Ngoài đọc sách, các bạn nhỏ còn tham gia nhiều hoạt động dã ngoại, tình nguyện để khám phá và sẻ chia yêu thương
“Đọc sách vui vẻ” là cái tên do chính các bạn nhỏ trong lứa tuổi học sinh tiểu học của CLB này đặt. Ở đây, luôn rộn rã tiếng cười nói hồn nhiên, niềm vui con trẻ bình dị nhưng luôn có sức mạnh lan tỏa diệu kỳ.
Cứ mỗi cuối tuần, các em nhỏ lại háo hức tham gia sinh hoạt, cùng kể cho những nhau nghe tuần qua mình đã đọc được những cuốn sách gì, tâm đắc nhất điều gì và rút ra bài học nào. Các em có thể đọc sách tự do hoặc đọc sách theo chủ đề được thống nhất từ trước đó. Dường như bạn nào cũng trở thành “thuyết trình viên” nhí. Minh Trí, Trường Tiểu học (TH) Thuận Hòa, TP. Huế, mạnh dạn thuyết trình cho các bạn nghe về vấn đề môi trường sau khi đọc cuốn “Khi loài cá biến mất”; cô bé Bảo Trân, Trường TH Trường An, lại đem sự hiểu biết về lịch sử hình thành đồng tiền, các thông tin về tiền tệ ngày nay được rút ra từ cuốn “Tiền – Những điều tôi muốn biết” cho bạn bè cùng nghe…
Không chỉ đơn thuần là tóm tắt câu chuyện, đưa ra suy nghĩ, quan điểm của bản thân, buổi thảo luận còn thêm phần rộn rã bởi sự tương tác giữa người nói và người nghe. Các bạn nhỏ thi nhau phát biểu, “chất vấn” người trình bày, vì sao bạn lại đọc cuốn sách này, sách này có gì hay, bài học bạn rút ra là gì… Có những lúc nhiều bạn muốn đặt câu hỏi cùng lần, nhân vật chính ở trên còn ngộ nghĩnh đưa ra đề nghị, hai bạn oẳn tù tì đi, ai thắng thì đặt câu hỏi trước, khiến người lớn cười òa. Các em còn “bày trò” giải một câu đố liên quan đến cuốn sách vừa được nhắc đến, đoán một kết thúc câu chuyện, nghĩ về một từ của nhà văn hay biểu diễn minh họa cho một đoạn văn, vừa diễn vừa cười khúc khích.
Sách trở thành người bạn thân với nhiều em nhỏ
Chị Nguyễn Khánh Linh, người sáng lập cũng là Chủ nhiệm CLB Đọc sách vui vẻ, cho biết: “Các em được hướng đến tìm đọc ở mọi thể loại sách như khoa học – kỹ thuật, kinh tế, chính trị, lịch sử, văn học dành cho tuổi thiếu nhi, đã được các mẹ tìm hiểu kỹ rồi giới thiệu. Ở trong đó, những thông điệp về giá trị sống, về bài học nhân văn, mỹ học, kiến thức đời sống đến với các em nhanh, trực diện nhưng rất nhẹ nhàng, hóm hỉnh”.
Các mẹ đóng vai trò quan trọng, là người giúp con rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại. Với những bé nhỏ tuổi, để thu hút sự quan tâm, các mẹ thường hướng cho con tiếp xúc với những cuốn sách có nhiều hình vẽ sinh động, màu sắc phong phú. Nhiều phụ huynh cho biết, sau khi tham gia CLB, sách đã trở thành người bạn thân thiết của con, giúp giảm bớt thời gian của con với các phương tiện truyền thông thụ động như tivi, máy tính, điện thoại.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hiệp (phường Phú Hậu, TP. Huế) có hai con đang tham gia sinh hoạt tại CLB, chia sẻ: “Các con tôi ngày càng chăm chỉ đọc sách hơn, mỗi đêm trước khi đi ngủ thường dành nửa tiếng để đọc sách. Đồng thời, các con mạnh dạn hơn, bắt đầu nhận ra niềm vui học tập, tập trung, khám phá sở thích và hiểu bản thân, tương tác với bạn bè, cảm nhận và trân trọng giá trị tốt đẹp xung quanh”.
Không chỉ bó gọn trong hoạt động đọc sách, các bé trong CLB còn được hướng tới những hoạt động dã ngoại, khám phá thiên nhiên và các hoạt động từ thiện. Em Minh Trí hào hứng: “Chúng em được hướng dẫn thu gom rác trong chiến dịch bảo vệ môi trường; tổ chức nấu cháo sẻ chia yêu thương cho các bệnh nhi ung thư; được tập huấn kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn; cùng đạp xe và cắm trại, ra ngoài thiên nhiên để viết bài thu hoạch, cảm tưởng...”.
Chị Nguyễn Khánh Linh cho rằng, ngoài đọc sách để mở mang kiến thức, các bạn nhỏ tham gia CLB còn nhận được nhiều hơn thế, có cơ hội phát hiện và phát triển thiên hướng của bản thân, rèn luyện khả năng nhận biết, bày tỏ các sắc thái tình cảm, cảm xúc, hoàn thiện các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, tư duy logic, khả năng viết.
Bài, ảnh: Phước Ly