ClockChủ Nhật, 21/07/2024 15:54

Mở cửa huyền thoại

TTH - Chân ướt chân ráo đi dạy, tôi được chia chủ nhiệm lớp 8C cùng cái thông báo “khuyến mãi” năm nay trường sẽ tổ chức hội trại hai ngày hai đêm. Ôi, tôi phát hoảng. Một nàng hậu đậu làm sao lo ăn uống cho gần 40 cái “tàu há mồm”, nhưng chuyện tôi hoang mang hơn là làm cổng và lều trại. Vùng lõm nhỏ bé và hiu hắt này nắng hãi hùng lắm. Bắt đầu từ cuối xuân, cái nóng ở đây chắc chỉ em em Hỏa Diệm Sơn chút thôi.

Ngồi nghe biển hátCầu thangChị PhấnCùng Châu Thu Hà “Nhận mặt thời gian”

 

- Chỉ cần đi xin mấy cây tre làm cổng trại thôi cô, còn trang trí và bóng mát cho lều, đã có đủng đỉnh bao mát rồi.

Ồ, đó là lần đầu tiên tôi nghe một loài cây có cái tên “bản lĩnh” đến vậy. Đừng vội vàng (trong mọi tình huống) – đó cũng là một kiểu bản lĩnh. Có cái gì rất thôi thúc trong tôi. Người đưa ra ý tưởng đó là Hạo, anh trai của cô bé lớp trưởng, cô giáo tôi vui phải biết vì sự hậu thuẫn này.

Sáng sớm hôm sau, cô trò đùm túm vào rìa rừng chặt đủng đỉnh. Đủng đỉnh nhìn giông giống cây đác. Dáng lơ thơ, thong thả đúng như tên gọi của nó. Học trò kể ở đây người ta dùng cây đủng đỉnh để trang trí cổng chào, lá làm chổi, trái làm thuốc. Ồ, loại cây này tôi nhìn thấy ở núi Chai quê mình hoài nhưng sao tôi, cô nàng mới lớp 5 đã lẽo đẽo theo mẹ vào núi kiếm củi, thấy cây gì là lạ, hay hay đều hỏi nhưng lại đi trừ loài cây có cái tên độc đáo này? Có lẽ đó cũng là một kiểu bản chất của cuộc sống, có những thứ rất quen thuộc, tới mức bình thường nhưng đến một thời điểm cần thiết nào đó sẽ tự khắc trở nên lạ lẫm và phi thường. Cuộc sống ơi, nơi đâu cũng chất chứa bí ẩn… - tôi ngầm thốt lên câu cảm thán đó.

Công việc dựng trại được triển khai gọn gàng. Anh Hạo vui tính nên mấy nhỏ cái gì cũng ríu rít anh ơi. Sau đợt trại đó, Hạo thường lên nội trú chơi. Hẹn hò nhiều lần, chúng tôi trở thành một cặp theo nguyên lý cái gì đến rồi cũng sẽ đến. Tôi bảo với anh cây đủng đỉnh là bà mối của chúng ta. Rồi tôi hồn nhiên bảo hy vọng anh đừng như cây đủng đỉnh trong bài ca này:

Ba với ba là sáu

Sáu với bảy mười ba

Bạn nói với ta không thiệt không thà

Như cây đủng đỉnh trên già dưới non

Bạn nói với ta rằng bạn chưa vợ chưa con

Chừ ai kêu ai hú trên non tê bạn tề

Bạn nói với mình rằng bạn chưa có hiền thê

Chớ hiền thê mô đứng đó, bạn bỏ lời thề lại cho ai?!...

Tôi vừa đọc xong thì môi anh bất ngờ áp chặt vào môi tôi, khiến tôi không cách chi chống cự. Run rẩy hạnh phúc với chiếc hôn bất tận này.

Tôi và anh vui vẻ đi thử đồ cưới. Tôi chấp nhận ưng một chàng trai chưa có việc làm, cỡi chiếc xe đạp cùng căn nhà vách đất vì ý niệm tình yêu như vậy mới huyền thoại, mà huyền thoại thì khó lòng mờ nhạt hay đổ vỡ.

Mọi thứ đã lên khuôn, bất ngờ có cô gái tìm đến tôi với tờ giấy khám thai. Tan tành “huyền thoại” trong phút chốc. Bài hát ru hôm nào đã tàn khốc ám vào tôi. Cũng may, tính tôi si mê nhưng ghét lòng thòng. Và tôi dứt khoát đến lạnh lùng.

