ClockThứ Sáu, 10/06/2016 16:24

Mẹ kế

TTH - Phòng ba giường bệnh. Mẹ kế anh nằm giường phía trong sát bức tường bên trái. Bà bị tai biến, liệt nửa người, không nói được, phải xông tiểu. Giường bên cạnh là chị phụ nữ trạc năm mươi tuổi bị bệnh tim, thân hình gầy gò nhỏ thó, chân trái cụt lên quá gối. Giường sát bức tường bên phải là người đàn ông chừng sáu mươi, bệnh gì anh chẳng rõ, chỉ thấy đêm hay rên hừ hừ, trăn qua trở lại, đi ra đi vào.

“Ông sáu mươi” có chị vợ kém mười hai tuổi, ngày ba bữa xuống căn tin bệnh viện mua cơm, cháo. Riêng “chị bệnh tim” cả ngày một mình. Khoảng tám giờ tối, chồng chị đến nằm choán gần hết chiếc giường, lát sau đã ngáy o o. Sáu giờ sáng hôm sau anh này xách đít về. Chị bệnh tim đợi có ai trong phòng đi mua đồ ăn sáng thì gửi tiền nhờ mua. Ngày nào cũng vậy.

Mẹ kế và ba anh ở quê, cách bệnh viện những bảy chục ki lô mét. Mấy năm nay ba anh đi đứng khó khăn. Hai đứa em cùng cha đều làm nông, con cái còn đi học nên anh bảo việc chăm sóc để vợ chồng anh lo, hôm nào chúng nó thu xếp được thì vợ chồng con cái dắt nhau lên phố thăm bà. Anh “cắt” nguyên cái phép, vào trực bên giường bệnh. Vợ anh lo chợ búa bới xách.

Chỉ trừ lúc bác sĩ, điều dưỡng đến thăm khám, tiêm thuốc, thời gian còn lại anh cứ quanh quẩn bên mẹ kế hết nắn bóp tay chân, bón thức ăn, lau rửa mặt mày, đi đổ bô cho bà. Ban đêm, vợ của “ông sáu mươi” mang giường xếp ra hành lang ngủ. Anh trải chiếc chiếu trên sàn nhà ngay bên cạnh giường. Mẹ kế động nhẹ ngón tay, hay trở đầu trên gối, anh đều nhỏm dậy. Một đêm mấy lần anh tháo nước tiểu từ cái bịch y tế ra bô mang đi đổ.

Mẹ kế ngủ chập chờn. Chị bệnh tim hầu như không ngủ được. Những cơn khó thở dựng chị ngồi dậy ôm ngực, ráng sức bám vào chấn song cửa sổ chống chọi với đau đớn. Vậy nhưng anh chồng nằm cạnh vẫn ngáy o o. Đêm nào “ông sáu mươi” cũng lục đà lục đục trăn bên này trở bên nọ. Không biết chị vợ nằm ngoài hành lang thức hay ngủ, chỉ biết không thấy chị vào.

Một buổi sáng, khi chị vợ vào phòng lấy cặp lồng chuẩn bị đi mua cháo, ông sáu mươi làu bàu: “Chăm bệnh là phải như anh bên kia (ý nói anh) kìa. Nằm cạnh giường bệnh. Bệnh nhân trở mình cái người ta biết liền. Đâu phải kiểu như cô, chăm cho có”. Chị vợ chẳng trả lời trả vốn, lẳng lặng xách cặp lồng xuống căn tin. Trưa, lúc ông chồng ra ngoài, chị vợ đến ngồi cạnh anh giãi bày:

