ClockChủ Nhật, 16/02/2020 07:12

Nỗi lòng của má

TTH - Bà Lành đi chợ về, việc đầu tiên là lấy thức ăn sáng ra để kịp giờ Tú tranh thủ ăn rồi đi làm sớm. Khi thì tô bún bò, hủ tiếu, có lúc chỉ nắm xôi khúc.

“Mình sẽ không về ...”Ranh giới.

Cái thằng giống y như cha nó hồi còn sống, không thích ngồi ăn nơi quán xá. Nhờ siêng năng chịu khó, đi làm vài năm, Tú mua trả góp được căn hộ chung cư này. Tú gọi điện năn nỉ má lên ở cùng con chứ nhà mới mà ở một mình cảm giác lạc lõng sao đó. Bà Lành mắng trong điện thoại, rồi anh có vợ có con lại cho bà già này ra rìa ngay. Tú cười hề hề nói làm gì có. Má lúc nào cũng là số một.

Bà Lành có lên thành phố vài lần khi Tú còn ở trọ. Căn phòng trọ nhỏ đã đành, mà không khí hàng xóm thấy cứ nguội lạnh thế nào. Ngày đầu bà Lành thấy ngột ngạt nên mở cửa, lúc Tú về, nó hốt hoảng khi thấy cửa mở toang mà má thì đang trong nhà tắm, tiếng nước chảy to đến nỗi Tú gọi bà còn không nghe. Sau hôm ấy, Tú nói má thương con thì nhớ đóng cửa khóa trong cho con yên tâm, nơi này đâu phải như quê mình.

Bà Lành bày tô bún ra xong thì Tú cũng quần áo bảnh bao, ngồi vào bàn ăn. Hai má con vừa ăn, vừa nói chuyện. Câu chuyện của bà Lành bao giờ cũng bắt nguồn từ cái chợ ở cạnh chung cư. Chợ bé thôi nhưng thực phẩm rất nhiều và đầy đủ. Cả những món rau, loại cá cứ ngỡ chỉ quê mình mới có thì lên đây bà Lành thấy đủ cả.

Lần nào bà Lành cũng mang từ chợ về một phát hiện mới mẻ nào đó háo hức kể với Tú. Nhưng câu chuyện của bà Lành thường hay ngắt quãng do Tú có điện thoại, tin nhắn. Cái thằng vậy mà khổ, cả bữa ăn cũng vẫn phải giải quyết công việc. Có hôm Tú đang ăn phải buông hẳn đũa để trả lời tin nhắn. Nhìn tô bún cá nguội ngắt trên bàn ăn, bà Lành xót xa hỏi Tú có cần hâm nóng lại cho đỡ tanh không. Tú lắc đầu nói con ăn ào cái hết ngay mà, hâm lại chi cho cực. Nói rồi, Tú bưng nguyên tô húp sột soạt nhoáng cái hết sạch tô.

Hôm nay, cả cái chợ nhỏ đều xôn xao bàn về giá thịt heo. Lên gì mà lên khiếp. Rồi đâu phải chỉ thịt heo lên giá, các thực phẩm khác cũng đua nhau lên theo.

Bà Lành nghĩ mà ấm ức, độ vài tháng trước nhà bà còn cả bầy heo, đột nhiên có con lăn ra bệnh. Khi các cô chú bên xã xuống kiểm tra, ai nấy đeo khẩu trang, mặc áo bảo hộ, bà đã linh tính chuyện chẳng lành. Một cô gái trẻ măng đến gần nắm lấy đôi tay gầy trơ xương của bà, ánh mắt an ủi: “Dì đau lòng thì đừng có nhìn, qua bên kia ngồi đi để tụi con làm cho”. Bà Lành nhìn ra phía dòng sông đục ngầu có đám lục bình lững lờ trôi, cái nắng chao nghiêng in bóng hàng bằng lăng bên vệ đường, nhìn bình yên quá mà trong lòng bà cứ như đang có lửa đốt.

Bầy heo của bà Lành được chôn cạnh đó, con chết, con ngáp ngáp.

Cả đời nuôi heo, chuồng lớn, chuồng nhỏ, heo thịt, heo con đều có cả nhưng chưa bao giờ bà Lành bán được giá ngất ngưởng như bây giờ. Bà định bụng về kể cho Tú nghe. Bà đã nuôi Tú ăn học bằng những lứa heo đều đặn suốt bốn năm đại học như thế. Cũng may dịch bệnh đến khi Tú đã tốt nghiệp đại học và đi làm rồi, chứ không bà Lành chẳng biết phải làm sao.

Bà Lành giữ nguyên cái ấm ức đó về để kể cho Tú nghe, nhưng cũng như mọi lần, bà chưa nói hết câu thì Tú lại chăm chăm vô cái điện thoại, rồi y như rằng sau cuộc điện thoại là lại hấp tấp đi. Những buổi chợ tiếp theo vẫn chưa nguôi về đề tài giá thịt heo, vẻ như chưa có điểm dừng, mỗi ngày mỗi lên, nay giá này, mai đã thành giá cao hơn.

