Và lần đầu tiên, tôi đọc “Những người khốn khổ” của Victor Hugo trong số những cuốn sách quà cưới của chị. Không chỉ tặng sách cho nhau, bấy giờ cả cái xóm nhỏ ở làng Dạ Lê Thượng (Hương Thủy), vùng quê ven đô của tôi, người ta thi nhau đọc sách. Ai có cuốn sách truyện, cả xóm đều biết, thế là tìm cách mượn, không mượn thì đổi bằng một cuốn khác, cứ thế sách được chuyền tay.
Tôi có anh bạn lớn tuổi cùng xóm phải nghỉ học sớm để cùng gia đình đi khai hoang ở sông Hai Nhánh giải quyết cái ăn đang gặp lúc quá khó khăn. Ít ai ngờ, hành trang cho mỗi chuyến đi của anh, ngoài áo quần và gạo cơm mắm muối, bao giờ cũng có nhiều cuốn sách, trong đó có không ít cuốn anh đã đọc đi, đọc lại nhiều lần. Anh bảo, sau một ngày lam lũ với công việc, tối về trong căn lều che tạm giữa rừng xanh, anh đã “nhờ” những cuốn sách mà quên đi bao nỗi sợ hãi và cô đơn.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể hiểu nổi vì sao ngày ấy thanh niên làng tôi và cả những đứa trẻ như tôi lại ham đọc sách đến thế, đọc “thượng vàng hạ cám”, đọc bất kể lúc nào và ở đâu mỗi khi cầm được cuốn sách. Có người bảo, do các hoạt động văn hóa tinh thần quá thiếu thốn nên đọc sách được lựa chọn. Lại có ý kiến cho rằng, ấy là bởi truyền thống. Nó như ngấm sâu vào máu của mỗi con người. Tôi lại nghĩ, ở đây hàm chứa cả hai yếu tố trong đó.
Sau này có điều kiện lên Huế học tập và làm việc, có dịp đi lại và tiếp xúc với nhiều người, tôi chợt hiểu ra và khám phá một điều mới mẻ về truyền thống văn hóa đọc sách của người Huế. Người Huế mê nhà, mê vườn, mê chơi cây cảnh và cũng không quên mê sách. Nhà giàu có cả thư phòng, kha khá thì có tủ sách và dù ai đó nghèo vẫn không quên đóng một kệ sách ở phía trên cao. Đó được xem là niềm tự hào, không chỉ để đọc mà còn để ngắm, để khoe. Càng có nhiều sách và càng có sách hiếm, càng mở mặt mở mày.
Ở cái thành phố này cổ kính và nhỏ bé này, có bao điều để nhớ, thế mà không chỉ có giới trí thức hay văn nghệ sĩ mà cả những người lao động bình dân vẫn cứ hay nhắc về những cái tên, như Nguyễn Hữu Châu Phan, Hồ Tấn Phan, Nguyễn Đắc Xuân… với lý do họ đã và đang sở hữu những thư phòng hay tủ sách gia đình đáng ngưỡng mộ. Câu chuyện về thư viện gia đình của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan thật đáng suy nghĩ. Nó gắn liền với người cha của ông Châu Phan là cụ Nguyễn Hữu Đính, một trong những kỹ sư thuỷ lâm đầu tiên của Việt Nam.
Sinh thời, cụ Đính vốn là người mê sách. Lương tiền bao nhiêu cụ đều dồn cho việc sưu tầm sách. Thư phòng mà cụ Đính để lại được ông Châu Phan tiếp tục bổ sung có đến 1 vạn cuốn sách. Với quan niệm, có nhiều sách rất hạnh phúc, nhưng sẽ hạnh phúc hơn nếu sách của mình được phục vụ cộng đồng, hỗ trợ công việc, đem lại tri thức và sự mở mang cho nhiều người khác, nên từ nhiều năm nay thư phòng của ông Châu Phan đều đặn mở cửa một tuần 3 buổi sáng (hai, tư, sáu) để phục vụ miễn phí những ai có nhu cầu đọc và tra cứu... Thật là việc làm đáng trân trọng!
Năm 1999, ông Hồ Huệ, một người thợ kim hoàn, đã bỏ tiền xây dựng ở làng Kế Môn (Phong Điền) một thư viện. Quy mô không lớn và cách sắp xếp sách vở cũng như người phục vụ vẫn còn rất a – ma – tơ, nhưng đáng quý ở đây là tấm lòng. Nó có thể được xem là khuôn mẫu cho ý tưởng phát triển văn hóa, đưa kiến thức về tận vùng quê.
ĐAN DUY
(Viết nhân Ngày đọc sách Việt Nam)