ClockChủ Nhật, 24/10/2021 11:41

Mưa rơi ngoài ngõ

TTH - Bà Phúc ngồi phụ con gái gấp mấy bộ quần áo bỏ vào vali. Đây là lần thứ ba, bà gả con gái đi lấy chồng. Nhưng tâm trạng mất mát vẫn cứ âm ỉ gặm nhấm trong lòng bà, chẳng bao giờ quen được.

Tựa cửa nhìn theoCây khếĐất khóc

Trời đã khuya mà cuộc vui vẫn chưa tàn. Bà nghe tiếng húng hắng ho của ông cụ nhà hàng xóm. Chắc tại tiếng nhạc xập xình nhức óc, khiến ông lão mất ngủ. Trăng đã chênh chếch về phía tây. Bóng trăng xiên qua mái nhà, rớt một vạt dài bên ô cửa sổ. Ngọn đèn neon trong phòng mờ mờ lạnh lẽo, không che lấp được ánh trăng. Bóng bà Phúc mảnh khảnh, in lên tường, lay động theo bóng trăng ngoài cửa. Đêm nay nhà đông người, nhưng con thằn lằn cụt đuôi vẫn mò ra tìm muỗi. Tiếng ồn ào ca hát của đám thanh niên ngoài sân vẫn không che lấp được tiếng thằn lằn tặc lưỡi trên tường.

Không phải tai bà thính. Mà bao nhiêu đêm trằn trọc một mình trong căn nhà này, bà dễ dàng nhận ra những âm thanh vọng lại trong đêm. Tiếng mọt cót két phát ra từ chiếc tủ thờ đã cũ. Tiếng con thằn lằn hay nằm sát bóng đèn giữa nhà. Những đêm mất ngủ, bà có thói quen lắng nghe mọi thứ xung quanh. Nghe tiếng gà ở xóm trên cất tiếng gáy đầu tiên, rồi lác đác trong thôn gà bắt đầu gáy. Nhà hàng xóm trở dậy nấu cơm. Tiếng nồi niêu va vào nhau lúc sáng sớm nghe thật rõ. Hai đứa con gái lớn theo chồng, đứa con gái thứ ba đi dạy ngoài phố. Căn nhà chỉ mình bà vào ra. Nên buổi sáng trở dậy, bà nghe thật rõ tiếng dép lẹt xẹt của chính mình kéo quanh gian bếp.

Hồi còn trẻ, bà chẳng mê uống trà. Uống một ngụm, lưỡi chỉ muốn quéo lại trong vòm miệng. Vậy mà từ ngày chồng không còn, bà lại đâm ghiền cái vị trà mà ông hay uống. Sáng nào bà cũng giữ thói quen dậy sớm, pha ấm trà, rót ly đầu tiên đặt lên bàn thờ chồng, rồi ngồi trước hiên nhà đợi mặt trời lên.

Nhà bà hướng đông. Phía trước nhà là cánh đồng bốn mùa xanh mướt. Xa xa là dãy núi chập chùng. Buổi sáng nhìn ra núi, sương sớm vờn trên đỉnh tựa như mây. Mặt trời ló dạng, tia nắng đầu tiên phủ lên ngọn núi, đám sương trắng mướt tan nhanh trong nắng, trả lại màu xanh cho núi đồi. Ngọn núi ấy, hồi trẻ bà vẫn hay cùng chồng leo lên chặt củi, bứt tranh. Bây giờ già rồi, mỗi sáng bà hay ngồi ngắm núi. Và chờ đợi mấy đứa con gọi điện về nhà.

Hồi trước, bà cũng hay gọi điện cho mấy đứa con. Nhưng rồi những cuộc gọi cứ thưa dần. Thành ra bà hay chờ tụi nó rảnh, thì gọi cho mình. Cái điện thoại ít khi dùng, nên nhiều năm rồi vẫn còn mới tinh, bà đi đâu cũng mang theo bên mình, sợ bỏ lỡ cuộc gọi của con cái. Nhưng hiếm khi điện thoại mới reo, nên nhiều lúc, bà sạc pin cả tuần mà vẫn sài không hết.