- Chú ạ, chuyện “lão ta” nói lúc sáng... Quả đúng là tôi đến đây là để cho xong nghĩa vụ chứ không phải bằng tình yêu thương như chú chăm mẹ. Nhưng cái gì cũng có nguyên nhân. Mẹ là ruột rà máu mủ. Mẹ sinh con, lúc nào cũng yêu thương, hi sinh, hết lòng với con nên chú chăm mẹ như vậy cũng phải. Còn lão chồng tôi, trước kia đã có một đời vợ, đẻ toàn “vịt trời” nên lão bỏ. Cha mẹ tôi ra sức ngăn cấm khi lão tán tỉnh con gái họ. Nhưng miệng lưỡi lão ngon ngọt quá nên tôi bùi tai, theo lão đến ủy ban xã đăng ký kết hôn. Khi tôi sinh đứa thứ hai vẫn là gái, lão liền trở mặt, ngày nào cũng gây gổ mắng chửi vợ con. Việc ruộng vườn heo ca gà cá chân lấm tay bùn chẳng mó tay, nhưng khi thu hoạch, lão giữ rịt tiền, ôm đi ăn tiêu sung sướng đâu chẳng rõ. Lão muốn đi là đi, về là về, coi cái nhà như nhà trọ. Đã vậy khi nào lão có mặt ở nhà, cơm dọn lên chê ỏng chê eo. Có lúc nổi điên lão hất nhào mâm cơm, vô cớ tát như trời giáng vào mặt vợ. Bị tát như thế uất thật, nhưng chưa uất bằng nhìn cái cảnh cơm canh tung tóe ra đất, mẹ con nuốt nước mắt đi chế mì gói ăn. Bây giờ lão bệnh, tôi đã định kệ thây lão. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, giữa lão với tôi vẫn còn tờ giấy đăng ký kết hôn, mang tiếng là vợ chồng có hai đứa con chung. Nên tôi mới quyết định bỏ công bỏ việc ngồi la lết ở đây. Lão cần gì thì mua cho. Bác sĩ gọi người nhà bệnh nhân là có. Thế nhất rồi, đòi gì nữa.

Vợ ông sáu mươi lắc đầu bảo, đàn bà lấy nhầm chồng khổ cả đời (anh cười vì câu này nghe quen quá, đọc hoài ở mấy bài trên facebook). Như chị bệnh tim, bệnh nhiều năm lại ngày càng nặng nên lão chồng đâm chán. Đã vậy còn xui xẻo, trong một lần điều trị, do tắc trách của bác sĩ, chị suýt mất mạng phải cưa chân. Đau đớn vậy mà chồng chỉ đến lăn đùng ra ngủ rồi về. Mua thức ăn sáng cho vợ cũng không. Vợ ngồi thở dốc cả đêm cũng chẳng hay biết, đoái hoài. Vợ ông sáu mươi lại lắc đầu: “Chị ấy đâu có muốn bệnh, đâu muốn làm gánh nặng của chồng con? Đàn bà lấy nhầm chồng là khổ rồi, phải không chú?” Lần này anh không cười, bất giác nắm bàn tay gầy guộc của mẹ kế. Hồi còn là một thằng nhóc, tay anh đâu có to bè, cứng cỏi như bây giờ.

Hồi đó còn bé quá, anh cũng không biết vì sao ba mẹ lại bỏ nhau. Cuộc sống một thằng nhóc và người phụ nữ còn trẻ bỗng dưng hụt tất cả mọi thứ, như người mắc bệnh tim hụt không khí, phải gồng người lên mà lấy hơi, thở dốc. Nhưng dù sao những ngày chỉ có hai mẹ con vẫn là thời gian hạnh phúc của anh. Thằng nhóc mê nhất đi học, bữa đói nhiều hơn bữa no nhưng vẫn được cắp sách đến trường. Đến lúc mẹ đi bước nữa với cha dượng, người đàn ông chết vợ làng bên, có ba đứa con trai thì việc học của anh chỉ còn là mơ ước.

