ClockThứ Bảy, 28/05/2016 06:32

Nỗi niềm dấu xưa…

TTH - Có thể nói gọn như thế sau khi đọc 34 bài tùy bút, phóng sự về Huế của nhà báo Minh Tự vừa được tập hợp lại trong tập sách xinh xắn “Trước nhà có cây hoàng mai” (NXB Trẻ, 2016). Huế vừa kỷ niệm 710 năm thành lập Thuận Hóa - Phú Xuân, bao nhiêu là văn nhân, nhà nghiên cứu và cả du khách trong và ngoài nước đã viết về Huế, còn chi nữa để “khai thác” với một nhà báo sinh đúng vào năm “mùa mai đỏ” 1968 - sự kiện nhà văn Xuân Thiều đã đặt tên cho cuốn tiểu thuyết quan trọng của đời ông?

Quen Minh Tự từ lâu, nhưng lần đầu tôi để ý người bạn trẻ dễ thương này sinh vào năm 1968. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, còn tôi nhắc đến vì chợt nghĩ một điều rất có ý nghĩa: Vào cái năm 1968 bom đạn mù trời đó, không ít cây bút đã miêu tả Huế như đã bị hủy diệt. Vậy mà nay vẫn còn “Trước nhà có cây hoàng mai” cùng rất nhiều “dấu xưa… hoàn hảo”!

Đây là các nhan đề bài viết trong cuốn sách. Lại chợt nhớ một “định nghĩa” về văn hoá đại ý: Khi tất cả mọi thứ mất đi, cái còn lại là “văn hoá”. Phải! Văn hoá Huế mãi còn - tất nhiên, mọi sự ở đời không có chi cố định, một cái cây, một căn nhà, một dòng sông…, sáng và chiều khác nhau, mùa xuân và mùa thu không đồng điệu; thậm chí, sau một chớp mắt, một “sát-na”, mọi thứ đã đổi màu; và tất nhiên, mọi thứ, còn tùy góc nhìn, cách cảm của tác giả. Vì thế mới có cớ để Minh Tự cho “Trước nhà có cây hoàng mai” ra mắt bạn đọc.

Trong cuốn sách - hình như trừ các lăng tẩm - mọi “dấu xưa” của Huế - những giá trị văn hoá trường tồn với thời gian, bất chấp sự thăng trầm của thể chế, sự cưỡng bức của bạo lực, đều được tác giả “để mắt” và gửi hồn mình vào mỗi dòng chữ:

“… Chúng tôi quay trở lại bày tiệc rượu dưới cây anh đào nằm bên hiên trại Bảo An mà bây giờ được đặt tên mới là biệt thự Bạch Mã. Lúc này cái tán hoa màu hồng rực rở đã được pha thêm một chút sắc tím dưới ánh nắng chiều đông. Ngồi uống dưới cội hoa đào, thi thoảng một vài ánh hoa phớt hồng rơi xuống ly rượu, và sương mù thì cứ cuồn cuộn bay qua. Thật chẳng khác chi cảnh tiên!” (Trích từ bài “Đào hoa lưu thủy bận tâm làm gì…”)

Từ đỉnh Bạch Mã mây vờn mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết nên thiên bút ký “Ngọn núi ảo ảnh” nổi tiếng, tác giả đưa người đọc về tắm mưa Huế, rồi “ăn theo lối Huế” ở nhà hàng Tịnh Gia Viên, lên “Vườn An Hiên” đủ cây trái ba miền, sang khu phố cổ Gia Hội gặp nhà sưu tập tiền cổ Nguyễn Văn Cường, ghé “phiên chợ khuya” dưới chân cầu Trường Tiền, bên hông chợ Đông Ba, ra thăm làng cổ Phước Tích và “Làng thượng thọ” Trúc Lâm ở phía tây thành Huế với bí quyết “nhờ khổ cực mà sống lâu ri!” Cắt nghĩa ra là nhờ ăn gạo ruộng của mình, rau trong vườn, gà vịt mình nuôi… toàn là thực phẩm sạch, không hóa chất, “chớ có chi mô!”…

