ClockChủ Nhật, 23/04/2023 09:03

Bên bờ biển

Phiêu bạt cùng “Bốn mùa hoang vu xứ Kiwi”Khoảng trời bình yên trong “Ô cửa rêu xanh”

“Mình ra biển chút hí. Xem biển Sầm Sơn hắn như răng”. Con bạn trong nhóm ghé tai nói nhỏ nhỏ. Cô gật liền. Hôm qua, cô và mấy đứa bạn thân ngồi trên ô tô suốt chặng đường hơn 500km ra Thanh Hóa để dự đám cưới Huê, nhỏ bạn trong nhóm một thời đại học “sống chết có nhau”. Từ ngày tốt nghiệp ra trường, đến nay đã 6 năm. Nhiều đứa trong nhóm chồng con đề huề, nhưng cũng còn vài đứa vẫn là “lính phòng không”. Con gái 28-29 tuổi chưa lấy chồng, đối với xã hội thời này, chuyện bình thường. Chỉ có các bậc phụ huynh hay sốt ruột, liên tục nhắc “coi mà lấy chồng đi, không thì ế chưa biết chừng”. Huê và cô là mấy đứa “gái ế”. Nay Huê lấy chồng, cả nhóm quyết tâm đi Thanh Hóa để mừng sự kiện quan trọng, mừng cho con bạn và cũng để cùng nhau hàn huyên sau nhiều năm không gặp. Vậy nên ngày mai mới diễn ra lễ cưới, nhưng cả nhóm đã ra sớm, vừa tụ tập, vừa có việc vặt gì làm giúp được cô dâu mới, thì giúp.

leftcenterrightdel
 

Đây là lần đầu cô đến Thanh Hóa. Cứ nghe biển Sầm Sơn là địa điểm thu hút khách du lịch, cô cũng rất tò mò, xem có gì nổi trội, mỹ miều hơn biển quê cô. Thực ra thì vùng biển nơi cô ở cũng đâu phải quê hương, mà chỉ là cô về đó dạy học. Từ thành phố về biển gần năm chục cây số. Vị chi đi về mỗi ngày gần cả trăm cây số. Cha mẹ cô xót con gái, sợ ngày nào cũng đi về chặng đường xa xôi như vậy không đảm bảo sức khỏe, đặc biệt là an toàn giao thông trong những ngày mưa gió. Cha mẹ cô kinh doanh, cũng thuộc diện khá giả, nên bỏ tiền mua mảnh đất trong làng chài ven biển, xây ngôi nhà cấp bốn, đơn giản cho con gái ở tạm. Cha mẹ tính, sau này sẽ xin chuyển cho con gái về dạy học trong thành phố. Biển nơi cô dạy học cũng là điểm du lịch tiềm năng. Ngôi nhà cấp bốn đó sẽ đập đi, xây homestay, kinh doanh dịch vụ du lịch.

Cô hơi ngạc nhiên bởi biển Sầm Sơn không mỹ miều như trong tưởng tượng. Không biết những hôm khác thì thế nào, nhưng hôm nay trong tiết chuyển mùa, nước biển đục. Điều khiến cô thích thú là cảm giác thật gần gũi khi mùi mặn mặn nồng nồng của biển phả vào mặt và bãi cát chi chít vết chân hiện ra. Những con thuyền xếp dọc dài theo bãi cát, nghỉ ngơi sau chuyến đánh bắt. Trên bãi cát, cảnh mua bán hải sản diễn ra nhộn nhịp. Thêm vài con thuyền từ ngoài khơi đang chuẩn bị cập bờ. Những lá cờ Tổ quốc cắm trên thuyền no gió tung bay, khiến lòng dạ cô bổi hổi bồi hồi. Làng chài nơi cô ở cũng vậy, cờ Tổ quốc luôn theo cùng ngư dân trong những chuyến ra khơi vào lộng. Có lần, Thành nói với cô, trên mênh mông biển cả, lá cờ Tổ quốc là niềm tự hào, như một điểm tựa, khiến các ngư dân vững lòng, đoàn kết với nhau, có thêm sức mạnh. “Mình ra khơi đánh bắt, làm ăn, cũng là để giữ gìn chủ quyền biển, đảo” - nụ cười của Thành sao mà ấm, khi nói với cô như vậy.

Nụ cười ấm áp, mặn mòi mùi biển của người đàn ông làng chài, len dần dần vào cuộc sống của cô. Cô thường nghĩ về người đàn ông “ăn sóng ngủ gió” nhưng ánh mắt lại bối rối khi mang đến tặng cô những con cá, mớ mực tươi, ngon nhất sau mỗi chuyến biển. Bao giờ Thành cũng “chặn” trước bằng câu: “Coi như anh cảm ơn em vì đã chỉ vẽ cho con bé Nấm nhà anh học hành. Nhất là bé Nấm rất vui mỗi khi được em dắt ra biển. Mấy con cá này nhằm nhò gì so với công sức của em đã bỏ ra. Em đừng băn khoăn, cũng đừng từ chối nhé”. Không biết bao lần rồi, Thành đóng thùng xốp những loại hải sản ngon anh đánh bắt được, gửi lên thành phố tặng ba mẹ cô. Tất nhiên trên nắp thùng ghi tên cô là người gửi. Lần đầu khi mẹ gọi điện thoại báo đã nhận được, khen hải sản ngon quá trời, cô ngạc nhiên đến “đứng hình”, lát sau mới hiểu ra. Những lần như vậy, Thành lại cười hiền: “Anh làm được ấy mà. Đó là một chút tấm lòng bày tỏ với các đấng sinh thành, đã sinh ra cô giáo tuyệt vời, mang yêu thương và kiến thức đến cho học sinh đất biển này. Và cả yêu thương cho bé Nấm của anh nữa”. Khi nói câu sau, giọng Thành thấp xuống cùng nụ cười bối rối. Má cô đỏ ửng.

