|
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - PCT Liên hiệp các Hội VHNT TT Huế - trao tặng hoa và bằng chứng nhận cho các tác giả đạt giải. Ảnh: Internet
|
16 công trình, tác phẩm đều tập trung thể hiện các bình diện đa dạng, phong phú của con người và hiện thực với cái nhìn nhân văn, triết lý về nhân sinh và của chính nghệ thuật một cách thời sự, trách nhiệm. Ở đây, vai trò và ý thức sáng tạo của từng chủ thể thẩm mỹ trong mối quan hệ với khách thể thẩm mỹ được cảm nhận và tư duy có cá tính và phong cách. Mỗi tác phẩm đạt giải lần này thật sự đạt đến tính triết mỹ đa dạng, thể hiện thành những tiếng nói đồng hành cùng với hiện thực cuộc sống và văn học nghệ thuật cũng đang không ngừng vận động và phát triển. Đó là thành công tổng thể của các tác phẩm, công trình VHNT đạt giải năm 2015.
Hai tác phẩm của Hội Mỹ thuật với hai chủ đề và hai phong cách thể hiện đối lập nhau nhưng lại tạo được sự cộng hưởng về ý nghĩa xã hội và ý nghĩa nhân sinh. Người trẻ (chất liệu Acrylic) của Trần Ngọc Bảy - bằng những nét biểu trưng, chắc khỏe và nghệ thuật cách điệu đã làm hiện lên tinh thần và sức mạnh của tuổi trẻ để thực hiện những gì cao đẹp và chân chính, như Trần Quốc Toản ngày xưa đã bóp nát quả cam trong tay mình vì tinh thần yêu nước mà sau này người anh hùng trẻ tuổi đã cầm quân ra trận với lá cờ thêu sáu chữ vàng: “phá cường địch báo hoàng ân”. Tác phẩm có tính thời sự: “ôn cố tri tân”, gợi người đọc liên tưởng đến tình hình biển Đông của Tổ quốc bị gây hấn. Chính tiêu đề tác phẩm đã nói lên tinh thần và chân lý ấy, bởi vì “I am a young man - Chính tôi là người trẻ”.
Mẹ thiên nhiên (chất liệu in độc bản) của Nguyễn Thị Lan gây bất ngờ cho người xem bằng cái nhìn thị giác qua những ô vuông rời tối- sáng của chất liệu và hình tượng trên nền không gian phẳng, nhưng thể hiện được sự tương hợp, giao hòa giữa con người và thiên nhiên trong tính chỉnh thể trọn vẹn ba chiều của không gian thực. Biện pháp ẩn dụ và nhân hóa làm cho ý nghĩa và tư tưởng của tác phẩm hiện lên bởi sự phồn thực, phồn sinh - biểu trưng cho sự sống bất diệt của con người và muôn vật mà ở đó, mẹ thiên nhiên là bệ đỡ cội nguồn cho những gì đồng nghĩa với tình yêu và khát vọng tái sinh mầu nhiệm ở cõi người bao la, nhân hậu mà con người cần ý thức để bảo vệ và chở che.
Hội Nghệ sĩ múa góp 3 vai diễn độc lập đặc sắc qua 3 tác phẩm để xét tặng thưởng cho 3 tác giả biên đạo. Vượt qua bão tố (âm nhạc Xuân Phương), biên đạo Quang Sáng; Rã khúc mưa (âm nhạc Đức Trịnh, biên đạo Hoàng Vân), Vòng xoay ước mơ (âm nhạc Vũ Việt Anh, biên đạo Phan Hoàng). Qua sự nhập vai- chủ yếu là ở thế giới nội tâm cuả các nghệ sĩ trên sân khấu đã khẳng định được bản lĩnh và trình độ nghệ thuật của từng vai diễn ở động tác, hình thể và dáng điệu. Từ đó, làm hiện lên cả thế giới tinh thần của con người trong lao động sáng tạo, trong nỗi niềm đời tư - thế sự nhức buốt, trong khát vọng tình yêu bình dị mà nên thơ.
