ClockThứ Hai, 20/03/2023 17:02

Chạy theo Trăng cùng Hàn Mặc Tử

TTH - Tôi lớn lên cùng thơ Hàn Mặc Tử. Buồn tôi đọc thơ Hàn, vui tôi đọc thơ Hàn, say tôi đọc thơ Hàn, tỉnh tôi đọc thơ Hàn. Đến mùa trăng lên, không thể không đọc thơ Hàn. Hàn Mặc Tử đã góp phần nuôi dưỡng gene lãng đãng, phiêu bồng của tôi một thời mộng mị, một thời cỏ dại.

Triển lãm ảnh tư liệu và giới thiệu sách về Đại tá Hà Văn Lâu“Nhớ đến văn hoá đọc, chúng ta phải nhớ đến giá trị của sách”Ngày Sách và Văn hóa đọc: Thư viện Quốc gia giới thiệu 1.000 cuốn sách

leftcenterrightdel
 Cuốn sách “Hàn Mặc Tử: Máu và Trăng”

Đời người như một bức rèm giăng lạnh trên những trống trải, thêu những giằng xé của khổ, của đau, của hụt hẫng và tức tưởi. 28 cái xuân vèo trôi qua năm tháng, nhưng 28 mùa xuân ấy đã chín mãi, thơm mãi trong lòng bạn đọc. Sống như đang đi trong cơn mộng dài, mà mộng cũng là đang sống một đời sống khác như cuộc đời ngắn ngủi mà rực rỡ Hàn thi sĩ.

Hôm nay, gặp lại thơ Hàn Mặc Tử trong một “áo mới” đầy sắc màu gợi lại những ngày xưa qua cuốn sách “Hàn Mặc Tử: Máu và Trăng” (biên soạn và minh họa Nham Nham, NXB Kim Đồng, 2023). Sách gồm 3 chương chính: chương I. Lệ Thanh và xứ Huế; chương II. Có ai nuốt ánh trăng vàng và chương III. Thơ Điên. Đó là một diễn trình của tâm hồn thơ Hàn Mặc Tử, một cuộc vượt thoát và tiến vào cõi thơ riêng. Hàn Mặc Tử sinh ra để làm thơ và thơ là cuộc sống của thi sĩ.

Lệ Thanh và xứ Huế có thể nói là khúc dạo đầu của chất thi sĩ lãng mạn đắm say trong mùa cổ điển, dễ thụ cảm với những cảnh và tình ý vị của đời sống. Hàn Mặc Tử rung động trước mùa thu, hoa cúc, bẽ bàng trước khoảnh khắc của đổi thay vội vàng, của thời gian đi mãi. Chàng trai trẻ nặng lòng với đêm khuya, tiếng đàn nguyệt, với ngôi chùa hoang “khắc khoải tiếng quyên kêu”. Và kể từ đây, chàng theo cơn mộng đi vào cõi ngôn từ phiêu linh: “Tương tư mộng thấy năm canh mộng/ Luyến ái trời vương bốn phía trời (Nhớ Trường Xuyên).

Tiếp đó, “Có ai nuốt ánh trăng vàng” cháy sáng những vầng thơ đầy sức sống thanh xuân như “ta đang khao khát tình yêu đương”, để rồi riết róng với ngôn từ theo cách riêng của Hàn Mặc Tử. Từ “đêm vầng trăng thiếu” bẽn lẽn nỗi “buồn như đám mây” của thiếu nữ chợt to lớn bởi ý nghĩ nằm ngoài vũ trụ “Có ai nuốt ánh trăng vàng/Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga” (Uống trăng). Hàn Mặc Tử trôi đời phiêu lãng, bắt đầu yêu, tập nhớ nhung, khao khát đốt ngọn lửa thơ cháy sáng trong lòng tuổi trẻ. Ở lòng thi sĩ cũng bao chứa cả nỗi sầu bi của người cách mệnh “Ðạp chân trên đường máu”, khi đứng trước cảnh nước nhà tang thương trong xiềng nô lệ.

Phải đến Thơ Điên, Hàn Mặc Tử mới là Hàn Mặc Tử. Thi sĩ chạm đến bến bờ của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực trong thi ca, chắp cánh cho ngôn ngữ Việt đi sâu vào vùng trời mơ mộng, bi thiết. Những bài thơ đã đi vào lòng người, sống trong lòng người bao năm tháng như Đây thôn Vỹ Dạ, Mùa xuân chín, Trăng vàng trăng ngọc…

Thế giới Hàn Mặc Tử mở ra cùng tình yêu như tình sử, của mùa xuân đào nguyên không trở lại, của trăng đớn đau, quằn quại như cơn bệnh nan y. Chỉ một câu “Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi/ Hổn hển như lời của nước mây” (Mùa xuân chín), Hàn Mặc Tử không chỉ làm đẹp tiếng Việt, mà còn tạo nên giá trị và vị trí của từ, như “hổn hển” không có ví von nào có thể vượt qua. Thi sĩ dám “cả gan”, dám làm những chuyện vượt tầm thế gian: “Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng! Ai mua trăng tôi bán trăng cho” (Trăng vàng trăng ngọc) để người đời nhớ mãi.