Ở trong xóm chài, nhưng phải đến hôm tất tả đội mưa gió giúp mấy hộ già cả, neo đơn chạy bão, Thành và cô mới “đụng” mặt nhau. Rồi sau đó, những lần cùng tham gia hiến máu nhân đạo, cùng vận động quyên góp hỗ trợ đồ dùng học tập, xe đạp cho học sinh hoàn cảnh nghèo…, đã khiến mối quan hệ giữa hai người trở nên gần gũi. Có lần mới từ biển về, nhận điện thoại của Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, Thành sấp ngửa chạy lên bệnh viện trong thành phố, hiến máu cứu người đang nguy kịch. Hôm ấy cô hỏi: “Rồi anh có biết người bệnh đó là ai không?”. Thành trầm giọng: “Anh nghe nói đó là một phụ nữ mắc bệnh khá hiểm nghèo. Nghe đâu chị ấy cũng còn trẻ, chắc con cũng còn thơ dại. Chỉ mong chị ấy vượt qua được bệnh tật…”.  Cảm xúc của cô thật khó tả. Cô nhận ra, hình ảnh của Thành cứ tự nhiên mà đi vào suy nghĩ của cô, có mặt cả trong giấc ngủ của cô.

Trước đây Thành đã cưới vợ. Nhưng vợ anh không may bệnh nặng rồi qua đời lúc bé Nấm mới một tuổi. Con bé bây giờ đã học lớp hai. Đối với nó, mẹ là nàng tiên như trong truyện cổ tích, chỉ gặp được trong giấc mơ mà thôi. Nghe con bé bảo như vậy, cô thương nó quá. Mỗi chuyến Thành đi biển, bé Nấm ở nhà với bà nội. Nội thường khư khư giữ con bé ở nhà, nên mỗi lần được cô dẫn ra bãi biển chơi, Nấm thích lắm, cười suốt với hàng lô hàng lốc câu chuyện. Có lần bé Nấm ngước nhìn cô bằng ánh mắt trong veo: “Cô ơi, con nghe nội bảo, sáng mai tàu ba con về vào lúc sáng sớm. Cô qua nhà dẫn con ra biển đón ba được không? Con muốn như nhiều bạn, được mẹ dẫn ra biển, chờ đón ba về”. Câu nói vô tư của trẻ con không dưng lại khiến lòng cô bối rối. Cũng có lần trên bãi biển, Thành nắm chặt tay cô, ước mỗi chuyến biển trở về, được như những ngư dân trong làng chài, có người phụ nữ của mình ngóng đợi.

Tiếng con bạn cắt ngang dòng suy nghĩ của cô: “Mày xem, có cô bé nhỏ xíu thương chưa kìa, mặt sao buồn hiu, đang ngồi cạnh, chờ mẹ buôn bán á”. Cô cùng bạn đến gần. Trên bãi cát, ngồi sát cạnh người phụ nữ lam lũ đang lúi húi lựa cua bán cho khách, cô bé con tầm tuổi bé Nấm, đang ngoan ngoãn ăn củ khoai luộc cầm trong tay. Có vẻ đây là bữa ăn sáng cơ động vội vàng, khi bé cùng mẹ ra biển sớm, đón thuyền cập bờ, mua hải sản để bán lại kiếm lời. Người mẹ mau chuyện: “Trước, chồng tôi là ngư dân. Anh ấy là trụ cột tinh thần của mẹ con tôi. Nhưng trong cơn giông bất ngờ ngoài khơi đã cướp đi người chồng, người cha tuyệt vời. Trước, con bé thường theo tôi ra biển chờ bố về. Bây giờ thỉnh thoảng nó lại đòi tôi cho ra biển cùng. Nó nhớ bố lắm...”.

Bỗng dưng, bên bờ biển cách làng chài của cô 500km, trong lòng cô dâng lên con sóng mang tên nỗi nhớ. Ngay bây giờ, cô muốn nói với Thành, cô muốn ở lại hẳn với làng chài, không về thành phố như cha mẹ dự định. Cô muốn dẫn bé Nấm ra bãi biển ngóng chiếc thuyền thân thuộc trở về. Ban đầu, có lẽ cha mẹ sẽ phản đối, sẽ khó hiểu. Nhưng có lẽ, rồi cha mẹ cũng sẽ hiểu những lý lẽ của trái tim và hiểu cho đứa con gái của mình. Cô không thể bỏ lỡ người đàn ông tốt mà trái tim đã lựa chọn.

Khi mở điện thoại, chưa biết diễn đạt những điều đang dâng trào trong lòng như thế nào thì cô cười hạnh phúc khi giọng Thành trầm ấm: “Anh nhớ em nhiều lắm. Em sớm về với làng chài, với học sinh của mình và về với cha con anh nhé”.

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình?

Khi mua máy rửa xe cho gia đình, có một số yếu tố cần lưu ý để đảm bảo bạn chọn được sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn lựa chọn máy rửa xe tốt cho gia đình.

Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Return to top