ClockChủ Nhật, 02/06/2019 06:22

Hẹn mùa bắp trổ bông

TTH - Đây đã là lần bẻ bắp thứ hai. Đợt trước, Ngà không có nhiều kinh nghiệm trồng tỉa, nên bắp thưa thớt hạt, trông như một hàm răng trẻ nhỏ còn đang ở độ tuổi sun sún.

Tơ vươngBèo nước gặp nhauTiếng đàn buồn như tiếng lá rơi

Ngà về sống ở mảnh vườn nhỏ này đã hơn năm nay rồi. Kế bên nhà Ngà, có căn nhà của một bà cụ ngoài bảy mươi. Bà ở với thằng Tun, đứa cháu nội đang học trong thị trấn. Thi thoảng có dịp, Ngà chở dùm thằng nhóc ra chợ, để nó mua quả bóng da mới, hay sửa đôi giày đinh, sắm chút đồ khô về chất vô cái tủ trong bếp. Dưới sự tư vấn chọn lựa của Ngà, hai bà cháu sẽ có những bữa ăn đủ dinh dưỡng hơn, đỡ tốn kém và không lâm vô cảnh lương thực thiếu trước hụt sau nữa.

Thằng Tun cũng thân với Cún, con trai Ngà. Hồi còn ở phố, thằng Cún cứ hay bị nhốt trong căn hộ nhỏ xíu, lê la tự chơi một mình. Ngà thương con thui thủi, nên hết giờ làm ở trường là dành toàn bộ thời gian để chơi với Cún. Mẹ con loay hoay với nhau suốt. Ngà đâm ra ít ra ngoài giao thiệp. Chẳng nhiều bạn bè hay mối quan hệ. Để tới khi cuộc đời buộc phải lật sang một trang mới, Ngà mới bàng hoàng nhận ra, bản thân Ngà đã lạc hậu, ngớ ngẩn lâu lắm rồi, xa lạ với mọi thứ vội vã xung quanh tới mức nào…

Đợt đó chồng Ngà đi công tác suốt. Anh bảo, cứ loanh quanh ở nhà thì cạp đất mà ăn à. Câu này, ngoài mang hàm ý chê bai, còn là một sự mỉa mai vào cái sở thích ham mê trồng trọt, an phận của Ngà. Thế nhưng, sau khi sinh thằng Cún sớm gần hai tháng so với dự tính, thì mọi thứ cứ thế trượt khỏi tay Ngà, như một nắm cát rơi qua kẽ tay, dù có cố nắm giữ thì cũng không sao còn mãi được. Giống như tình cảm của người đàn ông đã quen biết từ dạo Ngà lên đây học, trải qua vài năm yêu đương tìm hiểu rồi mới kết hôn, cuối cùng cái kết lại toàn là bẽ bàng.

Ngà lẳng lặng dắt con về quê mẹ, sau khi để lại lá đơn đã ký sẵn. Hóa ra, chồng đã có chủ đích trước rồi. Đàn ông, nhiều khi chưa kịp giàu nhưng đã manh nha ý định đổi vợ. Cái khách sạn nơi anh hẹn hò cùng cô đồng nghiệp mà hôm chở con đi tái khám Ngà tình cờ bắt gặp. Tất cả xóa nhòa bao nhiêu tình nghĩa vợ chồng còn sót lại.

Ly dị xong, Ngà gom góp mua được mảnh đất rộng gần hơn công ruộng này. Nhờ người dựng lên chỉ mỗi căn nhà lợp mái lá. Còn lại bao nhiêu diện tích, Ngà dành cho cái ao rộng thả cá, đóng thêm chuồng gà chuồng heo. Cây gì, rau gì, hoa quả gì, Ngà thấy thích thấy ưa đều có mặt. Chẳng phân biệt hay cần trật tự gì cả. Ngà yêu cảm giác tự nhiên của đất. Ngày một buổi đi tới trường. Đón con, nấu ăn, rồi chơi với nó. Hai mẹ con thơ thẩn làm cỏ, bắt sâu, hái rau bẻ trái. Sau đợt đi rồi về kéo dài gần mười năm ấy, Ngà cảm thấy mọi chữ nhân duyên tình cảm chi đó đều thành vô nghĩa rồi. Không phải vì quá thất vọng hay oán hận gì, mà bởi những thứ mình dốc ra tới cạn kiệt, cuối cùng nhận lại toàn trái đắng. Không giống như vườn rau quả của Ngà. Chúng không biết phụ Ngà.

