ClockChủ Nhật, 23/06/2024 07:39

Cầu thang

TTH - Bà già nằm trên giường ngước mắt nhìn lên cầu thang. Bà nghe ngóng bước chân người lên xuống mỗi ngày. Dần rồi quen, nhắm mắt lại bà cũng đoán được chân của từng người.

Giả vờ

 

Con trai bà thường trở về nhà bằng bước chân mệt mỏi, nhưng vẫn cố bước nhẹ để mẹ không thức giấc. Con dâu bà bước chân luôn nặng trịch, như thể cố phát ra thứ âm thanh uỳnh uỵch. Bước chân thoăn thoắt là của đứa cháu trai. Thằng bé luôn vội vàng chạy tìm thứ này, thứ kia. Có khi nó mang theo cả quả bóng để nảy tưng tưng xuống từng bậc cầu thang, miệng huýt sáo không ngừng. Những âm thanh ấy khiến bà thấy căn nhà đỡ phần trống trải. Khi cánh cửa nhà khép lại, bà không dám mở mắt ra nhìn. Có thể là thứ ánh sáng nhờ nhợ lọt vào qua lỗ thông gió nhỏ xíu ở bếp. Có khi là bóng tối bao trùm. Lại có khi không rõ là sáng sớm hay chiều muộn. Ngày nối ngày, đêm nối đêm. Bà thậm chí không biết mình nằm trên chiếc giường ấy đã bao lâu. Không biết ngoài kia mùa đông hay mùa hè. Chỉ đến khi đứa cháu gái thủ thỉ: “Để cháu trải đệm cho bà nằm đỡ đau lưng. Trời sang thu rồi bà ạ, đêm có khi trở lạnh” thì bà mới lần hồi theo ký ức tìm mùa. Căn nhà lá hiện ra, bảng lảng sương sớm vây quanh những quả hồng chín đỏ trong vườn. Bà thức dậy, tiếng then cửa lẹt kẹt kêu lên ngái ngủ. Lũ gà đang chờ mở cửa chuồng để chạy ào ra sân kiếm vài hạt thóc. Bà bắt đầu việc quét dọn sân nhà, bẻ củi nhóm bếp rang cơm cho chồng con ấm bụng. Nhắc đến bếp bà bỗng nhiên nhớ khói…

Nơi bà nằm là một phần căn bếp của ngôi nhà bốn tầng. Căn bếp vốn không có vách ngăn với cầu thang nên nằm ở đó bà có thể nhìn thấy khoảng không gian xoắn ốc hun hút trên cao. Bà thấy khói ở đó. Thứ khói có mùi rơm rạ đồng chiều đang tỏa ra dìu dịu đã vỗ về sự đau đớn ê ẩm trong cơ thể của bà. Bếp thường là nơi ấm nhất trong nhà. Nhưng bếp nhà con trai bà lạnh lắm. Có khi cả tuần không thấy nổi lửa, dù chỉ là thứ lửa tưởng tượng ẩn trong chiếc bếp từ sạch sẽ, đắt tiền. Cháu trai thích pizza. Con dâu thích ăn hàng. Con trai hay rượu bia tiệc tùng. Chỉ khi cô cháu gái ở nhà căn bếp mới vang lên những tiếng động vui tai. “Cháu băm thịt nấu cháo cho bà đây ạ. Cháo hạt sen bà nhé. Hạt sen tươi cuối mùa còn để nguyên tâm. Đắng nhưng bùi lại dễ ngủ bà ạ. Hôm cùng bạn bơi xuồng ra giữa đầm hái bắp sen cháu lại nhớ đến lời bà kể. Lúc còn trẻ bà cũng hay đi hái sen như thế. Năm nay cháu bận quá chẳng kịp mang sen về cho bà. Đến lúc sực nhớ ra thì mùa đã tàn rồi bà ạ”. Đã tàn mùa sen rồi ư? Bà còn chưa kịp thấy hương sen trong nhà. Nước mắt bà ứa ra. Nhà không khói mà như có khói.