Ngày mai, đứa con gái út sẽ theo chồng. Căn nhà này, cuối cùng chỉ còn lại mình bà. Lúc Hương bước vào phòng, đập vào mắt là dáng ngồi thẫn thờ của mẹ. Từ chỗ mẹ ngồi, đưa mắt nhìn xéo qua là nhìn rõ bức ảnh cha Hương trên bàn thờ. Người đàn ông trong ảnh còn rất trẻ. Gương mặt phảng phất nét cười. Năm Hương 10 tuổi thì cha mất vì tai nạn. Mẹ lúc ấy chỉ mới ngoài 30. Bà bán quán bún ngay ngoài chợ. Đàn ông hay tìm đến quán của bà, phần vì bà nấu nướng ngon, phần khác vì chủ quán chết chồng. Hồi đó mẹ còn trẻ, lại đẹp. Dù một nách ba đứa con nhỏ, nhưng khối người muốn cưới.

Hương nhớ có lần nghe hàng xóm bảo, mẹ sắp lấy chồng. Ba chị em Hương sẽ bị mẹ bỏ lại cho ông bà nội. Đêm đó nằm ngủ, Hương khóc ướt đẫm gối. Lúc nào, Hương cũng sợ mẹ đi lấy chồng, bỏ lại ba chị em Hương. Nhưng phải đến năm Hương 15 tuổi, mẹ mới có ý định đi bước nữa. Hương nhớ lần đó, cô đã khóc lóc thật lâu. Phải đến khi lấy cái chết ra dọa dẫm, mẹ mới từ bỏ việc tái hôn.

“Có tụi con còn chưa đủ sao? Ba đứa con sẽ ở với mẹ cả đời. Sau này con không lấy chồng, ở với mẹ cho đến già”, Hương nói với mẹ trong nức nở. Đêm đó, mẹ cũng ngồi như thế, phẳng lặng nhìn ảnh cha. Mẹ ôm ba chị em Hương vào lòng, sờ sờ gương mặt lem nhem nước mắt của đứa này, sờ sờ đầu tóc bù xù của đứa kia. Mẹ không khóc, nhưng mắt loang loáng nước.

Hồi đó, cái Lan từng kéo áo Hương, rụt rè đề nghị: “Hay là mình để mẹ lấy chồng đi chị”. Hương ngồi trên đất, trừng mắt nhìn đứa em gái thua mình ba tuổi, như nhìn kẻ ngốc. Ba không còn, nếu mẹ về ở với bác Tuấn, ba chị em Hương phải làm sao. Hương lại không muốn bác Tuấn về ở ngôi nhà này. Đây là nhà của ba và mẹ, sao có thể để người đàn ông khác bước chân vào.

Đã từng thề sẽ ở với mẹ cả đời, ai biết hồi sinh viên, Hương lại gặp được người mình thích. Vừa thi tốt nghiệp đại học xong liền tổ chức đám cưới. Hôm cầm trên tay tờ giấy đăng ký kết hôn, bằng tốt nghiệp đại học, Hương còn chưa kịp nhận. Hồi đó Hương lấy chồng, gương mặt mẹ tràn đầy ý cười hạnh phúc. Nhưng khi đêm về, chắc mẹ cũng ngồi giữa gian nhà, cô đơn như thế. Có điều chỉ vì còn trẻ, nên Hương chẳng nhận ra.

