ClockChủ Nhật, 29/10/2023 20:51

Chiếc ghế trống

TTH - Bạn có bao giờ cảm nhận trong một buổi tiệc, có một chiếc ghế trống, chiếc ghế như nhắc nhở một người vắng mặt, hay đúng hơn là nhắc nhở một sự hiện hữu vô hình. Trong cuộc sống của chúng ta, cũng có biết bao chiếc ghế trống ở đó.

Rồi tới lượt mình

 

Với chị, một gia đình hoàn hảo không phải là giàu có, mà là thương yêu lẫn nhau, bởi anh chị em cùng cha mẹ, lớn lên có thể đi về muôn hướng, vào đời bằng những bước chân khác nhau, nhưng luôn có một nơi hướng về, đó là gia đình. Chị mong muốn có một buổi gặp mặt trọn vẹn.

Chị đích thân gọi từng đứa em một, bảo chị muốn làm một bữa tiệc gặp mặt tất cả trước khi chị đi Sài Gòn, lâu lắm rồi mấy chị em chưa gặp nhau. Gia đình có 6 anh chị em, ở quanh quẩn trong thành phố này mà còn không ghé nhà nhau, không gặp được nhau, huống hồ là một thành phố khác, mà cả thành phố nhỏ xíu xiu kia, ở những ngã tư đèn xanh, đèn đỏ cũng chẳng chạm mặt nhau.

Khi má còn sống, vào ngày giỗ ba hoặc vào ngày cúng tất niên thì lấy cái cớ để anh em tụ nhau mà còn né mặt, đứa về trước, đứa về sau. Lạ thật, chị em mà gặp nhau còn xa lạ hơn người lạ, để bụng với nhau từng câu nói. Ba má chẳng để lại gia tài nên chẳng có gì để chia, mỗi đứa lớn lên tự tìm cách vào đời, chắc chính sự khốn khó khiến cho những trái tim yêu thương đóng kín với nhau.

Thỉnh thoảng, chị xem chương trình: “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Chị muốn khóc. Có biết bao người trong cuộc sống này lạc nhau, có khi lạc mãi đằng đẵng cả cuộc đời. Họ mong mỏi qua chương trình tìm lại người thân, chẳng phải để giàu có mà để biết rằng mình vẫn còn những người máu thịt. Người ta phải tốn công tìm nhau như thế đó, có khi đằng đẵng cả cuộc đời, để khi gặp nhau thì đã già lắm rồi. Còn đằng này, 6 anh chị em cùng cha mẹ mà không thể có một bữa cơm sum vầy được hay sao? Chẳng để chi cả, để thấy rằng dẫu đường vào đời khó khăn vô vàn, nhưng bầy chim non đã lớn, và vẫn còn có đủ.  Chị chỉ cần ít ra có một bữa cơm đủ 6 anh chị em, chỉ để nhìn nhau cười nói.

Ba và má lấy nhau rất sớm, ở cái tuổi mà thời bây giờ bọn trẻ vẫn còn rong chơi và loay hoay cho giấc mộng của mình. Năm 22 tuổi, ba lấy má. Má làm vợ năm 18 tuổi với vốn liếng vào đời của má chỉ là biết nấu những bữa cơm ngon theo ý của ba, may vá quần áo cho lũ con. Má đúng là mẫu người vợ của xa xưa, thuần phục chồng và cam chịu, hiếm khi bước ra các bậc thềm nhà nhưng lại thuộc làu các bộ phim kiếm hiệp của cái thời thuê ở các tiệm về xem.