Ba con đi lao động ở nước ngoài. Ba nói, khi nào ba về, sẽ sửa lại nhà. Mua đất để trồng bắp trồng rau. Ba con cũng thích trồng cây giống nhà cô Ngà vậy đó. Thằng Tun nhiệt tình nói, khi nó cùng thằng Cún hăm hở gặm trụi mấy trái ngô còi nhà Ngà. Ngà khẽ cười trước lời con trẻ. Ngà nhìn hai đứa chả mấy chốc mà thanh toán hết mớ hoa quả lặt vặt mới hái. Còn gì vui hơn khi mình tự tay trồng tỉa được thứ này thứ nọ cho con ăn uống lành sạch chứ.

Bà nội thằng Tun mấy hôm nay ốm. Ngà bắt con gà, nấu dùm bà nồi cháo. Phần thịt còn lại, Ngà xé nhỏ, cất trong tủ lạnh, để dành. Mai Ngà có giờ dạy trên lớp. Tuy mới là được nhận việc ở dạng làm hợp đồng, nhưng Ngà vẫn vui lắm. Tiền lương không nhiều, cũng đủ mua thêm gạo thịt áo quần cho hai mẹ con. Được dạy dỗ, gần gũi bọn trẻ con là ước mơ của Ngà từ hồi bé. Nếu như chồng cũ không cấm đoán, thì Ngà đã chẳng phải gián đoạn nghề nghiệp lâu tới mức vậy.

Ngà vừa bước ra tới cửa thì bắt gặp bóng người đi vào. Nam giới. Hai bên lừng khừng nhìn nhau. Ngờ ngợ:

-  Có phải là Ngà không vậy?

-  Ơ…

Quả đất thì tròn. Nên hóa ra bố thằng Tun cũng là chỗ quen biết cũ thời học phổ thông của Ngà. Nghe Khang nhắc, hồi đó Ngà gầy nhẳng, mặc áo dài trắng với quần đen rộng, chân mang guốc, là Ngà biết không nhận sai người rồi.

Khang mang cho Ngà chai dầu gió. Hũ kem chống nắng rất to. Kha khá bánh kẹo cho thằng Cún. Bộ dụng cụ trồng cây xinh xinh. Ngà ngắm nghía những cái bình tưới, cái bay cái xẻng dùng cào đất nhiều màu sắc ấy, ngạc nhiên hỏi nhỏ:

-  Sao anh biết tui thích thứ này?

Người đàn ông trông già hơn tuổi ấy bật cười, thật thà bảo là, tính đưa về để dành. Khi nào về hẳn thì dùng. Nhưng nay mang tặng Ngà là chuẩn rồi. Vật phải ở trong tay người biết sử dụng, trân quý mới đúng. Cảm ơn Ngà bấy lâu đã qua lại chăm sóc hai bà cháu. Mai qua nhà anh ăn bữa cơm gia đình nhé?

Ngà còn chưa kịp nhận lời hay từ chối, đã thấy thằng Cún cười toe, gật đầu. Nó với Khang giống như đã quen thân từ kiếp nào vậy. Ba gã trai một già hai trẻ lụi hụi bẻ hết mớ bắp trong vườn nhà Ngà. Thân bắp gom lại chất đống gọn gàng. Khang xới mấy luống đất cho tơi xốp, dặm thêm phân bò, phía trên phủ rơm. Đợi một mùa bắp mới trổ bông.

Khang hầu như cũng chẳng đi đâu trong những ngày về thăm nhà. Chỉ loay hoay dọn dẹp, sửa lại mái nhà, coi ngó lại ống nước. Hết nhà mình tới nhà Ngà. Gắn thêm cho Ngà một hệ thống tưới cây tự động. Cho Ngà đỡ nhọc nhằn. Dặn dò cả thằng Tun lẫn thằng Cún là phải nghe lời và siêng giúp đỡ “mẹ Ngà” việc nhà. Ngà bỗng thấy mình bối rối với cái danh xưng chung chung đó…

Được hai tuần thì Khang lại chuẩn bị đi. Lần này là đợt cuối của hợp đồng lao động. Tiền nợ vay để lo chi phí đi làm, đã trả đủ. Những thiếu hụt do đợt đau ốm rồi tang ma của mẹ thằng Tun đã thưa bớt. Họ hàng làng xóm có người rành rẽ, khuyên Khang một tràng rằng, nên xin gia hạn làm thêm một hai năm nữa, kiếm chút vốn rồi hãy về. Giờ công việc khó tìm lắm. Khổ, cảnh gà trống nuôi con nuôi mẹ già, mà còn nghèo, thì có gái già quá lứa nó cũng chẳng thèm để ý tới!