Anh theo mẹ về nhà cha dượng hôm trước thì hôm sau phải ra ở trong cái chòi chăn vịt ngoài đồng. Cha dượng bảo, thời buổi khó khăn lo kiếm thức ăn đổ vào mấy cái mồm đã khó, đừng nghĩ đến chuyện đi học nhé. Vậy là anh trở thành kẻ chăn vịt, có nhiệm vụ trông giữ đàn vịt nghìn rưỡi con. Ngày hai bữa, con riêng của cha dượng đưa cơm ra chòi. Phần mỗi bữa là bát cơm lùm lùm cùng chút rau hái trong vườn và mấy con cá đồng. Nhưng thường khi đến tay anh chỉ còn độc chén cơm. Thức ăn đã bị con riêng của cha dượng ăn hớt hết. Bụng anh luôn sôi ùng ục vì đói. Nhưng cái đói vẫn không đáng sợ bằng cái lạnh thấu xương thấu tủy trong những ngày mùa đông, một mình nơi chiếc chòi giữa đồng thông thống gió. Những đêm rét mướt như thế, bầy vịt kiếm hơi ấm bằng cách mò sang cái góc trải chiếc chiếu rách, trèo lên người thằng nhóc chăn vịt mà ngủ. Sáng nào thức giấc anh cũng ngột thở vì mùi phân vịt vương vãi khắp người. Nhưng bù lại, hơi ấm từ đàn vịt cũng khiến anh phần nào bớt lạnh giá, cô đơn.

Một lần cha dượng cùng hai đứa con trai lớn ra chòi kiểm tra. Bầy vịt đông đúc thế mà lão ta chỉ đếm một loáng là biết thiếu đâu mất mười bảy con (bây giờ anh vẫn không hiểu vì sao lão đếm giỏi vậy). Lão rít qua kẽ răng, túm đầu anh hết dí xuống ruộng lại giật ngược lên, khiến anh sặc sụa, mấy lần tưởng tắt thở luôn. Hai thằng con lão cũng xông vào đấm đá túi bụi. Tối hôm đó mẹ anh trốn ra chòi vịt, ôm thân hình tả tơi của con trai vào lòng, nấc nghẹn. Chỉ anh, mẹ, bầy vịt và cánh đồng, nhưng bà cũng không dám khóc thành tiếng. Rồi cun cút lủi thủi ra về.

Anh chưa lúc nào oán trách mẹ. Bà cũng hứng bao nhiêu đòn roi của cha dượng. Mà lý do ăn đòn lại rất trời ơi. Bà mang mấy thứ hái trong vườn ra chợ bán, cha dượng nghe hàng xóm bảo, bà bán rẻ hơn người ta: đánh. Bà mua thức ăn về, cha dượng nghe hàng xóm bảo, bà mua thứ đó như vậy là bị đắt: đánh. Ti tỉ lý do khác để đánh. Mẹ anh tơi tả đòn chồng. Vậy nên hôm bà quyết định ra tòa thêm lần nữa để dứt bỏ lão chồng vũ phu, anh mừng rơi nước mắt. Hai mẹ con tay trắng, chân đất dắt díu nhau về làng. Cả làng thương mẹ con anh, nhưng ai cũng nghèo nên chỉ người góp được vài lon gạo, người tặng mấy củ khoai. Mỗi người một chút tấm lòng, anh và mẹ giải quyết cái đói trước mắt. Ước mơ đi học vẫn xa vời vợi. Hàng ngày anh ra ruộng ra sông bắt cá. Cá kiếm được đem chia cho người trong làng, đền đáp ân tình cưu mang khi mẹ con anh khốn khó nhất.

Hôm đó từ ruộng về, anh nghe trong nhà có tiếng rì rầm. Giọng người phụ nữ ngồi cạnh mẹ âm ấm: “Thằng Cu (tức là anh) khổ quá, thiệt thòi quá, nhất định phải cho nó đi học. Chị cho tôi dẫn nó theo, học xong lại về với chị. Lúc nào nó cũng là con của chị”. Mẹ cầm tay vợ mới của chồng cũ, coi như là gửi gắm. Mẹ kế dắt tay đứa con riêng của chồng. Tay anh lúc đó chai sần mùi vịt, mùi bùn...

