ClockChủ Nhật, 21/07/2019 06:38

Anh đừng đem theo muối nữa

Hẹn mùa bắp trổ bôngBèo nước gặp nhauTơ vương

1. Trà lipton có vị chát, thường thì quán đem ly trà ra luôn kèm thêm một lát chanh, ít đường và một viên xí muội. Đó là món đồ uống tôi thích nhất chứ không phải những ly trà sữa bỏ vào trong đó những hạt trân châu. Tôi nhủ thầm là có ai mời tôi đi uống nước, chắc chắn là tôi uống lipton, uống ly nước theo yêu cầu của mình.

Lần đầu tiên, Mẫn rủ tôi đi uống nước sau khi tập xong mấy bài hát cho chương trình ca nhạc để biểu diễn liên hoan ngành. Anh nhìn cách tôi gọi: “Chị ơi, cho em xin tí muối” mà ngạc nhiên. Cái hay ở các quán cà phê là dù bán các loại đồ uống có vị ngọt, họ vẫn có sẵn một lọ muối để cho khách cần thì đem ra. Anh khá bất ngờ vì ở quán cà phê vẫn có muối. Rồi anh kể cho tôi nghe câu chuyện vui cũng liên quan tới muối. Đó là có lần anh ra Thanh Hóa. Một lần dừng xe ở một quán cà phê ven đường. Một người bạn của anh kêu cô bán hàng: “Em ơi, cho anh xin một ly chanh muối”. Một lát sau, cô gái đem ra cho anh ấy ly nước chanh tươi có bỏ muối vào, cô còn đưa thêm đĩa muối: “Nếu chưa đủ mặn anh tùy bỏ vào nhé”.

Trời ơi, uống lipton mà bỏ muối vào chắc có vị của biển cả - Anh trêu tôi như thế. Sao anh biết? Thì muối là kết tinh từ những giọt nước biển, khi em bỏ muối vào ly trà tức là em uống nước biển rồi còn gì.

Lần thứ hai, anh rủ tôi đi uống cà phê. Anh búng tay gọi cô phục vụ :

- Cho một đen đá và một lipton nóng, cho thêm tí muối.

Quán cà phê hôm đó không có muối, có thể họ chưa từng nghe vị khách nào kêu… thêm muối. Tôi khá bất ngờ vì anh lấy trong túi áo của anh ra một gói muối để sẵn:

- Anh phải mang muối theo luôn và anh biết em... yêu muối.

Tôi phì cười về cách mang theo muối của anh. Thì ra khi đã… lớn tuổi người ta đều có thể nghĩ ra những tình huống có thể xảy ra. Tình huống anh đem theo muối đó đã làm cho trái tim tôi tan chảy.

Từ đó, tôi và anh thường xuyên đi uống cà phê chung. Mà con gái thì có biết bao nhiêu chuyện để nói, và đặc biệt nhất là từ ngày quen tôi, anh thường mang theo trong túi xách của anh một ít muối. Đôi lúc, anh tò mò hỏi tôi rằng, có phải tôi muốn khác người nên đã bỏ đường rồi còn phải bỏ thêm muối? Tôi trả lời anh là anh cứ quan sát người đi trên phố, anh sẽ thấy bước đi mỗi người đều chẳng giống nhau.

Anh cười với tôi:

- Anh biết tại sao em học xã hội nhân văn rồi?

- Tại sao?

- Vì cái gì em cũng lý luận rạch ròi. Chỉ nghe em diễn tả cách ăn phở là anh muốn rủ em đi ăn phở. Nhưng khi ăn phở em có thêm tí muối vào không?

- Trong tô phở đã có muối rồi mà.

2. Mọi chuyện đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Chuyện tôi thích thêm tí muối trộn cùng đường vào trong ly trà lipton lại liên quan đến Duân.

Nhà tôi có mấy căn phòng cho sinh viên thuê. Duân là một trong những chàng sinh viên thuê phòng trọ nhà tôi. Thường thì tiền nhà các anh sinh viên hay đóng trễ, bởi họ trông mong vào tiền gia đình gởi vào hàng tháng. Chỉ riêng Duân là đóng đủ, bởi hàng đêm Duân đi bảo vệ đêm cho một nhà hàng nào đó để tự lo cho mình ăn học. Thỉnh thoảng, tôi và Duân gặp nhau, trò chuyện. Có khi tối Duân đi làm về trễ, thấy tôi còn thức học bài, Duân vui vẻ chào. Tôi hay nhìn theo bóng lưng của Duân mà không hiểu tại sao khi đó lòng dấy lên một niềm thương cảm.

Tôi vốn thích ăn chè. Tôi nhủ rằng ở trên thế gian này có bao nhiêu loại chè tôi cũng đều ăn hết. Nhưng trong các loại chè tôi chọn loại chè trôi nước. Chè trôi nước là bột vo viên, ở giữa có nhân đậu xanh. Cắn vỡ miếng bột rồi húp nước đường có bỏ gừng vào ấy thật là ngon.

