ClockChủ Nhật, 09/07/2023 06:19

Hai bên hàng rào

TTH - Mặt sau nhà chị đối diện với dãy phòng trọ cho thuê, hai bên cách nhau hàng lưới B40 ở giữa. Chị hay đứng sát rào nhìn những người chưa biết tên trong ngôi nhà dài bên cạnh, chú ý hơn cặp vợ chồng trẻ cùng đứa con nhỏ trọ ở phòng đầu hồi. Thoáng thấy bóng chị mở cửa hông bước ra là họ dừng tay phơi đồ hay tưới mấy giò phong lan treo trên bờ rào, tươi cười chào và bắt chuyện.

Chốn bình yên dưới mái nhàBố ơi, mình đi biển nhá!

leftcenterrightdel
 

Vợ chồng họ như bóng với hình, cả ngày nhịn nói hay sao mà gặp lại lúc chiều muộn là tíu tít không thôi. Cả hai vừa làm việc nhà vừa hỏi han, san sẻ từ việc rẽ xe qua đường đến màu sắc quần áo, từ chăm sóc con đến mua sắm đồ dùng. Xen giữa chuyện lan man là tiếng cười giòn tan, sưởi ấm căn phòng sau một ngày khóa cửa.

Cả gió mưa cũng khiến họ nghĩ cho nhau. “Ngày mai trở lạnh, chắc bệnh dạ dày của anh dở chứng rồi”. Đáp lại giọng nhuốm lo âu của vợ là lời nhắc khẽ của chồng: “Em ra đường, nhớ quàng khăn cổ, đề phòng chứng viêm họng tái phát”. Nói rồi, chàng khoác tay qua vai vợ, nhìn nhau mỉm cười. Ấy là chị tưởng tượng thế, chứ khuất tường nên đâu thấy.

Lắm hôm chồng đi làm về khi ti-vi đã qua chương trình thời sự tối, nhưng vợ vẫn chờ cơm. Chị biết điều này bởi nghe chàng trách yêu: “Sao em không ăn trước, nguội hết rồi”. Liền đó là lời nũng nịu: “Ăn cùng mới ngon”. Ngồi vào mâm, họ gắp qua gắp lại cho nhau, kèm những lời từ chối để nhường cho “nửa kia” của mình.

Chuyện cơm nước nhà người ta khiến chị chột dạ. Nhà chị ăn uống tùy nghi, với lắm khác biệt. Anh không thích ăn quán hay mua đồ chế biến sẵn vì sợ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị thì ngược lại, thích gọn lẹ và chẳng muốn nhọc công nên hay ra quán hoặc gọi shipper đưa tới. Lắm lúc chồng có bữa sáng qua loa với cơm nguội hay mì gói, vợ vẫn ra quán như thường. Hai con thì được mẹ cho tiền quà sáng mỗi ngày.

Bữa tối vốn được coi là sum họp của nhiều gia đình, nhưng anh chị cũng ít khi ăn cùng. Chẳng biết đúng sai, nhưng lời nhắc “ăn tối cho kẻ thù” khiến chị kìm chế bản năng và xong bữa tầm năm giờ chiều. “Cứ để tối mới ních vô rồi mập thù lù như con hà mã thì ma nào nhìn!?”. Ấy là lý do khiến chị không chờ chồng cùng ăn cơm lúc cuối ngày. Đã thế, anh thường có bữa tối một mình, với cơm canh đều nguội. Lắm hôm, anh chơi tennis đến lên đèn rồi làm mấy cốc bia và bỏ bữa; nửa đêm, lọ mọ dậy pha mì tôm.

Trước đó, anh có gần mười năm công tác xa nhà. Vợ chồng tăng cường quấn quýt mặn nồng trong kỳ phép hay mấy ngày tranh thủ, như bù cho những ngày xa. Bởi “chẳng đủ để mà giận dỗi” nên bất hòa cũng dễ cho qua.

Những ngày chồng ở xa, chị cậy nhờ bà nội bọn nhỏ. Cả hai đứa, bà đều ra trông cho đến khi đi nhà trẻ. Về lại quê, bà cũng chẳng yên khi cháu ốm; tuổi mầm chồi lại hay ốm, hở ra là sụt sịt, cảm sốt rồi lỏng lỵ. Mỗi lần như thế, con dâu điện về, khẩn khoản nhờ mẹ lên trông cháu để buôn bán. Lưng đã còng và tay bồng cháu không được lâu nhưng bà đi ngay sau cuộc gọi của con, mặc ông ở nhà một mình. Ông vụng về nấu nướng nên con cháu ở gần lo phần cơm nước, lại nhờ hàng xóm qua lại trông nom. Bà ở phố, lắm lúc nhớ ông bần thần, đứng nơi cửa nhìn mãi con đường dẫn vô quê.

Anh được về công tác gần nhà, thỏa ước ao nhưng không ngọt ngào như lầm tưởng. Hóa ra sống gần là dịp để họ khám phá khiếm khuyết của nhau. Cả việc chị tham gia thiện nguyện, anh cũng có cái nhìn khác. Thấy mấy bà trong hội tiểu thương xúm lại bàn việc quyên góp từ thiện là anh lảng đi rồi nói riêng với chị rằng, việc từ thiện đáng quý nhưng phô trương thái quá sẽ thành ích kỷ thay vì thực tâm chia sẻ với kẻ khó. Vợ cãi, chồng lộn trái việc kia luôn: “Chưa làm mà đã rêu rao quảng cáo, không đánh bóng bản thân mà thế à?”.