Đủ các địa chỉ để thăm thú đến mọi ngõ ngách của Huế mà khách du lịch theo “tua” ngắn ngày khó mà tìm đến cho hết. Đó là chưa kể đến những con người chăm lo gìn giữ những “dấu xưa” hơn cả tính mạng mình; như Nguyễn Văn Cường đã “bán cả máu để mua đồ cổ” hiện sở hữu những đồng tiển cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam; như “hai thầy Phan nghiên cứu Huế” - một thầy chủ “thư phòng” sách trên vạn cuốn, cho mượn miễn phí, còn một thầy mê say làm sống lại Huế xưa từ vô số đồ cổ vớt từ sông Hương…; là nghệ nhân Lê Văn Kinh, người tiếp nối nghề thêu của các cụ tổ từng sáng tạo nên những tác phẩm có thể gọi là bảo vật trong Hoàng cung; lại có nghệ sĩ trẻ như Đinh Khắc Thịnh tìm cách tôn vinh “dấu xưa” - những chiếc nón bài thơ duyên dáng - bằng “nghệ thuật sắp đặt” (instalation) hiện đại: 5.000 chiếc nón lớn nhỏ kết chùm tạo nên tác phẩm “Dưới giàn thiên lý” độc đáo…

Vậy nên nhà văn Vĩnh Quyền - một lão nhà báo, một “Mệ” của Huế đóng đô ở Đà Nẵng - đã viết trong “Lời bạt” cuốn sách:

“…Đừng đọc nó như một thiên biên khảo phép tắc, mà hãy nhàn nhã trò chuyện cùng nó cho đỡ nhớ nhà, hoặc có bầu bạn dẫn dắt lần đầu đến chơi miền phủ đệ. Hoặc ngay cả khi đang sống trong không gian ấy, đọc nó sẽ thấy dòng Hương muôn thuở bỗng xanh hơn, ánh hoàng mai khẽ rung trong gió thiêng hơn, tô bún bò nóng cay bên vệ đường mỗi sáng ngon hơn…”

NGUYỄN KHẮC PHÊ 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghĩ mới về “Chuyện cũ…”

Đó, có lẽ là ý “gan ruột” của nhà văn lão thành Nguyễn Khắc Phê muốn gửi gắm trong sách mới của ông: “Chuyện cũ nghĩ thêm - Trò cười nên bớt” (NXB Hội Nhà văn, tháng 4/2021) ra mắt bạn đọc trước thềm “Ngày sách Việt Nam” 21/4.

Nghĩ mới về “Chuyện cũ…”
“Ngọc càng mài càng sáng…”

Không nói về mặt nghệ thuật, mà với bút pháp hiện thực của tác giả, xin được nói đến nghệ thuật xây dựng nhân vật - một yếu tố quan trọng làm nên giá trị tác phẩm.

“Ngọc càng mài càng sáng…”
Mùa xuân, nửa thế kỷ trước, Bác Hồ đã nói…

Cứ mỗi độ Xuân về, người dân Việt lại nhắc đến Bác Hồ. Hơn nửa thế kỷ qua, không còn được nghe thơ mừng Xuân của Bác, nhưng những lời Bác gửi lại vẫn sống trong ký ức nhiều thế hệ.

Mùa xuân, nửa thế kỷ trước, Bác Hồ đã nói…
Món quà đặc biệt

Tôi chưa làm thầy ai, nghĩa là suốt cuộc đời gần bát tuần của mình chỉ tuân theo lời Lê-nin “học, học nữa, học mãi”; vậy mà mấy năm qua, gần đến ngày 20/11, tôi đều được nhận quà! Người tặng quà là bà Hoàng Thị Lài, một bác sĩ nhi khoa hơn 80 tuổi, đi lại khó khăn, nên năm nào cũng phải nhờ một bác xe ôm đưa quà đến nhà tôi.

Món quà đặc biệt
“Cái vô hạn” trong một cuốn sách

Thật khó tóm tắt được nội dung một cuốn sách khoa học dày cộp được viết với giọng điệu như thế, với phẩm chất hướng tới­­­:“sáng rõ như hình học, tinh tế như thơ”.

“Cái vô hạn” trong một cuốn sách
Return to top