ClockChủ Nhật, 12/05/2019 06:14

Tơ vương

Từ thiệnBông sen đáĐáy giếngCầu vồng đi đâu

... Cô ngoái đầu nhìn ngôi nhà lần cuối. Căn nhà nho nhỏ đó, do vợ chồng Ngân chắt chiu dành dụm dựng nên. Ngân thích hoa giấy, nên Thành phải sang nhà ông Hạ ở tận xã bên xin mấy nhánh về trồng. Ngân từng cười bảo Thành có đôi tay “sát hoa”. Bởi Thành xin tận 5 cành, vậy mà chỉ một cành đâm chồi, còn lại đều chết khô chết héo. Mới đó mà cây bông giấy cũng đã qua 6 tuổi. Thành và Ngân cũng bước qua 6 năm hôn nhân. Ngân không ngờ có ngày, cô lại phải lặng lẽ bước ra khỏi ngôi nhà mình từng dành hết tâm tư vun vén, chỉ với hai bàn tay trắng. “Chỉ hai bàn tay trắng”, Ngân lặp lại trong đầu mấy chữ đó rồi cười chua xót.

Qua bên kia con sông là nhà mẹ đẻ Ngân. Buổi chiều vắng khách, ông đưa đò đi đâu mất. Ngân ngồi thẫn thờ dưới bóng cây sung bên bến sông. “Ổng lại đi lên quán lai rai mấy chén rồi. Mày lên quán bà Bảy kiếm là có ông liền. Chứ ngồi đây đợi biết khi nào mới qua được sông”. Bà Cho đang giặt giũ mấy bộ áo quần dính đầy bùn đất ngoài ruộng, tốt bụng nhắc nhở. Ngân nhỏ giọng nói tiếng cám ơn, nhưng vẫn ngồi lì một chỗ. Giá mà cứ ngồi ở đây mãi như thế. Ngồi mãi mãi. Ngân cảm thấy sợ khi chốc nữa đây sẽ phải đối mặt với gương mặt già nua của ba mẹ.

***

Ngân choàng tỉnh khỏi cơn mơ khi tiếng gà trong xóm đã lác đác cất tiếng gáy. Cô thả lỏng bàn tay vẫn còn nắm chặt trong mơ. Lòng bàn tay đầy mồ hôi, ướt rượi. Những sự kiện trong mơ lần lượt chạy qua đầu Ngân. Cô cười khổ. Hóa ra tất cả đều là thật, không phải mơ.

Cô khoác thêm chiếc áo rồi lặng lẽ bước ra sân. Trăng cuối tháng im lìm treo một góc phía cuối vườn. Ánh trăng nhàn nhạt lạnh lẽo đổ xuống sân, trải ra một màu trăng trắng, mờ mờ như phủ bụi. Nhìn mảnh trăng lạnh lẽo nằm cô đơn trên trời, Ngân bất giác đưa tay lên sờ trán, ở đó vẫn còn vết sẹo mờ mờ hình trăng non. Lần đó vợ chồng cãi nhau, trong lúc giận dữ, Thành đã ném tách trà về phía Ngân, để lại dấu vết đầy đau đớn trên trán cô. Sau này, mỗi lần ôm Ngân trong lòng, Thành đều sờ lên vết sẹo ấy rồi nói với giọng đầy xót xa, hối hận. Sau này có tiền, anh nhất định sẽ dẫn Ngân vào Sài Gòn xóa đi vết sẹo ấy. Ngân sẽ không cần phải để tóc mái, che đi một phần cái trán cao cao bướng bỉnh. Lời hứa của Thành, vậy mà chính anh cũng quên mất.

Ngân nhớ lại cảnh hồi chiều, khi cô kéo chiếc va li vào cổng nhà. Mẹ đang lui cui trong bếp thấy con gái liền vui vẻ chạy ra. Nhưng nụ cười tắt ngay khi bà nhìn thấy chiếc vali to đùng. Bà vội kéo con gái vào góc bếp. Ngân chỉ biết ôm mẹ rồi bật khóc. Từ lúc vợ chồng cãi nhau, rồi khi chồng Ngân đưa ra tờ giấy thuận tình ly hôn từ ba năm trước, cho đến khi bị đuổi ra khỏi nhà, Ngân vẫn chưa rớt xuống một giọt nước mắt. Vậy mà khi gặp mẹ, không biết sao bao nhiêu nước mắt tích tụ từ sáng đến chiều, đều trút hết trên vai bà.

