến sờn vai, với đôi dép cao su bạc màu.

Những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cuộc sống đời thường: Bác cùng tát nước chống hạn với bà con nông dân, cuốc đất trồng rau, nuôi cá trong khu vườn Phủ Chủ tịch hay thân mật, gần gũi với cán bộ, chiến sĩ, người dân, múa hát cùng các cháu thiếu nhi… luôn khiến các thế hệ người dân cả nước xúc động. Bởi ở đó, mọi người cảm nhận được tình yêu thương dạt dào của một vị lãnh tụ dành cho đồng bào.

Những hình ảnh giản dị trong cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Ảnh: Chụp từ triển lãm

Những hình ảnh ấy càng khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là biểu tượng ngời sáng về tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc mà còn là tấm gương mẫu mực về một đời sống riêng giản dị, thanh bạch, gần dân, trọng dân, chứa chan tình yêu thương con người, yêu lao động, thiên nhiên.

Không gian trưng bày còn giới thiệu những hình ảnh, kỷ vật khoảng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống ở Huế. Ngôi nhà số 112 đường Mai Thúc Loan (nay là số 158 đường Mai Thúc Loan) đã chứng kiến những năm tháng miệt mài đèn sách, khổ công học hành của ông Nguyễn Sinh Sắc, sự trung hậu, đảm đang của bà Hoàng Thị Loan, chứng khiến sự lớn lên và trưởng thành của hai anh em Nguyễn Sinh Cung.

Kỷ niệm những năm tháng tuổi thơ của Bác Hồ ở Huế là nỗi đau mất mẹ, là tiếng khóc của em thơ khát sữa, là nơi đã hun đúc ý chí, khát vọng về độc tập tự do cho dân tộc… Trong tim Người, Huế không chỉ là một phần miền Nam yêu quý mà còn là quê hương, tuổi thơ. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học, những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”.

Hiểu hơn về cuộc đời của Bác

Với hơn 200 tư liệu, hiện vật, triển lãm “Hồ Chí Minh – Những nét phác họa chân dung” do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương tổ chức, giới thiệu đến công chúng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những góc nhìn khác nhau về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách sống của Người. Từ cậu bé giàu nghị lực Nguyễn Sinh Cung đến người thanh niên yêu nước tiến bộ Nguyễn Tất Thành, người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Ái Quốc trong phong trào cộng sản quốc tế, cuối cùng là vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh và cả chân dung đời thường.

Cán bộ, giảng viên Trường ĐH Y dược Huế tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Đăng Tuyên

Những nét phác họa đặc sắc về chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa đặc biệt trong dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nhấn mạnh: “Triển lãm càng có ý nghĩa sâu sắc khi diễn ra ở Thừa Thiên Huế, vùng đất vinh dự có hơn mười năm Người đã sống, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước, tự hào đã góp phần nuôi dưỡng và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước của Người trước tuổi 20, để từ đó thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước. Cho đến nay, nhiều di sản về Người đang được Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế bảo tồn và phát huy giá trị”.

Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cho hay, với 6 chủ đề chính, triển lãm phác họa gần như đầy đủ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, người xem có thể hiểu được cuộc đời, sự nghiệp một vị lãnh tụ vĩ đại, tận tụy quên mình, kiên trung bất khuất vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc nhưng giàu lòng bác ái, thanh bạch, dung dị trong cuộc sống đời thường.

Triển lãm mang đến cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ cơ hội tiếp cận nhiều tư liệu, hiện vật quý giá nhằm tìm hiểu, cảm nhận sâu sắc hơn về cốt cách, bản lĩnh của con người Việt Nam thông qua chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh Trần Anh Tiến, Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Công an tỉnh chia sẻ: “Xem cuộc sống đời thường gần gũi, nhìn ngắm những vật dụng giản dị, mộc mạc Bác vẫn sử dụng hàng ngày, tôi nhận ra, thế hệ trẻ chúng tôi cần cố gắng hơn nữa trong tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, lấy đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, công tác, học tập và chiến đấu”..

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Có “Một mùa thu chưa xa” rất riêng của Trần Vĩnh Thịnh

Họa sĩ xứ Huế - Trần Vĩnh Thịnh đã đưa triển lãm “Một mùa thu chưa xa” của mình đến với công chúng yêu nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm khai mạc chiều 3/11 tại không gian Maii Art Space (72/7 Trần Quốc Toản, quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Có “Một mùa thu chưa xa” rất riêng của Trần Vĩnh Thịnh
Chân dung nhà vô địch đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24

Với màn thể hiện xuất sắc trong trận chung kết năm của chương trình Đường lên đỉnh Olympia, em Võ Quang Phú Đức, học sinh lớp 12 Toán 1, Trường THPT chuyên Quốc Học Huế đã mang vòng nguyệt quế trở về quê hương, trở thành cái tên thứ ba của trường trở thành nhà vô địch sau Hồ Ngọc Hân (năm 2009) và Hồ Đắc Thanh Chương (năm 2016). Báo Thừa Thiên Huế Online có cuộc trao đổi với Phú Đức về cảm xúc của em và những diễn biến trong trận chung kết.

Chân dung nhà vô địch đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24
Đưa tác phẩm về Bác Hồ triển lãm ở TP. Hồ Chí Minh

Đại diện Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế ngày 12/10 cho biết, đơn vị đã đưa các tác phẩm hội họa, điêu khắc vào TP. Hồ Chí Minh và phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh để triển lãm, giới thiệu đến công chúng.

Đưa tác phẩm về Bác Hồ triển lãm ở TP Hồ Chí Minh
KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 - 10/10/2024)
Xứng danh với lời căn dặn của Bác Hồ

Ngày 10/10/1954, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội tiến về tiếp quản Thủ đô.

Xứng danh với lời căn dặn của Bác Hồ
Return to top