Hội Âm nhạc, được Hội đồng nghệ thuật bình chọn 3 tác phẩm với 3 thể loại khác nhau. Ca khúc Nơi các anh nằm của Huỳnh Tịnh Mỹ với ca từ và giai điệu trữ tình, sâu lắng, khiến hình tượng những người liệt sĩ thêm một lần được tôn vinh và tỏa sáng, Giao hưởng 3 chương “Huế - huyền thoại tháng Ba” của Đoàn Phương Hải là một thành công mới của nghệ thuật giao hưởng làm sống dậy không khí hào hùng của Huế tháng Ba vùng lên giải phóng quê hương. Công trình nghiên cứu Đệm nhạc nhẹ cơ bản trên piano của Trương Ngọc Chiến thuộc loại giáo trình căn bản, chuyên sâu dành cho những người đam mê âm nhạc, khi đệm cho ca khúc và các tiết điệu ứng dụng (47 bài thông dụng) và phần phụ lục 10 ca khúc của Vũ Thành An (từ Bài không tên số một đến Bài không tên cuối cùng), trở thành một công trình có ích cho người học và người thực hành nếu họ muốn tự mình làm chủ ca khúc và làm chủ cây đàn piano một cách trọn vẹn.
Năm nay, Hội Nghệ sĩ sân khấu chọn và hy vọng đúng vào trình độ nghệ thuật đạo diễn của La Thanh Hùng qua vở tuồng Lâm Sanh Xuân Nương để tham gia dự giải vì tính chất đột phá và đổi mới tư tưởng của đạo diễn trước một đề tài, chủ đề cổ, thuộc loại nghệ thuật tuồng dân gian. Vở tuồng được công diễn nhiều nơi trong cả nước và được hoan nghênh nồng nhiệt, đạt được nhiều huy chương vàng và được các Đài truyền hình Cần Thơ, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh liên tục phát hình.
Hội Văn nghệ dân gian giới thiệu 2 công trình tham gia bình chọn: Diễn xướng dân gian làng Phò Trạch của Nguyễn Thế và Truyện cổ dân tộc Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế của Trần Nguyễn Khánh Phong. Qua hai công trình, chứng tỏ các tác giả là những nhà nghiên cứu có tư duy khoa học vững chắc, tâm huyết với con người và quê hương Thừa Thiên Huế. Công trình được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nghiệm thu và cho xuất bản, phát hành rộng rãi trong cả nước.
Năm nay, Hội Nhiếp ảnh được bình chọn 2 tác phẩm có gia trị. Hồ Ngọc Sơn với tác phẩm ảnh đen trắng Trên đường về thể hiện chân dung con người lao động từ điểm nhìn chính diện để thấy hiện thực và nỗi niềm thầm lặng của người phụ nữ nghèo trong cuộc sống mưu sinh thường nhật. Tác phẩm màu Vũ điệu thiên nga của Hoàng Xuân Sáu được tác giả chiếm lĩnh hiện thực từ một cảm hứng nghệ thuật thị giác đặc biệt. Chính trong khoảnh khắc thiên nga bay bổng và diệu kỳ ấy, mọi giả trá và đớn hèn biến mất, chỉ còn lại tình yêu và khát vọng hướng thượng tinh khôi và nhân ái.
Hội nhà văn năm nay đề xuất, giới thiệu 3 tác phẩm tham dự. Hai tác phẩm thơ và một truyện ngắn. Tác phẩm Ở đây mùa nào lá cũng reo của Nguyễn Văn Vũ xứng đáng đại diện cho thế hệ làm thơ trẻ ở Huế để nhận giải. Ở đó, có sự thể nghiệm mới ở cách chọn thi tứ, thi ảnh và thi ngôn, đặc biệt là ở nghệ thuật tượng trưng, cách kiến tạo biểu tượng. Rất mừng là Nguyễn Văn Vũ đã biết lựa chọn nghệ thuật theo tâm thức của mình, không thái quá và cũng không tỏ ra cũ kỹ nên kết quả là Vũ đã tạo được giọng điệu trẻ trung, mới mẻ và có chất suy tưởng đủ để tâm tình, đồng cảm cùng độc giả.
Thi phẩm Tơ sương của Hồ Thế Hà là một thể nghiệm mới khi chuyển tư duy nghệ thuật từ thơ dài sang thể thơ ngắn với cách kiến tạo hình tượng và ngôn ngữ theo phương thức tu từ đa dạng - một trong những thực hành thi pháp theo tinh thần của văn học hậu hiện đại.
Tập truyện ngắn Trong tiếng reo của lửa của Lê Minh Phong là bước tiến mới so với tác phẩm trước của anh, bởi nghệ thuật diễn ngôn và quan niệm nghệ thuật về con người cùng tư duy triết mỹ cá nhân rất lạ. Vẫn phong cách thông diễn - triết luận, nhưng ở tác phẩm này, Lê Minh Phong ngày càng kiệm ngôn hơn, tăng cường tính biểu trưng và chất họa cùng những yếu tố nghệ thuật hậu hiện đại để thể hiện chất sống, chất đời, chất tình theo kiểu của anh - kiểu “khi người ta trẻ”, khi người ta yêu và khi người ta trầm tư về bản thể.