Một chủ nhật, ba mẹ tôi đều qua nhà nội, tôi ở nhà một mình nên quyết định tự mình nấu chè trôi nước. Hôm ấy khu nhà trọ cũng vắng vì mấy cô cậu sinh viên người thì tranh thủ đi chơi, người về thăm nhà. Chỉ còn mình Duân ngồi ở ghế xích đu trước sân nhà tôi, cầm guitar hát nghêu ngao những bài hát không đầu không cuối.

Tôi gọi :

- Duân có biết nấu chè trôi nước không?

- Biết. Còn biết nấu cơm, kho cá, nấu canh, đúc bánh xèo...

Duân nói một hơi khiến tôi khá bất ngờ. Thế là tôi rủ Duân cùng vào bếp nấu chè. Duân cùng phụ tôi nhào bột, làm nhân. Bỗng dưng Duân hỏi: “Lệ lấy cho Duân ít muối”. Duân đã bỏ tí muối vào trong nồi chè. Duân nói: “Muối làm cho đường ngọt hơn”. Cách nói của Duân khiến cho tôi bất ngờ và quả nhiên, nồi chè có sự cộng tác của Duân ngọt hơn thật. Đó là lần đầu tiên tôi biết muối không chỉ mặn mà làm cho món ăn ngọt hơn.

Từ ngày đó tôi và Duân thân nhau. Từ thân nhau tôi mới biết nhà Duân ở vùng kinh tế mới xa lắc, xa lơ.

Duân nói: Người dân nghèo quê mình luôn luôn bỏ thêm muối vào món gì có đường, bởi như vậy là tiết kiệm được lượng đường bỏ vào món ăn. Duân bảo cũng từ thói quen bỏ thêm tí muối đó, mà khi uống trà hay đá chanh, ngay cả cà phê, Duân cũng thường bỏ vào một tí muối. Anh thường mang theo một gói muối nhỏ, bởi nhiều quán chẳng có muối.

Tôi thường xuyên đi uống nước cùng Duân, cũng từ đó tôi có cảm tình với anh chàng sinh viên “Cứ bỏ chút muối chung với đường thì món ăn đồ uống sẽ ngọt hơn”. Nhưng khi hết niên học thì không thấy Duân trở lại. Duân đã phải bỏ dở dang việc học vì mẹ bị ốm nặng, mà gia đình Duân chỉ có hai mẹ con.

Duân đi mà chưa kịp nói lời tỏ tình với tôi. Để những ngày không có Duân tôi cảm thấy như mình trống trải trong cuộc đời này. Mãi một thời gian sau tôi mới bình tâm trở lại. Nhưng cũng từ đó, tôi có thói quen bỏ một tí muối vào ly trà lipton của tôi. Bỏ muối vào vì tôi chưa quên Duân. Cho đến một ngày tôi quen Mẫn. Mẫn chẳng hiểu lý do tại sao tôi uống cà phê lại phải bỏ vào trong đó một ít muối.

3. Mẫn không uống được cà phê bỏ thêm muối vào. Mẫn chẳng hiểu căn duyên khi tôi bỏ ít muối vào ly cà phê nhưng anh yêu tôi và anh cũng mang muối theo, anh không biết rằng trước anh đã có một người con trai làm như thế. Trong khi đó, đi bên Mẫn vào quán, khi anh bỏ những hạt muối vào ly lipton, tôi lại nhớ đến Duân.

Cứ thế và cứ thế. Hôm nay tôi đi cùng Mẫn vào quán. Vẫn là thói quen, anh gọi một cà phê đen cho anh và một lipton cho tôi. Ly lipton đem ra, Mẫn lấy trong túi áo ra gói muối. Tôi bảo với anh: “Anh đừng đem muối theo nữa. Em sẽ uống lipton không có muối”. Anh nhìn tôi ngạc nhiên: Tại sao?...

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Cô giáo đặc biệt

Trong phòng khách, bố mẹ tôi mỗi người một góc, tay cầm điện thoại, ấn máy liên tục hết gọi cho người thân lại đến bạn bè kèm lời dặn dò: “8 giờ tối nay, bác nhớ mở tivi xem chương trình “Tỏa sáng những tấm gương nghị lực” nhé. Cái Vy con dâu tôi nó được lên tivi đấy ạ!”.

Cô giáo đặc biệt
Xuân như đã về

Như sự thèm thuồng mỗi khi ánh nắng tràn qua khe cửa sau một ngày mưa tầm tã, tôi cũng muốn được nhìn thấy em. Khoảnh khắc khi tôi vừa gọi tên em, ánh mắt em ngước lên nhìn tôi cứ như nụ tầm xuân đang e ấp chờ ngày hé nụ và có một điều gì đó vô cùng thu hút. Cho tới khi nhìn thấy tôi im lặng không nói gì, đôi mắt nâu đậm ấy trở nên dỗi đánh nhẹ tôi một cái rồi tiếp tục chú tâm công việc của mình:

Xuân như đã về
Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê

Đọc Trần Băng Khuê, tôi không có cảm giác đang chạm vào một cấu trúc hư cấu kiểu mẫu, mà đang mò mẫm bước qua từng không gian luôn khép kín, chỉ có một cánh cửa để mở vào một không gian khác và cứ thế dẫm lên những siêu hiện thực không ngừng được bày ra.

Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê
Return to top