ClockThứ Bảy, 12/12/2020 06:45

Đưa hội họa lên áo dài

TTH - “Áo dài với hội họa Huế” là tên bộ sưu tập của nhà thiết kế Viết Bảo vừa ra mắt công chúng, giới thiệu những mẫu áo dài có họa tiết, hoa văn trang trí được lấy cảm hứng từ tác phẩm hội họa.

Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực HuếDi sản Huế qua ký họa tranh, nón lá, áo dài

Bộ sưu tập “Áo dài với hội họa Huế” hướng đến tính đại chúng

Bộ sưu tập “Áo dài với hội họa Huế” gồm 30 mẫu thiết kế, được lấy cảm hứng từ các tác phẩm sơn mài “Thiên – Địa – Nhân” của họa sĩ Trương Bé và chất thiền trong tranh họa sĩ Nguyễn Thị Huệ, cùng các tác phẩm ký họa về Huế trong triển lãm “Ký họa di sản Cố đô Huế 2020”.

Qua tà áo dài, người xem được ngắm những họa tiết thể hiện không gian vũ trụ bao la với những đường nét chuyển động mạnh mẽ của họa sĩ Trương Bé; ngắm chất thiền tĩnh lặng, đậm chất Huế trong tranh họa sĩ Nguyễn Thị Huệ và những cảnh đẹp của lăng tẩm, đền đài rêu phong của xứ Huế qua nét chấm phá của nghệ thuật ký họa. Mẫu thiết kế từ tranh họa sĩ Trương Bé hướng đến những khách hàng thích vẻ đẹp cá tính, phá cách. Những người thích vẻ đẹp nhẹ nhàng, tối giản có thể chọn phong cách hội họa của họa sĩ Nguyễn Thị Huệ hoặc ký họa vẻ đẹp Huế.

Ứng dụng công nghệ in nhuộm kỹ thuật số trên nền vải sợi poly và tơ tằm, các tác phẩm hội họa được nhà thiết kế (NTK) Viết Bảo lưu giữ toàn bộ giá trị mỹ thuật khi chuyển thể lên áo dài, nhờ đó tôn vinh giá trị thẩm mỹ của chiếc áo dài, trang phục đã thấm sâu vào tâm hồn người phụ nữ Việt. Ở Huế, Viết Bảo là một trong những người tiên phong ứng dụng kỹ thuật này. Sau khi nhập nguyên liệu vải thô trắng từ các xưởng vải uy tín về Huế, Viết Bảo sử dụng công nghệ của mình để nhuộm màu, in trang trí họa tiết, hoa văn cho áo dài.

NTK Viết Bảo cho biết, quy trình ứng dụng công nghệ in nhuộm kỹ thuật số trên vải gồm các bước: Lên ý tưởng, thiết kế đồ họa, sau đó in truyền nhiệt bằng giấy thuốc, sử dụng máy ép nhiệt để dùng sức nóng làm tan chảy mực trên giấy thuốc bám vào vải và ra thành phẩm. Trong đó, thiết kế đồ họa chuyển thể tác phẩm hội họa lên áo dài là khâu quan trọng nhất, có thể chọn lọc một số họa tiết trong tranh hoặc một phần bức tranh phù hợp với tỷ lệ, quy tắc, bố cục trang trí áo dài.

Viết Bảo chia sẻ: “Ưu điểm của công nghệ này là truyền tải được dữ liệu file thiết kế lên vải một cách sống động và khách hàng có thể thay đổi màu sắc như mong muốn. Khi có công nghệ này, tôi có thể bảo vệ được mẫu bản quyền của mình. Trước đây, khi chưa có công nghệ, tôi phải gửi vào miền Nam gia công và người ta có thể sử dụng mẫu của mình”.

Trong bối cảnh xây dựng “Huế - Kinh đô Áo dài”, việc thiết kế những bộ sưu tập mang dấu ấn riêng của Huế là ý tưởng độc đáo. Ngoài khai thác mỹ thuật cung đình, các nhà thiết kế có thể đưa tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi, như: nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, họa sĩ Lê Bá Đảng hoặc các họa sĩ đương đại lên áo dài. Trong hướng phát triển “Không gian Áo dài Huế” mới khai trương tại số 7 Nguyễn Tri Phương, TP. Huế, NTK Viết Bảo sẽ cộng tác với Bảo tàng Mỹ thuật Huế để chuyển thể nhiều tác phẩm hội họa khác lên áo dài.

