ClockChủ Nhật, 14/07/2024 14:50

Ngồi nghe biển hát

Chị Phấn

1. Máy bay hạ cánh vào buổi chiều chập choạng. Những thảm cây xanh được nhuộm đỏ theo màu hoàng hôn. Chỉ lát nữa thôi, màn đêm sẽ nuốt trọn khoảng không này. Trời lạnh. Có lẽ phải hạ xuống đến gần mười độ so với thành phố nàng đang sống. Lớp áo khoác mỏng manh chẳng thể cản nổi cái lạnh thấm vào từng hơi thở, tế bào.

Kể từ khi có ý định thực hiện chuyến đi một mình, nàng luôn tự hỏi có điều gì khiến mình ân hận với quyết định này không? Và cho đến vài phút trước thì câu trả lời vẫn là: không. Còn lúc này, nàng nhận ra kế hoạch có chút chưa hoàn hảo. Đó là nàng không nên đặt chân đến thành phố khác vào giờ này thì tốt hơn. Những buổi chiều chập choạng là khoảng thời gian nàng thấy chênh chao nhất mà chẳng hiểu vì sao.

 

Trong một lớp kỹ năng, nàng đã được thực hành nhiều lần bài tập là viết ra những điều khiến mình không vui. Nàng đã viết trạng thái yếu đuối của mình ở khoảnh khắc chiều tà. Tự viết, tự tìm ra câu trả lời theo hướng tích cực nhất, vỗ về mình chẳng khác gì đứa trẻ. Ở một góc nhìn kiến thức khác, nàng học được rằng bên trong chúng ta luôn có một đứa trẻ. Đứa trẻ ấy thiếu thốn và tìm cách để đòi hỏi nhằm thỏa mãn những điều nó cần. Vì vậy mà việc ôm ấp chính mình như thể ta ôm ấm một đứa trẻ, cũng là cách xoa dịu đi những mong muốn trỗi dậy đó.

Nàng đã có một kế hoạch hoàn hảo cho việc rời khỏi Khang - chồng nàng, nhưng quên tính đến việc máy bay sẽ đáp xuống thành phố vào buổi chiều chập choạng này.

Sân bay vắng hơn nàng tưởng. Sau ít phút chuyến bay hạ cánh, dòng người tản mát hết. Trong lúc nàng đang loay hoay với hành lý, xem mình nên chọn phương tiện gì di chuyển về khách sạn thì bất chợt có bàn tay đập nhẹ sau vai nàng. Giọng một người phụ nữ: “Chị! Chị mới đến hả?”. Sau vài giây ngạc nhiên, nàng nhận ra Linh - người phụ nữ bán hải sản mà nàng quen ở bãi biển trong những lần đến đây. Hình như lần nào nàng cũng tìm chị ta để mua hải sản. Là những loại mực, cá, ghẹ tươi xanh mà chồng cô ấy vừa đánh bắt buổi sớm.

Có hôm vắng khách, Linh còn kê bếp chế biến những món hấp, luộc cho khách tắm biển lên ăn tại chỗ. Vài lần về lại thành phố, nàng còn nhờ Linh đóng thùng gửi hải sản lên tận nhà. Thành khách quen, mỗi khi có hải sản, Linh lại chụp hình gửi cho nàng.

Nhưng sao lần này cô ấy lại ở sân bay? Sau phút ngỡ ngàng có chút vui mừng khi gặp được người quen, nàng cũng bật ra câu hỏi ấy với người phụ nữ. Linh gỡ hẳn lớp khẩu trang, nở nụ cười tươi: “Em chạy xe. Chị có đi đâu em chở đi? Yên tâm, em chạy chắc tay lái lắm!”. Giọng nói tràn đầy năng lượng của Linh khiến nàng yên tâm hẳn. Nàng bước theo Linh. Vệt ráng chiều mỏng manh lùi hẳn phía sau.

2. Nàng gọi điện, hỏi Linh biết chỗ nào ăn tối thì đến chở nàng, nàng cũng muốn mời Linh một bữa chứ cuốc xe hôm qua Linh không lấy tiền, làm nàng cũng thấy ngại quá. Linh nói có gì đâu, vì cô ấy đưa khách ra sân bay, nếu không có khách ở chiều về thì cũng đành đi một mình. Có người đi cùng nói chuyện qua lại cho đoạn đường ngắn hơn. Hơn nữa, nàng cũng từng ủng hộ Linh những mẻ hải sản lớn, là khách hàng quen của Linh chứ xa lạ gì đâu.