Con trai bà sáng vội vàng ra khỏi nhà sau tiếng chuông báo thức, tối muộn mới trở về. Thời gian đầu khi bà mới bị tai biến phải nằm liệt giường, con trai thỉnh thoảng có an ủi mẹ. Lúc đi làm thường dừng lại giường bà ân cần bảo “mẹ ở nhà, con đi làm đây”. Sau này tiếng chào lẫn vào tiếng bước chân vội vã. Có khi bà không biết có đúng là con trai vừa chào mình hay không. Dần dần chỉ còn tiếng bước chân. Mọi người trong nhà đều quên có một bà già đang nằm đó. Chỉ duy cô cháu gái là mỗi lần đi qua đều nắm chặt tay bà một cái. Có khi bảo: “Tay bà lạnh. Để cháu đắp thêm chăn”. Có khi than: “Tay bà gầy, toàn da bọc xương thôi. Bà phải chịu khó ăn nhiều vào”. Tiếng con dâu bà từ nhà nói vọng xuống: “Đi làm đi, còn quanh quẩn mãi đó làm gì?”. Vài lời nói bóng gió có vọng vào tai bà: “Già rồi nằm một chỗ. Ăn nhiều chỉ khổ con cháu hầu hạ thôi”. Vài cuộc cãi vã xảy ra, ô sin được thuê về theo giờ. Bà nghe thấy tiếng con dâu thở phào nhẹ nhõm lúc giao mẹ chồng cho cô giúp việc. “Mỗi ngày cô phải đến cho bà ăn ba bữa. Mỗi bữa nhớ cho ăn ít thôi. Cháo có thể mua sẵn ngoài hàng khỏi cần nấu nướng gì. Nhớ lật người lên lau rửa không hoại tử. Không sợ gì bằng mùi thịt thối”. Từng lời nói như kim châm nhức nhối trong da thịt. Bà sợ hãi cảm giác cơ thể mình đang nẫu ra như quả cà chua thối nát. Rồi bà sẽ thành một thứ rác thải trong chính ngôi nhà của con cháu mình.

Nhắm mắt lại, bà ước mình được trở về căn nhà cũ ở quê. Để nằm dưới mái ngói đã xanh rêu, nghe tiếng mọt kêu trong không gian tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng của bình yên khác hẳn ở nơi này. Trong căn nhà cũ của bà dù nằm ở bất cứ đâu cũng có thể nhìn thấy bầu trời trong vắt bên ngoài qua những ô cửa sổ. Một kẽ nứt bên tường còn có hoa nở, sương bay. Khu vườn màu xanh mùa này ong bướm bay về. Đàn gà con vàng ươm lích chích luồn trong những bụi chuối non tìm con sâu, cái kiến. Tiếng quả hồng nào vừa rụng xuống đất nâu, chim chóc vù bay lên, thảng thốt. Gió ở quê có thể thổi lành những vết thương. Người ở quê hiền hòa chẳng biết nói những lời cay nghiệt. Nhưng ngôi nhà ấy giờ đã thuộc về người khác. Dù đã có lúc bà nghĩ mình không thể nào rời xa đồng đất quê nhà. Nơi có mồ mả ông cha, khói hương chồng bà và cả đứa con gái chết khi vừa biết nói. Mấy lần bà ốm đau, nghe hàng xóm gọi, con trai liền tức tốc trở về giữa đêm khuya khoắt. Thấy con cực nhọc vì mình nên bà chẳng nỡ từ chối bán ngôi nhà và mảnh vườn thân thuộc, khăn gói xuống phố sống nốt phần đời còn lại. Những tưởng sẽ có nơi nương tựa lúc về già, sống quãng đời vui vầy bên con cháu. Nào ngờ…

Lúc chưa đổ bệnh bà còn giúp con trông coi cửa nhà, cơm nước ngày ba bữa thì chẳng có chuyện gì. Người già ăn bao nhiêu, ở bao nhiêu. Bà tự nhủ sống nép mình trong một thế giới riêng để con cháu ấm êm không phải vướng bận gì. Nhiều đêm, bà cứ mong mình khỏe mạnh cho đến khi ông trời gọi đi là đi luôn. Ngủ một giấc không bao giờ tỉnh lại. Đừng bệnh tật, ốm đau để phiền hà con cháu. Vậy mà ông trời nỡ lòng nào đẩy bà vào hoàn cảnh này. Không gì khổ tâm bằng việc mình trở thành gánh nặng làm xáo trộn cuộc sống của các con. Đã có lúc bà nghĩ hay là tìm cách nào đó để tự kết thúc cuộc đời mình. Nhưng làm vậy, con trai bà có thể sẽ dằn vặt suốt quãng đời còn lại. Bà nhìn lên xoáy cầu thang hun hút. Ước gì mình có thể tan ra như sương khói chẳng để lại một dấu vết gì.

