ClockChủ Nhật, 29/11/2020 10:48

Bờ rào hoa nở

TTH - Nhà tôi và nhà dì xây trong mảnh vườn của ông bà ngoại. Ranh giới là lối đi bằng bước chân. Cả hai đều “ghiền” rau, nên mùa nào có rau của mùa đó. Đôi khi xanh tốt quá, rau che luôn cả lối đi. Một lần có khách đến chơi nhà, mà nghe đâu người này am tường về phong thủy. Ông ta bảo dì: “Giữa hai nhà nên xây cái bờ rào, chứ thông thống thế này, đứa con trai của chị sao suôn sẻ được”.

Ông đồHoa xuyến chi

Dì giật mình. Trong ba đứa con của vợ chồng dì, chỉ có Dũng là trai. Dũng học không giỏi, nên chỉ theo được đến lúc tốt nghiệp phổ thông trung học. Nhà dì có xưởng sản xuất áo mưa, không thiếu việc cho Dũng làm. Nhưng Dũng mê nghề thợ nhôm kính nên trở thành anh thợ rất tâm huyết với công việc. Gia đình thuộc diện khá giả, nhưng Dũng vẫn trích tiền kiếm được, hàng tháng đóng góp phụ cha mẹ nuôi hai cô em gái đang học đại học để thể hiện trách nhiệm. Vợ chồng dì thường cười hỉ hả mỗi khi kể về đứa con trai. Mỗi lần như vậy, dì lại bảo: “Mừng nhất là thằng Dũng hắn hài hước, hóm hỉnh, lúc nào cũng tràn đầy năng lượng lạc quan”.

Năm 27 tuổi, Dũng có bạn gái. Tìm hiểu nhau một năm, Dũng và bạn gái quyết định tiến tới hôn nhân. Vợ chồng dì và gia đình ông bà sui đã đi lại, chuẩn bị định ngày hỏi, cưới. Ai ngờ buổi trưa hôm ấy, trong khi đang ráng cùng anh em thợ lắp nốt bộ cửa cho gia chủ, Dũng chóng mặt ngã lăn ra đất, đưa đến bệnh viện cấp cứu mới biết bị suy thận giai đoạn cuối. Sau khi phải “dính” với bệnh viện hàng tháng trời, Dũng được ra viện. Nhưng là ra để điều trị ngoại trú, mỗi tuần ba lần phải đến chạy thận nhân tạo. Bác sĩ bảo, những bệnh nhân như Dũng chạy thận nhân tạo đến suốt đời, hoặc phải được ghép thận, tình hình mới khả quan hơn.

Chàng thanh niên tràn đầy năng lượng trong chốc lát tóp teo, yếu ớt, suy sụp. Dũng càng suy sụp hơn khi bạn gái dứt khoát chia tay. Thỉnh thoảng có một bệnh nhân chết, ngay trong lúc đang chạy thận. Điều đó khiến Dũng trở nên u uất. Mỗi lần chạy thận về, Dũng đóng cửa giam mình suốt trong phòng. Năn nỉ con trai đi ra ngoài, gặp bạn bè cho khuây khỏa thì dì, dượng tôi bị Dũng cáu gắt. Nhiều lần Dũng hét: “Con bây giờ có thể chết bất cứ lúc nào. Chết trong lúc đang chạy thận. Sống chỉ để chờ chết trong nơm nớp, tuyệt vọng, khuây khỏa kiểu gì được”. Vợ chồng dì chỉ biết khóc giấu khóc giếm.

Vậy là dì xây ngay cái bờ rào bằng xi măng, chiều cao đến tầm ngang đầu gối, có hộc đất ở giữa để trồng rau hoặc hoa. Như thế bờ rào vẫn sẽ có màu sắc, có “hơi thở”. Dì bảo, hồi trước lên mạng có thấy người ta rao bán giống hoa. Người bán có thể về tận nhà trồng, hướng dẫn cách chăm sóc. Dì quyết định sẽ trồng hoa trên bờ rào nên sẽ lên mạng kiếm người.