Trên nhà, ba Ngân đang ngồi hút thuốc. Ông ít khi hút thuốc, trừ khi trong lòng có chuyện buồn, hay trong đầu có việc cần suy nghĩ. Cái gạt tàn để dưới chân ông đã đầy những mẩu thuốc lá. “Phải đi kiện, đòi cho được một phần tài sản chứ. Sao lại ra khỏi nhà hai tay không vậy được”, ông nói vọng xuống nhà dưới. Nói thì nói vậy, nhưng trong lòng ông cũng biết, kiện thế nào được.

***

Ba năm trước, Thành và Ngân từng ra tòa ly hôn. “Mẹ đi xem bói, người ta bảo vợ chồng mình không hợp mạng, khó có con. Chỉ cần ly hôn là đẻ được ngay. Mình cứ giả vờ ly hôn, sau khi có con thì đi đăng ký lại”. Thành nói với Ngân trong một chiều mưa ầm ầm dội xuống mái nhà. Giàn hoa giấy trước cổng dường như cũng chao đảo, ngã nghiêng dưới màn mưa trắng xóa. Ngân nhìn những cánh hoa đỏ au, chìm nổi trôi theo dòng nước. Tươi đẹp là thế, mà giờ cũng dập nát tan tành dưới mưa gió.

Cưới nhau đã ba năm, nhưng bụng Ngân mãi vẫn trơ trơ.

Hôm đó, nhìn Thành đội mưa chặt hết mấy gốc chuối trong vườn, miệng liên tục làu bàu chẳng hiểu sao anh lại trồng ra toàn chuối bum. Ngân chợt thấy chạnh lòng. Chuối bum. Chuối sẽ chẳng bao giờ trổ được buồng. Chẳng lẽ Ngân cũng giống cây chuối bum kia, cuối cùng cũng chỉ để chặt bỏ đi, tấp vào gốc những thân chuối khác.

Trước những tỉ tê của chồng, Ngân cuối cùng cũng đồng ý ra tòa ly hôn. Ly hôn giả, nhưng mọi thứ đều diễn ra thật. Để thủ tục diễn ra nhanh gọn, Thành nói Ngân từ chối chia tài sản. Ngân mệt mỏi, cứ theo ý chồng mà làm. Thành khẳng định ly hôn xong, việc mang thai chắc chắn sẽ chẳng còn là vấn đề nan giải. Thầy bói đã nói thế. Ở quê Ngân, có nhiều cặp đôi vì không hợp tuổi, nên đành đi đăng ký kết hôn rồi về sống cùng nhau mà không tổ chức cưới. Có cặp tổ chức cưới thì chẳng thể rước dâu, cô gái cứ thế ôm theo bọc áo quần về nhà chồng. Ngân nghĩ về những cô gái kia rồi tự an ủi cho phận mình.

***

Lại ba năm nữa trôi qua, nhưng bụng Ngân vẫn cứ phẳng phiu như hồi còn con gái. Ngân buồn. Thành cũng buồn. Ngày trước còn cùng nhau nói lời động viên, giờ thì thôi hẳn. Ai nấy chỉ chăm chăm chúi đầu vào công việc.

Hồi mới cưới, vợ chồng Ngân đều làm ruộng, làm rẫy. Những lúc hết việc đồng áng, Thành lại sang xưởng gỗ ở xã bên làm thuê. Nhìn cách người ta kiếm tiền, Thành liền nung nấu ý tưởng làm giàu. Thành bàn với vợ, bán hết số vàng cưới của hai người. Số vàng này Ngân vẫn cất giữ, định để dành đến lúc cô sinh nở thì lấy ra dùng. Hai vợ chồng cũng bán luôn mảnh rừng ba cho Ngân lúc con gái đi lấy chồng. Gom góp được mấy trăm triệu, cả hai mua máy móc, vật liệu, thuê nhân công, dựng nên xưởng cưa cạnh nhà. Từ chỗ chỉ vài người làm thuê, công việc làm ăn ngày một xuôi chèo mát mái, giờ cái xưởng cưa lúc nào cũng nhộn nhịp, trên dưới hàng chục người làm. Tiền kiếm được ngày càng nhiều nhưng Thành ít cười hẳn, những cuộc nhậu với bạn bè ngày một dày và dài hơn.

