ClockChủ Nhật, 06/11/2022 10:20

Đọc & xem Thanh Tùng phỏng vấn

TTH - Nhà báo Thanh Tùng vừa ra mắt cuốn PHỎNG VẤN, giấp phép của NXB Thuận Hóa. Sách gần 200 trang, tập hợp gần 30 bài phỏng vấn, hầu hết đã in trên báo Thừa Thiên Huế và báo Tiền Phong. Bài xưa nhất là bài phỏng vấn nhà văn Hoàng Quốc Hải (1993); bài mới nhất phỏng vấn nữ doanh nhân Cecile Le Pham (tháng 10/2022), khi chị đang chuẩn bị khai trương Bảo tàng Mỹ thuật ngoài công lập.

Tần Hoài Dạ Vũ - trái tim của những giấc mơĐọc “Mưa mùa lên men”

Bìa cuốn sách

Những bài phỏng vấn do Thanh Tùng thực hiện từ khi mới vào nghề cho tới hôm nay, khi đã nghỉ hưu chẵn chục năm, vẫn có sức hấp dẫn và cuốn hút. Là đồng nghiệp nên tôi càng thấy thú vị hơn không chỉ ở nội dung từng bài phỏng vấn mà còn ở cách tiếp cận vấn đề và cách dẫn dắt câu chuyện với người được đối thoại. Một số “nhân vật” Thanh Tùng phỏng vấn đã về thế giới bên kia, nhưng thông điệp gửi gắm trên các trang báo cũ của họ thì vẫn tươi mới, và là câu chuyện thời sự.

Bạn đọc đến với những bài phỏng vấn của Thanh Tùng sẽ vừa tiếp cận được một lượng thông tin đa chiều, đa lĩnh vực về những thông điệp của người trong cuộc trình bày rất nghiêm túc trước công luận, vừa học hỏi được những kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết khi đặt câu hỏi - đối thoại. Chẳng thế mà khi tuyển chọn và xuất bản cuốn sách này Thanh Tùng nói: “Cuốn sách nhỏ là tuyển chọn một số bài phỏng vấn tôi đã thực hiện trong cuộc đời làm báo của mình, chỉ nhằm chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp, với những nhà báo trẻ mới vào nghề”. 

Tuy nhiên, trên thực tế các bài phỏng vấn mà Thanh Tùng đã thực hiện đều là những vấn đề vừa lớn, vừa cụ thể mà công chúng đã và đang quan tâm. Với cuộc đời làm báo 25 năm trên cương vị là phóng viên báo Tiền Phong thường trú miền Trung, Thanh Tùng là cây viết đa lĩnh vực và viết đủ các thể loại. Nhưng tâm huyết của Thanh Tùng trước sau vẫn dành phần nhiều cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, loại đề tài dài hơi và luôn có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Nhờ vậy những bài phỏng vấn của anh có sức sống với thời gian. Đạt được điều đó không dễ!

Khi thực hiện một bài phỏng vấn, Thanh Tùng thường thích vận dụng kiểu “hỏi xoáy - đáp xoay”, hỏi thẳng và yêu cầu trả lời trúng vấn đề, không vòng vo, né tránh. Bạn đọc sẽ rất mãn nguyện khi thấy anh phỏng vấn nhà văn Hoàng Quốc Hải, người chuyên viết về lịch sử và phong hóa. Trước khi trả lời một vấn đề của văn hóa Huế, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã kể lại câu chuyện ông đến thăm bà Nguyễn Đình Chi ở vườn An Hiên. Lúc chia tay bà ngậm ngùi nói: “Tôi đã tiếp nhiều ông văn hóa ở Thừa Thiên và các ông văn hóa ngoài Bộ. Nhưng mong mỏi của tôi là được thấy văn hóa của dân tộc mình phục hưng kia”. Tiếp theo mạch cảm xúc này, nhà văn Hoàng Quốc Hải mới buông câu kết: “Đó là ước vọng của cụ già 85 tuổi. Ngay cả điều đó nữa, vừa làm tôi sung sướng, vừa có cả sự hổ thẹn”.

Trong câu chuyện này, nhà văn Hoàng quốc Hải thì thấy hổ thẹn, còn bạn đọc thì cảm thấy “đau”.

Thông thường, những bài phỏng vấn báo chí trở nên có chất lượng và hấp dẫn hơn khi nó lộ sáng chân dung, tính cách của người đang đối thoại với tác giả. Ở điểm này Thanh Tùng là một sở trường. Khi trả lời phỏng vấn, người đối thoại có cơ hội lập ngôn trên một diễn đàn có đông đảo công chúng quan tâm, theo dõi. Điều đó thể hiện rất rõ ở nhà văn Nguyên Ngọc khi ông bày tỏ nhận thức - quan niệm của mình về vai trò của Hội Nhà văn, về giải thưởng Hội Nhà văn, về trường viết văn Nguyễn Du. Hay như Giáo sư Trần Văn Khê nói về bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Ông nói: “Khi đã bảo tồn, gìn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có âm nhạc truyền thống, chúng ta phải nghĩ đến vấn đề chuyển giao cho thế hệ trẻ để nó trở nên quen thuộc, gần gũi với thế hệ trẻ và chuẩn bị cho thế hệ trẻ Việt Nam tự mình đủ sức làm hồi sinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”. Chỉ chừng đó cũng hiển hiện một cách rõ nét tầm vóc của giáo sư, nhà văn hóa lớn Trần Văn Khê.

