ClockThứ Ba, 06/12/2022 13:45

Những giọt buồn chơi vơi

TTH - Những mùa yêu đi qua, trái tim cứ thế mà bao lần thổn thức, nhưng cứ xanh hoài xanh mãi, đầy kiêu hãnh. “Xanh hoài không thôi”, tập thơ đầu tay của Hải Hạc Phan do NXB Thuận Hóa ấn hành đã để lại trong tôi thật nhiều rung cảm giữa một ngày mưa lênh loang như thế.

Bồng bềnh mắt núiĐọc & xem Thanh Tùng phỏng vấn

Tập thơ “Xanh hoài không thôi”

Hơn 100 trang sách với 79 bài thơ được Hải Hạc Phan chọn lọc gửi đến độc giả đã gói gọn một hành trình dài sáng tác của cô. Hải Hạc bắt đầu làm thơ từ năm 7 tuổi. Những bài thơ non nớt được viết ra, rồi bị cô vo tròn ném đi. Chính mẹ là người đã nhặt những trang giấy ấy, vuốt phẳng phiu và cất giữ lại. Tình yêu của mẹ, sự nâng niu trân quý từ mẹ chính là giọt mật ngọt lành đã nuôi dưỡng hồn thơ của Hải Hạc lớn lên qua tháng ngày. Để trái tim người con gái ấy cứ “Xanh hoài không thôi” như tên tập thơ mà cô chọn, dẫu phải trải qua những được, mất đắng cay, những chông chênh, đổ vỡ thì trái tim ấy vẫn mãi ngân lên những giai điệu đẹp nhất.

Hải Hạc Phan tên thật là Phan Thị Hòa, quê ở Hà Tĩnh, nhưng cô học tập và làm việc tại Huế, gắn bó với Huế như quê hương thứ hai của mình. Hải Hạc có giọng thơ dịu dàng và sâu lắng y như tính cách của cô vậy. Những vầng thơ của Hải Hạc lúc nào cũng miên man buồn, sâu thẳm và da diết tựa như dòng sông dùng dằng đi qua muôn tháng năm vẫn ăm ắp ngọt lành phù sa. Sông có lúc vơi lúc đầy, tình có khi sâu khi cạn, có những đắm say, nhưng cũng có những chia lìa, đổ vỡ. Dẫu “Tôi nát tan như đóa hồng gai thấm máu/Tôi có lúc khép lòng mình run rẩy” (Gọi), nhưng trái tim ấy vẫn mãi thiết tha với đời, với tình không dứt. Dường như những khổ đau hôm nay chẳng thể dập tắt được tình yêu trong tim người con gái ấy. Bóng tối sẽ đi qua, bình mình lại rực rỡ nơi chân trời, lũ chim sẽ ríu rít hát khúc hoan ca. Có cơn mưa nào mà rơi mãi không dứt, nắng lại về và lòng sẽ ấm lên. “Sẽ có một ngày nỗi nhớ buồn bơ vơ/Chẳng thể nào làm tôi lo sợ nữa/Sẽ có ngày tìm trong mùa gió lạnh/Một nồng nàn, một thắm thiết thành đôi (Gọi).

Đọc thơ Hải Hạc, người đọc như thấy nỗi buồn cứ sóng sánh tràn ra, lúc nào cũng ăm ắp như mặt nước hồ thu. Nỗi cô đơn có khi như vo tròn lại, gặm nhấm chính mình giữa thao thiết canh khuya “Dòng nước mắt hỡi lăn chậm nhé đêm sâu/Nếu ngừng lại ta cô độc biết mấy/Nên lăn chậm như đang lau khô vậy/Những nỗi niềm đang chẳng tỏ cùng ai” (Đời hoa nở bằng nước mắt). Nhưng nỗi buồn ấy cũng toát lên một vẻ đẹp long lanh như giọt nắng đầu ngày “Ta sẽ đập những nhịp trái tim bỏng rát nỗi đau/Và sẽ cười lung linh hạt nắng” hay “Có thể một ngày ta đủ vững vàng/Sau ta, nỗi buồn không còn tuyệt vọng/Niềm đau ai gieo đã mọc lên sức sống” (Phía sau và phía trước). Tình yêu thật đẹp, nỗi cô đơn cũng thật đẹp “Nên ta làm bạn với nắng thơm/Rót mật vàng lên những nỗi niềm/Làm bạn với mưa chiều hiu quạnh/Để rồi mưa lạnh thấm hồn mưa” (Nắng chiều).

Ở “Xanh hoài không thôi”, người đọc sẽ bắt gặp những nỗi buồn cứ miên man trôi dài không dứt. Nỗi buồn cứ luynh loang bồng bềnh màu sương khói “Hoa ru em ngủ buồn mơ mộng/Nỗi buồn nhè nhẹ tựa hư không” (Ngủ trên đồng). Nỗi buồn như cơn mưa chiều qua ngõ vắng, rả rích rả rích.