Một buổi chiều căn bếp bỗng nhiên ồn ã hẳn lên. Tiếng con dâu bà chạy qua, chạy lại. Tiếng dao thớt chặt băm. Tiếng nước xối trong bồn rửa bát nghe thật vui tai. Bà ngửi thấy mùi của các loại rau thơm. Bà nhìn thấy màu đỏ tươi của những quả cà chua trên rổ. Bữa tối ấy đông đủ, đã lâu lắm rồi bà không được nghe tiếng con trai mình cười nói vui vẻ thế. Lúc bé, con trai bà là đứa trẻ hay cười. Tiếng cười lanh lảnh ấy thường khiến bà quên đi những vất vả, nhọc nhằn của cuộc đời quanh năm lam lũ. Càng lớn lên con người ta càng ít cười hơn. Tiếng cười lặn vào trong những suy nghĩ bộn bề bon chen, chật vật. Từ ngày bà bị bệnh, con trai bà càng thêm trầm tính. Hoặc là những nụ cười con bỏ đâu đó ngoài bậc cửa mà bà không cách nào thấy được. Bà chỉ mong những buổi tối ấm ran tiếng cười như thế này còn mãi. Nhưng cơm nước vừa xong đã thấy tiếng con dâu bà đằng hắng:

- Em tính chuyển mẹ lên tầng trên cùng, nằm ngay gần phòng thờ. Chứ giờ mẹ nằm liệt giường lù lù ngay tầng một, khách khứa tới nhà cũng bất tiện. Mà người nằm lâu một chỗ khó tránh khỏi hôi hám, ở trong bếp mãi đâu có được.

- Nhưng để tầng một còn có người qua lại. Đưa mẹ lên tầng trên cùng hàng ngày có mấy ai lên đấy. Mẹ đói khát cũng không ai biết.

- Đói khát bà khắc gọi. Anh không phải lo xa. Hơn nữa nhà đã có ô sin thuê theo giờ chỉ để lo cho bà. Bao lâu nay, em để bà đói khát bao giờ mà anh sợ.

Thế là bà được khênh lên từng bậc cầu thang. Bà thấy mình tựa như đang lên trời, hun hút. Đứa cháu gái đi làm dưới thành phố, cách nhà hơn hai chục cây số, có hôm về có hôm ở lại nhà trọ. Bà nằm đó thèm nghe tiếng bước chân qua lại của con cháu trong nhà. Nhưng thường thì những bước chân chỉ dừng lại ở tầng ba. Chẳng có ai leo lên tầng trên cùng ngoài ngày rằm, mồng một. Mùi hương khói phảng phất khiến bà nhớ người chồng đã khuất. Nếu ông còn sống thì tuổi già của bà chắc không phải cô quạnh thế này. Hai người sẽ bầu bạn, chăm sóc cho nhau trong ngôi nhà thân thuộc. Người khỏe nấu cho người ốm bát cháo trắng cũng cảm thấy ấm lòng. Sẽ kể cho nhau nghe những câu chuyện đời thường. Cùng nhau ôn lại chuyện xưa lúc hai mái đầu còn xanh, lúc con còn bé bỏng. Vì không có bước chân nào đánh động nên bà cứ miên man chìm đắm vào miền ký ức của mình. Người giúp việc đến đều đặn theo giờ, lặng lẽ làm xong việc rồi đi. Thỉnh thoảng, bà cất tiếng nhờ chị ta mở giùm cửa sổ để nhìn thấy khoảng trời ở bên ngoài. Lần nào chị ta cũng thoáng chút sững sờ, cứ như đã quên mất bà còn có thể cất lên tiếng nói.

Cuối tuần đứa cháu gái về nhà đi lên cầu thang bằng những bước chân nhún nhảy. Không cần hỏi bà cũng biết hẳn là con bé đang yêu. Đặt một lọ hoa bên cửa sổ, đứa cháu gái khẽ cúi xuống vén những sợi tóc mai vướng trên đuôi mắt nhăn nheo của bà. “Cháu ít về bà có nhớ cháu không? Sau này cháu lấy chồng có thể sẽ còn ít về hơn. Nhưng mỗi lần về chắc sẽ đông vui hơn, bà phải gắng sống lâu để nhìn thấy các chắt của mình lần lượt ra đời”. Bà đưa mắt nhìn ra cửa sổ, nắng thu hắt vào những thảm rêu xanh đẹp như một mảnh hồn quê. Đứa cháu gái treo từng cuộn vỏ bưởi lên dây phơi trước phòng bảo để mấy hôm nữa đun nước tắm cho bà, thích lắm. Mùi tinh dầu tỏa ra từ vỏ bưởi khiến bà thấy dễ chịu biết nhường nào. Qua thứ ánh nắng vàng óng của mùa thu, bà bỗng nhiên nhìn thấy ông về. Ông không đi lối cầu thang. Ông đến từ phía của mây trời với bước chân nhẹ bẫng. Ông đi về phía bà nở nụ cười hiền hậu. Chiếc áo ấy, đôi dép ấy từng thân thuộc quá chừng. Bà muốn nhấc bàn tay vẫy gọi “ông ơi”. Mắt bà dần chìm vào màu nắng hư vô.

Đứa cháu gái sau khi phơi xong thúng vỏ bưởi nghe tiếng chim kêu liền ngó lên trời. Cô gái thoáng sững sờ vì thấy có những bước chân mây vừa lướt nhẹ qua mình…

Vũ Thị Huyền Trang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top