ClockChủ Nhật, 25/02/2024 09:26

Tết muộn

TTH - Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng chài ven biển quanh năm đượm mùi tôm cá. Tết của những làng chài ven biển cũng không khác gì ở những nơi khác, có chăng chỉ là tuổi thơ của tôi gắn liền với những chuyến đi biển xa biền biệt của ba. Vì thời gian tết về thì ở chỗ chúng tôi cũng là lúc bắt đầu mùa cá. Khi ấy những người đàn ông sẽ dong thuyền ra khơi và có khi đi cả tháng trời mới về. Tết của chúng tôi khi ấy vừa là hòa vào không khí chung của ngày lễ cổ truyền, vừa là sự chờ đợi và cầu bình an cho những người chủ gia đình đang lênh đênh trên sóng.

Đủ yên sẽ ấm

 

Tôi dường như đã dần quen với không khí chuẩn bị tết ở làng chài nơi mình sống, nhưng quen không có nghĩa là tôi chấp nhận sự thật không có ba bên cạnh những tháng ngày mong ngóng sự đoàn tụ này. Vào những ngày giáp tết, khi người ta sẽ nô nức đi chuẩn bị bánh trái và sắm sửa, trang hoàng cho tết, thì ở làng chài của chúng tôi cũng chuẩn bị cho bàn thờ cúng, thường là để cầu may cho những người chuẩn bị ra khơi. Cờ Tổ quốc và cờ dây cũng được giăng trên khắp xóm làng, trên mỗi con thuyền nhỏ để đánh bắt gần bờ, lá cờ nhỏ cũng được tung bay phấp phới. Những ngày này, tôi cũng thường cùng mấy đứa nhỏ trong xóm chạy đi đặt đáy. Thường là tầm một hai giờ chiều chúng tôi sẽ đi đặt và đến đêm tối lại đi tháo. Những ngày tết, lũ tôm tép cũng hùa nhau đi chơi tết nên hôm nào cũng bộn, có khi cả chục ký một ngày. Được ít thì bữa cơm có thêm mắm tôm, mắm tép; còn nhiều hơn thì lại có thể đem đi bán ở chợ trên trấn, cũng đủ để góp phần cùng gia đình cải thiện bữa cơm.

Ở các làng chài như chúng tôi vẫn hay ăn tết muộn. Vì mưu sinh vốn không theo lẽ thời gian thường mà theo từng con tôm, cái cá. Đôi khi, tôi ích kỷ muốn giữ ba ở lại vì nhà tôi vốn neo đơn, khi ba đi chỉ có hai mẹ con vò võ bên nhau suốt những tháng ngày. Tôi cố gắng trang hoàng nhà cửa, ở bên ba nhiều nhất có thể chỉ để thay câu nói “con cần ba” nhưng rồi, 28 tết, khi bàn thờ bắt đầu được bày biện ở cửa sông, và chén nước mắm ba cùng các thuyền viên uống cạn, cũng là lúc tôi hiểu lại một năm nữa tôi ăn tết vắng ba.

- Mai con theo tàu nhỏ đi gần bờ bắt cá chuồn rắc đúng không?

- Dạ đúng rồi, đi gần bờ thôi, đi về trong ngày…

- Mai ba cũng ra khơi xa nhưng để bắt cá chuồn cồ. Nếu con cảm thấy nhớ ba thì hãy nghĩ cả hai chúng ta đều cùng làm một công việc, sẽ cảm thấy ở rất gần nhau.

Thực ra tôi cũng hiểu gánh nặng mưu sinh đè nặng lên vai ba nhất là khi má bắt đầu trở bệnh, chỉ có thể ở nhà đan lưới và làm vài công việc vặt trong nhà. Ngày trước, biển cá nhiều, đôi khi ba cùng các chú ra khơi dăm hôm về là tàu đã đầy cá tôm. Sau khai thác nhiều quá, cá ven bờ bị đánh bắt sạch, lại thêm nhiều công ty thủy, hải sản mọc lên, nhu cầu đòi hỏi của họ tăng mà bản thân họ cũng có nhiều trang, thiết bị hiện đại hơn nên cũng giành mất đi một lượng lớn cá, bởi thế ba mới phải đi xa hơn. Và khi tới mùa cá thì càng phải giăng buồm, mưu sinh không tính nổi thời gian. Nhất là với cái giống cá chuồn này, cá chuồn rắc thì ven bờ đã bắt được, nhưng nhỏ và nhiều xương, còn cá chuồn cồ thì to hơn, nhiều thịt, và chỉ có thể đánh bắt xa bờ. Chúng thường xuất hiện vào cuối năm và sau dăm ba tháng thì sẽ hết mùa nên làng tôi thường ra khơi vào thời điểm này, cũng chính là đoạn tết.

Dẫu hiểu hết nhưng năm nay tôi vẫn cả giận, có lẽ vì rất lâu rồi mới có chương trình của tỉnh về phối hợp với trường của tôi tổ chức lễ đan lưới và các cuộc thi chài cá dành cho các cặp cha con, vì thế tôi đã biến sự ích kỷ nhỏ nhoi của mình thành sự nặng lòng khi ba ra khơi không thể tham dự được. Khi nhìn thấy con thuyền của ba dần xa tít ngoài khơi chỉ còn là một điểm sáng nhỏ, má nhỏ nhẹ nói với tôi:

- Mỗi chuyến đi là một lần hy vọng và cả nỗi sợ. Mong sẽ có thuyền đầy cá tôm, cũng chỉ là để cho con có bữa cơm ngon, và cũng sợ vì biển cả dẫu có thương mình nhưng cũng có những khi trời đương nổi giận… Biết có thể sẽ mất nhau, sao con còn nói những lời mình không muốn nói?

Năm đó tết trở nên dằng dặc hơn mọi năm khi lòng tôi bỗng cảm thấy có lỗi nơi người cha đang lênh đênh trên biển đón tết buồn. Không chỉ đợi ba, tôi còn lo đến những điều xấu nhất khi lúc ba đi không nói những lời tốt đẹp… Mồng 9 tết, ba về. Thuyền đầy nhóc cá chuồn, phụ nữ trong làng chài nhanh chóng ra bến để chờ các thuyền viên dỡ cá, rồi phân loại để đưa về các chợ, các công ty hoặc các đầu mối bán lẻ. Tôi cũng tìm ba trong biển người, nhác thấy bóng ba, cảm giác nhớ nhung lẫn có lỗi dâng trào, nước mắt trào ra nhưng chưa kịp nói gì đã nhận cái xoa đầu của ba.

- Ba về rồi đây nhóc. Tuy tết có hơi muộn, nhưng sau bận cá này, ba sẽ dẫn con đi sắm đồ mới nhé.

Lê Hứa Huyền Trân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top