ClockChủ Nhật, 12/02/2023 12:18

“Nhân ảnh” sự trở lại của cây bút tiểu thuyết lãng mạn trên đất Huế

TTH - Sau gần hai mươi năm gián đoạn, tác giả Tôn Nữ Diệu Hạnh (SN 1961, ngụ TP. Huế) vừa quay trở lại cùng độc giả với truyện dài Nhân ảnh (NXB Hội Nhà văn ấn hành).

“Công chúa Đồng Xuân” mở thêm nhiều “cánh cửa” soi vào triều NguyễnĐại tá - Đại sứ Hà Văn Lâu, chuyện chưa phải ai cũng biết

Truyện dài Nhân ảnh, NXB Hội Nhà văn ấn hành

Vào những năm 90 của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, những người đam mê dòng tiểu thuyết lãng mạn không mấy xa lạ với cái tên Tôn Nữ Diệu Hạnh, tác giả của hàng loạt tiểu thuyết ăn khách lúc bấy giờ. Những tác phẩm như: “Yêu mãi một bóng hình” (1993), “Tạ từ dĩ vãng” (1994), “Ru ngọt thời gian” (1995), “Lời đắng cho cuộc tình” (1995), “Mưa tình cuối đông” (1996), “Trăng vỡ” (1998), “Hãy sống bên nhau” (1999), “Dòng sông không yên tĩnh” (2000), “Xương rồng trên cát” (2002), “Trái tim không có tuổi” (2002), “Mùa thu tàn phai”(2003)...

Thời điểm đó, cái tên Tôn Nữ Diệu Hạnh rất ăn khách nên hàng loạt tiểu thuyết trên thị trường cũng mạo danh tên tuổi của chị. “Lúc đó, báo Thanh Niên phải đăng thông báo, tất cả các tác phẩm của Tôn Nữ Diệu Hạnh đều có ảnh tác giả ở bìa trong. Những tác phẩm mang tên Tôn Nữ Diệu Hạnh nhưng không có ảnh tác giả đều là giả”. Tác giả Diệu Hạnh chia sẻ chuyện cũ.

Ba mươi năm trước, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của chị đến với bạn đọc là nhờ một người quen phát hành giúp. Oái oăm thay, người này lại đề tên tác giả là Diệu Hương. Chị kể, hồi xưa xuất bản sách không dễ dàng như bây giờ. Nhất là một người mới chân ướt chân ráo như chị. Là người đam mê viết lách, chị chỉ ao ước được thấy tên mình nằm trang trọng trên bìa sách. Nên khi thấy cái tên lạ hoắc trên tác phẩm của mình, chị “giãy nảy”. Chị phải đòi đi kiện thì cái tên “Tôn Nữ Diệu Hạnh” mới được trả lại trên sách, nhưng đặt trong dấu ngoặc đơn bên dưới cái tên Diệu Hương xa lạ.

Cuốn tiểu thuyết thứ hai của chị được dựng thành phim, chiếu ở rạp Đông Ba mà chị không hề hay biết. Cho đến lúc những phụ nữ buôn bán ở chợ Đông Ba, những độc giả mê truyện của chị kéo tay nói, chị mới hay biết. Chuyện lùm xùm ấy cuối cùng cũng kết thúc bằng một câu xin lỗi của nhà sản xuất. Nhưng vì chỗ quen biết, chị đành chấp nhận.

Tác giả Diệu Hạnh tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn, Trường đại học Sư phạm Huế, sau đó giảng dạy môn ngữ văn tại Trường trung học phổ thông Gia Hội. Bận rộn với công tác giảng dạy, rồi chăm sóc gia đình, nhưng đam mê viết tiểu thuyết nên chị thường thức dậy từ 2h, 3h sáng rồi miệt mài viết. Trên chiếc bàn nhỏ nơi phòng làm việc, bao giờ đèn cũng bật sáng khi gà vừa gáy cữ đầu tiên. Những chồng giấy viết tay cứ xếp từng lớp cao ngất.