Rồi, Ngân bàng hoàng phát hiện chồng mình đang qua lại với người phụ nữ khác. Càng bàng hoàng hơn khi nghe “tình địch” chỉ thẳng mặt Ngân mà lớn giọng: “Chị đã ly hôn với anh Thành, sao còn mặt dày mà ở lại đây?”. Thành nói: “Ly hôn là giả, nếu như cô đẻ được. Chứ cô đẻ không được, tôi còn phải đi kiếm vợ khác chứ. Cô nhanh nhanh ra khỏi nhà giùm tôi”. Thành nói: “Nhà này là của tôi. Xưởng gỗ này là của tôi. Mọi thứ ở đây đều là của tôi hết. Đây, cô đọc cho kỹ vào, lúc ly hôn, cô đồng ý không lấy bất cứ thứ gì”. Hôm đó, xách va li ra khỏi nhà, trong đầu Ngân chỉ nghĩ đến người phụ nữ đó. Người ta ly hôn, có sẵn hai đứa con trai. Không cần tốn công đẻ, Thành cũng có người chờ sẵn để kêu ba. Chắc là anh vui lắm.

***

Bên kia sông chiều nay, tiếng hát hò trong đám cưới vọng qua bên này nghe rõ mồn một. Trời nóng như đốt lửa, lại phải nghe những giọng hát ngang phè, đôi khi còn rớt nhịp khiến đầu Ngân cứ kêu ong ong. Ngân mới ra khỏi nhà còn chưa tròn ba tháng, mà Thành đã tổ chức lễ cưới, đón người phụ nữ khác vào nhà. Ngân ngồi nơi mé hiên, đưa tay vuốt cái bụng giờ đã lùm lùm. Cái thai đã 4 tháng, nhưng nếu không biết, người ta còn tưởng tại Ngân mập lên. Ngân cũng từng tưởng do mình mập. Nếu mẹ không hỏi cặn kẽ, chắc đến giờ Ngân vẫn còn miệt mài tìm mọi cách giảm cân.

Ngân trìu mến vuốt ve đứa con trong bụng. Nó đã cố đến sớm, nhưng vì Ngân không phát hiện ra, nên mới để vỡ mất tổ ấm. Khi biết tin mình có thai, cũng là lúc cô nghe Thành đang rục rịch chuẩn bị cưới. Lúc ấy, Ngân đã định chạy đi gặp Thành, nói cho anh biết hai người đã có thai, họ có thể cùng nhau làm lại từ đầu. Ngân cười nhạt với suy nghĩ “làm lại từ đầu” của chính mình. Ngay cả bản thân cô cũng sẽ không làm được, thì nói chi đến Thành.

Đứa con này, cô đã khao khát suốt mấy năm trời. Bây giờ nó chỉ là của mình cô. Ngân sẽ xem con như là món quà mà ông trời đã ban tặng cho riêng mình, sau tất cả những đau xót mà cuộc hôn nhân trước đây đã để lại. Con sẽ giúp cô xóa sạch vết sẹo trong lòng. Những buồn đau trước đây, rồi cũng như dòng nước trước nhà, chẳng mấy chốc mà trôi ra biển. Ngân mỉm cười nhìn ánh chiều đang đổ xuống sân, quay lưng bước vào nhà. Đã đến giờ, cô chuẩn bị cơm chiều.

THỦY THANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Cô giáo đặc biệt

Trong phòng khách, bố mẹ tôi mỗi người một góc, tay cầm điện thoại, ấn máy liên tục hết gọi cho người thân lại đến bạn bè kèm lời dặn dò: “8 giờ tối nay, bác nhớ mở tivi xem chương trình “Tỏa sáng những tấm gương nghị lực” nhé. Cái Vy con dâu tôi nó được lên tivi đấy ạ!”.

Cô giáo đặc biệt
Xuân như đã về

Như sự thèm thuồng mỗi khi ánh nắng tràn qua khe cửa sau một ngày mưa tầm tã, tôi cũng muốn được nhìn thấy em. Khoảnh khắc khi tôi vừa gọi tên em, ánh mắt em ngước lên nhìn tôi cứ như nụ tầm xuân đang e ấp chờ ngày hé nụ và có một điều gì đó vô cùng thu hút. Cho tới khi nhìn thấy tôi im lặng không nói gì, đôi mắt nâu đậm ấy trở nên dỗi đánh nhẹ tôi một cái rồi tiếp tục chú tâm công việc của mình:

Xuân như đã về
Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê

Đọc Trần Băng Khuê, tôi không có cảm giác đang chạm vào một cấu trúc hư cấu kiểu mẫu, mà đang mò mẫm bước qua từng không gian luôn khép kín, chỉ có một cánh cửa để mở vào một không gian khác và cứ thế dẫm lên những siêu hiện thực không ngừng được bày ra.

Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê
Return to top