ClockThứ Sáu, 07/04/2023 06:23

Những kỷ niệm đẹp thêm qua năm tháng

TTH - Nhà văn, nhà báo Trần Nguyên Vấn (bút danh Trần Phương Trà) lên tuổi 87 vẫn miệt mài với chữ nghĩa, sách vở. Đầu Xuân Quý Mão - 2023, với cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng hương Thừa Thiên Huế và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Huế tại Hà Nội, ông đã chủ biên Tuyển tập “Bên dòng Hương” gồm hàng trăm tác phẩm của nhiều tác giả viết về Huế; đồng thời, cho in cuốn sách thứ 10 của mình - Tập ký “Đi dọc miền Trung”.

Giới thiệu tác phẩm mỹ thuật mới của hoạ sĩ trẻ

leftcenterrightdel
Bìa hai cuốn sách do ông Trần Nguyên Vấn chủ biên và viết 

Nhiều năm qua, với 17 cuốn sách do Trần Nguyên Vấn chủ biên, ông trở thành nhịp cầu nối những người Huế sống xa quê. Lần này, với “Đi dọc miền Trung”, tập ký gồm 29 bài; trong đó, sâu đậm nhất là kỷ niệm với những người con của Huế từng sống, học tập và chiến đấu cùng tác giả.

Chỉ trong bài ký “An Hòa tôi nhớ tôi thương”, chúng ta được cùng tác giả sống lại tuổi thơ, từ Trúc Lâm về học Trường An Hòa. Trường “nằm cạnh con sông đào chảy về Bao Vinh… Một năm trời mưa to, nước từ các vườn, các con đường chảy vào sân trường và có nhiều cá. Lũ chúng tôi ở trần, nhảy xuống tranh nhau bắt cá. Được nhiều cá, những con cá gáy nặng đến 2kg, bụng đầy trứng. Giờ nghỉ trưa, chúng tôi mở những mo cơm bới ra ăn…”. Vào thời đi học dễ thương ấy, tác giả cũng đã có và khắc sâu hình ảnh những người thầy đáng kính rất mực chú trọng, dạy dỗ cho học sinh biết “yêu người, yêu lẽ phải và yêu nước… tính cẩn thận, chu đáo khi học bài, làm bài… cách đọc sách, cách tìm hiểu các đoạn văn hay… Chính từ những việc đó, tôi càng yêu thích văn học và sau này đi vào con đường văn học…”.

Sau Hiệp nghị Genève 1954, cậu học trò Trần Nguyên Vấn phải ra Bắc học tiếp. Tác giả đã dành hai bài viết về giai đoạn này, “Đô Lương trong tâm tưởng” và “Từ chiếc nôi Huỳnh Thúc Kháng”. Thoạt đầu là những ngày gian khổ khi phải “mang ba lô đi bộ theo đường núi qua chiến khu Hòa Mỹ ra miền núi Quảng Trị…”, để có thể đến được Trường Huỳnh Thúc Kháng đóng tại xã Bạch Ngọc - Đô Lương. 52 học sinh Huế vừa đón niềm vui tựu trường mới thì gặp phải trận lụt kinh hoàng 1954. Suốt mấy tháng liền lâm vào cảnh thiếu đói, mặc dù được bà con Bạch Ngọc hết lòng đùm bọc. Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Trần Thanh Đạm từng là Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh viết: “…Vô cùng biết ơn mảnh đất và đồng bào Thanh Nghệ Tĩnh đã cưu mang tôi, cho tôi từng bát cơm, củ khoai để ăn học thành người…”.

GS.TS.NGND. Phan Hữu Dật, nguyên Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội nhắc lại những địa đanh xưa với niềm xúc động sâu xa: “Ai về Chợ Bộng, Châu Phong/ Ai lên Bạch Ngọc đi cùng với ta/ Đường về lát kỷ niệm xưa/ Thời gian phủ bụi vẫn chưa xóa nhòa”…

Còn rất nhiều tên tuổi danh tiếng trưởng thành “Từ chiếc nôi Huỳnh Thúc Kháng”, nhưng điều quý hơn là tác giả cũng như các cựu học sinh Trường Huỳnh Thúc Kháng, dù xa cách về không gian, thời gian vẫn giữ trọn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Tác giả đã trân trọng nhắc đến những người thầy - những trí thức hàng đầu đất nước, như: Nguyễn Đức Nam, Hoàng Tuệ, Trần Đình Hượu, Vũ Ngọc Khánh, Hoàng Thiệu Khang…

