ClockChủ Nhật, 08/08/2021 06:00

Nỗi nhớ làng quê trong “Bên sông Ô Lâu”

TTH - Tập tản văn “Bên sông Ô Lâu” của nhà báo Phi Tân (công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh) vừa được Công ty TNHH Văn hóa & truyền thông Lệ Chi (Chibooks) và NXB Lao Động ấn hành là tác phẩm được Chibooks lựa chọn đưa vào “Tủ sách Văn hóa Việt ra thế giới”, được dịch ra tiếng Trung và tiếng Anh.

Hòa Xuân - làng chài bên sông Ô Lâu

Tập tản văn “Bên sông Ô Lâu” chuyên chở những ký ức làng quê của nhà báo Phi Tân

Sau “Ngoại ô thương nhớ”, nhà báo Phi Tân vừa ra mắt độc giả tập tản văn “Bên sông Ô Lâu”. Tập sách gồm 57 tản văn là những cảm xúc nhớ thương, chở nặng tâm tình, hoài niệm của tác giả với những câu chuyện của làng quê, gia đình, tình, cảm bạn bè, làng xóm, về con sông tuổi thơ, món ăn mẹ nấu, về những người “muôn năm cũ” đã cùng anh trải qua tuổi thơ, thời niên thiếu không thể nào quên.

Miền quê bên dòng Ô Lâu đọng mãi trong ký ức nhà báo Phi Tân là bờ tre, đụn rơm, con hói; là những đêm đi xem chiếu bóng, gánh hát về làng; là chợ quê, bạn quê, những giọng quê trọ trẹ… Những con người, câu chuyện bình dị trong cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người dân quê những năm 80 - 90 của thế kỷ trước qua giọng kể chân chất của tác giả, như phác họa lại một không gian văn hóa chỉ còn trong tâm tưởng.

Lớn lên ở quê hương Điền Lộc, Phong Điền, dù rời quê lên phố thị hơn 30 năm nhưng nhà báo Phi Tân vẫn về làng thường xuyên. Nhìn những đổi thay của quê hương, ký ức lại dẫn lối anh quay về những năm tháng cũ, nhớ cảnh cũ người xưa. Trong bài viết “Cuối năm ngồi nhớ chợ quê”, anh nhớ lại: “Niềm hạnh phúc của tuổi thơ tôi là những lần đi chợ tết. Tôi nhớ những con bột xanh đỏ tím vàng bắt hình nải chuối, con vịt, con gà hay chiếc thuyền (...). Và đến khi trong triêng gióng của mạ có đầy đủ màu cam của mấy củ cà rốt, màu xanh của trái su-lơ và bắp cải, màu đỏ mọng của mấy trái cà chua và màu nâu của mấy tai nấm mèo... thì tôi thấy mạ đang gánh tết từ chợ về nhà…”.

Tác phẩm “Vùng ngoại ô” của họa sĩ Phan Vũ Tuấn được minh họa trong tập tản văn

Qua những câu chuyện quê, tác giả cũng gửi gắm triết lý sống hài hòa với thiên nhiên của người dân quê bao đời nay. Nhờ vậy, dù với mái nhà đơn sơ, người xưa vẫn có thể tồn tại qua thiên tai bão lũ, làng mạc vẫn trù phú. “Tôi còn nhớ cơn lụt lớn năm 1983, ba tôi đã bám vào những thân tre để bồng bế bà nội và lũ con đến nơi tránh lũ. Khi nước rút rồi, những vật dụng trong nhà trôi ra vườn đã được bờ tre giữ lại cho người…”, trích bài viết “Những bờ tre của tôi”.

Theo dòng ký ức, những câu chuyện làng thiệt làng hiện ra tự nhiên trên từng trang viết, đằm sâu, tràn dâng cảm xúc, như lời giới thiệu của Chibooks: “Ký ức về một miền quê xứ Huế bên sông Ô Lâu với những phận người có bình dị yên ả, có bão tố dạt trôi… cứ tha thiết trở đi trở lại trong từng trang văn của Phi Tân như một nỗi nhớ chỉ đậm đà hơn theo năm tháng, mà không bao giờ có thể nguôi ngoai…”.

Với giọng văn giản dị, chân chất mà phóng khoáng, mặn mòi như miền biển quê nhà tác giả, mỗi một câu chữ của “Bên sông Ô Lâu” đều chở nặng tâm tình, nỗi nhớ niềm thương. Người đọc, nhất là những độc giả lớn tuổi như được làm một chuyến hồi hương về làng bằng tâm tưởng, thỏa nhớ mong khi nghe lại phương ngữ của miền quê xứ Huế với những “mô, tê, răng, rứa”, “cười bò lăn bò lóc”,... được đưa vào trang viết một cách tự nhiên.