Nhà của ba và mẹ kế mái tranh vách đất. Bữa cơm độn sắn độn ngô. Ba thường lẳng lặng. Chỉ có mẹ kế hay thủ thỉ chuyện trò. Bà dắt anh và hai đứa em cùng cha khác mẹ với anh ra vườn, chỉ cách trồng và chăm bón rau này rau khác. Có điều, mình anh được đi học chữ. Mẹ kế bảo: “Nhà nghèo nên ưu tiên cho đứa nào sáng dạ nhất. Ráng mà học thay cả phần mấy đứa em nghe Cu”. Mẹ kế cùng ba anh ra ruộng sớm hơn, về nhà trễ hơn. Bà cắt hết các khoản chi tiêu để có tiền mua sách cho anh. Ròng rã, hết cấp hai, lên cấp ba, rồi vào đại học. Đôi tay mẹ kế mỗi lúc một nhăn nheo. Hôm anh cầm tấm bằng cử nhân về nhà, nụ cười của bà ngân ngấn nước.

“Sao chú lại khóc. Mẹ của chú cũng lấy nhầm chồng ư”? Câu hỏi của vợ ông sáu mươi khiến anh biết mắt mình đang ngân ngấn nước. Nhưng đó là nước mắt của hạnh phúc. Anh hạnh phúc và biết ơn người mẹ đang nằm đây, người không sinh ra nhưng hết lòng yêu thương, chăm chút và hi sinh cho một thằng nhóc thiệt thòi - đứa con riêng của chồng.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê

Đọc Trần Băng Khuê, tôi không có cảm giác đang chạm vào một cấu trúc hư cấu kiểu mẫu, mà đang mò mẫm bước qua từng không gian luôn khép kín, chỉ có một cánh cửa để mở vào một không gian khác và cứ thế dẫm lên những siêu hiện thực không ngừng được bày ra.

Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê
Bạn “nợ đời”

Những cuộc gọi đi không có tín hiệu, mỗi một tiếng “tít” vang lên, trái tim Thư lại nhói lên một khắc. Thư hoảng hốt, rồi tức giận, rồi điên cuồng kiếm tìm sự giúp đỡ, cho đến lúc này thì chỉ muốn ngã khuỵu.

Bạn “nợ đời”
Cây mận đã nở hoa

Cây mận đã nở hoa. Đó là một cây mận cổ thụ, ra những trái mận nhỏ với màu da đỏ rất đẹp. Theo chủ nhà cũ thì cây mận có ở trên mảnh đất này từ khi ông dọn về, xây nhà. Những bông hoa mận có tua với những sợi nhỏ, khi gió lay, chúng bay đi như gieo niềm vui.

Cây mận đã nở hoa
Mở cửa huyền thoại

Chân ướt chân ráo đi dạy, tôi được chia chủ nhiệm lớp 8C cùng cái thông báo “khuyến mãi” năm nay trường sẽ tổ chức hội trại hai ngày hai đêm. Ôi, tôi phát hoảng. Một nàng hậu đậu làm sao lo ăn uống cho gần 40 cái “tàu há mồm”, nhưng chuyện tôi hoang mang hơn là làm cổng và lều trại. Vùng lõm nhỏ bé và hiu hắt này nắng hãi hùng lắm. Bắt đầu từ cuối xuân, cái nóng ở đây chắc chỉ em em Hỏa Diệm Sơn chút thôi.

Mở cửa huyền thoại
Chị Phấn

Phòng nữ 101 của Trường cao đẳng Sư phạm “biên chế” sáu tiểu thư - sáu đứa nhưng lại đến từ sáu lớp. “Trưởng phòng” là chị Phấn.

Chị Phấn
Return to top