Diệu - cô gái bán giống hoa cam kết sẽ trồng và bảo hành cho đến lúc hoa nở, khỏe mạnh. Quá trình đó, khách hàng có thể thuộc kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc. “Nhưng nếu gia đình ta yêu cầu, cháu sẽ nhận luôn “vai” người làm vườn, đảm bảo mùa nào trên bờ rào nhà dì cũng có hoa rạng rỡ”. Dì thầm nghĩ, nụ cười của cô gái này khiến lòng người ta nhẹ nhõm quá. Nhưng sao con bé gầy ốm và xanh xao. Như thể đọc được suy nghĩ của người đối diện, Diệu lại cười: “Cháu bị suy thận từ năm hai mươi tuổi, khi đang học cao đẳng y. Lúc phát hiện cũng là lúc bệnh đã nặng lắm nên cháu phải bỏ lại ước mơ làm điều dưỡng. Hồi đầu sức khỏe cháu yếu lắm, chạy xe máy đâu có nổi. Ba, mẹ phải thay nhau chở cháu đến bệnh viện rồi chờ ở ngoài. Cháu chạy thận xong thì chở về. Sau này, sức khỏe hồi phục, khá dần lên, cháu tự đi. Cũng gần mười năm như vậy rồi dì à”.

Dũng nghĩ, “vậy là cô gái này cùng cảnh ngộ với mình ư. Sao bệnh viện chỉ mỗi phòng chạy thận mà mình chưa từng gặp cô ấy. Có thể lệch giờ, lệch buổi, lệch ngày. Trong một ca, có tám bệnh nhân cùng chạy thận. Cũng có thể mình đã từng cùng ca với cô ấy, nhưng mình đâu có để ý đến điều gì, ngoài nỗi sợ hãi, bất bình với số phận”. Bây giờ thì Dũng không thể không để ý đến Diệu, bởi thắc mắc sao Diệu có thể cười nhẹ nhõm như thế, trong khi đột nhiên bị căn bệnh lấy mất tuổi trẻ, ước mơ, phải sống mòn mỏi đợi cái chết.

“Đằng ấy không sợ chết à”? Diệu lại cười: “Ban đầu em sợ lắm. Nhưng sợ thì cũng đâu chữa được bệnh, chỉ làm tình trạng của mình nặng thêm. Chi bằng cố gắng tự chăm sóc, khỏe mạnh hơn để ba mẹ yên tâm. Khi có đủ sức khỏe để có thể phần nào tự lo cho cuộc sống, em đã chọn cộng việc này. Lúc một bông hoa nở, người chăm bón sẽ thấy vui đến thế nào. Vì điều đó, anh có thể không cần trả tiền công, nhưng cô thợ vườn này vẫn tình nguyện đến trồng và chăm sóc hoa cho anh”. Lúc này Dũng cũng cười. Phát hiện và chung sống với căn bệnh gần ba năm nay, lần đầu tiên Dũng cười. Dì, dượng mừng rơi nước mắt.

Sáng hôm đó, khi tôi ra sân chăm mấy luống rau, thì thấy Dũng đã đứng cạnh bờ rào, chăm chăm ngó luống mười giờ, hoa sam hôm qua Diệu trồng. Mấy luống hoa tươi tỉnh sau khi tắm sương đêm, bắt đầu vươn lên đón những giọt nắng sớm. “Người đâu mà hay cười chị nhỉ. Mà sao có thể cười được như vậy chứ”. Tôi biết Dũng hỏi, nhưng không đợi tôi trả lời. Dũng đang đợi Diệu tới. Khi cả hai chụm đầu vào luống hoa trên bờ rào, tôi chợt nghĩ, nếu là họa sĩ, tôi đã có thể họa lại hình ảnh đó thành một bức tranh bằng tràn ngập hân hoan. Và thể nào tôi cũng đặt tên bức tranh là “bờ rào hoa nở”.