Đọc Hàn Mặc Tử, thương Hàn Mặc Tử từng ngày chống chọi với bệnh tật bằng những vần thơ, một thiên tài ngôn ngữ trong hàng triệu nạn nhân của chứng bệnh khó chữa một thời này. Thi sĩ vẫn mãi sống, mãi tìm Rạng Ngời không dễ gì vào quên lãng: “Tôi đi trong áng sương mờ/ Tìm con trăng lạc ngoài bờ bến kia” (Chơi trên trăng).

Thanh xuân qua đi trong chớp mắt, cái neo đậu lại chính là ký ức của khát vọng và tình yêu. Thơ Hàn Mặc Tử neo đậu cùng tuổi trẻ của biết bao người đang “khát vô cùng” trước những diễn biến của cái bên trong “bao giờ tôi hết được yêu vì”, hay đắm đuối cùng cơn mộng tưởng “sương khói mờ nhân ảnh”, trong đó có tôi. Thi sĩ đã khám phá sự tồn tại của bản ngã, tìm thấy lẽ tha nhân của kiếp người tạm bợ và truyền sức sống hào sảng, mãnh liệt cho tuổi trẻ trước mịt mùng thân phận, thời đại.

Lẽ vì thế, những minh họa của nhóm họa sĩ trong cuốn sách nhỏ này đã vẽ ra miền tâm tưởng của người thi sĩ, màu sắc, hình khối hóa những biểu tượng, chi tiết, hình ảnh ngôn ngữ thơ Hàn. Sự công phu của nét cọ trong từng mảng màu, nhân vật, khung cảnh… hòa nhập với tính tượng trưng và tài hoa của thi sĩ. Ở đây, ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ hội họa đã hợp thể trong yếu tính của “thi họa đồng nhất”, là thành công của tập sách này.

Đóng tập sách lại, nhìn vầng trăng thao thiết ngoài kia, tôi đồng cảm với người làm thơ nghĩa là không ai cản được tiếng lòng mình, nhưng trở thành thi sĩ phải như là Hàn Mặc Tử trong cái sống hiến dâng hết thảy “sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn”, trong tận cùng cảm giác “vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống”. Thơ Hàn Mặc Tử là chói rỡ trong lãng mạn bi thảm, là cõi riêng, độc sáng một góc trời của tinh thần Thơ Mới. Và chỉ có thể là Hàn Mặc Tử.

Bài, ảnh: Lê Vũ Trường Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Theo đường xuất bản theo đường văn

Với gần 300 trang sách, tập bút ký “Theo đường xuất bản theo đường văn” (NXB Thuận Hóa, 2023) được tác giả Nguyễn Duy Tờ “nhớ, biết và viết” trong suốt thời gian một năm, kể từ tháng 10/2022 - tháng 10/2023. Cuốn sách ghi lại những kỷ niệm, tình cảm đặc biệt của ông dành cho những con người tài hoa mà nhờ “theo con đường xuất bản nhiều năm”, ông đã có cơ duyên gặp gỡ.

Theo đường xuất bản theo đường văn
Độc đáo “Lục bát món Huế”

Tháng 1 năm 2024, anh Lê Tân - người thực hành văn hóa ẩm thực Huế cho xuất bản một cuốn sách hết sức độc đáo “Lục bát món Huế” do Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Sách dày 285 trang, in màu rất đẹp, bìa do họa sĩ Đặng Mậu Tựu trình bày. Đúng như tên gọi, “Lục bát món Huế” gồm 480 cặp (960 câu) lục bát, giới thiệu và dạy các món ăn và gia vị đặc trưng Huế. Mỗi món ăn được giới thiệu, ngoài bài thơ lục bát, còn có hình ảnh minh họa, và ghi rõ tên nghệ nhân trao truyền công thức chế biến. Điều đó cho thấy tác giả hết sức nghiêm túc khi ấn hành cuốn sách ẩm thực độc đáo này.

Độc đáo “Lục bát món Huế”
Loanh quanh xứ nhớ

“Loanh quanh xứ nhớ” là tập bút ký & tùy bút mới nhất của nhà văn Nguyễn Thị Duyên Sanh vừa được NXB Thuận Hóa ấn hành vào đầu tháng 8 vừa qua. Đây cũng là cuốn sách thứ 4 của chị.

Loanh quanh xứ nhớ

TIN MỚI

Return to top