“Bên sông Ô Lâu” tập hợp những bài viết được nhà báo Phi Tân viết trong khoảng 3 năm trở lại đây, khởi đầu bằng câu chuyện “Thiêng liêng quê nhà” và kết bằng “Những bờ tre của tôi”. Đó là những câu chuyện có thật được anh ghi lại bằng cảm xúc. Anh kể: “Tôi học ở làng, cha mẹ là nông dân. Tuổi thơ của tôi lúc ở quê trải qua bao vui nhộn, ngọt ngào với những ngày lủi bờ lủi bụi, mò cua bắt ốc, những trưa hè giang nắng… Như nhiều làng quê khác, quê tôi giờ thay đổi nhiều. Những lũy tre xanh mát được thay bằng hàng rào bê tông; những câu chuyện về lối sống, cảnh quan, thiên nhiên, môi trường, lối ứng xử giữa người làng với nhau, những phong tục tập quán, cách làm ruộng thủ công, ngư cụ truyền thống… đã và đang mất dần. Tôi nuối tiếc điều đó, nếu không viết lại thì các thế hệ sau không còn biết nữa. Đấy là điều tôi quan tâm nhất”.

Cảm nhận về “Bên sông Ô Lâu”, TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm – Đại học Huế gọi nhà báo Phi Tân là người gom nhặt ngày xưa: “Bởi vì trong các đoản văn của mình, anh luôn cần mẫn và say mê gom nhặt từng mảnh hồn xưa cất đầy vào chiếc hộp thương nhớ, ngày ngày mở ra xem, để rồi chợt bật cười, chợt bâng khuâng, chợt nuối tiếc… và rưng rưng vì những hồn xưa dấu cũ đang dần khuất dạng trong đời sống ngày nay”.

Tác phẩm cũng được đầu tư phần minh họa rất công phu qua bộ tranh postcard tặng kèm của họa sĩ Phan Vũ Tuấn (hiện sống và làm việc tại Huế) với phong cảnh làng quê yên bình, dòng sông, những con đường thơ mộng của xứ Huế… Đây là phong cảnh ngoại ô được Vũ Tuấn thể hiện sau những chuyến đi vẽ trực họa.

Họa sĩ Phan Vũ Tuấn chia sẻ: “Có lẽ sự đồng điệu về chủ đề, góc nhìn, cảm xúc, hình ảnh hiện hữu giữa những bức tranh phong cảnh này với câu chuyện làng quê trong “Bên sông Ô Lâu” là lý do Chibooks chọn tranh của tôi để minh họa cho cuốn sách. Tôi đã đọc tản văn của tác giả Phi Tân và thấy có những sự đồng điệu rất giống nhau, trùng hợp là chúng tôi đều xuất thân từ nông thôn. Tranh tôi vẽ không đơn thuần tác động đến thị giác người xem mà đằng sau đó là những câu chuyện của ký ức, hiện tại và tương lai”.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Nhìn vô trong Huế...”

Thuở ấu thơ, trẻ con làng tôi đứa mô cũng có một niềm ao ước đó là được đi Huế chơi ít nhất là một lần. Đình làng Đại Lộc quê tôi có một lùm mù u rậm rạp và là chốn để chúng tôi leo trèo và hát những câu nghêu ngao vào những buổi chiều hè: “Trèo lên cây mù u nhìn vô trong Huế...”. Rồi những đêm không trăng, trời đầy sao, lũ trẻ con làng chúng tôi nhìn về phía xa xôi, nơi có một quầng sáng phía chân trời và nói với nhau rằng, đó là Huế. Hồi đó, làng tôi có một chuyến đò đi Huế hàng ngày xuất phát ở bến đò Đồng Dạ, nơi con sông Ô Lâu bắt đầu chảy qua làng tôi. Nhưng phải có công chuyện chi quan trọng thì nông dân làng tôi mới đi Huế, còn trẻ con như chúng tôi thì rất khó để được đi.

“Nhìn vô trong Huế  ”
Lối về ngõ hạnh

Quê chồng tôi ở Phú Thượng (Phú Vang - nay thuộc TP. Huế), mỗi năm có vài lần kỵ, chạp. Mỗi lần ghé về, điều tôi thích nhất ngoài những căn bếp ngăn nắp có chiếc tủ gạc - măng - rê xưa cũ, ngoài những mẹt bầu, bí đao được cắt mỏng phơi khô tỏa mùi thơm giòn đặt trên mấy chạn củi của các thím, tôi còn vô cùng thích thú những con ngõ biếc xanh.

Lối về ngõ hạnh
Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà
Giữ gìn làng quê sạch đẹp

Hậu xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh thi đua nhân rộng các khu dân cư (KDC) kiểu mẫu. Đây là mô hình có tính tổng hợp các tiêu chí, là mẫu chuẩn trong xây dựng NTM gắn với các tiêu chí khó như: xây dựng KDC văn minh, thi đua làm các tuyến đường kiểu mẫu, thực hiện phân loại rác tại nguồn, chuyển đổi sản xuất an toàn…

Giữ gìn làng quê sạch đẹp
Đua trên đồng làng

Mới xong trận lụt to, vào "phây" của chú em đã thấy rộn ràng khi được biết chủ nhật đến quê tôi tổ chức đua ghe. Bao ký ức một thuở lại ùa về. Vậy là, dù bận rộn bao công việc phải lo và phải làm, cũng vội vàng sắp xếp để chủ nhật về làng coi… đua.

Đua trên đồng làng
Return to top