Và, bờ rào hoa đã nở thật. Mười giờ, hoa sam và rất nhiều loài hoa khác mộc mạc và giản dị, cùng nhau khoe sắc. Đối với gia đình tôi, đặc biệt là dì, dượng, điều kỳ diệu hơn cả, Dũng luôn nở nụ cười và đến xưởng sản xuất của gia đình, làm thợ dán áo mưa. “Chị biết không, từ khi phải chạy thận, Diệu từng làm nhiều công việc lắm. Nhận hàng về nhà đơm khuy áo. Dạy kèm cho học sinh trong thôn. Rồi học cách trồng, chăm sóc hoa để làm nghề như bây giờ. Mà chị biết không, nhà Diệu không có điều kiện kinh tế như nhà mình. Tiền kiếm được, là để phụ lo thuốc thang chữa bệnh. Nhưng cô ấy luôn trích lại một phần để giúp đỡ những hoàn cảnh bệnh tật, khó khăn. Hôm trước em mới cùng Diệu đến chia sẻ chút tấm lòng cho một đứa trẻ mới hơn hai tuổi nhưng đã mồ côi mẹ, bố đau ốm triền miên, khó khăn lắm”.

Bây giờ thì tôi hiểu vì sao những đồng tiền công chẳng nhiều nhặn gì lại khiến Dũng vui vẻ, phấn chấn. Dũng ngượng ngùng “bật mí”, rằng té ra khi mới đến nhà nhận công việc theo yêu cầu của dì, Diệu đã nhận ra ngay anh chàng bệnh nhân cùng chạy thận, mặt mày lúc nào cũng ủ ê, chán nản. “Lúc đó em yếu xìu, chán đời lắm phải không chị”? Tôi trả lời câu hỏi đó bằng một nụ cười. Bởi bây giờ, Dũng đã “tìm lại” được người đàn ông trách nhiệm trước đây. Không chỉ vậy, em còn mở lòng đến người khác. Hành trình đó mang dấu ấn của cô gái gầy ốm, xanh xao nhưng tâm hồn mạnh mẽ, ấm áp.

Tôi biết Dũng “lén” đi mua cặp nhẫn, vẫn cất kỹ trong ngăn kéo. Dì, dượng tôi cũng sẽ sẵn lòng tác hợp, nếu đôi trẻ muốn nắm tay nhau cùng đi đến mọi nơi. Nhưng điều đó còn chưa kịp nói ra…

Buổi chiều hôm ấy, Diệu vội vã đến nhà dì dượng tôi, trước lúc vào ca chạy thận. Cả nhà ra xưởng hết, nên Diệu gửi tôi chiếc phong bì, trong đó có ít tiền, dặn nhờ Dũng ngày mai chuyển đến thầy giáo bị bệnh nan y, tay chân quắt queo lại, không đi đứng được, phải ngồi xe lăn. “Ngày mai gia đình em có việc bận suốt ngày. Gặp lại chị sau nha”- Diệu cười.

Ai ngờ, nụ cười tươi rói ấy dừng lại trong ký ức của tôi. Buổi chiều định mệnh, Diệu bị tai biến trong lúc chạy thận và đã ra đi mãi mãi. Như người mất hồn, nhưng mấy ngày sau, sau khi đưa Diệu về nơi an nghỉ, Dũng bảo tôi đi cùng đến nhà thầy giáo bị bệnh. Đón món quà gửi lại, người bệnh bật khóc. Dũng nắm chặt tay người đàn ông ấy. Tôi biết, dù bây giờ không còn Diệu cạnh bên, nhưng Dũng vẫn sẽ mạnh mẽ để bước trên chặng đường vô cùng khó khăn phía trước. Dũng có dì, có dượng, có gia đình tôi. Có yêu thương của người con gái ấy như sắc hương của những loài hoa giản dị, nở tinh khiết trên bờ rào.

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top