1. Ít khi tiếp xúc với ánh mặt trời, loài ếch dưới đáy giếng chúng tôi mang sắc da hơi bợt hơn so với các đồng loại khác sống trong ao và đầm. Mẹ tôi sinh nhiều con, nhưng chỉ có bốn anh em sống với nhau, chúng tôi đặt tên qua màu mắt, ví như tên tôi là Mắt Biếc. Nghe đâu có một cuốn sách thuộc về loài người được đặt tên như vậy, tôi không đọc tác giả này. Chúng tôi tìm kiếm sách qua các câu chuyện truyền khẩu nhờ vào các loài động vật nhỏ khác và đồng loại đang sinh sống bên cạnh loài người - tức là trong thành phố.
Ánh trăng trải dài trên con đường mòn, sắc xanh của khu rừng giờ biến thành một thứ màu đen đúa, không thể thấy rõ được những chiếc lá non mướt mà lũ động vật nhỏ yêu thích ban ngày nữa.
“Cỗ máy nghiền”. Tay chuột chù già đã thốt lên như vậy khi mô tả nơi mà mình trốn tránh, mắt lão đã nhập nhèm, một lần bị vướng đuôi phải máy xay thịt làm đồ ăn nên… Bạn biết đấy, tôi không giỏi trong mặt sử dụng ngôn ngữ, phải nói sao, giờ đây lão mất đuôi và đi lại hơi loạng choạng. Năm tháng thanh xuân đã qua đi, lão rời thành phố, chuyển nhà vào rừng, kéo theo bầy đoàn thê tử cháu chắt chút chít đi theo, mở một quán rượu và dùng các câu chuyện của mình để thu hút khách. Thỉnh thoảng, tôi cũng có tới quán của lão.
Rừng của chúng tôi nằm tách biệt với thành phố, ánh đèn của họ rất gần nhưng cũng rất xa với cư dân rừng. Thảng hoặc, dăm ba người tới đây để tìm kiếm không khí thanh sạch, đa phần là nghệ sĩ hoặc văn nhân, ngoài ra còn vài kẻ háu ăn đi tìm kiếm rau dại nữa.
Tôi yêu thích việc dạo chơi, các ngón chân chạm trên lá khô và bùn, tắm trong màu nguyệt bạch, ngâm nga một câu hát nào đó.
Chợt tôi nghe thấy tiếng khóc thút thít văng vẳng đâu đây. Đó là một đứa bé loài người. Tôi nhìn xung quanh không có ai, đã là nửa đêm, một đứa trẻ đến đây làm gì? Tôi nghe thấy tiếng thở nhẹ của ả hổ cái, có lẽ chỉ cách người nọ vài bước chân. Và nín thở, với ả, tôi không dám dở thói làm liều. Phụ nữ thường trở nên gay gắt khi đứng tuổi và nhất là nếu bà ta còn cô độc nữa. Chúng tôi chỉ có thể nhìn ả với một cái nhún vai. Nói như lão chuột già thì “với chúng tôi, mụ hổ cái là mụ hổ cái. Chấm xuống dòng. Không hơn”. Tôi đoán chắc là lão đã đạo câu này từ một cuốn tiểu thuyết nào đó nhưng với biểu cảm linh hoạt của mình, lão đã khiến cho toàn bộ khách hàng và toàn bộ cư dân trong khu rừng phải gật gù.
- Vào rừng ban đêm có ngày bị ăn thịt đấy. Mụ hổ cái chợt cất tiếng.
Động vật chúng tôi có thể sử dụng ngôn ngữ của loài người, nếu họ biết bí mật này thì hẳn sẽ sợ phát ngất và một vài chân lý sẽ phải khẳng định lại. Dù sao thì tất thảy các sinh vật sống đều xuất phát từ một nguồn gốc…
Đứa trẻ giật mình quay sang nhìn, trong bóng đêm, đôi mắt của ả hổ cái lóe lên. Nó lại khóc òa, vội vùi đầu xuống, co mình gọn lại như một trái táo nhỏ, những tưởng có thể khiến cho loài thú nọ bỏ qua cho mình. Cơ thể đứa bé run lên bần bật. Mụ hổ cái tiến lại gần hơn, gần hơn, và gần hơn… Tim tôi như ngừng đập.