Nói vậy nhưng Linh vẫn chiều theo ý nàng, đưa nàng đến một quán quen. View biển hẳn hoi, nhưng vì không nằm trong địa điểm du lịch nên thực khách chỉ là dân địa phương. Linh nói ở khu biển này mỗi sáng có rất nhiều thuyền thúng đánh bắt gần bờ cập bến, nên hải sản có quanh năm. Mỗi mùa mỗi loại khác nhau, lên đến bờ hầu hết còn sống chứ không bị ngộp như khi đem ra chợ. Linh vừa nói vừa gắp món mực trứng hấp vừa chín tới bỏ vào chén nàng. Loại mực chỉ to hơn ngón tay người lớn nhưng bụng tròn căng, thịt ngọt, trứng béo ngậy. Mùi mực hòa quyện với vị cay nồng của mấy lát gừng, thơm khó cưỡng. Linh kể chồng cô ấy cũng thích quán này, nên thỉnh thoảng hai vợ chồng lười nấu ăn cũng đem con ra đây ăn tối rồi về.

Chuyện của hai người đàn bà, đi đâu rồi cũng xoay quanh đến chồng, con. Sau vài ly bia, nàng đã thấy người lâng lâng và cảm giác thoải mái khi người đối diện là Linh. Thỉnh thoảng nàng vẫn thích trò chuyện với một người lạ, hay nếu là người từng quen biết thì như Linh, chưa biết bất cứ trang sách nào về cuộc đời nàng.

Linh cũng ngà ngà và bắt đầu nói xấu chồng, vẫn bằng giọng rổn rảng tươi vui. Linh kể, chồng cô là mẫu người đàn ông khô khan. Chỉ một lần duy nhất say rượu hay sao đó, mới khen chiếc áo Linh mặc đẹp. Mà thật trớ trêu, đó là chiếc áo mà cô ấy đã mua gần 10 năm rồi, thỉnh thoảng cũng có mặc trong dịp này, dịp kia. Đàn ông mà, đâu có để ý chi tiết như phụ nữ. Biết tính ảnh vậy nên dù có chua chát cũng đành cho qua chứ biết sao. “Đừng nói đến các thể loại quà cáp. Ảnh không nhớ bất cứ ngày gì trong cuộc đời nên từ ngày lấy ảnh, em cũng quên luôn các dịp quan trọng. Vì những ngày đó, nếu trúng lịch nhậu của bạn bè, ảnh vẫn giũ áo đứng lên đi bình thường. Khuya lơ khuya lắc, say liểng xiểng mới mò về. Có khi còn gây chuyện nữa ấy chứ… Nhưng lạ lắm, ghét thì cũng ghét nhưng một lần ảnh ốm nặng, em chở ảnh sau lưng trong lúc cơn sốt hành muốn co giật từng cơn. Tự dưng em thấy sợ quá chị! Giờ em còn nhớ cảm giác của mình lúc đó. Em nghĩ nếu như người đàn ông này có mệnh hệ gì bỏ mình mà đi trước, mình sẽ sống làm sao? Thà rằng ảnh cứ lầm lỳ, cục mịch, nhậu nhẹt, thậm chí đập bể đồ đạc khi say, em chấp nhận hết…”.

Nàng cắt ngang: “Nếu ảnh ngoại tình thì sao? Em có bỏ qua không?”. Giọng Linh chắc nịch: “Chỉ cần ảnh từ bỏ và trở về với vợ con, em cho qua hết”.

Nàng cũng từng cần Khang biết bao nhiêu. Cũng đã tha thứ cho Khang sau những lần ngoại tình ban đầu. Nhưng mọi thứ đều có giới hạn của nó. Trước lúc rời đi, nàng cũng đã nói chuyện đầu đuôi một cách thật bình tĩnh, rằng trái tim nàng không đủ lớn để bỏ qua việc anh ngoại tình hết lần này đến lần khác. Nếu có bỏ qua được thêm lần nữa, thì liệu niềm tin nàng dành cho anh có trở lại nguyên vẹn? Sống với nhau trong hoài nghi thì cuộc sống khác gì địa ngục.

