ClockChủ Nhật, 14/01/2024 13:28

Trúng độc đắc

TTH - Chiếc Honda khật khừ một quãng rồi đứng im giữa dòng xe ngắc ngứ. Mùi tấp vội vào lề, nghe ai đó vừa ném vào lưng mình một câu nói bực bội. Mưa rát mặt xối xả. Đứng dưới mái hiên ven đường, Mùi kiên nhẫn đạp ga mãi mà chiếc xe vẫn xụi lơ. Hộp hàng của khách nằm trên yên xe như đang hối thúc Mùi. Mồ hôi rỉ ra lấm tấm nhân trung, Mùi luống cuống lần tìm điện thoại đang rung trong túi áo. Là khách gọi. Tiếng nói rè rè như vừa khó nhọc thoát ra từ một chiếc đài cũ rích. “Alo, alo, anh có nghe gì không?”.

Tết nội, tết ngoại

 

Phía bên kia mái hiên, một bà cụ khúm núm ngồi như chú chim ướt cánh nép bên chậu cây kiểng. Cái nón mốc cời lõm mất một bên, che xấp vé số còn dày cả nắm tay được buộc lại bằng cọng thun vàng. Bà cụ thả ánh nhìn tuyệt vọng vào đường mưa hun hút, cái lưng cong vồng như một dấu chấm hỏi bồn chồn. Bà quay sang nhìn Mùi, định nói gì đó lại thôi, neo vào Mùi một nụ cười thắc thỏm. Có lẽ vì lúc trưa đã gặp Mùi ở cây xăng ngã tư, nên bà ngại ngần giữ lại câu nói thường trực: “Mua giúp bác tờ vé số”.

Lúc đó, Mùi tạt vào đổ xăng thì gặp bà cụ đang quày quả tới từng xe rao bán vé số. Người ta chạo rạo vào đổ xăng, xe sau thế chỗ xe trước, nhưng bà cụ chỉ nhận được những cái lắc đầu, hoặc ngó lơ. Thấy bà lọt thỏm giữa người xe vô ra tấp nập, cảm giác y như chiếc lá khô giữa trận bão gió, Mùi quay đầu xe gọi bà lại góc đường. “Cho con mười tờ nhé!”, Mùi nhẫn nại đợi bàn tay run rẩy vạch lấy ra chục tờ vé số. Sẵn ổ bánh mì mới mua, Mùi dúi luôn vào tay bà.

“Hay mua thêm mười tờ nữa?”, Mùi nhìn lên vòm me tự hỏi. Lại nhìn xuống chiếc xe máy đang đình công trước mặt, chiếc điện thoại im thin thít trên tay, chị lưỡng lự: “Hay năm tờ thôi?”. Mùi lén ngó sang bà cụ, thấy bà tựa vào bức vách ngủ gật tự khi nào, tay vẫn giữ chặt chiếc nón lá bợt bạt che xấp vé số. Bà nghiêng đầu sang bên, lộ ra trên những nếp cơ nhão ở cổ một vết sẹo rộng, loang lổ. Mùi không dưng cũng thấy ran rát. Một ngày lê thê mưa gió đang dần cạn, mà xấp vé số sau chiếc nón lá kia vẫn đầy. Mưa rút dần sau trận chiến táo tác, cố dằn lại bằng tiếng sấm chát tai. Tiếng sấm làm bà cụ thảng thốt tỉnh dậy.

“Cho con thêm chục tờ! Lỡ tối nay trúng…”. Mùi cười hiền. Chị lần tay vào túi áo, còn vừa vặn một tờ bạc xanh lá ướt nước mưa…Những vũng nước mưa loang loáng dọc đường in bóng Mùi đi mà như chạy. Bữa đó về, Mùi chẳng nghĩ ngợi những lời khách nặng nhẹ khi chiều. Chị cứ trằn trọc liệu bà cụ có bán được hết mớ vé số ấy không.

***

“Mẹ à, con đã quen cả ngày ngược xuôi đường lớn, đường nhỏ ở đây. Không ổn định như hồi làm công nhân xưởng may, nhưng con thấy vầy cũng đủ rồi. Có người nói sao con hiền quá, coi chừng bị lừa. Đàn bà con gái lại đi làm síp – bơ. Nhưng mẹ sinh ra con sao thì cứ vậy thôi, phải không mẹ?”.

Mùi quay sang mẹ thủ thỉ.