Tôi lao đầu vào công việc và tập tò viết lách, với tâm niệm để quên nhanh người đàn ông “như cây đủng đỉnh trên già dưới non” kia. Vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã ba năm nhưng đây là lần đầu tôi rảnh rỗi để tham gia đợt thực tế sáng tác ở Vũng Rô. Vào thăm đài tưởng niệm và được trực tiếp nghe anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh – thuyền trưởng - kể chuyện về những con tàu không số. Tôi đã vô cùng xúc động khi người anh hùng có nhắc đến cây đủng đỉnh như một phần của “huyền thoại Vũng Rô”. Bằng giọng hồi hộp, ông kể: trong tình thế rất nguy hiểm, phía trên bến Vũng Rô là quốc lộ, xe quân sự địch qua lại rất nhiều. Đỉnh Đèo Cả có đồn địch đóng. Phía biển lại có đồn Mũi Điện. Thuyền trưởng nhanh trí một cách bình tĩnh cho tàu ép sát vào vách núi, lợi dụng vách đá và lá đủng đỉnh phủ lên ca-bin và boong tàu. Tàu và biển liền nhau một khối, nhìn từ trên cao sẽ như một mõm đá nhô ra biển. Tôi đã mủi lòng chực khóc khi nghe chuyện những người lính biển đã đón xuân Ất Tỵ (1965) bằng bữa tiệc đơn sơ trên nắp khoang hàng, dưới vòm lá đủng đỉnh xanh rờn…

Từ nay, khi nhớ về loài cây “bản lĩnh” này, tôi sẽ nhớ bằng tâm tưởng của một cô giáo dạy sử nhớ về một loài cây anh hùng trên đất Phú, chứ “mối tình đủng đỉnh” tôi đã xem là kỷ niệm xa xăm… Điều quan trọng hơn, những con thuyền không số huyền thoại đã làm thay đổi mắt nhìn, óc nghĩ, tôi chẳng có lý do để dính líu đến mối tình vụn vặt kia khi sẽ làm cô giáo của đứa trẻ trong chiếc bụng của cô gái xóm núi nọ.

***

Tôi đã có quyết định chuyển trường. Cũng may, tôi được toại nguyện như có sự ủng hộ của một phép màu nào đó.

Về lại quê mẹ, ngôi trường giữa lòng thị xã, cách Vũng Rô hơn hai mươi cây số.

Đang dạy cấp 3, giờ về lại cấp 2, còn làm chủ nhiệm nữa, tôi tự dưng thấy việc này dường như quá sức. Hồi hộp và lo lắng khi tiến về lớp 7D. Vừa đến thì thấy một chị phụ huynh đứng ngay cửa chờ. Chị bảo bé Cẩm Tú con chị mới chuyển từ Vũng Rô ra, cháu ở trọ nhà người quen để học nên có gì cần cô cứ liên hệ dùm qua số điện thoại này.

Hai tuần học trôi qua, tôi bất ngờ khi cô học trò ở phân trường xa nhất của thị xã thần thái tự tin và ý thức học hành cực kỳ nghiêm túc. Tiết học hoạt động trải nghiệm ngày hôm đó, thuyết minh về một di tích, thắng cảnh ở địa phương, Cẩm Tú hăng hái giơ tay, trên màn ảnh xuất hiện cảnh biển Vũng Rô. Đứng trên bục giảng của cô, Tú bình tĩnh và nhập tâm đến lạ, em nói như một phát thanh viên hay một hướng dẫn viên du lịch có nghề:

- Bến Vũng Rô nước sâu nhưng êm sóng và có nhiều hang, gộp đá. Nơi này rất lý tưởng để cất giấu nhiều loại khí tài. Đã có hơn 200 tấn vũ khí từ miền Bắc chi viện chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cập bến Vũng Rô, những chuyến tàu không số năm xưa đã biến điều không thể thành có thể… 

 - Bạn chép trên mạng đó cô? – một em nói to ngắt mạch, bằng giọng không phục.

- Thưa cô và các bạn, những thông tin này em/mình thu thập được từ các tài liệu. Nhưng câu chuyện sau đây, Cẩm Tú đã tận tai nghe “ông ngoại huyền thoại” của mình kể: Ngay khi con tàu “tựa có phép lạ bỗng dưng xuất hiện”, ban chỉ huy bến huy động hàng ngàn cán bộ, đảng viên, dân công, du kích, thanh niên xung phong bốc dỡ hàng hóa. Bất ngờ hơn cả điều bất ngờ. Có rất nhiều bà con tập trung ở bến từ chiều nhưng không biết sẽ làm nhiệm vụ gì. Đến khi nghe nói tàu chở vũ khí chi viện cho chiến trường thì nỗi vui mừng đã vỡ ra nghẹn ngào, cùng những giọt nước mắt hạnh phúc.