Điều làm bạn đọc xúc động hơn nữa là bên cạnh lớp người về sau thành đạt nhờ môi trường giáo dục tốt đẹp ở vùng tự do Khu IV cũ, còn có những con người đã lặng lẽ trở lại chiến trường. Trong câu chuyện về trường “An Hòa tôi nhớ tôi thương”, Trần Nguyên Vấn nhớ lại, năm 1958, anh đã gặp thầy Phan Cảnh Kế từng dạy Trường An Hòa tại Hà Nội; đến năm 1967, khi anh vào chiến trường Trị Thiên, có dịp gặp một số cán bộ nội thành lên chiến khu, trong đó có “bác Thiện, mái tóc điểm bạc, bộ râu dài, đôi mắt sáng và nhanh nhẹn”. Anh không nhận ra đó chính là thầy Kế dạy An Hòa hồi 1947-1948. Còn thầy Kế, vì nguyên tắc giữ bí mật, phải giả vờ quên mặt người học trò cũ. Thì ra năm 1962, thầy đã trở lại Huế, sau đợt Tổng tấn công Mậu Thân, bác Thiện là thành ủy viên và “sau 25 ngày đêm bám trụ ở Huế, bác Thiện cùng người con trai là Dũng rút theo bộ đội, vượt đường sắt và Quốc lộ 1 ở  Phong Điền thì bị đạn pháo Mỹ. Hai cha con bác đã hy sinh…”.

Năm 2019, Trần Nguyên Vấn đã được TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế đưa về Quảng Thái. Sau chuyến đi, anh đã viết bài thơ “Trên đất Trằm Ngang” với cảm xúc xúc động: “…Vốc trên tay nắm cát/ Thấm máu anh hạt nào?/ Hạt nào dân chăm đắp/ Mộ anh ngày thêm cao…”. Qua tiếp xúc với lãnh đạo xã Quảng Thái, anh hiểu thêm về một “xã vùng lõm, vùng căn cứ địa cách mạng thuộc huyện Quảng Điền trong hai cuộc kháng chiến. Toàn xã có  459 liệt sĩ, 64 mẹ Việt Nam anh hùng…”.

Nhờ những hy sinh lớn lao như thế, đất nước đã được thống nhất. Mở đầu bài ký “Đi dọc miền Trung” ghi lại hình ảnh nhiều đơn vị, cá nhân đã có đóng góp khôi phục và quản lý đường sắt Thống nhất, tác giả viết: “Dịp thông tàu tuyến đường sắt Huế - Đà Nẵng sau ngày giải phóng năm 1975, tôi là một trong những hành khách đầu tiên. Biết bao niềm vui và xúc động khi tàu ngang qua những đoạn đường sắt mà những năm chống Mỹ, chúng tôi thường phải vượt trong những hoàn cảnh hết sức nguy hiểm…”.

Tập ký của Trần Nguyên Vấn chủ yếu là những kỷ niệm riêng như thế, nhưng với một nhà văn - nhà báo từng trải, có điều kiện đến nhiều vùng đất nước, “Đi dọc miền Trung” gợi nhắc chúng ta nhớ lại những chặng đường của dân tộc trong hai cuộc trường chinh đã phải vượt qua biết bao gian khổ để có ngày hôm nay. Trong cuộc sống ngày càng sung túc nhưng cũng đầy “cạm bẫy”, dễ làm con người tha hóa hiện nay, có cảm tưởng những kỷ niệm xưa như thế càng đẹp thêm qua năm tháng…

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy luôn cởi mở, tiếp thu ý kiến từ báo chí

Ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy đã bày tỏ tại buổi gặp mặt, cung cấp thông tin về thành tựu kinh tế - xã hội năm 2023 của thị xã vào chiều 26/1. Hơn 100 phóng viên, đại diện lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh đã đến dự.

Hương Thủy luôn cởi mở, tiếp thu ý kiến từ báo chí
Tương lai nào cho chúng ta?

Nhà báo - nhà văn Julie Lardon phối hợp cùng Viện Pháp và NXB Kim Đồng, tổ chức workshop “Tương lai nào cho chúng ta?” tại Huế.

Tương lai nào cho chúng ta
“Tam nhân đồng hành”

Do ít rượu bia và kém ngoại giao, tôi ít khi được bạn văn phương xa đến Huế gọi đi “nhậu”. Vậy mà vào một ngày tháng 7 vừa qua, bỗng nghe nhà thơ Ngô Đức Hành mời xuống quán cà phê của nữ sĩ Bạch Diệp. Ngô Đức Hành vừa đến Huế trong tốp “tam nhân xuyên Việt”. Hai người nữa là họa sĩ Vi Quốc Hiệp và Thế Hùng - người “cầm lái vĩ đại”, có nhiều danh hiệu nhất: Tiến sĩ mỹ học, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo…

“Tam nhân đồng hành”
Return to top