ClockThứ Bảy, 30/05/2020 12:35

Bao giờ mới có Truyện Kiều “chuẩn” của Nguyễn Du?

TTH - (Nhân công trình “Truyện Kiều – Bản Duy Minh Thị 1872” do An Chi phiên âm, chú giải và thảo luận vừa được NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành )

Nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn DuNguyễn Du và xứ Huế

Những tư liệu nghiên cứu về Truyện Kiều

Trong các hoạt động tiến tới kỷ niệm 200 năm ngày mất thi hào Nguyễn Du (1820-2020), công trình của học giả An Chi vừa công bố là rất quan trọng vì đã thẳng thắn đề cập đến các chữ nghĩa đang gây tranh cãi trong “Truyện Kiều” (T.K); từ đó, cung cấp cho bạn đọc một văn bản T.K có thể gần nhất với bản thảo cuối cùng của Nguyễn Du.

T.K của đại thi hào Nguyễn Du là tác phẩm đã vào sách giáo khoa của bao thế hệ, được cả triệu người thuộc lòng – ít ra cũng vài mươi câu - và dịch ra nhiều ngôn ngữ khác, sao đến nay vẫn chưa có T.K “chuẩn” của Nguyễn Du?

Đặt vấn đề như thế vì đang có nhiều văn bản T.K, câu chuyện chủ yếu không đổi, nhưng không ít câu chữ thì khác nhau. Trong văn chương – và cả trong nhiều lĩnh vực khác – có khi sai một chữ, đã dẫn đến tai nạn. Huống chi là tác phẩm lớn như T.K thì càng phải rất thận trọng. Công trình “Truyện Kiều – Bản Duy Minh Thị 1872” (TKDMT) do An Chi phiên âm, chú giải và thảo luận vừa ra đời, thể hiện cách làm việc thận trọng và công phu, đồng thời không e ngại chỉ ra những sai lầm của những bản in trước đây, kể cả của những tên tuổi lớn trong giới “Kiều học” như GS. Nguyễn Tài Cẩn, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân.

Với kiến thức uyên bác, tinh thần khoa học nghiêm túc đã được thời gian và bạn đọc kiểm định qua nhiều công trình nghiên cứu, nhất là bộ sách 7 tập “Chuyện Đông chuyện Tây”, nay qua hơn 600 trang sách khổ lớn với nhiều minh họa đẹp, trong đó có gần 200 trang “Chú giải và thảo luận”, tác giả cuốn TKDMT đã cung cấp cho bạn đọc văn bản T.K “ít trải qua “dao kéo” nhất vì, nói chung, chính nó mới là chữ, là văn, là tình cảm, là tư tưởng, là nghệ thuật đích thực của Nguyễn Du”. Học giả An Chi đã khẳng định như thế trong “Lời nói đầu”.

Không dễ để kết luận điều khẳng định của An Chi và những sai lạc trong các bản T.K đang lưu hành mà ông chỉ ra có xác thực không, vì đây là việc của chuyên ngành “văn bản học” rất công phu và tỉ mỉ, đòi hỏi người có trình độ Hán Nôm cao. Hơn nữa, hai thế kỷ đã qua, kể từ ngày Nguyễn Du qua đời, chưa có bằng chứng tin cậy cho biết văn bản nào là “đích thực của Nguyễn Du”. Trong công trình “Tư liệu Truyện Kiều – Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn Trường Tân Thanh” (NXB Giáo dục, 2008) GS. Nguyễn Tài Cẩn, một tên tuổi từng được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, đã nêu vấn đề “lúc sinh thời, ít nhất nhà thơ cũng đã từng phải trăn trở với ba loại bản thảo”: 1- Bản đầu tay, viết khoảng 1790-1792 hồi còn ở Thái Bình; 2- Bản sửa chữa ít nhiều khi ở quê vợ và những năm  ở ẩn dưới chân núi Hồng cuối thế kỷ XVIII; 3- Bản đem vào Huế , tiếp tục sửa chữa cho đến trước lúc qua đời 1820.

Theo giáo sư, bản thứ 3 cũng “chỉ mới bắt đầu thử tìm hiểu đôi ba trường hợp lẻ tẻ…” và có “khoảng 2.000 chỗ có vấn đề dị bản…” trong các T.K đã in. Giáo sư còn cho biết: “Cụ Hoàng Xuân Hãn đã phát hiện có những chỗ lúc đầu cụ Nguyễn Du đang bám quá sát chuyện Tàu, về sau không ưng ý phải đổi. Cụ Hãn cũng cho biết trước áp lực của triều đình, cụ Nguyễn Du đã phải bất đắc dĩ đem thay đi bao nhiêu là chữ kỵ̣ húy…”

Xin dẫn như vậy, để thấy việc có được nguyên bản T.K là vô cùng khó khăn. Trong điều kiện đó, cuốn sách của An Chi “Phiên âm, chú giải và thảo luận” dựa vào bản “Duy Minh Thị 1872” mà cả Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Tài Cẩn đều lấy làm căn cứ xem xét là một công trình có nhiều giá trị rất đáng tin cậy.

Riêng với bạn đọc ở Huế, xin dẫn 1 ví dụ khá thú vị. Có một chữ ngay đầu T.K trong bản “Duy Minh Thị 1872” đã phải trải qua “dao kéo” mà An Chi phân tích là do “áp lực của triều đình” đúng như điều cụ Hãn đã viết ở trên. Câu đó là: “Chữ tài chữ sắc khéo là ghét nhau”. An Chi đã “thảo luận” về trường hợp này như sau:

“Chữ sắc không phải khắc nhầm mà do cố ý. Chúng tôi tin rằng cái chữ gốc của Nguyễn Du là mạng (*). Có như thế thì mới nhất quán với câu 3.248 (Chữ tài chữ mạng dồi dào cả hai) của phần kết truyện. Nguyễn Du mất năm Minh Mạng lên ngôi (1820), nên trước đó chẳng việc gì ông phải kiêng chữ mạng… Nhưng khi ông ta lên ngôi và lấy niên hiệu là Minh Mạng thì mới… sinh ra chuyện, cứ để nguyên “Chữ tài chữ mạng khéo là ghét nhau” thì có khác gì nói rằng Minh Mạng là ông vua bất tài…”

Chuyện “văn bản học”, chỉ một chữ đã rắc rối như thế đó. Vậy nên học giả An Chi đã dành gần 200 trang để chú giải và thảo luận, có lẽ chủ yếu với giới “Kiều học”. Tuy vậy, bạn đọc rộng rãi khi xem phần này sẽ học được nhiều điều khá lý thú.


(*) Chúng ta thường đọc là “mệnh”, nhưng Duy Minh Thị ở miền Nam nên phiên âm là “mạng”.

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn vinh những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du đối với văn hóa dân tộc và nhân loại

Ngày 24/9, Lễ tưởng niệm lần thứ 203 ngày mất Đại thi hào dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Du (1820 - 2023) được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh phối hợp cùng Hội đồng Gia tộc Nguyễn Tiên Điền cử hành tại Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Tôn vinh những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du đối với văn hóa dân tộc và nhân loại
Tưởng nhớ đại thi hào Nguyễn Du

“Nguyễn Du – Tiếng thơ ai động đất trời” là chương trình tưởng nhớ 200 năm (1820-2020) ngày mất của đại thi hào, danh nhân văn hóa Nguyễn Du, do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế và Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế phối hợp tổ chức chiều 20/9.

Tưởng nhớ đại thi hào Nguyễn Du
Return to top