ClockChủ Nhật, 12/03/2023 09:57

Khoảng trời bình yên trong “Ô cửa rêu xanh”

TTH - Hầu hết trong 23 truyện ngắn trong tập truyện ngắn “Ô cửa rêu xanh” của Lê Thị Ngọc Hà (Nxb Thuận Hóa, 2023), luôn hiện hữu một khoảng trời bình yên. Sự bình yên có thể xoa dịu, chữa lành những đau đớn, tổn thương, mất mát, để con người tiếp tục đi về phía tốt đẹp.

Hơn 10.300 bài dự cuộc thi Đại sứ văn hóa đọcTriển lãm ảnh tư liệu và giới thiệu sách về Đại tá Hà Văn Lâu

leftcenterrightdel

Tập truyện ngắn “Ô cửa rêu xanh” của Lê Thị Ngọc Hà

Lê Thị Ngọc Hà (bút danh Hà Lê) sinh năm 1983, tốt nghiệp Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Là phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, chị từng có những năm tháng xông xáo trên mọi nẻo đường để thực hiện nhiều bài báo, phóng sự đầy tâm huyết. Cách đây 6 năm, Hà không may mắc căn bệnh ung thư. “Cú đánh” của số phận khiến Hà có thời gian sốc nặng. Nhưng bệnh tật hiểm nghèo không đánh ngã được ý chí của người phụ nữ nhỏ nhắn với niềm khát khao sống, đam mê viết bằng tất cả nỗi yêu thương cuộc đời.

Chị viết các thể loại bút ký, tản văn, truyện ngắn… và đã đoạt các giải thưởng: Giải khuyến khích cuộc thi bút ký “Di sản, văn hóa và con người Thừa Thiên Huế” (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, 2023); giải khuyến khích cuộc vận động viết bút ký văn học về đề tài thương binh - liệt sĩ chủ đề “Đền ơn đáp nghĩa” (Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, 2022); giải nhì cuộc thi viết “Nghĩa tình miền Tây” (Báo Thanh Niên, 2022); giải ba cuộc thi viết “Món ngon Hà Nội” (Báo Thanh Niên, 2022); giải khuyến khích cuộc thi viết “Phở trong tôi” (Báo Tuổi trẻ 2021, 2022); giải ba cuộc thi viết “Hà Nội, thành phố tôi yêu” (Báo Thanh Niên, 2021).

Với tập truyện ngắn “Ô cửa rêu xanh”, Lê Thị Ngọc Hà viết bằng giọng văn nhẹ nhàng, đầy màu sắc, hương vị và thanh âm trong trẻo. Hoa lá, cỏ cây, tiếng của lũ chim đáng yêu hay bất cứ khoảnh khắc đẹp đẽ nào của thiên nhiên cũng có thể là một “nhân vật” trong truyện ngắn của Hà, với sứ mệnh đẹp đẽ, xoa dịu những nỗi buồn, khơi dậy niềm phấn chấn, đặc biệt là khiến con người tìm thấy sự bình an trong tâm hồn. “Tiếng chim núi líu ríu vọng trong tiếng gió đồi vi vu thổi. Mùi của núi đồi, của cây lá, của cả hoa dại ngập tràn trong xoang mũi. Hân hít thật sâu mùi thanh sạch của núi đồi, bước chân trên con đường đầy đất đá cuội lạo xạo cũng trở nên nhẹ bẫng. Sự bình yên nơi đây khiến lòng Hân bỗng thấy an nhiên chi lạ, tựa như có dòng nước mát nhẹ nhàng chảy qua lòng mình” (truyện ngắn “Nắng về ngang lưng đồi”).

Văn là người. Văn của Hà cũng trong trẻo với biết bao nỗi niềm yêu thương như con người chị. Trong cuộc chiến với ung thư, sau những cuộc đại phẫu thuật, những lần vào hóa chất, ở trên gường bệnh đầy đau đớn, nhưng Hà vẫn quan tâm, sẻ chia, khích lệ những bệnh nhân xung quanh mình. Đôi khi chỉ với nụ cười rạng rỡ hoặc với hình ảnh luôn cầm cuốn sách để đọc; cắm cúi ghi chép ngay trên giường bệnh, sau khi vừa “tỉnh” hóa chất, Hà khiến những người xung quanh được tiếp thêm sức mạnh, khao khát sống có ích.

Vươn tới những điều tốt đẹp “chảy” vào từng trang viết. Để rồi trong “Ô cửa rêu xanh” có câu chuyện tình của đôi vợ chồng già chốn thôn quê trong truyện ngắn “Nơi bình yên chim hót”, mộc mạc và vô vàn yêu thương từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, là cả một trời bình yên giữa cuộc đời không ít gập ghềnh, góc khuất. Cũng có những tâm hồn tưởng chừng đã héo hon trước mất mát lớn nhất của đời người, nhưng họ đã vượt lên nỗi đau, nghịch cảnh để sống có ý nghĩa, đi về phía hạnh phúc (truyện ngắn “Sân nhà có nắng”; “Sợi khói giăng ngang chiều”) hoặc hàn gắn lại những gì đã vỡ  (“Nắng về ngang lưng đồi”).

Trong “Ô cửa rêu xanh”, đôi khi tưởng chừng chỉ một chút nữa thôi sẽ lạc lối, nhưng yêu thương, nghĩa tình và trách nhiệm đã “níu” con người kịp dừng lại trước “lằn ranh” lầm lỗi (truyện ngắn “Ranh giới”). Cũng có người đã mạnh mẽ vượt qua sự thủ phận, yếu đuối “lưu cữu” từ đời này qua đời khác, để mở ra cánh cửa mới, tươi đẹp và đáng sống (truyện ngắn “Một cuộc hôn nhân”; “Phải dứt”).

Nếu ai có lúc nào mệt mỏi, lật giở “Ô cửa rêu xanh” của Lê Thị Ngọc Hà, để có thể ngẫm ra một điều giản dị: “Hóa ra nhìn lũ chim nhảy nhót ngoài kia cũng khiến lòng mình nhẹ nhàng như thế” (“Đàn chim sẻ trên mái ngói”)...

Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vận dụng tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào giảng dạy, nghiên cứu

“Với tầm khái quát lý luận cao và tổng kết thực tiễn sâu sắc, các tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hàm chứa những giá trị lý luận và thực tiễn mà đội ngũ giảng viên nhà trường cần quan tâm nghiên cứu, vận dụng trong hoạt động giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học” - TS. Nguyễn Thị Châu, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh cho biết.

Vận dụng tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào giảng dạy, nghiên cứu
Return to top