Rồi mụ cọ cái đầu lông lá của mình vào người thằng bé, liếm nhẹ lên bàn tay tí hon. Nó chợt thôi khóc song vẫn sụt sịt, bèn hé mắt nhìn lên, mụ hổ lại dụi đầu vào người nó một lần nữa. Dường như nhận ra không có gì nguy hiểm, nó cẩn thận đưa tay chạm nhẹ vào bộ lông mượt của mụ. Và rồi, nó bật cười. Không sai, tôi nhìn thấy nó cười. Đã rất lâu rồi kể từ ngày Bụng Tròn rời khỏi rừng, tôi chưa từng thấy lại nụ cười của một con người đến từ thành phố.
2. Bụng Tròn sinh ra ở rừng, mẹ của cậu bé tìm tới bên miệng giếng trong một đêm mưa gió. Chà, tôi không muốn nhắc tới hai từ mưa gió một chút nào, bởi chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh này trong nhiều câu chuyện có tình tiết đau thương, song tôi vẫn phải tuân thủ sự thật. Người phụ nữ trẻ chừng hai mươi tuổi, chiếc bụng có chứa bào thai đã sa xuống, nét mặt đau đớn báo hiệu sự ra đời của một sinh linh. Chỉ là tôi không hiểu vì sao cô ấy lại tới nơi này? Hay, giống như mẹ tôi từng nói, mọi sinh vật trên thế gian đều đi ra từ rừng nên cuối cùng sẽ trở về rừng? Chỉ biết, trong đêm đó, đứa trẻ ra đời. Người phụ nữ đã không còn sức để mà gào thét, tiếng rên rỉ của cô nhỏ như muỗi kêu, lan đi, lan đi… Đánh động tới những tôi tai thính nhạy của khu rừng, trong đó có mụ hổ cái.
Trong bóng tối, những gốc cây thể hiện quyền năng của mình bằng cách va đập vào nhau kéo thành những chuỗi âm thanh ghê rợn. Ánh trăng rạng, ánh trăng hôm đó sáng hơn bao giờ hết, đám thú rừng từng bước tiến lại gần.
Đứa trẻ được sinh ra, còn người mẹ thì qua đời.
Chúng tôi nuôi Bụng Tròn, thằng bé là con của toàn bộ khu rừng này, nó được chuyền tay từ mụ hổ cái sang lão tinh tinh già. Tuy nhiên, chúng tôi không phải con người nên chẳng thể hiểu tập tính của họ, nên cũng không hiểu cách mà họ chăm sóc lũ trẻ. Chiếc bụng của cậu bé ngày một phình trướng, kèm theo đó, sức khỏe cũng yếu đi, nó bỏ bú, dù cho mụ hổ cái đã giao đứa trẻ cho ả dê cái lạc đàn đang độ căng sữa.
Ráng chiều đỏ phủ xuống khu rừng, từ trên mỏm đá phóng mắt về phương xa, chỉ thấy một vòm không mênh mang vô tận. Hôm đó, Bụng Tròn qua đời, da nó tím ngắt và nụ cười cũng đóng băng trên khuôn mặt bé nhỏ. Chúng tôi quyết định tiễn nó theo cách của con người, ấy là thảy đều về với lòng đất. Hiềm một nỗi, mụ hổ lại khư khư giữ lấy xác đứa trẻ, cấm bất kỳ sinh vật nào vãng lai nên vào ban đêm, chúng tôi đã phải trộm nó mang đi.
Giá như chúng tôi đã trả lại nó về với con người...
Xác đứa trẻ lẫn vào với đất một cách chóng vánh dưới cái hố nông mà tay chuột trũi gắng sức đào thành. Lão chuột chù, bằng kiến văn của mình khi sinh sống trong thành phố, đã đứng đó đọc điếu văn với những lời lẽ hoa mỹ và mùi mẫn. Cuối cùng, chúng tôi ra đi, Bụng Tròn nằm lại trên đồi, bên cạnh nấm mồ nông là một cây tùng già đã hàng trăm năm tuổi. Mụ hổ ấy đã đào xới cả khu rừng lên để tìm kiếm kẻ đã cướp mất xác của Bụng Tròn nhưng vẫn không có manh mối. Đám chúng tôi vì chột dạ mà lảng tránh đi. Cứ vậy mụ ngày càng cô độc.