Phỏng vấn là một thể loại báo chí, nhưng nó khu biệt với các thể loại báo chí khác bởi những đặc trưng riêng biệt. Đọc các bài phỏng vấn của Thanh Tùng dễ thấy là anh chỉ sử dụng thể loại này khi thật cần thiết. Anh hay đặt câu hỏi gợi mở để người đối thoại bộc lộ quan điểm cá nhân trong từng vấn đề cụ thể. Những cuộc phỏng vấn của anh mang dáng dấp của một cuộc trò chuyện, hỏi chuyện nhằm khám phá kỹ hơn về một nhân vật, một vấn đề qua những câu trả lời xoáy vào những câu hỏi có ít nhiều chuyện riêng tư và tế nhị. Đó là kiểu phỏng vấn thường có phụ đề "trò chuyện", "gặp gỡ" hoặc "một giờ với...". Điều này thể hiện rõ qua bài phỏng vấn “Đời người đời sách” - Khám phá tủ sách Gác Thọ Lộc của nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân. Bạn đọc thấy đây rõ ràng là cuộc trò chuyện của hai người đàn ông yêu sách và yêu Huế hơn là một cuộc phỏng vấn giữa phóng viên với nhà nghiên cứu.

Quá trình Thanh Tùng phỏng vấn, hỏi chuyện, trao đổi… ta thấy anh đã vận dụng rất uyển chuyển khi đưa ra những hệ thống câu hỏi. Có những câu hỏi chạm vào những chuyện tế nhị, những trăn trở, suy tư, có dấu ấn cá nhân, nhưng buộc người đối thoại không thể né tránh. Nói cách khác là loại câu hỏi tạo cơ hội cho người đối thoại được giãi bày, được nói thẳng, nói thật về một vấn đề “gay cấn” mà không sợ mất lòng người khác. Bài “Đời người đời sách”, “Người mắc nợ sông Hương”, “Làm một nhà thơ ở Huế thật giàu có”, “Người bạn vong niên của nhạc sĩ Phạm Duy ở Huế”, “Vì sao nhà văn Tô Nhuận Vĩ không viết hồi ký”, “Đến Huế làm ăn doanh nhân cũng nên làm văn hóa" v.v... là những bài phỏng vấn đã đạt được điều đó.

Điều cuối cùng cần nói thêm từ cuốn sách này là Thanh Tùng hiểu “luật chơi” khi thực hiện một cuộc phỏng vấn. Nhiều khi những câu hỏi anh đưa ra không phải vì bản thân mình không biết. Mà hỏi là để khẳng định lại, để làm sáng tỏ hơn nhận thức của mình thông qua câu trả lời của người biết chuyện, biết việc. Bởi vì đối thoại với tác giả, và độc giả, là những chuyên gia, là những người có kiến thức uyên thâm trên từng lĩnh vực cần được trao đổi trên công luận, hay ở một cuộc hội thảo, một diễn đàn thích hợp. Vì thế, mỗi bài phỏng vấn do Thanh Tùng thực hiện độc giả cảm thấy hấp dẫn và thích thú do được tiếp nhận rất nhiều điều từ những vấn đề trao đổi hoặc từ chính hai nhân vật là người hỏi và người trả lời. Và đằng sau những bài phỏng vấn của Thanh Tùng, anh hiện lên là một nhà báo am hiểu về văn hóa và có sở trường về thể loại phỏng vấn báo chí.

Bài, ảnh: HÀ TÙNG SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng 94 tủ sách lớp học tại huyện Phú Lộc

Chiều 22/4, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc phối hợp Tổ chức Zhi Shan Foundation tại Việt Nam tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày hội đọc sách với chủ đề “Sách hay cần bạn đọc” và trao tặng 94 tủ sách lớp học cho 13 trường học tại huyện Phú Lộc.

Trao tặng 94 tủ sách lớp học tại huyện Phú Lộc
Em và ngày hội đọc sách

So với các bạn cùng trang lứa TP. Huế và vùng đồng bằng, các bạn nhỏ ở huyện vùng núi, vùng xa Nam Đông và A Lưới thiệt thòi hơn nhiều về điều kiện để tiếp cận công nghệ thông tin...

Em và ngày hội đọc sách
Đọc sách là xây dựng xã hội tri thức

Đọc sách là một hành vi văn hóa của loài người đã mấy nghìn năm nay. Một trong những tiêu chí đã xác định một nền văn minh là phải có chữ viết và chữ viết tồn tại, phát huy, bảo tồn được các giá trị văn hóa của một quốc gia, dân tộc và rộng hơn nữa là nhân loại không nằm ngoài sách.

Đọc sách là xây dựng xã hội tri thức
Để sách luôn là người bạn thân thiện

“Cho dù thế giới phát triển đến mức độ nào thì việc đọc sách vẫn có giá trị của riêng nó và khó mà thay thế. Bởi vì, đọc sách là một trong những yếu tố quan trọng để định hình nhân cách và phát triển tư duy. Như lời Terfaut: "Một quyển sách có thể quyết định cuộc đời hay dở của một đứa trẻ’, ông Hoàng Trọng Thủy, Trưởng Văn phòng Dự án Tổ chức Zhi-Shan Foundation tại Việt Nam, người sáng lập Dự án “Làm bạn với sách” chia sẻ. Nói về ý tưởng hình thành dự án ý nghĩa này, ông Hoàng Trọng Thủy cho biết:

Để sách luôn là người bạn thân thiện

TIN MỚI

Return to top