Ngày đã thôi ngọt ngào bởi “Anh đi rồi năm tháng chênh vênh” (Ngôi sao biển tình). Em ở lại, dù “Có thể đợi cạn đời/Đâu chắc người quên nhớ/Khi trái tim vụn vỡ/Cười đâu chắc không đau" (Đợi). Có những ngày, đợi chờ rồi đợi chờ. Đợi cho trời kia tắt nắng, đợi cho ngày qua đi, đợi mơ rồi đợi tỉnh, đợi cho lòng thôi đau. Để rồi lại ngậm ngùi “Ừ thôi” xin hẹn kiếp sau/Nói gì cũng được miễn là nhớ nhau/Ừ thôi “rứa đó” âu sầu/Giọt nào rơi rụng cũng đành lẻ loi” (Ừ thôi).

Đọc “Xanh hoài không thôi” của Hải Hạc Phan, người đọc sẽ phiêu diêu qua những miền cảm xúc, đủ những cung bậc đắm say chất ngất. Nhưng cuối cùng, đọng lại vẫn là nỗi buồn day dứt của một trái tim luôn khát khao yêu, luôn tìm kiếm một tình yêu nhưng mãi hoài vẫn chưa trọn.

Bài, ảnh: Hà Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng Châu Thu Hà “Nhận mặt thời gian”

Trước “Nhận mặt thời gian”, NXB Thuận Hóa, 2023, Châu Thu Hà đã trình làng 2 tác phẩm “Khúc đêm” (2002) và “Nép về phía anh” (2014). Nữ thi sĩ chủ yếu viết về tình yêu lứa đôi. Thơ tình của chị vừa “dữ dội” vừa “dịu êm”, vừa “ồn ào” vừa “lặng lẽ”. Có điều, khoảng cách thời gian khá dài giữa 3 tập thơ tạo cho mỗi tập có những sắc thái tình cảm riêng. Tập đầu: rụt rè và e ấp; tập thứ hai: mãnh liệt và nồng cháy; tập thứ ba: nhẹ nhàng và sâu lắng.

Cùng Châu Thu Hà “Nhận mặt thời gian”
Ẩm thực ven đường Huế

“Ẩm thực ven đường Huế” (NXB Phụ nữ Việt Nam) là cuốn sách mới nhất của tác giả Vũ Thế Thành vừa ra mắt độc giả trong tháng 4 vừa qua. Cuốn sách là góc nhìn của một “người khách phương xa đến Huế nhiều lần” và dành tình yêu đặc biệt với Huế, nhất là những món ăn.

Ẩm thực ven đường Huế
Trong nỗi hoài vọng cố hương

Nhà thơ Triệu Nguyên Phong quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên Huế. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Cuối năm 2023, nhà thơ Triệu Nguyên Phong vừa ra mắt độc giả tập thơ thứ bảy của mình “Theo bóng ta về”, do NXB Thuận Hóa ấn hành. Các tập thơ trước đó gồm: “Say đắng” (2005), Nắng và mưa (2006), Ta và bóng (2009), Rơm rạ chiều quê (2011), Ngược dòng trăng (2013), Ta tìm ta giữa đời (2017).

Trong nỗi hoài vọng cố hương
Theo đường xuất bản theo đường văn

Với gần 300 trang sách, tập bút ký “Theo đường xuất bản theo đường văn” (NXB Thuận Hóa, 2023) được tác giả Nguyễn Duy Tờ “nhớ, biết và viết” trong suốt thời gian một năm, kể từ tháng 10/2022 - tháng 10/2023. Cuốn sách ghi lại những kỷ niệm, tình cảm đặc biệt của ông dành cho những con người tài hoa mà nhờ “theo con đường xuất bản nhiều năm”, ông đã có cơ duyên gặp gỡ.

Theo đường xuất bản theo đường văn
Độc đáo “Lục bát món Huế”

Tháng 1 năm 2024, anh Lê Tân - người thực hành văn hóa ẩm thực Huế cho xuất bản một cuốn sách hết sức độc đáo “Lục bát món Huế” do Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Sách dày 285 trang, in màu rất đẹp, bìa do họa sĩ Đặng Mậu Tựu trình bày. Đúng như tên gọi, “Lục bát món Huế” gồm 480 cặp (960 câu) lục bát, giới thiệu và dạy các món ăn và gia vị đặc trưng Huế. Mỗi món ăn được giới thiệu, ngoài bài thơ lục bát, còn có hình ảnh minh họa, và ghi rõ tên nghệ nhân trao truyền công thức chế biến. Điều đó cho thấy tác giả hết sức nghiêm túc khi ấn hành cuốn sách ẩm thực độc đáo này.

Độc đáo “Lục bát món Huế”
Return to top