ClockChủ Nhật, 25/03/2018 10:07

Một cây bút trẻ có triển vọng

TTH - Trong thế hệ cầm bút trẻ ở Huế hiện nay, Lê Vũ Trường Giang (LVTG) là một tác giả được chú ý từ khi anh đạt giải nhì cuộc thi Truyện ngắn trẻ Tạp chí Sông Hương (2010) và Tặng thưởng Truyện ngắn hay Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2010). Tập truyện đầu tay “Ngủ giữa trùng sơn” (NXB Văn học, 2012) được tặng Giải B (Giải Cố đô lần 5 - năm 2013).

Tác giả gốc Việt đoạt giải thưởng Pulitzer danh giáTác giả Nguyễn Thị Thanh Trà nhận Bằng khen Phụ nữ sáng tạo

(Đọc “Đi như là ở lại” - Tập bút ký của Lê Vũ Trường Giang, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2017)

Với bước khởi đầu khá tốt đẹp đó, mấy năm qua, LVTG liên tục có truyện và ký đăng trên các báo, tạp chí ở Huế, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. “Đi như là ở lại” - cuốn sách thứ hai của anh vừa ra mắt bạn đọc cuối năm 2017 có thể xem là “tuyển tập” bút ký viết trong 5 năm qua. Nhan đề cuốn sách mượn từ một ý thơ của nhà thơ Insara – cái nhan đề đã “gợi mở cho những hành trình nhân vị”, đã được tác giả diễn giải thêm: “Đi bằng tư tưởng rạo rực khai phóng và thân xác thì ở lại bồi đắp, tu dưỡng, giữ gìn. Đi bằng thân xác nhưng tâm hồn vẫn ở lại neo đậu quê hương.”

Hai phần ba cuốn sách (11/15 bài) tác giả viết về những vùng đất ở Thừa Thiên Huế; còn nữa là những bút ký về những “bóng linh xưa” trên đất Quảng Trị, những “chiến địa hoa” ở Điện Biên Phủ, ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải và Rạch Giá, Mộc Châu trong các chuyến du xuân…

Thực ra, nếu xét về đề tài, những vùng đất LVTG đề cập tới, trong bao nhiêu năm qua đã có nhiều- rất nhiều người “khai thác”, nhất là với các địa danh ở Huế, như sông Hương, Bạch Mã, Túy Vân, Hải Vân Quan, lăng vua Gia Long, phá Tam Giang… Thế nhưng, là người đi sau, nhưng bút ký của LVTG vẫn có chỗ đứng riêng, có sức thu hút người đọc. Đạt được điều đó, trước hết, do tác giả đã có một quan niệm có thể nói là nghiêm túc và đặt yêu cầu cao về thể loại văn học này. Trong “Lời nói đầu”, dài gần 10 trang, LVTG đã viết:

“… Bút ký văn học cần thiết tính hàn lâm và bay bổng của ngôn ngữ, có chăng là thứ ngôn ngữ thi ca được trộn lẫn trong điều chân thật của cuộc sống… Những tác phẩm bút ký có giá trị văn học ngoài đáp ứng các giá trị hiện thực được dung nạp, phải khai thác triệt để sức mạnh của ngôn ngữ, giá trị mỹ học, đặc tính nhân văn và hòa trộn nhiều thể loại được trích xuất như một bản hợp xướng ngôn ngữ, tạo nên lối viết liên văn bản đầy sức cuốn hút…”

Các “tiêu chuẩn” tột đỉnh của bút ký văn học mà LVTG nêu ra là chí lí, nhưng không dễ đạt tới. Có lẽ chỉ một ít tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường là “chạm” đến ngưỡng đó. Nếu gọi đây là “lý thuyết” thì chúng ta đều biết giữa lý thuyết và thực hành bao giờ cũng có khoảng cách. Tác phẩm mới của LVTG có “khoảng cách” như thế cũng là lẽ thường. Điều đáng quý ở cây bút trẻ này là với khát vọng hướng tới đỉnh cao nghệ thuật bút ký, hầu hết bút ký của LVTG in trong cuốn sách vừa ra mắt bạn đọc đã thể hiện công phu của tác giả về nhiều mặt.

Bạn đọc có thể bắt gặp những “điều chân thật của cuộc sống”, những tư liệu chính xác ở tất cả tác phẩm. Tác giả cũng không né tránh những chuyện có tính thời sự (như vấn đề trách nhiệm quản lý, tôn tạo Hải Vân Quan giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng…), thậm chí là vấn đề “nóng” như “mùa cá chết” vì biển bị nhiễm độc. Tác giả, sau khi dẫn ra cụ thể từng đợt cá chết ở bờ biển từ Phong Điền đến Phú Lộc, rồi Quảng Ngạn, Quảng Công, Thuận An, Hải Dương… đã thốt lên: “Mỗi người chúng ta, thắp lên một nguyện cầu, hãy cứu lấy biển, cứu lấy chính cuộc sống của chúng ta”.

(“Lời cầu nguyện cho đại dương”).