“À, hôm nay con lại gặp bà cụ bữa trước, đứng hiền khô dưới gốc me. Thấy tội nghiệp quá chừng. Nay ế khách nên con chỉ mua có năm tờ. Đưa vé số cho con mà bàn tay xương xẩu run run. Hộp cơm mới mua con vừa cho mấy đứa nhỏ ở trụ đèn đỏ, không thôi con đã đưa bà cụ ăn tạm”.

Mớ vé số Mùi mua của bà cụ được chị kẹp gọn trong chiếc ví sờn. Chiếc ví dày lên từng ngày, dĩ nhiên không phải vì Mùi có nhiều tiền. “Mớ giấy đó còn quý hơn tiền đó chớ”, Mùi dõng dạc khi có khách vô tình thấy chị mở ví ra. Mùi vừa dứt lời, ánh mắt của bà cụ lúc đếm vé số đưa cho chị lại lướt qua tâm trí. Có ông khách nói đùa, ngày chị trúng độc đắc, bỏ nghề xe ôm làm đại gia thị thành không còn xa nữa.

Chiều nào trước giờ xổ số Mùi cũng tranh thủ tạt qua chỗ cây me. Chị biết bà cụ dù nắng hay mưa cũng đợi mình ở đó. Có bữa may mắn bán được hết, bà vẫn đợi Mùi. “Trời, Năm không chừa phần con, lỡ tối nay người ta trúng độc đắc”, Mùi cười giòn như tiếng lá khua nắng vỡ. Trên đôi môi teo tóp, bà cụ cố nặn một nụ cười đáp lại. Bà lẳng lặng giấu đi chuyện vừa bị giang hồ trấn lột, chẳng chừa lại đến một tờ vé số. Cả ngày hôm đó, thành phố không mưa…

***

Mùi vừa tìm được một quán cơm chay miễn phí. Ông cụ chủ quán đã ngót nghét tám mươi, sáng ra lại ngồi trước cửa đợi khách. Bà cụ mảnh dẻ luôn tay bên những khay rau củ, nắng xiên qua ô cửa lam thông gió, trải rèm giữa khói sớm hây hây. Ông cụ thuộc lòng từng nếp ăn của khách quen, cậu sinh viên này thường xin kèm cơm trắng, bác xe ôm nọ hay thêm phần cho đứa cháu mồ côi. Sáng nay Mùi cũng đến, nhìn theo bóng bà cụ chủ quán lọ mọ ra sau bếp, Mùi cay mắt nhớ mẹ đang một mình ở nhà. Nhận ba hộp cơm nóng, Mùi sẽ đem chia cho hai đứa nhỏ thường đứng phơi nắng xin tiền ở trụ đèn giao thông, và bà cụ vé số ngồi dưới vòm me lá rụng.

Nhưng bữa đó không thấy bà cụ đâu.

Mùa này, cây me lặng lẽ trút những cơn mưa lá. Cô Liễn ve chai cùng chiếc xe đạp lóc cóc bụi đường thường đi qua, rắc đầy những tiếng rao mỏi mòn, ẩn nhẫn. Mùi hay gặp cô Liễn bên mấy chiếc thùng rác ở dãy trọ sau trường học, nhặt nhạnh từng tấm bìa cát tông. Lúc ấy, lưng cô cũng cong tựa một dấu chấm hỏi mông lung, như lưng của bà cụ. Những dấu chấm hỏi trôi nổi xơ rơ giữa mưa nắng thị thành, như chiếc lưỡi câu níu mãi những giấc mơ lặn ngụp trong biển người nháo nhác. Vài lần vào bến xe đón khách, Mùi lại thấy nhói lên bởi ánh nhìn hằn học của mấy bác “xe ôm truyền thống”, nhưng Mùi nhận ra họ cũng là những dấu chấm hỏi lửng lơ dưới vòm trời này. Như có đôi khi Mùi đi lạc, những ngả đường cứ quẩn quanh trong chị một câu hỏi: “Đời mình sẽ về đâu?”.