3. Tiếng vĩ cầm của nhạc công dế rắt réo. Chuyện qua đã lâu, nói như Borges thì tôi phải “nghi ngờ trong câu chuyện của mình có những ký ức sai.” Nhức đầu quá, tôi chưa từng nói với tên dế ấy rằng các bản nhạc do hắn sáng tác thực dở tệ.
Mụ hổ thận trọng cắn lấy cổ áo đứa trẻ, nó co rúm lại, tôi cũng vậy. Những tưởng mụ sắp ăn thịt nó đến nơi, mụ không phải là kẻ giàu lòng thương cảm như ngày trước, ít nhất là sau khi mắc phải bẫy cáp của con người. Nhưng mụ chỉ nhấc nó đặt lên lưng mình. Và mụ chạy, tôi cũng vậy… Đứa bé nghẹn giọng nhưng chỉ một chốc, nó đã dám ngồi thẳng lưng và không ngừng trầm trồ vì tốc độ chạy của mụ. Tay chuột trũi đương mải kiếm rễ cây bị kinh động, ngay khi hiểu ra, hắn cũng đi theo - đi theo đường hang động dưới lòng đất mà hắn dành cả đời để thiết kế.
Trảng cỏ trải rộng, trong bóng đêm, màu xanh nhuốm tối để lộ ra một mảng thẫm sắc. Âm thanh rào rào vang lên, dưới bước chân của chúng tôi, đàn đom đóm đang nghỉ ngơi tỏa ra dáo dác - rồi chậm lại, chúng trôi nổi trong bầu không tạo thành dải ngân hà êm lành, thắp sáng cảnh tượng phía trước. Đứa trẻ thả tay khỏi cổ mụ hổ, vươn tay chạm vào con đom đóm đang đậu trên vai áo mình rồi bật cười.
Chẳng hay chạy mất bao lâu, cuối cùng thả đứa trẻ xuống đường lớn, mụ hổ hích nhẹ mũi đẩy nó về phía căn nhà đang sáng đèn. Mặc dù không biết đó có phải nhà của cha mẹ nó hay không, chỉ cần đưa nó trở lại với nơi mà nó nên sống là được. Tôi nhảy lên đầu mụ hổ, buột miệng hỏi:
- Vẫn hối hận sao?
- Nếu ngày đó mang Bụng Tròn về hẳn nó đã có một cuộc sống khác, biết đâu nó đã lớn bằng thằng bé này cũng nên.
Tôi không đáp lời mụ, tay chuột trũi cũng không nói gì chỉ thở nặng nhọc, hắn đã già rồi, nhìn lại, tôi có lẽ cũng đã già rồi. Chúng tôi dõi theo thằng bé cho đến khi nó khuất dạng ở phía bên kia dốc rồi mới trở về. Trên đường, thảy đều im lặng. Tôi thôi không nghĩ về Bụng Tròn, truy tới cùng, chúng tôi chỉ là những con vật khác giống loài, chúng tôi không có tình yêu thương với họ, phải chăng? Tôi không rõ, suy nghĩ về đối cực con người - thú vật này cứ khiến tôi phải căng não ra, rốt cùng chẳng tìm được câu trả lời, vấn đề rối lên như mớ bòng bong.
Tôi men theo đường hầm đất lần về đáy giếng, đường hầm này được đào từ thời tổ tiên, chúng tôi dùng nó để liên lạc với thế giới trên mặt đất. Nghe thấy tiếng động, mẹ mở một trong số những cánh cửa dưới giếng, bên trong, các anh em tôi đang mở một bữa tiệc. Nghe nói loài người có một câu thành ngữ để chỉ chúng tôi: Ếch nằm đáy giếng? Không phải, còn Ếch bò đáy giếng? Cũng không phải.
- Này, chị có đồng ý để nhà chúng tôi chuyển tới đây không? Tôi sẽ mang cho chị một thư viện sách và truyền thuyết thu thập được từ con người - Tôi có thể thấy tiếng lão chuột chù già văng vẳng ba hoa.
- Ông uống hơi nhiều rồi đấy. Mẹ tôi bật cười.
Tôi cũng bật cười, phải rồi, ếch ngồi đáy giếng… Tôi vụt ngẩng đầu lên, đương khi đó, ánh trăng êm đã kịp đậu trên miệng giếng tròn.
PHẠM THÚY QUỲNH