ClockThứ Bảy, 01/04/2023 15:45

Mẹ chồng nàng dâu

TTH - Nhắc tới mẹ chồng - nàng dâu, nhiều người xứ mình lắc đầu, nghĩ ngay bất hòa, xung đột. Ai kia còn lẩn thẩn đúc kết “kinh nghiệm” để cảnh báo cho nhau “thương chồng mới nghĩ mụ gia/cảnh tui với mụ chẳng bà con chi”. Buồn sao, chuyện chẳng ai mong lại đúng với gia đình chị.

Khoảng trời bình yên trong “Ô cửa rêu xanh”Phiêu bạt cùng “Bốn mùa hoang vu xứ Kiwi”

leftcenterrightdel
 

Hai con gái đã có chồng nên người mẹ mong chàng út sớm yên bề gia thất. Bà giục, bảo “trông mỏi mắt” nhưng khi con dẫn bạn gái lò dò về để mẹ xem mặt lại trông vẻ căng thẳng, liền nhận sự soi mói lẫn hững hờ. Liền đó, những khiếm khuyết của chị bị phóng to, với những dự cảm u ám. Người mới tới bỡ ngỡ nên ăn nói ngập ngừng, hỏi chào lí nhí, liền bị quy “nói mà hai hàm răng khít rịt, khó tính phải biết”. Lại nhìn thấu áo quần, ngó hình dáng mà đoán chuyện giống nòi: “Mông lép xẹp thế kia, khó sinh nở lắm”. Cả đôi mắt to tròn của chị khiến bao chàng ngẩn ngơ làm thơ hay “đứng hình” đắm đuối cũng bị chê “khó nuôi con”. Khách sơ ý khi đứng lên chào để về nhưng không dẹp ghế vào gầm bàn, liền bị ngay điểm trừ tính gọn gàng.

Chị biết mình không qua được “vòng sơ tuyển” của mẹ chồng tương lai nhờ một người bà con có chồng về xóm ấy. Chị này nghe ngóng thông tin rò rỉ từ nhà kia rồi ghé tai chị thầm thì. Ngày đó, làm gì đã có sóng điện thoại cho toàn dân, chạy chân truyền tin nhưng kịp thời lắm. Cả chuyện học hành của anh chị hay gia cảnh hai bên cũng được người mẹ đưa lên bàn cân so đo, với phần nhẹ nghiêng về chị. Nàng học lớp 9 đã nghỉ ngang, chỉ là cấp dưỡng cơ quan, sao có thể sánh với chàng tốt nghiệp trường sĩ quan lục quân, đang ngời ngời tiến triển. Về khoản môn đăng hộ đối, nhà chị cũng thua toàn tập, từ độ giàu sang đến tiếng tăm trong làng. Đã thế, hai chị gái của chàng cùng đứng về phía mẹ, khiến chị càng lẻ loi.

Chị giả hỏi anh về thái độ của mẹ, nhưng lời đáp lại rất mông lung: “Không có gì đáng lo, em ạ”. Nhìn vẻ buồn lẫn đăm chiêu của chị, anh hình như chột dạ, vỗ về qua loa, cốt để né tránh: “Mới gặp thoáng qua, mẹ đâu đã hiểu em”. Chị vẫn không dứt khỏi buồn lo, trong dáng ngồi bất động. Anh ôm lấy chị, vuốt nhẹ mái tóc dài cùng những lời rất khẽ: “Mẹ thương anh nên rồi sẽ thương em thôi”.

Chị về nhà chồng trong phập phồng, bởi biết đằng sau lễ cưới hỏi hoành tráng là sự gắng gượng được giấu kín. Biết mình không được hoan nghênh nên chị cố vượt lên, chu đáo vẹn toàn cả việc nhà và lời ăn tiếng nói. Chồng trẻ thường nhắc khẽ để vợ theo đúng ý mẹ nhiều việc trong nhà. Không mặn mà, thiết tha nhưng bà cũng không săm soi, bắt bẻ, càng không buông lời khắc nghiệt. Chỉ là sự im lặng chừng mực. Chị buồn tủi, bởi đã không đem lại niềm vui cho mẹ, lại thấy thương bà khi không mãn nguyện chuyện dâu con.

Chị hòa nhập nhà chồng ngay từ tên gọi. Là chị Hai của ba đứa em, nhưng về nhà chồng chị bị “hạ cấp”, gọi theo thứ của ông xã, thành ra mợ Út, cô Út. Dù hai chị có chồng ở gần mẹ nhưng tuần nào Út cũng từ phố về quê, nếu không thì nhắc chồng về với mẹ. Những ngày giỗ chạp, chị về từ hôm trước, lo quét dọn nhà cửa rồi lau chùi chén bát, chuẩn bị củi đuốc. Đến nấu nướng, đúng sở trường của mình nên chị tất bật trong bếp rồi cắt việc, hướng dẫn cho “đám hậu cần”. Xong bữa, chị ngồi rửa cả buổi liền, đâu hay mẹ chồng lặng lẽ ngó con dâu từ xa. Cũng lặng lẽ, bà quay qua nói khẽ với con gái: “Út mải làm, chưa ăn uống chi đâu, nhớ để phần”.

Chẳng biết tự bao giờ, chị quên khoảng cách mẹ chồng con dâu. Nhiều việc lớn, mẹ chồng thường trông nàng dâu: “Để chờ hỏi con Út”. Vài tuần không thấy con dâu, mẹ lại ngóng rồi trách: “Bận gì mà lâu về thế không biết”. Gặp nhau là chuyện trò không dứt; lúc con về, mẹ lẽo đẽo theo ra tận ngõ, vừa đi vừa tranh thủ nói cười.