Chị đẩy chồng ra xa khi ngầm so với chồng người ta. Giỏi làm ăn, ga lăng hết nấc, không tiếc tiền mua sắm cho vợ, nhớ từng ngày kỷ niệm của hai người để trao quà, tặng hoa, chiều vợ như thuở ban đầu lưu luyến… Ấy là hình mẫu chị xuýt xoa, khi nghe thấy đâu đó. Đi cùng người chồng lý tưởng là người vợ gặp may. Cô kia mới bỏ chồng năm trước, năm sau đã được trai đẹp nhà giàu rước cả trâu lẫn nghé. Bà nọ tưởng ở giá đến “muôn năm cũ”, lại được trai tân phơi phới cầu hôn.

Vừa kể, chị vừa ngó anh, vẻ thăm dò, kể khơi khơi giữa trời nhưng có đích đấy. Người nghe thản nhiên, sau cùng là những lời lẫn trong tiếng cười khét mùi chọc ngoáy: “Anh chờ mãi nhưng không thấy em so mình với những bà hay lo nghĩ cho chồng con”.

Bức vách vô hình ngăn cách vợ chồng dày lên bởi những bất đồng như thế. Trong nhà lặng lẽ, mỗi người theo đuổi ý nghĩ và sở thích riêng. Khi vợ chồng lên tiếng thì lời khó nghe nhiều hơn ái ngữ. Phòng của mỗi thành viên trong nhà hầu như đóng cửa. Anh từ lâu ngủ riêng trên lầu để tiện đi thể dục sáng và buổi tối về muộn. Ngoài việc cơ quan, anh chơi thể thao rồi tụ tập lai rai cùng đồng nghiệp. Nếu không tính giấc đêm, thời gian anh dành cho mái ấm chắc không nhiều hơn khi công tác xa nhà.

Chị cũng ngấm dần nỗi cô đơn, những khoảnh khắc đứng lặng nhìn đôi vợ chồng thuê trọ bên kia hàng rào nhiều hơn; chợt nhận ra, sao hai nhà khác nhau đến vậy. Họ nghèo (bởi giàu sao ở thuê tệ xá) nhưng hạnh phúc quá! Vì lẽ gì? Chị tự vấn rồi vỡ òa khi ngộ ra - họ vì nhau.

Hôm nghe cô vợ bên kia bàn với chồng “thuê phòng rộng hơn để đưa bà nội lên ở cùng”, chị liên tưởng chuyện nhà mình. Khi nghe chồng gợi ý điều tương tự, chị từng từ chối khéo: “Chắc cha mẹ không đi đâu”. Anh vẫn không dứt được nỗi lo cho bậc sinh thành: “Các con thì đi làm, hai cụ không còn tự chăm sóc được cho nhau, nên ở cùng con thôi”. Vợ đuối lý nhưng cố tránh thiện ý của chồng: “Đã có anh Hai và chị Ba rồi, đâu tới phần con út như anh phụng dưỡng cha mẹ?”. Chồng nhìn sững vợ lúc lâu, giọng rầu như đẫm nước: “Khi cần bà giữ cháu, em tha thiết lắm. Lúc cha già mẹ yếu, em ngãng ra, lại đổ qua anh chị”. Anh nghẹn lại, lắc đầu, bỏ đi… Nỗi lo của anh được giải tỏa sau đó, khi anh Hai xin nghỉ hưu trước tuổi, về ở quê, chăm sóc cha mẹ.

Chị giật mình nghe anh chồng bên kia từ chối lời vợ: “Không đưa mẹ lên đây được, em ạ”. Lời hỏi dồn nôn nóng: “Sao?”. Khoảng lặng kéo dài. Vợ sốt ruột hỏi lại. Chồng bảo rằng, mẹ như cây cổ thụ bám sâu vào đất làng, giờ bứng đi sẽ tổn thương, không chịu được. Đang sống nơi rộng rãi thoáng mát cùng bà con láng giềng như ruột thịt, nay ở căn phòng mươi mét vuông, con cháu lại đi cả ngày, mẹ chắc đổ đau mất.

“Vậy anh tính sao?”. Chồng vẫn chậm rãi: “Ban ngày đã có chị Ba lo cho mẹ. Anh xong công việc buổi chiều ở cơ quan thì chạy xe vô quê với mẹ. Cứ sáng đi tối về cũng mất năm mươi cây số nhưng với anh thì không sao, chỉ lo cho hai mẹ con”. Đáp lại là giọng hồ hởi: “Thế cũng hay. Em thì có gì mà lo”. 

Lời vui tiếng cười từ bên kia vọng sang khiến chị đứng lặng. “Họ lại nghĩ cho người thân trước khi nghĩ cho mình” - Chị lẩm bẩm rồi bước vô nhà.

Anh chớp mắt, ánh lên niềm vui khi vợ bất ngờ chờ chồng về ăn cơm tối. Bất ngờ hơn khi vợ đổi ý đi chơi trong những ngày nghỉ sắp tới để đưa sắp nhỏ cùng về quê thăm ông bà nội.

Nguyễn Trọng Hoạt
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top