***

Ai như bóng bà cụ đang lững thững bước giữa chao chát đèn đường. Mùi bỏ dở hộp cơm đang trệu trạo nhai, rảo bước đến chỗ ấy thì thấy bà quay đầu đi ngược lại lối cũ. Vẫn dáng người nhỏ thó quen thuộc nhưng cái lưng như chiếc cần câu đã oằn xuống, bà bước đi khật khừ lúc cúc giữa những dòng mưa mảnh. “Cả tháng nay bác Năm đi đâu con không thấy? Làm con đợi hoài”, Mùi nói mà không để ý giọng chị đã lạc đi. “Bác Năm ơi, con đây mà. Không nhận ra con sao?”. Bà cụ vẫn lom khom bước cùng những tiếng gọi đuối hơi vô vọng: “Mẫn ơi. Mẫn ơi. Con đi đâu rồi!”. Để những câu nói của Mùi chấp chới rơi trong mưa.

Gạt hết hẫng hụt bà cụ vừa trải vào mình buổi gặp lại, Mùi âm thầm theo sau. Bà cứ lẩn thẩn rẽ đêm tiến về phía trước, như thể Mẫn của bà đang ở đâu đây. Đến khi vầng trăng vói lên tận đỉnh trời, Mùi thấy bà về một chung cư cũ.

***

“Mẹ ơi, bữa nay con gặp lại bà cụ vé số rồi. Nhưng bà không nhận ra con. Mới đó mà bà cụ như cọng rau héo. Tội nghiệp quá chừng!”.

Mùi nhìn mẹ thở dài. Ngoài cửa sổ, trăng đọng thành giọt trên vạt hoa giấy như nước mắt của đêm.

“Bác bảo vệ ở chung cư nói bà cụ nằm bệnh li bì cả tháng nay. Khi ngồi dậy được thì quên quên nhớ nhớ. Lúc tỉnh lúc không, bà cụ hay lang thang tìm đứa con gái. Trước kia hai mẹ con sống nhờ dưới gầm cầu thang chung cư”.

Một con bướm đêm bay lạc vào phòng trọ, đậu trước chỗ mẹ con Mùi, cánh mỏng viền sương khuya.

“Hồi đó, bà cụ còn làm lao công quét rác. Khuya nào con gái bà cũng chỉ ngủ một mình. Bữa ấy, xui rủi sao chung cư cháy mà không ai hay biết. Lửa đã liếm tới tận gầm cầu thang…”. Mùi ngập ngừng.

“Thôi, con không kể chuyện buồn nữa!”.

Nói vậy mà câu chuyện vẫn như cơn bão muộn, quét qua Mùi trắng đêm.

***

Mùi chạy qua chạy lại săn sóc bà cụ. Một lần đi tìm Mẫn, vừa ra khỏi cổng bà đã vấp ngã trật gân. Trong gầm cầu thang tuềnh toàng, ánh sáng mỏng như sương, không có gì quý giá trừ tấm hình của Mẫn. Bầy chuột chung cư mất nơi làm ổ, mỗi khuya khoắt chạy rào rào ngoài cánh cửa dán báo tạm bợ.

Hôm nay là giỗ của Mẫn. Sửa soạn mâm cơm cúng xong, bà cụ ngồi im cho Mùi chải tóc. Một lọn bạc phủ lên vết sẹo như góc bản đồ nhàu nhĩ trên cổ bà cụ. “Trên người bà ấy còn mấy vết sẹo nữa, đợt đó bà ấy muốn đi theo con gái nên tưới xăng lên mình. May mà cứu kịp!”, những chữ đó trong câu nói của bác bảo vệ như biến thành bầy ong vỡ tổ, bay vù vù trong đầu Mùi mấy hôm nay.

Bà cụ nhìn hút vào bức hình sau vạt khói. Khóe mắt bà nhăn lại, co rúm, như đám mây mùa hạn vắt ra những giọt mưa sắt mặn.

***

“Mẹ à, hôm nay cho con đón bà cụ và chị Mẫn về nhà mình nhé!”.

Mùi ôm hũ tro hình búp sen vào lòng, nhỏ nhẻ.

“Mua vé số lâu nay, con cũng trúng độc đắc rồi này. Từ giờ, con có hai người mẹ. Thêm một người chị, ghép tên với con thì thành Mùi, Mẫn. Là yêu thương mùi mẫn đó mẹ!”. Mắt Mùi sáng lên.

“Giờ thì ai giàu được bằng con. Phải không mẹ?”.

Mùi xoa xoa hũ tro. Ngoài kia, mật nắng đầu ngày ruộm vàng chùm bông giấy. Một vệt hoa nắng bâng quơ rụng trên tóc Mùi…

Trần Văn Thiên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top