ClockChủ Nhật, 29/01/2023 07:54

Phong, Trung & đam mê số hóa ảnh di sản

TTH - “Việc này giúp con cháu đời sau của họ sẽ không phải mất công hình dung tổ tiên mình trông như thế nào”, Trung giải thích. Rồi nói rằng, hiểu nôm na, số hóa ảnh như là việc photoshop cho ảnh sau khi chụp. Chỉ khác là với số hóa, người dùng phải mua phần mềm riêng và phải trả tiền hàng năm. Trung và Phong nói về công việc, về đam mê số hóa ảnh tư liệu nhẹ tênh, nhưng tôi đọc được trong đó cả sự đam mê và tình yêu dành cho di sản, cho Huế.

Chạy đua với thời gian để bảo tồn di sản Hán NômTheo dấu tài liệu Hán - NômSố hóa ảnh tư liệu về di tích

Số hóa ảnh di sản đòi hỏi cả đam mê và sự đầu tư nghiêm túc

Tôi biết Nguyễn Phong (Nguyễn Tấn Anh Phong) và Trung Phan (Phan Văn Trung) từ lúc phụ trách tờ Cuối tuần của cơ quan báo, cũng tầm 5 năm. Khoảng thời gian đó chủ yếu vẫn liên lạc để nhờ hai bạn chụp ảnh khi cần ảnh minh họa cho bài ở các chuyên mục, mà nhiều nhất vẫn là ảnh bìa, phóng sự ảnh. Cả hai đều có không ít góc ảnh đứng chân ở trang bìa các số báo đặc biệt. Ảnh luôn sắc nét, bố cục hay, độ phân giải cao và luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng cộng tác dù trong hay ngoài giờ hành chính. Thế nên, khi cần ảnh, người đầu tiên tôi nghĩ đến vẫn là Phong hoặc Trung.

Tất nhiên, chuyện chỉ có thế nếu thời gian gần đây, hai bạn không đăng rất nhiều ảnh về di tích và các công trình, nhân vật lịch sử sau khi số hóa. Trên trang facebook cá nhân của các bạn, qua so sánh ảnh cũ và ảnh mới sau số hóa, có thể thấy sự sắc nét, tinh xảo đến từng chi tiết và có thể phóng to cỡ lớn nhất để treo tường.

Điều làm tôi bất ngờ là cả Phong và Trung đều là dân tay ngang, vì đam mê ảnh mà theo bộ môn nghệ thuật này. Nói nghệ thuật cũng đúng mà báo chí cũng chẳng sai, bởi thể loại nào các bạn cũng có thể chụp và còn chụp rất đẹp. Nhưng điều tôi ngạc nhiên hơn cả là việc số hóa. Phong nói, em mày mò đã nhiều năm nhưng thất bại rất nhiều lần. Mãi đến gần đây, khi số hóa bức ảnh Nam Phương hoàng hậu, Phong mới thành công. Và hai bạn cũng là những người đầu tiên gần như trên cả nước thực hiện thành công lĩnh vực số hóa ảnh tư liệu, di tích.

Sau khi số hóa thành công bức ảnh Nam Phương hoàng hậu, Phong và Trung phóng to cỡ lớn để tặng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Hiện bức ảnh đang được trưng bày ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Sau thành công đó, Phong và Trung tập trung nhiều hơn với mảng ảnh tư liệu cũ, bao gồm các quan thần triều đình nhà Nguyễn, kiến trúc các công trình lăng tẩm, điện, nhà thờ…

Khi đã thao tác thành thục, cái khó với Phong và Trung không phải là số hóa, mà quan trọng nhất là nguồn ảnh tư liệu cũ. “Không dễ để tiếp cận. Một phần vì ảnh xưa thất lạc khá nhiều, phần còn lại đa số nằm ở nước ngoài nên không dễ để mua hoặc mượn”.

Thường số hóa mỗi bức ảnh trung bình ít bị hư hỏng mất khoảng vài ba ngày. Nhiều hơn thì một tuần, có khi nửa tháng. Nhưng cái vui nhất sau khi số hóa vẫn là trả lại đúng nhất hình ảnh nhân vật hoặc kiến trúc, nét chữ. Có nhiều bức ảnh chụp kiến trúc có khắc chữ Hán - Nôm có thể bị mờ, mất nét thì sau khi số hóa, các nét chữ sẽ rất rõ. Điều đó giúp ích rất lớn cho công tác lưu trữ, bảo tồn.

Hay như một số nhân vật vua, quan, có thể quá trình lưu trữ không có hình ảnh thật mà phải vẽ lại để thờ hoặc trưng bày nhưng qua nét vẽ, sẽ rất khó để đảm bảo tính chính xác 100%, nhất là thần thái của nhân vật. Do vậy, chỉ cần có ảnh gốc thì với công nghệ số hóa sẽ cho ảnh chuẩn xác nhất. “Việc này giúp con cháu đời sau của họ sẽ không phải mất công hình dung tổ tiên mình trông như thế nào”, Trung giải thích.

