ClockThứ Bảy, 08/12/2018 18:00

Cầu vồng đi đâu

Đáy giếngVết sẹo an lành

...Giờ đã muộn lắm.

Màn đêm như sáng rỡ. Phía xa, nơi tiếp giáp giữa biển và trời không còn hiện bởi vài mươi chiếc đèn câu. Tôi quay sang nhìn em thật lâu và ngẫm ngợi. Em có đồng ý cùng mình trắng đêm để bù lại ngày xưa? Không. Nàng qua sông rồi, còn tôi cũng đã sang đò. Đừng. Một chút hồi tưởng cố nhân xưa, một chút lãng đãng dư âm của mối tình đầu cũng chẳng nên.

Ngoài kia trăng bắt đầu mọc. Trăng mười tám lồ lộ, đẹp lung linh. Trước mặt hai chúng tôi là một hòn núi lớn. Tôi hỏi em “Hòn núi tên gì”. Giọng em buồn “Không biết”. Tôi thở dài. Em thật vô tình, hòn núi lớn thế, ngày nào đi làm qua đây em cũng thấy nó vài lần. Thế mà hơn mười năm nay em không biết nó tên gì. Sóng cứ rì rào và hát bài hát biển. Lòng nặng trĩu.

Ngày ấy, em cũng vừa mười tám, hiền lành, ít nói và đẹp dịu dàng. Tôi, trong mắt em những năm đầu học trong trường đại học chỉ là một cậu trai quê lơ ngơ suốt ngày cắm mặt vào sách vở. Không dance, không bè bạn, không đàn đúm chơi bời. Thế mà những chuyến tàu xuôi về quê hàng tháng tự nhiên gắn hai đứa lại với nhau. Đến cái ngày tôi vụng về cầm bàn tay bé nhỏ của em ấp lên ngực mình thì cũng là ngày em theo gia đình vào lại Nha Trang.

Ba em là bộ đội tập kết, thuộc binh chủng phòng không. Ba thường nay đây mai đó. Mẹ là cô gái đẹp nhất vùng xứ kinh đô Hoa Lư xưa. Bao nhiêu trai làng lẫn thị trấn say đắm. Thế mà mẹ không màng ai, lại phải lòng ba. Ba và mẹ cưới nhau sau giải phóng được hai năm, thì cả nhà về miền Trung. Chia tay với tôi, em khóc nhiều lắm. Ba mẹ không hề quan tâm đến mối tình của chúng tôi. “Hoàn cảnh”, “Lấy nhau còn là duyên số”. Cái lý của người lớn giải thích sự  tác hợp hay chia ly sao mà nhẹ nhàng, đơn giản! Còn tôi, cam lòng: Mối tình mình chưa đủ sâu sắc... để níu em.

Ngày tiễn chân em về trong ấy, Hà Nội, thu, buồn mà đẹp quá. Gió hanh hao đậu bên mấy tán bằng lăng cụt ngọn trên đường Yên Phụ. Vài chùm hoa sữa vô duyên nở sớm rắc chút hương chưa đủ nồng suốt dọc phố Nguyễn Du. Không có vé đi tàu nhưng tôi cứ bước đại lên. Hai đứa đứng ở đầu toa. Em bên này, tôi bên kia. Cứ bồng bềnh, nghiêng ngả. Em, tôi không nói được lời nào chỉ biết nhìn thôi. Thời gian như ngựa vía. Thoắt, đã đến ga Nam Định. Em nằn lì, van… khóc. Tôi thất thểu xuống tàu. Đôi bàn chân bỏng rát trên làn đường ray mà lòng thì buốt giá. Em nhoài cả người ra cửa sổ vẫy...

Hai năm sau đó ở trong trường đại học đối với tôi thật nặng nề. Tuy thư từ vẫn mỗi tuần một lá, nhưng lúc nào tôi cũng linh cảm dần mất em. Dẫu biết chia tay sẽ là... kết cục, không hiểu sao chúng tôi cứ tự dối lòng và huyễn hoặc nhau bằng bao lời hứa vô vọng kèm không ít những dự định mù mờ. Liên lạc giữa chúng tôi kéo dài được ba năm thì gián đoạn hoàn toàn. Khi nhận tấm thiệp hồng đám cưới em gửi ra, chẳng hiểu sao lúc đó tôi vẫn buồn đến tái tê. Cứ tưởng lòng mình đã lặng tờ. Chồng em là bác sĩ, giờ giải nghệ chuyển sang kinh doanh phòng trọ. Nghe nói không êm ấm, trục trặc nhiều!

Lần này vào Nha Trang, công việc công ty muốn ngút đầu, nhưng tôi quyết tâm giành thời gian cho cuộc hẹn với em. Không biết như thế có phải bù lại gì... thiệt thòi ở ngày xưa? Một chút bồi hồi khi vô tình gặp gỡ trong cái thành phố biển đẹp đến ngã lòng cũng chẳng được sao? Rồi, tôi tự an ủi: em đâu có hẹp lòng mà không gặp. Mối tình đầu của tôi là mối tình với em (chắc em cũng vậy), nên ai ở xa kia có trách, hoặc vấn lòng cắc cớ thì thôi, hãy cảm thông. Lỗi này tại gió, tại biển, tại cái bờ cát mềm như nhung và những con sóng đùa nghịch.