Còn ba, khi đó ba đã trở thành một tài xế đường dài, chuyên chở hàng cho các vựa trái cây, rau, hoa… cung cấp cho các đầu mối. Ba ít học nhưng trí thông minh và có tài làm ăn cho nên chẳng mấy chốc ba đã gầy dựng cả một cơ ngơi với 40 chiếc xe vận tải khắp nơi để chuyển hàng. Ba kiếm tiền rất dễ, nhưng ông lại là người nhẹ lòng, khi bao quanh ông lại có biết bao bạn bè săn đón, nhờ vả và vay mượn. Ông hồn nhiên giúp đỡ bạn bè mà không hề so đo tính toán, chẳng cần bảo họ viết giấy nợ. Còn má thì bản tính là một cô gái hiền lành, chưa kịp vào đời đã lấy chồng, sinh liên tiếp sáu đứa con, hoàn toàn lệ thuộc kinh tế vào ba, cho nên má chẳng biết giữ tiền. Ba lo toan cho mọi người nhưng không lo toan cho 6 đứa con. Còn má thì thương con nhưng không biết cách để lo cho tương lai của con.

Rồi ba thất thế, bạn bè quay lưng, chẳng mấy chốc trắng tay. Má ra chợ mở một sạp hàng, bắt đầu bước vào cuộc mưu sinh để lo cho ba, còn những đứa con tự thân mình lao vào guồng máy cơm áo gạo tiền. Cho đến khi ba qua đời, căn nhà bao nhiêu năm gắn bó của cả gia đình cũng phải bán đi. Chỗ níu kéo tình thân cũng chẳng còn.

Khi những đứa con phải vào đời bằng những bước chân chông chênh, phải tự thân mình bươn chải thì lòng tràn ngập sự oán hận gia đình. Mà cuộc sống thì có gia đình nào giống gia đình nào? Bước chân vào đời của mỗi người đôi khi cứ vấp ngã, khi đó mưa gió vô thường khiến trái tim trở nên chai lạnh. Chị may mắn hơn tất cả anh chị em là có một gia đình toàn vẹn, chồng chị là một người đàn ông giỏi giang, biết nắm bắt lấy cơ hội, tạo ra một gia đình êm ấm. Chị có một gia đình hạnh phúc, nhưng những đứa em của chị không phải tất cả đều như thế.

Thằng Hoan, em kế chị bỏ học nửa chừng, học lái xe tải. Hoan trở thành cánh tay đắc lực cho ba trong những cuộc hành trình. Trong sáu chị em, ba yêu thương nó nhất, nhưng nó lại là một đứa con trai không biết làm ăn khi có cơ hội, mà chỉ dùng những đồng tiền ba cho tiêu xài một cách hoang phí. Khi gia đình lâm vào cảnh khó khăn, Hoan dăm lần bảy lượt đòi bán nhà, nhưng bất thành. Bởi ngày xưa ba có giấc mơ đẹp là căn nhà sẽ có 6 tầng lầu, mỗi tầng lầu là một gia đình của các con, nhưng mãi không thành hiện thực. Hoan đâm ra oán hận mấy anh chị em còn lại, thề không nhìn mặt. Nó rời khỏi căn nhà với lời thề không trở lại. Hôm đó hình như con phố gió giông làm lá cây rụng đầy.

Ngẫm lại trong cuộc đời, đâu có gia đình nào toàn vẹn. Và cả những đứa con mà cha mẹ sinh ra, cũng chẳng thể nào biết được tính tình nó. Còn lại 5 chị em, mỗi người mỗi một cách để vào đời, chẳng có đứa nào học trọn bậc đại học, giỏi lắm là mày mò sau này tự học lấy tấm bằng tại chức, nhờ đó mà thoát nghèo. Chẳng có đứa nào giàu, giỏi lắm là cất được một ngôi nhà và nuôi nấng cho con cái ăn học. Chị chỉ muốn sáu chị em thỉnh thoảng tụ họp lại, gọi là vui. Nhưng đôi khi tới ngày giỗ ba, giỗ má mà thằng Hoan chẳng về. Nó không về thắp nén nhang cho ba má vì nó bảo ba má không để nhà thừa tự. Nhưng nó lại tự mua cây trái ra nghĩa trang, tự nó một mình cúng bái. Khi nhìn thấy đĩa trái cây đã bị những người hôi của ở nghĩa trang vội lấy đi, chỉ còn những cây nhang cháy, khói lượn lờ, chị buồn. Bởi dù sao Hoan cũng là đứa em trai của chị, là máu thịt, là từ nhỏ chị đã phải ẵm bồng nó, đón đưa nó đi học…