Bút ký của LVTG còn chú trọng đến chiều sâu lịch sử của mỗi vùng đất; nói cách khác, cảm hứng lịch sử vừa là khởi nguồn, vừa là “điểm tựa” để tác giả triển khai, gửi gắm ý tưởng của mình. Trong xu hướng này, LVTG tỏ ra tâm đắc với nhà văn Pháp Marcet Proust - tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Đi tìm thời gian đã mất”: “…một hương thơm, một mùi vị tìm thấy lại trong những trường hợp khác lại thức dậy trong ta, và ngoài ý muốn của ta, một cái quá khứ… thật khác biệt với cái quá khứ do ta cố tình vẽ ra…”. Vì thế mà trong bút ký “Mênh mông Trằm” viết về miền quê thơ ấu, khi “đứng trước ruông dưa xanh vươn mình trong gió sớm”, tác giả đã “nhập trong rừng ký ức của khoảng trời mênh mông thơ ấu nơi đất Trằm”.

Đôi dòng trích dẫn ở trên đã cho thấy tác giả tỏ ra dụng công trong ngôn ngữ, từ cấu trúc câu văn cho đến cách sử dụng từ ngữ đều tránh lối mòn. Nhờ đó, bút ký của LVTG có phong vị riêng, viết về đề tài cũ mà vẫn thấy óng ánh sự tươi mới.

“Tôi nhìn lên Chóp Mũ cao chót vót, mây phủ kín trắng không thấy đỉnh đầu. Nghinh xuân thơm quá, sứ giả của mùa xuân sơn cước như réo gọi chúng tôi. Giữa đại ngàn hoang sơ, cây chen cây, lá chen lá, hoa rừng trổ muôn màu đỏ, trắng quyện trong tàng xanh. Hàng vạn con bướm ơm pờ rèng, đã qua đời nhộng trong thân tre nứa, chấp chới cánh trắng phủ một vùng cây lá… Gần đến Chóp Mũ, người lạc vào trong mây, mùi nghinh xuân đậm đà ô lá, lối mòn. Ơ, tôi đã lạc vào mùa xuân sơn cước, mặc sức chiêm ngưỡng thứ nghệ phẩm vô giá của thời gian”.

Hình như chưa ai dùng từ “mùi nghinh xuân” và “ô lá”. Có phải nhờ thế mà trang văn miêu tả mùa xuân vùng cao A Lưới của tác giả có sức quyến rũ của một miền đất lạ.

Trong bút ký “Lặn tìm sơ ngộ màu hoa”, tác giả còn “làm mới” từ ngữ nhiều hơn và dần khẳng định một phong cách:

“…Tôi đương bay trên muôn sắc rực rỡ của hoa ngàn, tìm áng mây linh treo đầu eo Gió. Chợt thấy ra sống và chết như cơn mộng huyền giữa cuộc phù sinh, như bọt nước phập phồng giữa cơn mưa lạnh…”.

Chưa hẳn mọi người đã thích và tán đồng cách sử dụng ngôn ngữ có phần khác lạ của LVTG, nhưng với một tác giả vừa chạm tuổi 30 (LVTG sinh năm 1988), con đường phía trước còn rất dài, ý thức sáng tạo nghiêm túc của anh trong bước đầu nghiệp văn rất đáng để chúng ta chờ đợi và hy vọng…

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lê Vũ Trường Giang - Từ mạch nguồn xứ sở

Có nhận xét cho rằng văn học Cố đô đang già hóa khi có đến 9/10 nhà văn sinh hoạt trong Liên hiệp hội đều quá tuổi… trung niên. Và, Lê Vũ Trường Giang xuất hiện như một đại diện tiêu biểu cho văn học trẻ trưởng thành sau 1975 với sự tự khẳng định bằng các tác phẩm xuất sắc, đặc biệt là tác phẩm “Bạc màu áo ngự” đã giúp anh nhận giải thưởng tác giả trẻ năm 2022 ở hạng mục văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam.

Lê Vũ Trường Giang - Từ mạch nguồn xứ sở
Tuyên dương 28 đảng viên trẻ tiêu biểu

Chiều 26/3, Tỉnh đoàn tổ chức chương trình thông tin chuyên đề về định hướng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tuyên dương đảng viên trẻ tiêu biểu năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Chí Tài, UVTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cùng đại diện các ban ngành, đoàn thể liên quan.

Tuyên dương 28 đảng viên trẻ tiêu biểu
Sức trẻ của cây bút “90 xuân”

Trước thềm xuân Giáp Thìn – 2024, nhà giáo Trương Quang Đệ vừa gửi đến bạn đọc cuốn sách mới BÂNG KHUÂNG CẢM XÚC VỀ THỜI CUỘC (II). Sinh năm 1935, Xuân này thầy Trương Quang Đệ lên tuổi 90, nhưng cuốn sách trên 300 trang với 64 tiểu mục vẫn tràn đầy sức sống, có thể ví với một vườn hoa đủ hương sắc.

Sức trẻ của cây bút “90 xuân”
Doanh nhân trẻ truyền cảm hứng khởi nghiệp

Đầu tư showroom hiện đại, tạo không gian phô diễn sản phẩm trực quan phục vụ khách hàng, xây dựng đội ngũ nhân sự có chiều sâu chuyên môn, nhà xưởng đầy đủ hệ thống máy hiện đại phục vụ sản xuất... là cách mà “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc” Nguyễn Văn Lãm, CEO Công ty TNHH Nội thất Song Nguyễn khẳng định thương hiệu, tạo niềm tin cất cánh năm con Rồng - Giáp Thìn và những năm tiếp theo.

Doanh nhân trẻ truyền cảm hứng khởi nghiệp

TIN MỚI

Return to top