ClockChủ Nhật, 23/08/2020 07:32

Tai họa vì sính “dùng chữ”

TTH - Bản tin Tài chính - Kinh doanh phát trên VTV1 hôm 17/8 đã khiến dư luận dậy sóng, khi BTV Anh Quang đã dùng cụm từ “ký sinh trùng” để nói về những người bán hàng rong trên đường phố Sài Gòn. Nội dung bản tin, ai cũng hiểu, đó là sự cảm thông, sẻ chia khó khăn mà chương trình muốn bày tỏ với những người bán hàng rong trong thời điểm đại dịch COVID-19 tái bùng phát. Tuy nhiên, cách dùng từ của BTV Anh Quang đã gây “thảm họa” cho cả chương trình.

“Tôi thực sự sửng sốt và như không tin nổi...”;“Ký sinh trùng ư? Là mẹ, là chị, là em, là con, là cháu... chúng ta đây”; “Người nghèo với gánh hàng rong, hay bưng thúng mẹt trên đường phố… để nuôi gia đình, con cái ăn học là một nghề lương thiện. Họ bươn chải cả ngày, lẫn đêm để tìm từng đồng tiền lẻ bằng sức lực mình bỏ ra, không bao giờ là “những ký sinh trùng”…”. Xin thưa, đó mới chỉ là những dòng trích dẫn nhẹ nhàng nhất.

Dư luận phẫn nộ cho rằng, việc dùng cụm từ “ký sinh trùng” là sự miệt thị, xúc phạm đến những người lao động chân chính. Những người bán hàng rong, cho dù là rất nhọc nhằn, rất “hèn mọn” đi nữa, nhưng đó cũng là một nghề mưu sinh đáng được tôn trọng như bao nghề khác. Không ai có quyền và không ai được phép xem họ là loài “ký sinh”! Một phát ngôn, một “sai sót” như vậy trên sóng truyền hình quốc gia là không thể chấp nhận!

BTV Anh Quang ngay sau đó đã lên trang Facebook Wang Phố Cổ của mình để thanh minh rằng do “đọc nhịu” và xin lỗi khán giả. Tuy nhiên, lời xin lỗi đó không được mấy ai chấp nhận, thậm chí còn bị cho rằng đó là một cách lấp liếm, thiếu nghiêm túc. Người ta đòi một sự xin lỗi đúng tinh thần Luật Báo chí. Không chỉ cá nhân BTV xin lỗi mà VTV phải xin lỗi mới đúng nhẽ, bởi đó là chương trình của VTV, là sản phẩm tập thể với nhiều tầng nấc, nhiều người đọc/xem/duyệt chứ không chỉ một mình Anh Quang mà có thể sản xuất và đăng phát được…

Vụ “ký sinh trùng” có thể coi là một tai nạn nghề nghiệp, nhưng tai nạn đó lại gây “dư chấn” quá lớn bởi nó đụng đến số đông, rất đông, những người lao động yếu thế. Và phản ứng, đòi hỏi của dư luận là dễ hiểu. Nếu VTV tiếp thu và lên sóng nói một lời xin lỗi, chắc chắn mọi sự sẽ lắng dịu tức khắc; thậm chí động thái ấy sẽ còn được đánh giá cao như một sự cầu thị, một ứng xử đầy văn hóa. Tiếc là, cho đến lúc chúng tôi viết những dòng này, nó vẫn đã không xảy ra. Một sự tiếp thu, một lời xin lỗi có đến mức khó khăn như vậy không? Nhất là ở đây ta xin lỗi dân ta, xin lỗi khán thính giả của ta.

Trở lại với câu chuyện, với một thái độ khách quan nhất, tôi không tin đó là “sự miệt thị” hay “coi thường” của những người làm chương trình khi nói về những người bán hàng rong. Song, cũng tin chắc đó không hề là sự cố “đọc nhịu”. Nếu gọi đúng tên - xin lỗi - thì nó phải chính là căn bệnh mà thành ngữ đã đúc kết:“Xấu hay làm tốt/Dốt hay nói chữ”. Không biết ngoại ngữ cứ hay chua ngoại ngữ, chẳng tỏ Hán Việt lại thích dùng Hán Việt, cho nó… sang trọng. Như ở trường hợp bản tin kia, việc gì không nói: Những gánh hàng rong vốn sống nhờ vào các con phố… Vừa đơn giản, dễ hiểu vừa khỏi vạ mồm, cớ gì cứ phải “ký sinh trùng”, rồi lại tiết giảm “ký sinh”(?!!). Bác Hồ từng dạy, cái gì tiếng Việt có thì cứ dùng tiếng Việt. Không nên mắc bệnh sính “dùng chữ”, tưởng là hay mà không lường hết được. “Dùng đúng, đã là một cái hại, vì quần chúng không hiểu. Dùng không đúng, mà cũng ham dùng, cái hại lại càng to”. Với VTV nói chung và với BTV Anh Quang nói riêng, quả đúng là “hại to” cấm có sai chút nào.

Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không lan truyền thông tin chưa kiểm chứng về các xuất bản phẩm sử dụng trong nhà trường

Trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không ít lần trên mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh, nội dung sai sự thật hoặc không chính xác về sách giáo khoa khiến dư luận hoang mang, đồng thời, ảnh hưởng tới uy tín của ngành giáo dục. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia giáo dục khuyến cáo người dân nên thận trọng khi tiếp cận các nguồn thông tin không chính thống và không lan truyền những nội dung chưa được kiểm chứng, tác động tiêu cực tới quá trình dạy, học của thầy và trò các nhà trường.

Không lan truyền thông tin chưa kiểm chứng về các xuất bản phẩm sử dụng trong nhà trường
Vai trò của cán bộ, đảng viên trong định hướng dư luận

Dư luận là một hiện tượng tinh thần trong đời sống xã hội, là sự đánh giá, phán xét, biểu thị thái độ của cá nhân, các nhóm xã hội đối với các sự kiện, hiện tượng xảy ra có liên quan đến nhu cầu, lợi ích của các thành viên trong xã hội. Vì thế, nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đến niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ ta.

Vai trò của cán bộ, đảng viên trong định hướng dư luận
Định hướng thông tin dư luận xã hội

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì những vấn đề lớn, có liên quan đến dư luận chính trị xã hội cần được sớm phản hồi, nhằm giải tỏa điểm nóng và định hướng dư luận. Yêu cầu đặt ra tuy không mới, nhưng để đưa thông tin một cách chủ động, kịp thời, chính xác cần phải được bàn thêm.

Định hướng thông tin dư luận xã hội
Đừng “lo bò trắng răng”

Mấy ngày nay thấy nhiều tin tức đưa về vụ “người mẫu Ngọc Trinh mua 11ha ở xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng để làm homestay.

Đừng “lo bò trắng răng”
Return to top