Tôi, em cùng các con của em tới nhà hàng Hồng Ngọc. Nhà hàng thơ mộng nằm sát biển. Gió vân vu lay động mấy cây vông biển. Ngồi được một lúc hai đứa con của em ý tứ bỏ về. Tôi nghĩ, đây có phải là điều bất thường của bọn trẻ bây giờ ? Tai tôi ù ù, đầu bỗng ong ong khi bóng chúng mất hút sau ô cửa nhà hàng. Tôi cố rướn ngực hít sâu gió biển, hơi biển để hoà loãng ý nghĩ đàn ông đang ngầu ngầu trỗi dậy. Mắt đăm đắm nhìn em. Trời ơi đôi mắt ấy. Sao cứ như ngày nào. Bấy nhiêu thời gian và bao đoạn trường xa cách mà như nó vẫn căng đầy mọi điều. Em âu yếm nhìn, trách:

- Ngày ấy sao anh không giành giật em?

Tôi ôm đầu.

- Anh biết không? Nếu chỉ một lời năn nỉ, em sẽ bước xuống tàu.

Bàn tay tôi toát mồ hôi lạnh.

Người đàn ông ngoài ba chục tuổi thoắt biến đâu mất. Xúc cảm y hệt như mười năm trước, cái thời măng sữa ngơi ngơi. Chiếc ghế tôi ngồi; chùm đèn trên đầu; ô cửa sổ vuông vức. Mọi thứ cứ dập dềnh, dập dềnh, chống chếnh, lắc lư như khi hai đứa đứng ở đầu toa tầu ngày xưa. Mất mười phút đồng hồ tôi mới xác định được mình. Tôi nói nhỏ như cho mình nghe:

- Cũng chẳng biết nữa. Có lẽ ở đời, khi nhắc lại các cuộc tình đã qua, ai cũng đổ tại cho hai chữ... nếu mà.

Em nghe trọn câu. Em mở to mắt. Ánh nhìn lạ lắm.

Nhà hàng lúc đó không còn khách nào. Vắng, hắt hiu chùm bóng điện vàng nhoè. Tôi đặt bàn tay lên tay em. Mắt đắm nhìn. Thật lạ, giờ sao tôi lại có cảm giác như đang ngồi với cô em gái thế này? - thông cảm mà thương đến se lòng.

- Em cứ để gia đình mãi vậy?

- Thì anh khuyên phải thế nào? Chia tay, chồng em sẽ chẳng giúp gì. Em, với đồng lương...! (em thở dài).

... Ra Hà Nội, tôi nhận được giấy gọi đi du học tại Mỹ hai năm. Những tháng ngày đất khách quê người rồi nỗi nhớ quê, gia đình, sự vấn vương canh cánh nét buồn khó tả về mối tình đầu cứ se sắt lòng tôi những đêm đông giá lạnh. Và lần thứ hai tôi quay trở lại Nha Trang cũng vào những ngày đẹp trời của tuần trăng mười tám. Tôi không gặp được em nữa vì cả nhà đã thất tán. Quay lại nhà hàng Hồng Ngọc. Tới chiếc bàn trước đây tôi và em đã ngồi đến quá nửa đêm. Tôi lặng lẽ nhìn xuống biển. Cảnh vật tối nay chẳng khác buổi tối cách đây hai năm. Hòn núi chưa biết tên vẫn im phắc trước mặt. Tôi cố chờ để thấy cầu vồng ngũ sắc hiện ra khi biển trời sáng rỡ lúc giao thời triều cường triều hạ mà hoài vọng mãi... Mấy cây vông biển giờ đã lớn gấp đôi, xoè tán kín chỗ tôi ngồi. Vài đọt gió biển chốc chốc lại thổi sẽ sàng.

PHAN ĐÌNH MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Cô giáo đặc biệt

Trong phòng khách, bố mẹ tôi mỗi người một góc, tay cầm điện thoại, ấn máy liên tục hết gọi cho người thân lại đến bạn bè kèm lời dặn dò: “8 giờ tối nay, bác nhớ mở tivi xem chương trình “Tỏa sáng những tấm gương nghị lực” nhé. Cái Vy con dâu tôi nó được lên tivi đấy ạ!”.

Cô giáo đặc biệt
Xuân như đã về

Như sự thèm thuồng mỗi khi ánh nắng tràn qua khe cửa sau một ngày mưa tầm tã, tôi cũng muốn được nhìn thấy em. Khoảnh khắc khi tôi vừa gọi tên em, ánh mắt em ngước lên nhìn tôi cứ như nụ tầm xuân đang e ấp chờ ngày hé nụ và có một điều gì đó vô cùng thu hút. Cho tới khi nhìn thấy tôi im lặng không nói gì, đôi mắt nâu đậm ấy trở nên dỗi đánh nhẹ tôi một cái rồi tiếp tục chú tâm công việc của mình:

Xuân như đã về
Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê

Đọc Trần Băng Khuê, tôi không có cảm giác đang chạm vào một cấu trúc hư cấu kiểu mẫu, mà đang mò mẫm bước qua từng không gian luôn khép kín, chỉ có một cánh cửa để mở vào một không gian khác và cứ thế dẫm lên những siêu hiện thực không ngừng được bày ra.

Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê
Return to top