Tôi hỏi về những khó khăn, nhất là phải lo cơm áo gạo tiền. Trung còn trẻ chưa có gia đình nhưng Phong thì khác, cậu có 3 cô con gái đang tuổi ăn tuổi học, nếu chỉ làm vì đam mê thì những “toa tàu há mồm” lấy gì bỏ vào miệng? Phong lại cười nói em có công việc ổn định, thu nhập cũng ổn.

Trung thì theo mảng ảnh dịch vụ, chụp ảnh cưới, nội thất, các quán cà phê… để kiếm sống. Thời gian còn lại em dành cho ảnh, từ các bộ ảnh về đời sống văn hóa, đến các tập tục. Trung nói, em có rất nhiều bộ ảnh khác nữa về các làng nghề, rất chi tiết và sắc nét. Để lỡ sau này nếu nghề đó thất truyền hoặc ai đó cần, em có thể cung cấp cho họ để làm tư liệu tham khảo…

Lại nói về đam mê chụp ảnh di sản của hai nhiếp ảnh trẻ. Vì đam mê nên Phong và Trung đã dành hơn hai năm miệt mài đi và chụp di sản. Bây giờ họ có gần như đầy đủ bộ sưu tập ảnh về kiến trúc các lăng tẩm, Đại Nội, đền đài trên địa bàn.

Tôi hỏi các bạn chụp vậy không phải mục đích thương mại thì để làm gì? Có bán không? Phong chỉ cười và nói, nếu các báo hoặc ai có nhu cầu mua thì em sẽ bán, nhưng với mục đích trưng bày thì chỉ tặng. Nhưng có bán cho các báo thì nhuận bút chỉ để làm từ thiện. “Em không sống bằng nghề này!” - Hai nhiếp ảnh cùng khẳng định.

Lời Phong nói làm tôi nhớ lại quãng thời gian dịch bệnh và trước đó nữa, khi cơ quan tôi tổ chức chương trình hướng về Sài Gòn, các bạn đã rất nhiệt tình ủng hộ. Trước đó, hai bạn cũng tự làm một chương trình riêng để tặng quà cho người nghèo trên địa bàn. Toàn bộ số tiền đó là nhuận bút từ Thừa Thiên Huế và một số báo khác mà các bạn cộng tác.

“Tụi em có heo đất chung. Lúc nào nhận được nhuận ảnh từ báo là bỏ vào, cả em Trung, Long (Lương Nam Nhật Long) và một vài bạn khác thỉnh thoảng cũng hưởng ứng, như Doãn Quang (cũng là một cộng tác viên ảnh rất tích cực của tờ Cuối tuần). Cuối năm tổng kết một lần hoặc sau mỗi đợt lụt bão, thiên tai. Nếu ít quá thì trích tiền túi, mua vài chục bao gạo, mắm muối, mì tôm, tiền mặt để tặng cho các mệ già neo đơn, người nghèo”… Tôi lại nhớ, mình và đồng nghiệp đã làm cầu nối cho Phong để tấm lòng thơm thảo đó sớm đến với người nhận.

“Giờ thiên tai dịch bệnh có đỡ hơn, tụi em lại có thời gian cho mảng ảnh tư liệu. Sau số hóa ảnh di tích, tư liệu, em cũng chuẩn bị khá đủ các góc ảnh về Huế ảnh để tặng cho UBND TP. Huế. Rồi tiến tới là ảnh tư liệu các dòng họ, ảnh thờ… Ai cần em cũng có thể số hóa giúp…”. Tôi hỏi Phong có ôm đồm quá không, với chừng ấy công việc chủ yếu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”? Em lại cười. –Đã là đam mê, nó ăn vào máu, vào từng hơi thở rồi thì có gì mà làm không được!?

Cách mà Trung và Phong nói về công việc, về đam mê số hóa ảnh tư liệu dù nhẹ tênh nhưng tôi đọc được trong đó cả sự quyết tâm và tình yêu dành cho di sản, cho Huế.

Bài: Tâm Huệ

Ảnh: Nhật Long

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719), huyện A Lưới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ di sản vô cùng quý báu này.

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử:
Cách làm hay ở Kim Long

Đảng ủy phường Kim Long (TP. Huế) đã tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng địa phương. Đây là hình thức truyền thông giáo dục sinh động, không chỉ giúp lan tỏa giá trị lịch sử mà còn góp phần nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân…

Cách làm hay ở Kim Long
Trường Cao đẳng Huế:
Đăng cai Hội thảo "Xã hội và văn hoá châu Á trong thời kỳ công nghệ số"

Với chủ đề "Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số", hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á sẽ diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế. Được Trường Cao đẳng Huế đồng chủ trì tổ chức, đây là lần đầu tiên Trường Cao đẳng Huế vinh dự đăng cai tổ chức sự kiện này.

Đăng cai Hội thảo Xã hội và văn hoá châu Á trong thời  kỳ công nghệ số
Thảo luận Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi):
Phân cấp, phân quyền tạo ra hiệu quả cao trong trùng tu di sản

Tại phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) chiều 23/10, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nguyễn Thị Sửu đã dẫn chứng về công tác bảo tồn, trùng tu di sản Huế để góp ý cho dự thảo.

Phân cấp, phân quyền tạo ra hiệu quả cao trong trùng tu di sản

TIN MỚI

Return to top