Năm đứa em gái Út của Hương tròn 18 tuổi, mẹ lần nữa gặp được người mình thích. Người đàn ông lần này của mẹ đã từng ly hôn. Hương không tiếp xúc nhiều với ông ấy. Lấy chồng xa, nên Hương ít khi ghé về nhà, nên cũng không rõ bằng hai em. Ai biết lần này, con Út còn kích động, đòi bỏ nhà đi hoang. Mẹ nói, bà đã chờ thật lâu, đợi nuôi mấy chị em Hương trưởng thành mới tính chuyện đi bước nữa. Vậy mới không có lỗi với ba đứa con. Mẹ đã làm xong trách nhiệm của mẹ. Bây giờ, mẹ lo đời mình. “Mẹ đã ở vậy bao nhiêu năm. Giờ già rồi, còn bày đặt lấy chồng làm chi? Không lẽ mẹ hết thương tụi con rồi? Mẹ sợ không có ai bầu bạn, thì có tụi con nè. Mẹ sợ không ai chăm sóc, có tụi con đây làm chi?”. Con Út gào lên nức nở. Mẹ ngồi nơi góc giường, quay mặt vào tường, lần này mẹ khóc.

Năm đó, nhìn con Út gào khóc trong nhà, Hương chỉ thấy đứa em gái mình sao mà ích kỷ thế. Vậy mà nhiều năm trước, Hương cũng giống nó, khóc hết nước mắt khi biết mẹ định đi bước nữa. Hương nói với mẹ, kệ con Út. Nhưng mẹ lắc đầu, cười buồn buồn. Mẹ nói, vốn dĩ là chuyện vui, lại khiến con cái đau lòng, nên chẳng vui vẻ gì. “Không tái hôn thì không tái hôn. Có cái gì mà đòi sống đòi chết”. Mẹ nói với con Út bằng giọng khàn khàn, cố nén lại tiếng khóc. Hôm đó, ngoài trời mưa thật to. Giọt mưa len theo mái nhà, chảy xuống bờ tường ướt một mảng lớn. Phải chi nhà có đàn ông, tạnh mưa xong leo lên mái nhà sửa cái vèo là xong. Nghe mẹ nói, tự dưng Hương thấy mũi cay xè.

* * *

9 giờ sáng, nhà trai đã đến làm lễ rước dâu. Con Út mặc áo dài màu đỏ, cười tươi rói. Bà Phúc mặc áo dài bằng nhung, có thêu mấy đóa hoa trước ngực. Tóc bà bối lên cao. Lớp phấn phủ trên mặt không thể che lấp được những nếp nhăn của tuổi già. Lúc bà tiễn đoàn người ra ngoài ngõ, con Út ôm bà khóc mãi. “Khóc cái gì mà khóc, coi chừng trôi hết phấn son trên mặt bây giờ”. Bà ôm đứa con út, đưa tay định xoa lên đầu con như hồi xưa, chợt nhận ra trên đầu con gái là chiếc khăn vành được cài tỉ mỉ, đành hạ tay xuống, vỗ vỗ lên vai con. “Qua ở nhà chồng, sống phải biết kính trên nhường dưới, phải biết ngó trước ngó sau. Bớt bớt lại cái tính trẻ con. Vợ chồng phải biết nhường nhịn nhau mà sống…”. Hôm trước, bà đã dặn dò con gái. Nhưng bây giờ, bà vẫn muốn lặp lại thêm lần nữa. Trong ba đứa con gái, nó là đứa bà lo nhất.

Phong tục ở xứ này, mẹ cô dâu không được đi theo đoàn đưa dâu, mà sẽ lặng lẽ đi sau một mình. Hương đã gọi sẵn xe tắc xi chờ ngoài ngõ. Dặn lui dặn tới bà Phúc, chờ 30 phút nữa rồi xuất phát. Bà Phúc xua tay, bảo con gái đuổi theo cho kịp mọi người, đừng để nhà xe phải chờ, lỡ giờ làm lễ của nhà trai thì không hay.

Hương đuổi theo đoàn đưa dâu. Chồng và hai đứa con Hương đang đứng chờ phía trước, tụi nhỏ đang ngoắc tay ra hiệu Hương đi nhanh một chút. Trước lúc lên xe, Hương ngoái lại, vẫn thấy mẹ đứng chơ vơ ngoài ngõ. Buổi sáng mưa lay bay, mùa sang nên trời se se lạnh, chẳng biết lát nữa, mẹ có nhớ khoác thêm tấm áo hay không.

LÊ HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top