- Cho phép cô được hỏi xíu, thế ông ngoại em người ở đâu?

- Dạ cô, quê Nam Định. Mẹ em theo chồng về đây. Ba em hồi học nuôi trồng thủy sản.

Khi cô giáo tôi tỏ ý rất hy vọng có dịp được diện kiến “ông ngoại huyền thoại” thì cô bé liền mời cô đến nhà. Em bảo ông ngoại vào thăm con cháu nhân dịp nghỉ lễ dài ngày. À, quên kể chi tiết sau tiết trải nghiệm ngoại khóa đó, lớp 7D đã “chúng khẩu đồng từ” gọi em là “cô học trò huyền thoại”.

Theo Cẩm Tú về nhà, dù mấy rày thị xã oi bức cùng cái nóng kinh khủng của cả nước thì biển Vũng Rô vẫn xanh ngời mát mẻ.

Cô giáo tới nhà, chú (ông ngoại) lật đật đi pha trà làm tôi tự dưng thấy ngại. Khi tôi giới thiệu mình là cô giáo dạy sử, muốn đích thân đến nghe kể chuyện tàu không số thì chú cười rất hào sảng, kiểu cười đậm sương gió và đầy khí phách. Giọng rất to rõ, chú minh mẫn kể: nhập ngũ năm 1960, vào Hải quân và tham gia những “chuyến tàu không số”. Mỗi lần chuẩn bị cho một chuyến đi là mỗi lần chuẩn bị tinh thần có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Chết thì ai chẳng sợ. Nhưng tới lúc đối diện với cái chết, hình như người ta lại càng gan thép hơn thì phải. Hành trình trên biển là hành trình chạy đua cùng cái chết. Đang giữa ban ngày, cứ vài tiếng lại có một chiếc máy bay bám theo, ban đêm lại có tàu chiến địch đi kèm, chiếc phía trước, chiếc phía sau. Đó là chưa kể còn nỗi lo sóng to, gió lớn. Lại nói cuộc sống trên thuyền không thể như ở nhà, người lính kiên gan như nhau trong tư tưởng chứ thể chất chẳng ai giống ai được. Cũng có nhiều anh em không chịu được sóng nên cứ ăn vào lại nôn ra, tái nhợt mặt mày, đó là chưa kể ẩm ương đau bệnh… 

… Khi máy bay trinh sát của địch tới Vũng Rô, họ phát hiện “mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía tây Vũng Rô” nên xả đạn, chúng ta buộc phải chọn phương án kích nổ tàu. Hai giọt nước mắt bất ngờ bật lăn xuống đôi gò má sạm đen khi chú kể đến phút cao trào - những mảnh vỡ của con tàu văng lên tận đỉnh núi. Kể tới đây thì dừng lại tợp ngụm trà, chú không nói nữa dù chiếc môi vẫn còn mấp máy và đôi mắt u buồn đang nhìn về phía biển xa xăm…

***

Tôi cảm giác như mình vừa mở được một cánh cửa của huyền thoại. Tôi nói “một cánh cửa” vì tin rằng còn nhiều điều bí ẩn ở vùng biển huyền diệu này nữa đang chờ tôi, chờ bạn khám phá…

Nguyễn Thị Bích Nhàn
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng ngăn chặn bạo lực gia đình

Bên cạnh những gia đình luôn tôn trọng, lưu giữ giá trị tốt đẹp từ lễ nghi cho đến các mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, sự hiếu thảo của con cái đối với ông bà, cha mẹ thì đâu đó tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra. Đó được xem như là vấn nạn nghiêm trọng.

Cùng ngăn chặn bạo lực gia đình
Cô giáo đặc biệt

Trong phòng khách, bố mẹ tôi mỗi người một góc, tay cầm điện thoại, ấn máy liên tục hết gọi cho người thân lại đến bạn bè kèm lời dặn dò: “8 giờ tối nay, bác nhớ mở tivi xem chương trình “Tỏa sáng những tấm gương nghị lực” nhé. Cái Vy con dâu tôi nó được lên tivi đấy ạ!”.

Cô giáo đặc biệt
Kịp thời cứu 3 người bị đuối nước

Ngày 21/11, Thượng tá Lê Thị Hồng Nhung, Trưởng Công an huyện Quảng Điền cho biết, lực lượng Công an huyện đã kịp thời ứng cứu 3 người trong 1 gia đình bị đuối nước tại xã Quảng Vinh.

Kịp thời cứu 3 người bị đuối nước

TIN MỚI

Return to top