Khang chỉ im lặng khẽ cười, không tỏ rõ đồng ý hay phản đối. Thế nhưng, nghe thằng Tun thèo lèo nhiều chuyện kể lại, thì Ngà cũng lờ mờ đoán được chủ ý. Ba bảo, hết đợt này thì ba về luôn với con và nội. Ba sẽ mua heo mua gà mua cá về nuôi. Ba sẽ kèm con học để thi cuối cấp thật tốt. Bà nội già rồi.       

Ngà bật cười, xoa đầu thằng Tun, ngó mông lung ra cửa. Đêm tháng năm ngắn lắm. Đời người cũng vậy. Ngà từng trải qua sự lựa chọn, nên hiểu, chẳng có điều gì mà không phải đánh đổi.

Hôm Khang đi, Ngà bận lui cui ở ngoài vườn bắp nên không qua tiễn. Với lại, cái ý nghĩ, mình chẳng qua là người dưng vẫn khiến Ngà lừng khừng e ngại. Thế nhưng, có bóng ai đó đang dừng lại trước khoảnh vườn nhà Ngà, cất một lời chào tạm biệt:

-  Ít nữa thôi thì anh về, Ngà ạ…

Ngà khẽ ngước lên, thật sự cũng không biết nên nói gì. Khang bảo tiếp: Anh có chuyển cho Ngà một khoản, nhờ Ngà chi dùng cho hai bà cháu cu Tun nhé. Việc này thì Khang đã bàn với Ngà hôm trước, bất chấp sự phản đối của Ngà. Ngà biết nói gì thêm bây giờ? Đành nhìn theo bóng Khang đang xa dần ngoài ngõ, tự dưng lại nghĩ rằng, sẽ nhanh thôi, một mùa bắp mới trên mảnh đất này…

HOÀNG MY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê

Đọc Trần Băng Khuê, tôi không có cảm giác đang chạm vào một cấu trúc hư cấu kiểu mẫu, mà đang mò mẫm bước qua từng không gian luôn khép kín, chỉ có một cánh cửa để mở vào một không gian khác và cứ thế dẫm lên những siêu hiện thực không ngừng được bày ra.

Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê
Bạn “nợ đời”

Những cuộc gọi đi không có tín hiệu, mỗi một tiếng “tít” vang lên, trái tim Thư lại nhói lên một khắc. Thư hoảng hốt, rồi tức giận, rồi điên cuồng kiếm tìm sự giúp đỡ, cho đến lúc này thì chỉ muốn ngã khuỵu.

Bạn “nợ đời”
Cây mận đã nở hoa

Cây mận đã nở hoa. Đó là một cây mận cổ thụ, ra những trái mận nhỏ với màu da đỏ rất đẹp. Theo chủ nhà cũ thì cây mận có ở trên mảnh đất này từ khi ông dọn về, xây nhà. Những bông hoa mận có tua với những sợi nhỏ, khi gió lay, chúng bay đi như gieo niềm vui.

Cây mận đã nở hoa
Mở cửa huyền thoại

Chân ướt chân ráo đi dạy, tôi được chia chủ nhiệm lớp 8C cùng cái thông báo “khuyến mãi” năm nay trường sẽ tổ chức hội trại hai ngày hai đêm. Ôi, tôi phát hoảng. Một nàng hậu đậu làm sao lo ăn uống cho gần 40 cái “tàu há mồm”, nhưng chuyện tôi hoang mang hơn là làm cổng và lều trại. Vùng lõm nhỏ bé và hiu hắt này nắng hãi hùng lắm. Bắt đầu từ cuối xuân, cái nóng ở đây chắc chỉ em em Hỏa Diệm Sơn chút thôi.

Mở cửa huyền thoại
Chị Phấn

Phòng nữ 101 của Trường cao đẳng Sư phạm “biên chế” sáu tiểu thư - sáu đứa nhưng lại đến từ sáu lớp. “Trưởng phòng” là chị Phấn.

Chị Phấn
Return to top