ClockThứ Tư, 01/11/2023 06:23

Trần Huy Thanh và “Huế - phù sa văn hóa”

TTH - Thật vui khi trong những ngày mưa Huế, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh hoàn tất việc ấn hành cuốn sách “Huế - phù sa văn hóa” cho bạn mình là cố nhà nghiên cứu Trần Huy Thanh. Sách do NXB Đại học Huế cấp phép, dày 318 trang. Bìa sách do họa sĩ Đặng Mậu Tựu vẽ.

Phủ đệ xứ Huế là di sản văn hóa sống động

 Bìa sách của Trần Huy Thanh

Nhà nghiên cứu lịch sử Trần Huy Thanh rời cõi tạm đã 5 năm, nhưng nhiều người Huế vẫn nhớ anh. Anh là một con người hiền lành, một công chức cần mẫn, một người đam mê khoa học cháy bỏng, một nhà nghiên cứu lịch sử cẩn mật, một trí thức luôn sẵn sàng bất chấp để bảo vệ chân lý… Người Huế luôn nhớ hình dáng anh, một con người tầm thước, trên gương mặt in hằn cặp kính cận dày cộm, và dầu đi xe đạp hay đi xe máy, vẫn chầm chậm trên những con đường Huế dù dòng thời cuộc có trôi nhanh…

Nhà nghiên cứu Trần Huy Thanh sinh năm 1959, mất năm 2019, khi vừa sang tuổi 60. Cuộc đời công chức của anh trải qua các chức danh: cán bộ Bảo tàng Huế, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Huế, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Huế… Anh luôn là một công chức mẫn cán, một cán bộ lãnh đạo giàu nhiệt huyết, tận tuỵ… Anh có những đóng góp đáng kể từ những nghiên cứu văn hóa lịch sử Huế. Đặc biệt, khóa luận tốt nghiệp “Ngôi nhà tranh Bến Ngự và phong trào đấu tranh yêu nước của thanh niên học sinh Huế 1925-1927” của anh đạt điểm rất cao, được nhiều người quan tâm tìm đọc. Về sau anh đã tìm cách công bố trên nhiều tạp chí uy tín cả nước.

Những bài nghiên cứu của anh đăng trên nhiều báo, tạp chí cả nước. Khi còn sống, Trần Huy Thanh lại rất ít khi quan tâm đến việc lưu trữ. Dẫu nhiều người khuyên anh nên tập hợp in thành sách thì anh cũng chỉ cười trừ.

Cho đến khi anh rời cõi tạm, nhiều anh em trân quý anh muốn tìm lại các tác phẩm của Trần Huy Thanh đã không thể tìm thấy. Rất may, như có quy luật bù trừ, anh Trần Huy Thanh lại có một người bạn cùng tuổi Kỷ Hợi 1959 là nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, người hết sức nghiêm cẩn trong việc tìm và lưu giữ tư liệu văn hóa, lịch sử. Chơi thân và trân quý các nghiên cứu của bạn, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh đã lưu giữ trên 100 bài viết của nhà nghiên cứu Trần Huy Thanh.

Từ cuối năm 2022, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh đã cất công lục tìm lại các bài vở của Trần Huy Thanh mà anh đã sưu tầm được, đồng thời đi gom góp thêm một số bài vở của Trần Huy Thanh từ thư viện, từ người thân quen… để có tư liệu thực hiện tập sách. Hồ Vĩnh đã đọc lại hơn 100 bài viết của Trần Huy Thanh, chọn ra 28 bài để giới thiệu với công chúng bạn đọc. Đây là tập sách đầu tiên (và có lẽ là sau cùng) của cố nhà nghiên cứu Trần Huy Thanh.

Tập sách này, vì vậy, khi ra mắt cùng quý đọc giả, vừa là thành quả của một nhà nghiên cứu cần mẫn suốt gần 40 năm, vừa là kết quả của một tình bạn chân thành xưa nay hiếm gặp: Trần Huy Thanh và Hồ Vĩnh. Những ai có dịp cầm trên tay tập sách này, chắc hẳn đã có mối lương duyên hạnh ngộ từ trước.

Trong tập sách này, các đề tài anh quan tâm nghiên cứu khá rộng: Những vấn đề vĩ mô như “Tiến trình đô thị hóa của Phú Xuân – Huế và những vấn đề đặt ra để đô thị Huế phát triển bền vững”, “Dân số và các tổng, phường, làng, xã ở Thừa Thiên Huế đầu thế kỷ XX”, “Festival chuyên đề nghề truyền thống Huế với vấn đề giữ gìn và phát huy tinh hoa nghề Việt”, “Vài nét về lịch sử báo chí Thừa Thiên Huế từ cuối thế kỷ XIX đến tháng 8 năm 1945”, “Di sản Hán Nôm Thừa Thiên Huế…”, “Tên trường học với danh nhân lịch sử và văn hóa”… Những nghiên cứu ấy đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong tiến trình phát triển Huế trên tất cả các lĩnh vực kinh tế đô thị, lịch sử, văn hóa, xã hội…

Những nghiên cứu các vấn đề vi mô của Trần Huy Thanh cũng có những đóng góp hết sức lý thú, như “Vấn đề gia đình trong “Hoàng Việt luật lệ”, “Hoàng Sa, Trường Sa qua tài liệu thư tịch cổ Thuận Hóa, Phú Xuân”, “Tìm hiểu Tạp chí Đại học”, “Hai bức thư của trí thức và học sinh Huế gửi Phan Châu Trinh”, “Hồng Khẳng và Lạc Tịnh Viên”, “Về nơi sinh của danh nhân Tôn Thất Thuyết”…

Có những đóng góp khá bất ngờ trong nghiên cứu của Trần Huy Thanh. Ví dụ nghiên cứu về cụ Đặng Huy Trứ, người ta thường nhắc đến công lao đưa nghề ảnh về Việt Nam, hay nhắc đến những trước tác của cụ như “Từ thụ yếu quy”… Trần Huy Thanh lại nghiên cứu về “Một số đóng góp của Đặng Huy Trứ trên lĩnh vực kinh tế”… Những năm làm quan, cụ Đặng Huy Trứ đã khuyên dân đào giếng chống hạn, huy động người dân khai thông sông Vạn Lịch để thông thương buôn bán… Năm 1861, cụ tâu với vua Tự Đức 5 điều về mở mang kinh tế, làm mạnh quân lương…, trong đó có việc lập ty vận chuyển chuyên lo lương thực, tiếc là vua không chấp thuận. Cho đến năm 1864, triều đình mất vựa lúa lớn lương thực dành cho quân đội, vua Tự Đức sực tỉnh cho lập ty vận chuyển thì quá muộn… Nhiều sự kiện lịch sử văn hóa quan trọng như vậy đã được Trần Huy Thanh dày công nghiên cứu và giới thiệu.

Thật vinh hạnh khi được giới thiệu cùng bạn đọc một cuốn sách đầy tri thức và thấm đẫm tinh thần nhân văn như vậy. Tập sách vì vậy như có mùi hương hoa trong đêm sâu tĩnh mịch Huế: hoa mộc, hoa soái, hoa dạ lý hương… Có cảm giác như nhà nghiên cứu Trần Huy Thanh vừa ra vườn ngắt vài cụm hoa mộc, thả vào ấm trà, tự thưởng cho mình một tách trà thơm, lần giở trang sách của bạn bè trân quý in cho mình và mỉm cười. Nụ cười thật hiền như mây trắng...

Hồ Đăng Thanh Ngọc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top