Khi làm dâu không còn lo âu với chị thì nỗi buồn khác đến từ phía nhà mẹ đẻ, chính xác là giữa mẹ và vợ cậu em thứ hai – cũng là con trai duy nhất trong nhà. Khởi nguồn lại là mẹ chồng không thích nàng dâu. Bà can gián con trai, nói thẳng những điểm không ưa về cô gái, lại lấy số đông để lung lạc tình yêu của con. Đáp lại là sự im lặng, cam chịu lẫn cương quyết. Mẹ tìm cách trì hoãn bàn lùi, với những mong con đổi ý. Con trai vùng vằng, đứng dậy bỏ đi. Mẹ nhìn theo lắc đầu, rân rấn nước mắt.

Chị khuyên mẹ đừng chia lìa đôi lứa, cứ để hai đứa tự quyết. Bà nghe theo nhưng nỗi buồn thì không thể giấu. Hôm đến nhà gái đón dâu, bà ngồi như tượng suốt buổi, không đụng vào chén đũa, chẳng quay qua chuyện trò cùng sui gia. Lúc trao quà con dâu, bà cũng không gượng được nụ cười hay nét mặt tươi tỉnh. Khi cả nhà chụp hình, bà cũng không thể giả vui, càng không có nụ cười.

Đôi vợ chồng trẻ sớm ra riêng. Dù cách nhà cha mẹ chồng không xa, nhưng con dâu ít qua lại. Cả giỗ chạp, cô cũng hay tránh, chỉ sắm lễ vật để chồng con đem về cúng. Những dịp con cháu trong nhà sum họp, cô cũng tự tạo khoảng cách bằng đến muộn, lớt phớt chào hỏi, ngồi vào mâm rồi về sớm, với lý do để sẵn trên môi: “Bận việc”. Cô thu hẹp phạm vi trách nhiệm cho mình bằng cách giao chồng lo chuyện các đám hiếu hỉ phía nhà nội.

Tuổi già khiến mẹ của chị càng bao dung hiền dịu, phai dần ác cảm với con dâu, nhất là khi cô đã cho ông bà hai thằng cháu chăm ngoan, học giỏi. Vẻ như bà muốn gần con dâu bằng bắc cầu qua cháu nội. Để dồn được chục trứng gà hay nuôi được mấy con vịt, bà đều dành phần cho cháu. Đến mớ rau sạch hay mấy lít dầu phụng nhà làm, bà cũng không quên gởi cho dâu con. Nghỉ hè, cháu về nhà nội chơi cả tháng, còn theo ông ra đồng, theo bà đi chợ. Hai đứa còn đem giấy khen khoe với ông bà để được thưởng.

Với con dâu, khoảng cách với nhà chồng vẫn chưa rút ngắn. Nghe chồng trách ít về nhà nội, không thăm hỏi mẹ cha, cô đốp lại: “Mẹ đâu thích em”. Anh ngó sững. Bất hòa đã xa nhưng con dâu vẫn khắc sâu, dẫu thời gian kéo dài từ lúc cô về làm dâu cho tới khi con đầu có bạn gái, rồi cha chồng quy tiên, mẹ chồng thì hay buồn rầu nhìn xuống và bảo “đất dưới chân đã há mồm”.

Các con lắp camera để dõi theo mẹ từ xa, lại thay nhau gọi điện hỏi thăm mỗi ngày nhưng vẫn không yên lòng khi mẹ ở một mình. Là con cả trong nhà, chị lên tiếng trước, mời mẹ lên phố ở cùng. Đáp lại là cái lắc đầu buồn bã. Con gái út và áp út cũng có nhã ý tương tự nhưng bị từ chối: “Ở nhà chồng các con, mẹ biết thắp hương cho tổ tiên ở đâu?”. Nói tới nói lui như năn nỉ bao lần, bà mới sang nhà con trai; chỉ được mấy ngày rồi về lại nhà mình, nhất định không đi đâu nữa. Con gái gặng hỏi, mẹ không nói; hỏi quá, liền xua tay, ứa lệ.

Chị chua chát nhận ra dư âm bất hòa giữa hai người đàn bà trong nhà lại dai dẳng đến thế. Lúc này, kẻ ôm oán trách là người trẻ, nhằm vào mẹ già chống gậy, lưng còng. Chị gặp em dâu, lặng lúc lâu rồi mở đầu thẳng thắn. Chị bảo, hãy quên chuyện buồn khi xưa để mẹ được vui cùng con cháu. Đáp lại là nụ cười nửa miệng: “Mẹ yêu con dâu thì sẽ được yêu lại thôi…”. Lấp lửng thế để có thể suy ra, mẹ từng không thích con thì sẽ nhận lại điều tương tự, dù sau nhiều năm tháng. “Thật quá đáng!” - Chị buột miệng, sững sờ.

Chị đứng dậy, nhìn thẳng người đối diện: “Bằng yêu thương mới lấp đầy khoảng cách giữa lòng người, mới nhân lên yêu thương. Ôm ấp sân hận chỉ làm đau khổ kéo dài, với không chỉ riêng ai đâu”.

Sau lời chua xót, chị nhăn mặt, bỏ đi, kéo theo ánh nhìn không chớp.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top