Tất cả anh chị em đều có mặt trong buổi tiệc. Vẫn còn một chiếc ghế trống, đó là chiếc ghế dành cho Hoan. Mọi người chẳng ngạc nhiên về chiếc ghế trống, bởi Hoan gần như vắng mặt trong các buổi gặp mặt gia đình. Hôm qua, gọi điện cho nó, chị bảo có thể sẽ rất lâu chị em mới gặp mặt lại, cho nên chị muốn nó cùng có mặt. Chị nói: “Hoan à, khi đã là máu thịt của nhau thì vẫn là máu thịt. Em nhớ đến cùng mấy đứa em, em nhé?” Nó nói: “Dạ, em sẽ đến chị Hai à”.

Buổi tiệc diễn ra gần một giờ đồng hồ, chiếc ghế dành cho Hoan vẫn còn trống. Mấy đứa em nói chuyện về cuộc sống, nhắc lại những kỷ niệm của chị em. Ai cũng nói cười, và chiếc ghế vẫn trống. Đáng lẽ chị bảo người phục vụ dẹp chiếc ghế đi, bởi chiếc ghế trống là nhắc nhở về một gia đình không hoàn hảo, dẫu không ai nhắc đến sự vắng mặt của Hoan.

Chị bảo tất cả rót đầy ly bia, nâng ly cho buổi đoàn tụ hiếm hoi này. Vừa lúc đó chị nghe tiếng gọi: “Chị Hai, em xin lỗi vì tới trễ”. Thằng Hoan đã tới, cuối cùng nó đã tới.

Chiếc ghế trống đã có người ngồi.

Khuê Việt Trường
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều ước cuối cùng

Cụ Túc dừng tay sàng hạt, kéo vạt áo chặm mồ hôi đang rịn trên trán. Bên đống đất, con Còi lăn lộn rồi thình lình bật dậy, lồng qua vạt rau đuổi theo đàn gà đang mổ thóc trong cái nong phơi. Gà chạy tán loạn qua vườn bên kia, con Còi đứng rũ đất cát bám trên người, nằm phịch xuống vẻ thấm mệt. “Đi vào! Coi mình mẩy kìa, đất không là đất!”. Bị mắng, con Còi cụp đuôi ngó lơ rồi lững thững vào nằm dải thẻ ra hiên. Cụ Túc đấm thùm thụp vào cái lưng đau rồi cúi xuống sàng nốt mớ hạt muồng. Ba tháng nay chẳng đêm nào cụ chợp mắt, cái chân đến đêm lại hành cụ phải lọ mọ trở dậy xoa dầu nóng, rót ly nước muồng uống cho dễ ngủ.

Điều ước cuối cùng
Chùa trên núi

Ngôi chùa nằm cheo leo trên một ngọn núi. Đường lên chùa ngoằn ngoèo, khúc khuỷu bám theo sườn núi nên chẳng mấy người lên chùa, thành ra chùa vắng vẻ quanh năm. Nếu như không có người dẫn lối hoặc nhắc tới thì hẳn chẳng ai biết trên núi này còn có một ngôi chùa. Vào những buổi sương mù, ngọn núi chìm trong một vùng mịt mờ trắng đục. Nhìn từ xa, ngọn núi mờ ảo, chỉ khi nắng lên, sương tan, đỉnh núi mới hiện rõ và xung quanh vẫn còn phủ vài đám mây trắng, khiến cảnh vật đẹp một cách lạ kỳ. Vậy nhưng, ngôi chùa vẫn khuất trong dáng núi, nằm khiêm nhường dưới những tán cây cổ thụ um tùm, chỉ tiếng chuông chùa là vang vọng lan xa, rồi tan dần vào gió, vào mây, vào nắng, vào tháng năm.

Chùa trên núi
Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top