ClockThứ Sáu, 27/09/2024 06:19

Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 2: Muốn lan tỏa, thôi phụ thuộc ngân sách

TTH - Bên cạnh việc lan tỏa ra thị trường đến rộng rãi hơn với bạn đọc không những trong nước mà xa hơn là quốc tế, những ấn phẩm Tủ sách Huế về lâu dài cần được nhân rộng số lượng phát hành thông qua hình thức xã hội hóa. Xa hơn cũng cần tính toán để Tủ sách Huế thích ứng với quá trình chuyển đổi số để mọi người dễ tiếp cận. Đây là hiến kế của các chuyên gia, những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản khi bàn về đường hướng phát triển Tủ sách Huế không chỉ trong tương lai, mà cần hành động ngay từ bây giờ.

Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 1: Khiêm tốn số lượng, nặng tính hàn lâm

 Cần đa dạng hóa các hình thức phát hành, xuất bản, liên kết phát hành và xuất bản để đưa Tủ sách Huế đến với bạn đọc và các tổ chức, cá nhân

Tìm cơ chế thoáng

Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam Khúc Thị Hoa Phượng một lần nữa nhấn mạnh, việc ngân sách phục vụ cho đề án Tủ sách Huế chỉ mang tính tạm thời. Về lâu dài cần phải xã hội hóa, liên kết với các nhà xuất bản để đưa sách hay trong Tủ sách Huế ra với thị trường.

Với kinh nghiệm của người từng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, bà Phượng cho rằng, cùng với những cuốn sách hàn lâm, Tủ sách Huế cần có những cuốn sách tạm gọi là bình dân, phổ biến kiến thức. Và không phải ấn phẩm nào cũng dùng ngân sách nhà nước mà cần phải có sự kết hợp, xã hội hóa.

“Với những sách khó và sách hàn lâm, sách dài hơi liên quan đến kho tư liệu về Huế thì chúng ta có thể dùng ngân sách nhà nước để phối hợp với các nhà xuất bản, các công ty sách cùng triển khai. Ngoài ra, chúng ta có thể xã hội hóa bằng cách các nhà xuất bản, công ty sách có thể tự bỏ kinh phí của mình để làm những mảng sách phổ biến liên quan đến văn hóa, kiến thức về Huế”, bà Phượng nói và khẳng định ở góc độ Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam sẽ sẵn sàng đứng ra để làm.

Bà Phượng dẫn chứng, mới đây Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam đã phối hợp với tác giả - nhà báo Minh Tự (công tác tại Báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh, hiện đang làm việc ở Huế) ra mắt ấn phẩm là tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa”. Chỉ sau một thời gian ngắn, ấn phẩm được in bằng tiếng Việt và tiếng Anh đã nhận được phản hồi rất tốt từ bạn đọc thông qua con số phát hành. “Dù cuốn sách chưa gắn logo Tủ sách Huế nhưng đây là cuốn sách hay, bởi nó phổ biến những kiến thức văn hóa, lịch sử của Huế thông qua những bài viết rất giản dị, đầy cảm xúc vì thế rất dễ đi vào lòng bạn đọc, du khách đến với Huế”, bà Phượng chia sẻ thêm sau một tháng ra mắt, sách đã được nối bản.

Quay trở lại câu chuyện Tủ sách Huế, một lần nữa bà Phượng cho rằng, cần có nhiều cuốn sách như thế và cần sự bắt tay, kết hợp bài bản của tác giả, nhà xuất bản và những người làm đề án để có một hướng đi đúng. “Nói gì thì nói, sách ra đời quan trọng nhất là có bạn đọc và được bạn đọc yêu thích. Nên chăng chúng ta cần có cơ chế để cho những cuốn sách, đặc biệt là những cuốn sách về Huế phát hành rồi thì phát hành tốt hơn nữa”, bà Phượng hy vọng và mong rằng cần có cơ chế thoáng hơn trong việc gắn logo Tủ sách Huế cho những cuốn sách khác.

Trong khi đó, theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, bên cạnh những ấn phẩm hàn lâm, đề án cũng tính đến có những ấn phẩm bình dân, tăng khả năng tiếp cận của độc giả, đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của nhiều đối tượng trong xã hội.

“Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị, các tác giả tiến hành thống kê các ấn phẩm đã xuất bản, các công trình, ấn phẩm mới, đề xuất đưa vào danh mục các ấn phẩm gắn logo Tủ sách Huế, trình UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó các ngành, đơn vị có kế hoạch dài hơi trong việc liên kết, phối hợp, hợp tác với các nhà xuất bản, công ty phát hành xuất bản gắn logo Tủ sách Huế với các phương án cung ứng cho thị trường phù hợp, tạo điều kiện ấn phẩm liên quan đến Huế đến gần hơn với độc giả. Trong đó, đương nhiên sẽ có nhiều ấn phẩm ở các thể loại, loại hình, lĩnh vực, phù hợp với nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi, chứ không chỉ tập trung cho một lĩnh vực hay một loại hình nào riêng”, ông Hải khẳng định.

Cần điều chỉnh mục tiêu, cơ chế?

Để những ấn phẩm Tủ sách Huế thật sự lan tỏa và đi đúng hướng, ông Nguyễn Xuân Thanh, Trưởng phòng Quản lý In và Phát hành Xuất bản phẩm - Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, việc xã hội hóa Tủ sách Huế là hợp lý và cần thiết. Nhưng để làm được việc này những người thực hiện đề án cần phải vận động các cá nhân, tổ chức trong ngoài nước cũng như làm sao để họ hiểu được giá trị của Tủ sách Huế, có như thế họ mới chịu hỗ trợ, đầu tư kinh phí.

“Cần đa dạng hóa các hình thức phát hành, xuất bản, liên kết phát hành và xuất bản để đưa Tủ sách Huế đến với bạn đọc, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Trong đó cần lưu ý đến sách điện tử, bởi nó có sức lan tỏa rất cao”, ông Thanh phân tích.

Đứng trước những thách thức đó, ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế – một trong những đơn vị thực hiện đề án – nhìn nhận đã đến lúc cần phải lan tỏa Tủ sách Huế bằng cách xã hội hóa, thay vì phụ thuộc vào ngân sách.

Ông Cường cho hay, đã xin UBND tỉnh thành lập Quỹ phát triển Tủ sách Huế và đã được đồng ý. Quỹ này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm mục đích hỗ trợ xây dựng và phát triển đề án Tủ sách Huế. Quỹ được hình thành từ nguồn vốn đóng góp ban đầu của các sáng lập viên và tăng trưởng tài sản quỹ trên cơ sở vận động tài trợ, vận động quyên góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; đóng góp quỹ từ nguồn thu phát hành xuất bản phẩm để xây dựng và phát triển Tủ sách Huế.

“Thông qua quỹ này, chúng tôi sẽ vận động, kêu gọi tài trợ, xã hội hóa để có nguồn lực đồng hành xuất bản, đưa Tủ sách Huế ra thị trường”, ông Cường nói.

Không riêng ông Cường, quá trình thực hiện đề án, nhiều người cũng nhận ra nhu cầu tìm hiểu, tiếp cận và đọc sách thuộc Tủ sách Huế khá đa dạng, nhưng nguồn lực còn nhiều hạn chế. “Do đó cần phải xây dựng một lộ trình và hướng đi phù hợp - ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đề nghị và cho biết thêm - hiện đang tiếp tục tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cũng như nguyện vọng và mong muốn của bạn đọc gần xa để xin báo cáo lãnh đạo tỉnh điều chỉnh mục tiêu, cơ chế, các quy định liên quan để phát triển, phổ biến rộng rãi Tủ sách Huế trong cộng đồng, góp phần quảng bá, truyền thông về vùng đất và con người Thừa Thiên Huế”.

Một trong những hướng đi phù hợp theo ông Hải ngoài phương án xã hội hóa, cần tăng cường sự liên kết, phối hợp với các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách trên toàn quốc để tăng lượng ấn phẩm phát hành gắn logo Tủ sách Huế, giải quyết vấn đề nguồn lực tài chính. Với phương án này hy vọng hiệu quả cao không chỉ tăng nhanh số lượng ấn phẩm Tủ sách Huế mà vẫn đáp ứng tiêu chí của đề án, lan tỏa rộng rãi Tủ sách Huế trong cộng đồng.

