ClockThứ Tư, 02/10/2019 14:03

Siết chặt quản lý dịch vụ văn hóa gây ồn

TTH - Việc sử dụng hệ thống loa âm thanh với công suất lớn, tổ chức hát karaoke, rao bán hàng rong, hát dạo… gây tiếng ồn vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, gây bức xúc dư luận.

Kiểm soát ô nhiễm tiếng ồnCần xử lý các đối tượng gây mất an ninh trật tự

Tiếng ồn từ các dàn karaoke di động, loa kẹo kéo đang là nổi ám ảnh, gây bức xúc cho người dân. Ảnh: HOÀI THƯƠNG

“Khuấy động” xóm làng

Gây bức xúc nhất là loại hình karaoke “di động”. Từ khi karaoke “di động” trở thành phong trào, mỗi khi có dịp vui, nhiều người thuê về nhà, đến quán nhậu để thỏa sở thích ca hát. Nắm bắt nhu cầu, dịch vụ cho thuê karaoke “di động” ngày càng phát triển. Chỉ với màn hình lớn, amply, micro và đôi loa “khủng”, chủ dịch vụ sẽ chở máy móc đến tận nơi, giá dao động từ 70.000-100.000 đồng mỗi giờ. Đơn giản hơn, chỉ với chiếc loa di động, micro karaoke kết nối với điện thoại thông minh, người sử dụng có thể “khoe giọng”.

Cũng từ dạo loại hình karaoke này phát triển, nhiều khu dân cư từ đô thị đến nông thôn khổ sở vì nó. Ông Phạm Tại (thị xã Hương Thủy) bức xúc: “Nếu chỉ những dịp cưới, hỏi, đầy tháng, người ta gọi karaoke “di động” tới để hát cho vui thì có thể thông cảm được. Đằng này, cứ tụ tập nhậu nhẹt đến say sưa rồi hứng lên gọi karaoke tới hát cho cả xóm nghe hoài thì… chịu không thấu”.

Một cán bộ của Sở Văn hóa và Thể thao than thở, những ngày ở nhà dưỡng bệnh sau khi nằm viện về, ông mới “thấm” sự “tra tấn” của những giọng hát từ phong trào karaoke “di động”. Ông thở dài: “Thật khổ sở vì tình trạng hát hò bất chấp thời gian của nhiều người, nhất là khi uống quá chén, bia rượu ngấm vào là cao hứng hát xuyên trưa, thâu đêm. Tôi phản ánh đến tổ dân phố, tổ trưởng đến nhắc nhở thì yên tĩnh được vài hôm, rồi đâu lại vào đấy”.

Theo ông Phạm Công Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền), karaoke “di động” hoạt động tràn lan ở Quảng Thái khiến nhiều người dân bức xúc, phản ánh đến chính quyền địa phương: “Vẫn biết là nhiều người yêu ca hát, nhưng phải có giới hạn, chứ trưa hát, tối hát, ầm ĩ như vậy khiến trẻ em học bài không được, người già cũng không thể ngủ, làm phiền đến cuộc sống của mọi người thì khó mà chấp nhận”.

Chấn chỉnh hoạt động văn hóa gây ồn

Ngày 14/2, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND về tăng cường quản lý các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa, hoạt động văn hóa gây tiếng ồn, làm mất an ninh trật tự tại khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

Mới nhất, ngày 22/8, UBND tỉnh tiếp tục có công văn 6048/UBND-VH về tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu vực dân cư, đô thị, đảm bảo chất lượng môi trường cho người dân, đảm bảo an ninh trật tự gắn với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nếp sống văn minh đô thị.

Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao tích cực phối hợp với các địa phương tuyên truyền về chủ trương của UBND tỉnh trong việc chấn chỉnh các hoạt động văn hóa gây tiếng ồn. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tổ chức các hội nghị tập huấn cho cán bộ 152 xã, phường, thị trấn để phổ biến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn và quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tiếng ồn theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội...

Đồng loạt vào cuộc

Xã Quảng Thái tổ chức họp quán triệt, chủ dịch vụ karaoke “di động” phải ký cam kết không hoạt động trong khoảng thời gian từ 11 đến 14h và từ sau 21h (trừ đám cưới nhưng không quá 22h), mở âm thanh với âm lượng cho phép. Nếu cố tình vi phạm, UBND xã sẽ có hình thức xử phạt theo quy định, nếu tái phạm sẽ cấm hoạt động. Ông Phạm Công Phước cho biết, Quảng Thái thành lập tổ kiểm tra để chấn chỉnh hoạt động của dịch vụ karaoke “di động”. Khi người dân vi phạm các khung giờ quy định, cán bộ văn hóa và công an xã sẽ nhắc nhở. Đồng thời, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về Chỉ thị 05, kể cả qua mạng xã hội nên vấn nạn karaoke “di động” đã được hạn chế.

Ở Phú Lộc, cùng với việc rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân đang hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn, như: cho thuê dàn nhạc, loa kẹo kéo, karaoke di động…, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng gây tiếng ồn trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn giảm đáng kể.

Tuy vậy, việc thực hiện Chỉ thị 05 mới dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, kiểm tra, nhắc nhở. Ông Nguyễn Hoàng Thái Duy, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Lộc cho rằng, do không thể đo được độ ồn nên việc chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động và nhắc nhở mà chưa thể xử phạt. Đây cũng là vướng mắc ở nhiều địa phương khác.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, việc xử lý tiếng ồn rất khó, vì hệ thống máy móc không đủ pháp quy, cơ sở pháp lý về môi trường chưa đầy đủ. Máy đo độ ồn cũng phải được kiểm định, người đo phải có chứng chỉ, nghiệp vụ. Các huyện, thị xã đều có máy đo độ ồn nhưng muốn có cơ sở pháp lý xử phạt thì đơn vị phải được cấp phép. Hiện nay, cả tỉnh có một số đơn vị có chức năng đo độ ồn được cấp phép, như Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Ứng dụng và triển khai tiến bộ kỹ thuật thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Các địa phương có thể phối hợp với các cơ quan chức năng có chuyên môn ra quân làm điểm.

Ông Hùng đề xuất thêm: “Cần có sự phối hợp giữa ngành văn hóa và thể thao với ngành tài nguyên và môi trường để kiểm soát tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Đề xuất UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành thực hiện Chỉ thị 05 làm điểm ở một số nơi. Chính quyền địa phương cấp phường, xã tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân sử dụng các dịch vụ này không gây ồn ào ảnh hưởng đến mọi người xung quanh”.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Siết chặt quản lý phương tiện vận tải

Siết chặt quản lý phương tiện vận tải là một trong những giải pháp quan trọng của ngành chức năng, nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), tạo môi trường kinh doanh vận tải (KDVT) lành mạnh.

Siết chặt quản lý phương tiện vận tải
Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa
Đảm bảo tiến độ công trình Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh

Công trình Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh được đầu tư xây dựng nhằm từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao công cộng và định hướng phát triển không gian đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện công trình đang được đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo kế hoạch đề ra.

Đảm bảo tiến độ công trình Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh
Nâng cao hiệu quả tuyên giáo ở lĩnh vực văn hóa và khoa giáo

Thừa Thiên Huế xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên các lĩnh vực chính: Văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục và khoa học - công nghệ. Để người dân hiểu và chung sức phát huy các giá trị, thế mạnh ở bốn lĩnh vực này, công tác tuyên giáo đòi hỏi tiếp tục triển khai hiệu quả hơn.

Nâng cao hiệu quả tuyên giáo ở lĩnh vực văn hóa và khoa giáo
Return to top