Ngoài những đường may sắc sảo của những người thợ tài hoa của Huế, du khách khi đến Huế có thể sở hữu những bộ áo dài do chính người Huế in, nhuộm màu với những họa tiết trang trí mang bản sắc riêng của cảnh đẹp miền sông Hương, núi Ngự, của những tác phẩm hội họa đậm hồn Huế đã định danh bởi các họa sĩ tên tuổi của Huế.

“Vẻ đẹp của áo dài Huế phải được toát lên từ đường may, họa tiết, chất liệu, vì thế, tôi muốn đưa cảnh đẹp vùng đất lên tà áo dài. Hiện nay, áo dài Huế được gọi tên nhờ những người thợ Huế có đường may đẹp, còn chất liệu vải chúng ta vẫn sử dụng những mẫu mã mang tính đại trà, có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này và chưa thể hiện được đặc trưng riêng của Huế. Đến các shop vải, vẫn thấy toàn hàng thiết kế của Sài Gòn, gấm Thái, lụa Nhật… Tôi đưa hội họa vào áo dài cũng là cách tôn vinh hội họa Huế và thông qua hội họa làm đẹp hơn cho tà áo dài. Tạo ra những mẫu thiết kế của riêng Huế, cộng hưởng với tay nghề điêu luyện của các nhà may cũng là cách nâng tầm giá trị áo dài Huế”, nhà thiết kế trẻ trăn trở.

Bộ sưu tập “Áo dài với hội họa Huế” hướng tới tính đại chúng, bất kể ai cũng có thể mặc, không chỉ là những cô gái trẻ có dáng người đẹp mà cả phụ nữ trung niên, nhân viên công sở, trẻ con, người già. Viết Bảo bộc bạch, thiết kế áo dài của anh dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ dành cho người mẫu biểu diễn trên sân khấu, để áo dài luôn được lan tỏa qua mọi thế hệ, mọi tầng lớp.

Bài, ảnh: Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áo dài & hành trình lan tỏa

“Tri thức may, mặc áo dài Huế” vừa được ghi danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau một thời gian dài với rất nhiều các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của chiếc áo dài truyền thống ở vùng đất kinh kỳ.

Áo dài  hành trình lan tỏa
Khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Việt Nam 2024

Tối 4/10 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội diễn ra chương trình khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề "Hà Nội - Tinh hoa Áo Dài", nhằm tôn vinh và khai thác tà áo dài dân tộc như một sản phẩm du lịch độc đáo.

Khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Việt Nam 2024
Áo dài Huế và huyền thoại chim phụng

Tiếp tục tôn vinh và khẳng định vị thế Huế Kinh đô áo dài và hướng đến sự kiện Huế-thành phố trực thuộc trung ương, Chương trình nghệ thuật Áo dài Huế 2024 tạo cơ hội gặp gỡ và tỏa sáng vẻ đẹp Huế gắn với xây dựng và phát triển áo dài Huế trở thành thương hiệu đặc sắc.

Áo dài Huế và huyền thoại chim phụng
Sau Di sản quốc gia, áo dài Huế hướng đến Di sản nhân loại

“Tri thức may, mặc áo dài Huế” vừa được ghi danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là vinh dự, tự hào mà còn khẳng định áo dài Huế luôn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, có sức sống mãnh liệt trong suốt chiều dài lịch sử - ông Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã nhấn mạnh như thế với Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi chia sẻ về câu chuyện áo dài vừa được ghi danh.

Sau Di sản quốc gia, áo dài Huế hướng đến Di sản nhân loại
Đưa áo dài ngũ thân vào học đường

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định công nhận “Tri thức may, mặc áo dài Huế” của tỉnh Thừa Thiên Huế vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực thúc đẩy Hiệp hội May mặc Thừa Thiên Huế triển khai hoạt động đưa áo dài ngũ thân vào trường học.

Đưa áo dài ngũ thân vào học đường

TIN MỚI

Return to top