Tủ sách Huế cần được giao về một đầu mối

Theo đại diện một số nhà xuất bản, đề án Tủ sách Huế cùng lúc giao cho nhiều đơn vị thực hiện, chẳng khác gì “cha chung” nên cần giao về một đầu mối. “Có như thế những nhà xuất bản mới dễ dàng, thuận tiện trong phối hợp làm việc”, một đại diện nhà xuất bản đề nghị.

Được biết đề án Thiết lập và phát triển Tủ sách Huế do UBND tỉnh đề xuất và giao cho các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện. Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế là đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề liên quan đến những nhiệm vụ, công việc cụ thể sẽ do một số ngành, đơn vị phụ trách theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện đề án chưa đồng bộ, vướng mắc nhiều khâu, nhiều vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm, khó khăn cho các đơn vị trong quá trình triển khai đề án, trong đó có công tác liên kết, hợp tác xuất bản các ấn phẩm gắn logo Tủ sách Huế.

Ông Phan Thanh Hải nói rằng, để triển khai hiệu quả đề án, cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung quy chế quản lý, phối hợp tổ chức thực hiện; kiện toàn bộ máy thực hiện đề án theo hướng phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, một việc chỉ giao cho một đơn vị, một đầu mối để tiện trong điều hành và các hoạt động liên kết, hợp tác. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng cho được cơ chế liên kết, hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị với các nhà xuất bản, công ty phát hành; quyền lợi, trách nhiệm cụ thể giữa các bên khi liên kết, hợp tác trong quá trình khai thác và phát triển Tủ sách Huế.


Bài, ảnh: NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
NT
Nguyễn Tường - 27/09/2024 09:58
Xin mạo muội góp ý kiến, Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hóa, giáo dục ở miền Trung và Tây Nguyên. Nên nâng cấp Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hóa, giáo dục cả nước, hội nhập quốc tế, vươn tầm thế giới. Đọc sách rất quan trọng. Phát triển Tủ sách Huế rất có ý nghĩa. Cần nhân rộng mô hình Tủ sách Huế. Để có lợi nhuận, không chỉ có tủ sách Huế mà còn tái thành lập Đường sách Huế như mô hình Đường sách Nguyễn Văn Bình (TPHCM) và phố sách Hà Nội https://ict-hcm.gov.vn/tin-tuc?xay-dung-them-cac-pho-sach-duong-sach-tao-dot-pha-cho-van-hoa-doc&post=MTMg5MDgzMDQzNw== . Tham quan, học hỏi, tham gia triển lãm sách ở Hội chợ sách Frankfurt https://www.buchmesse.de/en và Hội chợ sách London https://www.londonbookfair.co.uk/ . Xem xét các mô hình khác ở khắp nơi thế giới https://www.theguardian.com/travel/2018/apr/26/10-worlds-best-book-towns-france-spain-south-korea-usa . Liên kết các tác giả viết sách trong các trường Đại học không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà là ở cả nước, quốc tế. Mô hình đường sách Nguyễn Văn Bình, có một công ty Nhà nước quản lý cả đường sách, sau đó chia lô đất cho thuê các nhà xuất bản xây dựng nhà sách đại diện trên đường sách, nên có bản vẽ kiến trúc sư, để phù hợp cảnh quan đường sách. Có cafe sách kèm theo. Nếu có điều kiện, thuê hẳn chuyên gia uy tín ở Ngành Xuất bản từ TPHCM, Hà Nội hay từ chuyên gia quốc tế từ tập đoàn xuất bản lớn nhất thế giới Elsevier về làm CEO, cố vấn. Có thể học hỏi mô hình bán sách trên nền tảng thương mại điện tử Amazon (sách giấy, sách điện tử, máy đọc sách Kindle, máy tính bảng). Nhận thêm nhiều ý kiến kiều bào nước ngoài, du học sinh quốc tế, các chuyên gia, những người yêu Huế. Tham gia các hội nghị, hội thảo về sách. Tăng cường quảng bá Tủ sách Huế, đường sách Huế (nếu thành lập) cho người dân. Đường sách Huế ở vị trí đắc địa như ở trung tâm, khu vui chơi, siêu thị, trường học... Xin cám ơn.

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình

Nhờ những biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai đồng bộ và tích cực, số vụ bạo lực ngày càng giảm. Việc hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình được tiến hành kịp thời.

Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

TIN MỚI

Return to top