Thứ Tư, 28/08/2024 15:51
(GMT+7)
Tủ sách Huế vẫn chưa thực sự lan tỏa và xã hội hóa
TTH.VN - Đó là nhận định được rất nhiều đại biểu đồng tình đưa ra tại buổi tọa đàm “Hành trình phát triển Tủ sách Huế và công tác xã hội hóa, xuất bản các ẩn phẩm Tủ sách Huế giai đoạn 2024-2030”, diễn ra ngày 28/8 tại TP. Huế.
|
Với 11 ấn phẩm được ra đời, Tủ sách Huế vẫn chưa thực sự lan tỏa |
Tọa đàm do Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, cùng sự tham gia của đại diện các nhà xuất bản, công ty chuyên về sách, các nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa…
Đề án Tủ sách Huế ra mắt năm 2021 với mục tiêu hướng đến giới thiệu quảng bá hình ảnh Huế qua sách, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô. Tủ sách còn hướng đến xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực.
Đến thời điểm này, có 11 ấn phẩm được xuất bản, gắn logo Tủ sách Huế. Thế nhưng, việc lan tỏa Tủ sách Huế hiện chỉ dừng lại ở các sự kiện như ngày sách, trao tặng sách cho hệ thống thư viện, trưng bày và triển lãm các ấn phẩm Tủ sách Huế…
|
Đại diện Quỹ phát triển Tủ sách Huế ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành |
Tại tọa đàm, rất nhiều ý kiến đề nghị cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để Tủ sách Huế lan tỏa, không chỉ là quà tặng và in từ tiền ngân sách mà cần xã hội hóa, liên kết các nhà xuất bản, phát hành uy tín lớn trong cả nước, quốc tế để in, cũng như nới rộng thị trường để bạn đọc có cơ hội tiếp cận. Không dừng lại đó, cần phải được đầu tư để đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng công nghệ, mạng xã hội thay thế dần cho hình thức truyền thông trên báo giấy.
Dịp này, Quỹ phát triển Tủ sách Huế cũng được công bố, ra mắt và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành.
N. MINH