Bà Lành lại mang nguyên nỗi ấm ức đó về nhà, chờ dịp kể với Tú. Thành thói quen, bà Lành nhìn cái điện thoại trên tay Tú với nỗi ám ảnh không tên. Cái màn hình có thể bật sáng lên bất cứ lúc nào, ở khúc nào của câu chuyện, thế là đành cắt ngang. Có khi bà Lành kịp nói tiếp câu chuyện, có khi không, vì có nói Tú cũng đã mất tập trung rồi. Dần dà quen, mỗi lần bắt chuyện với Tú, bà Lành phải nhìn cái điện thoại trước, nhưng vẫn cứ phập phồng ở lưng chừng câu chuyện.

Mà gần như Tú kè kè cái điện thoại bên mình suốt ngày đêm. Bà Lành chẳng thể hiểu rõ công việc của con trai, dù Tú có kể cho má nghe nhiều lần. Thôi thì thời buổi công nghệ đã khác xưa, tụi nó phải làm việc cùng cái điện thoại, cứ nghĩ vậy thôi.

Bữa ăn hôm nay bà Lành nói chuyện với Tú được lâu hơn, nhưng cũng mới đến đoạn so sánh giá heo hơi hồi bà Lành còn nuôi cả chuồng heo với giá hiện tại, thì Tú lại có điện thoại. Tú đi ra đến cửa, nó quay lại nói với má: “Nhà mình ăn thịt cũng ít, kệ đi má!”. Thì kệ chứ biết sao. Bà Lành cũng chỉ muốn nói cho hết câu chuyện cho đỡ ấm ức thôi.

Hôm ở chợ, bà Lành cũng hào hứng tham gia vào câu chuyện giá heo lên, lúc đứng ngay cạnh hàng thịt heo. Mà người đông quá, cũng chẳng ai nghe bà nói hết câu chuyện là bà đã từng nuôi heo như thế nào, heo nái cho ăn gì, heo con cho ăn gì, mỗi ngày băm bèo, rau lang đến rã tay, gù lưng mà chẳng được giá đó bao giờ. Ở chợ đông người, ai cũng hối hả cho nhanh còn về nhà nên mỗi người chỉ tham gia được vài câu ồ à, ca thán, chứ có ai rảnh mà nghe trọn vẹn một câu chuyện.

Có lần Tú nói với má ăn thịt nhiều cũng đâu tốt nên mâm cơm của hai má con chủ yếu là rau xanh, cá, trứng… Mà bà Lành răng cỏ yếu nên miếng thịt đưa vào miệng cứ thấy dai nhách chứ có ngon lành thèm thuồng gì đâu, Tú biết mà.

Vậy mà hôm sau Tú dúi cho má thêm ít tiền, nói má đừng nghĩ đến giá cả gì hết. Tiền con kiếm ra được mà. Má thích gì cứ mua, thiếu thì nói với con, nhiều khi con bận nên cũng không chu đáo với má được. Cái thằng, con trai mà nói lời nào cứ như đường mật rót vào lòng. Bà Lành đi thêm vài buổi chợ nữa, cố xách nặng tay hơn chút cho được nhiều đồ ăn. Về nhà bà Lành phân từng phần thịt vừa đủ chế biến bữa ăn, bỏ vào tủ đông. Các loại gia vị được bà Lành bổ sung đầy ắp.

Buổi sáng thức giấc, ngoài khung cửa, những dải mây trắng vắt ngang trên nền trời xanh trong. Tú thức giấc đã thấy má lục đục túi xách, cái túi mà má mang theo lúc lên đây. Tú hốt hoảng buông hẳn điện thoại. Từ bao giờ mà bà Lành sinh ác cảm với cái điện thoại đến vậy. Lúc này bà mới thấy được thằng con buông điện thoại một cách đành đoạn, chiếc điện thoại còn sáng màn hình nằm chênh vênh trên nệm ghế sofa.

“Má về còn lo nhang khói cho ba bây, bàn thờ tổ tiên, rồi cả vườn tược ở nhà nữa, gửi hàng xóm lâu quá đâu có được con. Mà má có chuẩn bị thức ăn trong tủ cho tuần tới rồi đó, có nồi cá kho, thịt kho trứng, chỉ cần bắc nồi cơm lên, hâm nóng lại là ăn nghen con!”.

Tú bịn rịn nắm tay má: “Vậy má về tới nhà nhớ gọi cho con yên tâm nha!”. Bà Lành gật đầu. Chắc chắn bà sẽ gọi cho Tú. Bởi chỉ khi đó bà mới nói được hẳn một câu chuyện trọn vẹn với Tú qua điện thoại, ngon lành!

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top