Tục cúng gà trắng
Tận dụng những ngày nắng hiếm hoi của mùa này trên miền rẻo cao A Lưới, Hồ Văn Thia (35 tuổi, thôn Pa Liêng, xã Bắc Sơn) dậy từ sáng sớm, chuẩn bị mọi lễ vật để cúng thần sông, thần núi cho chuyến lấy mật ong rừng. Theo phong tục của người Pa Cô, thợ sơn tràng hay người đào vàng, săn thú từ xưa, trước khi ra khỏi nhà cho một chuyến “tuần du đại ngàn”, họ luôn làm con gà trắng để cúng thần mong được bình yên, an lành và chuyến đi rừng có kết quả.
Gà trắng A Lưới, gắn bao huyền tích đồng bào Pa Cô
Thia bảo rằng, tục cúng của người Pa Cô liên quan đến gà có hai lễ: Cúng Giàng (gọi là A da giàng đùng) và cúng Thần sông, núi (gọi là Tức a đò đã xơ xả cò). Người thợ rừng trước khi ra khỏi nhà đều làm một con gà đen cúng trong khu vực đất đai nhà mình. Còn gà trắng thì mang ra sông, suối gần nhà. Nói đoạn, Thia vào mang một tấm ván nhỏ, bỏ 2 chén xôi, hương, trầm, một con gà trắng đã giết thịt và một bó hoa rừng (màu trắng), rồi lom khom bưng lễ vật ra bờ suối. Đứng “chánh lễ”, Thia lầm rầm gì đó rặt tiếng Pa Cô rồi ngồi bó gối đợi. Thia tâm sự: “Cái này xưa bày thì nay làm thôi. Mình đi rừng thường xuyên, có kiêng có lành. Còn tục lệ cụ thể như thế nào thì phải hỏi ông già mình ấy”.
Từ trong nhà, tiếng ho húng hắng của cụ Quỳnh Thôn (84 tuổi), như đánh thức một chút yên tĩnh nơi miệt núi rừng. Đã lâu lắm rồi cụ Quỳnh Thôn không đi săn- có lẽ từ ngày chính quyền vận động giao nộp vũ khí tự chế. Nhưng, cụ thường bảo với con cháu, chuyện đi săn thú rừng nay đã hết, nhưng không vì thế mà lớp con cháu sau này quên được những tục lệ cúng của cha ông. Đó là một truyền thống đẹp của người Pa Cô.
Nhắc chuyện cũ, cụ kể: “Hồi xưa, với người Pa Cô, “linh vật” như gà trắng, lợn trắng rất quan trọng, nó không chỉ được dùng cúng quảy trong đời sống thường nhật mà còn là vật để Giàng giáng phạt những ai vi phạm luật tục của làng”. Đối với tốp thợ sơn tràng, nếu sáng sớm ra khỏi ngõ gặp gà trắng gáy thì họ quay vào nhà, bỏ a chói xuống ngay, không đi rừng nữa. Còn trước khi đi rừng, phải cúng gà trắng mới mong được yên bình. Với cụ Quỳnh Thôn cũng như những người trong gia tộc, đó là sự ứng nghiệm linh thiêng “không thể đùa giỡn” của núi rừng.
Gà trắng còn gắn với đồng bào Pa Cô trong luật tục trừng phạt của bản làng đối với những người vi phạm. Cụ Quỳnh Thôn giải thích, phạt gà trắng, heo trắng với cá nhân, còn trâu trắng đối với bản làng vi phạm. Trong phạm vi các tộc người, dẫu là anh em cũng có những giới hạn nhất định trên nương rẫy, không được xâm phạm. Nhiều lần Quỳnh Thôn cũng bị phạt gà trắng khi dám ngăn suối bên đồi nương của gia đình khác để bắt cá.
Quỳnh Thôn còn nhớ mãi câu chuyện vào năm 1960, ông Vỗ Mục (bản A Túc, huyện Tù Muồi, tỉnh Sanlavan, Lào), phát nương rẫy lấn sang ranh giới của gia đình ông Pờng (bản Ka Lèng). Khi phát hiện, làng bắt cúng một con gà trắng, lợn trắng và trâu trắng. Người bị phạt phải dùng sản vật của mình đi khắp bản làng cố đổi cho được linh vật có lông màu trắng về cúng. “Tục xưa là thế. Nay đời sống bà con đã hiện đại, có pháp luật có chính quyền rồi. Bà con không còn phạt vạ nữa, nhưng những tục lệ cúng vẫn giữ cho đến ngày nay”, Quỳnh Thôn đúc kết.
“Thương hiệu” ả ổi cờ lỏ
Từ câu chuyện của những tốp thợ săn, xưa kia, giống gà trắng vốn ở trên rừng, người thợ rất ít khi bẫy gà trắng mà chỉ mang giống gà con về nuôi. Đến nay, với đồng bào A Lưới, trong nhà nếu ai chăn nuôi gia cầm đều có từ 5-7 con gà trắng. Nó được xem như “dấu tích” của thuở hoang sơ còn gắn với núi rừng. Do lai tạo qua nhiều thế hệ, gà trắng hiện nay cùng với gà đồi ở A Lưới đã trở thành một “sản vật” cho thịt thơm ngon trong mỗi gia đình.
Hiện nay, gà trắng, gà đồi A Lưới đã có tính hàng hóa khi nhiều hộ dân ở các địa phương như Hương Phong, Hồng Bắc, Sơn Thủy, phát triển gà đàn, gà trang trại quy mô từ 500-1.000 con/hộ.
Bà Nguyễn Thị Hải Thúy, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới chia sẻ, gà trắng vốn là giống gà tre trên rừng lai với gà nhà. Gà trắng trọng lượng không lớn nhưng cho thịt rất chắc và thơm, hiện nay số lượng nuôi không nhiều nhưng khá phổ biến trong mỗi hộ gia đình. Cùng với gà tre, gà công nghiệp thả đồi ở một số trang trại mới đầu tư trong vài năm gần đây, đang mang lại thu nhập cho nhiều hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Theo bà Thúy, ở vùng Hà Giang có “thương hiệu” gà ác, nhưng để xây dựng thương hiệu gà trắng ở vùng cao A Lưới là cả một câu chuyện dài của ngành chăn nuôi huyện nhà. “Đến nay mặc dù chưa có nghiên cứu có tính dược liệu trong thịt gà trắng hay không. Nhưng rõ ràng, gà trắng lai tre ở A Lưới được thả đồi nên vốn thịt chắc, vàng ươm và được người tiêu dùng rất ưa chuộng”, bà Thúy cho biết thêm.
“Hàng năm, trên địa bàn huyện đưa vào thả nuôi khoảng 224 nghìn con. Chăn nuôi gà hiện nay chủ yếu mang tích tự cung tự cấp trong các gia đình. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, một số trang trại quy mô vừa đã hình thành trên địa bàn xã Hương Phong, thị trấn A Lưới, với việc tìm được đầu ra ổn định, chất lượng gà thả đồi thơm ngon, đang mở ra một triển vọng phát triển mô hình này tại địa phương”, ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới, đánh giá. |
Bài, ảnh: Hà Nguyên