Tiểu thuyết của Tôn Nữ Diệu Hạnh thường viết về số phận con người trong xã hội hiện đại. Đó là những mâu thuẫn trong tình yêu, hôn nhân, gia đình; những đấu đá trong gia tộc cũng như trên thương trường; tư tưởng trọng nam khinh nữ; những ràng buộc của lễ giáo phong kiến... Bối cảnh và nhân vật của truyện thường được chọn là vùng đất xứ Huế và con người Huế. Ở đó có người tốt kẻ xấu, có sự lừa lọc gian manh nhưng cũng có những con người đầy lương thiện; có đấu đá, thủ đoạn, cũng có chân tình, ấm áp. Tiểu thuyết của chị giúp người đọc nhìn và thấu hiểu hơn về cuộc sống, để rồi nhận ra con người luôn phải cố gắng và nỗ lực hết sức thì mới có được một kết quả viên mãn, vẹn toàn.

Năm 2000, chị Tôn Nữ Diệu Hạnh thành lập Trường Chuyên biệt Tương Lai - Trực thuộc Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây chính là mái ấm của trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh với chức năng tiếp nhận, nuôi dưỡng; tổ chức học văn hóa, học nghề; phục hồi chức năng và can thiệp sớm cho đối tượng bảo trợ xã hội là trẻ em khuyết tật. Giúp các em được học tập, vui chơi và phát huy hết khả năng của chính bản thân để sau này có cơ hội được sống độc lập và hòa nhập vào xã hội.

Với vai trò Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương Lai, bận bịu với công tác quản lý, chị Diệu Hạnh cũng tạm dừng công việc viết lách mà mình đam mê. Cuối năm 2022, đánh dấu sự quay trở lại của tác giả Tôn Nữ Diệu Hạnh với truyện dài “Nhân ảnh”.

“Nhân ảnh” kể về cuộc đời gian truân của cô bé Bích Ngọc. Vừa lọt lòng đã chịu cảnh mồ côi. Được nhận làm con, sau đó cha mẹ nuôi lần lượt qua đời, Bích Ngọc lại rơi vào tay bọn buôn người. Những biến cố liên tục ập xuống cuộc đời cô gái trẻ, cho đến khi biết mình nhiễm HIV, Bích Ngọc đã bị mài mòn ý chí sống khiến cô tìm đến cái chết. Nhưng rồi sau khi được cứu sống, chính khát khao và niềm tin vào bản thân đã giúp cô gái trẻ vượt lên chính mình, sống có ích và dám theo đuổi ước mơ.

Kiên cường, dám vượt lên số phận để sống hữu ích cho đời. Dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không ngừng học tập và theo đuổi ước mơ, sống nhân từ và đầy lòng yêu thương chính là thông điệp mà tác giả Tôn Nữ Diệu Hạnh gửi gắm đến người đọc qua truyện dài “Nhân ảnh”.

Tác giả Tôn Nữ Diệu Hạnh cho biết, tất cả lợi nhuận từ việc bán sách “Nhân ảnh” đều được chị làm thiện nguyện, mua quà tặng cho các cháu khuyết tật tại Trường Chuyên biệt Tương Lai; Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, Trung tâm Hướng nghiệp, giáo dục trẻ em mù, giúp các cháu có thêm niềm vui trong cuộc sống.

Bài, ảnh: Lê Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lãng mạn cùng “Thiên Sứ và Hoa Phong Lan”

Nhớ có lần tháp tùng Tổng Biên tập Đoàn Ngọc Phú vào Sài Gòn. Trên đường về miền Tây giao lưu với các đồng nghiệp, đang ngồi trên ô tô bỗng mọi người cùng hét to: “Anh Dũng đó tề”. Bất ngờ, cả xe cùng nhìn theo. Ôi đúng là anh Trần Đình Xuân Dũng rồi. Anh lái xe máy, cái dáng không thể lẫn lộn được và hình như có chở theo cả một cô nàng. Nơi phương xa, mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, ngồi với nhau tý xíu bên quán nước ven đường, rồi vội vàng chia tay.

Lãng mạn cùng “Thiên Sứ và Hoa Phong Lan”
Huế có còn lặng lẽ trong mưa

Mưa Huế kéo dài lê thê và buồn lắm. Nhưng cũng nhờ những cơn mưa ấy, mà Huế lại có nhiều tác phẩm bất hủ đậm chất “Huế”. nhìn nhận từ một góc cạnh khác của cuộc sống, Huế trong cơn mưa cũng đẹp và lãng mạn biết bao.

Huế có còn lặng lẽ trong mưa

TIN MỚI

Return to top