Nàng nói với Linh: “Chị thì không tha thứ cho chồng ngoại tình thêm lần nào nữa, nên…”. Linh nói cô cũng đoán vậy khi thấy nàng đến đây một mình. Linh còn nói rằng, có những tình huống mà nếu chưa trải nghiệm, mình chẳng thể nào đưa ra câu trả lời chính xác với mình. Nên hiện tại với cô ấy, giữa việc người đàn ông ngoại tình và biến mất khỏi đời, cô ấy chọn ngoại tình.

Linh gạt đi: “Mà thôi mình ăn đi cho nóng, hải sản tươi sống phải ăn nóng mới ngon!”. Nàng cũng không khó chịu vì sự bất đồng quan điểm với Linh. Từ bữa đặt chân đến thành phố này, nàng đã không biết mình sẽ đối diện như thế nào, may mà có Linh nên mọi thứ trôi qua nhẹ nhàng hơn. Trời khuya, sương giăng thành vệt mờ trên hàng đèn đường.

Linh chở nàng về khách sạn. Nàng đi đến bậc thềm và dừng bước nơi có bụi nguyệt quế mới nở, hương thơm ngào ngạt ướp không gian, nàng quay lại nói với Linh: “Sáng mai chị muốn ra bãi biển chỗ em bán. Chị đi đến đó một mình được. Gặp nhau ở đó nha!”. Linh ngập ngừng hồi lâu, vẻ như khó khăn để cô ấy chọn ngôn từ phù hợp nhất: “Em chuyển nghề rồi, đâu còn bán ở đó nữa”. Nàng ngạc nhiên. Đúng là nàng quên không hỏi về công việc chạy xe của Linh từ hôm gặp ở sân bay. Linh nhìn vẻ mặt đầy dấu chấm hỏi của nàng, những âm thanh lí nhí trong cổ họng như nghẹn lại: “Chồng em… ảnh mất rồi, đâu có ai đánh bắt nữa nên em mới chuyển nghề…”. Nàng ngỡ ngàng, quay người tiến lại phía Linh. “Cũng đã lâu nên em quen rồi, không sao đâu chị”. Giọng nàng nghẹn lại: “Chẳng lẽ vào cái lần em chở anh ấy vào bệnh viện…”. “Dạ”.

Có cơn gió lạnh bất chợt thổi ngang. Nàng kéo cao cổ áo khoác nhìn Linh khuất dần vào màn đêm.

3. Nàng mở máy thấy có cuộc gọi lỡ của Khang. Từ hôm đến đây, nàng tắt hẳn điện thoại. Nàng chạm vào màn hình, trước khi gọi cho Khang, nàng tự bào chữa với mình rằng, nàng chỉ muốn báo với Khang tin buồn về người đàn ông đánh bắt mà Khang cũng biết, đã qua đời ở tuổi rất trẻ. Vậy thôi!

Nàng định tắt máy nhưng thấy đầu dây bên kia, Khang vẫn giữ máy. Nàng ngập ngừng một lát rồi xóa tan khoảng trống im lặng bằng lời dặn: “Anh cũng giữ gìn sức khỏe nha!”. Nàng định hỏi xem anh đã ăn gì chưa, nhưng chỉ im lặng. Anh nói: “Cảm ơn em đã lo cho anh!”.

Đến lượt Khang ngập ngừng như có điều muốn nói. Nàng để yên máy, chờ đợi. “Hay cuối tuần này anh ra chơi một ngày rồi mình cùng về lại thành phố em nhé?”. Câu “mình về lại thành phố” Khang nói rất chậm, giọng anh ấm áp và không dưng nàng thấy như mình đang được vỗ về. Nàng nhớ đến lời Linh: “Chỉ cần anh ấy còn sống sẽ còn cơ hội cho hai vợ chồng ở phía trước…”.

Nàng mở cửa lùa cho gió biển thốc vào, nói với anh bằng âm giọng của ngày mới quen: “Vâng, em đợi!”. Nàng nhớ, Khang từng yêu giọng nói ngọt ngào ấy, khi đến giao dịch ở nơi nàng làm việc. Anh bảo, giọng nói của nàng theo anh vào tận giấc ngủ, để đến sáng hôm sau, anh trở lại chỉ để xin số của nàng, rồi nên duyên vợ chồng. Hình như lâu lắm rồi nàng mới thỏ thẻ với Khang bằng âm giọng ngọt ngào như thế!

Biển đêm, từng con sóng nhỏ vỗ vào bờ cát, thanh âm như một bản tình ca nhẹ nhàng mà sâu lắng, đắm say. Nàng ngồi đây, nghe biển hát.

La Thị Ánh Hường
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top