Chỉ thị nêu rõ thực trạng, các tổ chức, cá nhân cho thuê dàn nhạc sống, dàn karaoke đến phục vụ tại các gia đình, cá nhân trong các đám tiệc, sinh hoạt văn hóa gia đình; hoạt động quảng cáo, rao bán hàng rong bằng loa có công suất lớn gây tiếng ồn, làm mất trật tự, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, ngày 1/3/2019, Báo Thừa Thiên Huế có bài viết phản ánh trường hợp liên quan đến một quán ẩm thực trên đường Bà Triệu (TP. Huế). Không chỉ vi phạm trật tự đô thị (chiếm lề đường kinh doanh), quán ẩm thực này còn gây ồn do mở nhạc lớn, kéo dài về đêm, khiến cuộc sống người dân lân cận bị đảo lộn. Ảnh hưởng đến giấc ngủ, học hành của con cái, công việc, người dân đành “cầu cứu’’ đến cơ quan chức năng.
Không chỉ là trường hợp đơn lẻ, ô nhiễm tiếng ồn đang xảy ra ở nhiều phạm vi khác nhau trên địa bàn tỉnh. Tại đô thị, là tình trạng các cửa hàng kinh doanh mở nhạc, thông tin quảng cáo lớn để thu hút sự chú ý của khách hàng. Người bán hàng dạo dùng loa thùng di động để quảng cáo sản phẩm ở nơi đông đúc. Là tình trạng người dân dựng rạp trên lòng đường để tổ chức đám cưới, tiệc tùng tại nhà kèm với việc mở nhạc to, hát lớn. Ngay cả tuyến phố đi bộ Chu Văn An- Phạm Ngũ Lão- Võ Thị Sáu của TP. Huế, chỉ sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, tình trạng các quán bar, nhà hàng mở nhạc lớn, gây ồn cũng khiến người dân và du khách phàn nàn, bức xúc. Một số đơn vị lữ hành cho hay, không ít du khách bày tỏ thất vọng khi khu phố Tây quá ồn ào, trong khi họ muốn đến đây để hưởng thụ không gian yên tĩnh.
Ở những điểm du lịch xa đô thị, nổi tiếng trong lành như Cảnh Dương, đầm Chuồn..., sự yên tĩnh cũng không còn, bởi tiếng ồn từ dịch vụ karaoke di động với những chiếc loa thùng công suất lớn trên bãi biển, trên những ngôi nhà chồ, trong các hàng quán...
Tại các vùng quê, loại hình dịch vụ giải trí mới mà nhiều người gọi là “karaoke kẹo kéo” cũng trở nên phổ biến. Bất kể nhà nào, ở đâu có cưới, hỏi, giỗ, chạp, thôi nôi, đầy tháng, liên hoan, hay là một buổi nhậu, gặp mặt bạn bè… đều có một dàn “karaoke di động” phục vụ. Với giá rẻ, tiện lợi, dịch vụ này nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt, giải trí của một bộ phận người dân nhưng cũng gây không ít phiền toái bởi âm thanh phát ra quá lớn và không kể giờ giấc.
Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, ô nhiễm tiếng ồn đang mà mối nguy, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Huế - nơi du khách tìm đến vì vẻ đẹp thơ mộng, yên tĩnh, trong lành.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, tại Chỉ thị 05, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa vi phạm, gây tiếng ồn, làm mất an ninh trật tự tại khu dân cư, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi của nhân dân…
Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường) quy định rõ mức xử lý. Có thể phạt từ mức cảnh cáo đến phạt tiền từ 1-160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn, tùy mức độ vi phạm.
Để kiểm soát tốt hơn ô nhiễm tiếng ồn, ngoài tăng cường biện pháp kiểm tra, xử lý, cần đưa tiêu chí xây dựng làng, thôn, bản văn hóa không có tiếng ồn vào quy ước văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ô nhiễm tiếng ồn và trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ môi trường sống lành mạnh.
Nhật Nguyên