Tác phẩm “Không tên” của họa sĩ Trương Bé được Bảo tàng Mỹ thuật Huế sưu tập năm 2020. Ảnh: MINH HIỀN
Bảo tàng Mỹ thuật Huế bao gồm ba không gian: Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật; Không gian trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng và Không gian trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị. Khác với hai không gian Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị đã có trụ sở ở vị trí đắc địa lần lượt ở số 15 và 17 Lê Lợi, TP. Huế thì Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật sau rất nhiều lần “nghiên cứu”, dù để trưng bày tạm thời đã gần như bị… lãng quên.
Không phải bây giờ việc chuẩn bị cho một không gian hay bảo tàng để trưng bày các tác phẩm mỹ thuật mới được tính toán. Hơn 20 năm về trước, khi còn làm Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin, ông Nguyễn Xuân Hoa đã khởi động việc thành lập bảo tàng này, bằng cách từ dùng nguồn kinh phí hoạt động thường niên để chọn mua những tác phẩm đạt giải, cũng như các tác phẩm triển lãm mỹ thuật của các hoạ sĩ danh tiếng ở Huế khi đó. Nhiều họa sĩ ở Huế và các nơi khác hay tin cũng đã hiến tặng nhiều tác phẩm mỹ thuật.
Những năm gần đây, câu chuyện Bảo tàng Mỹ thuật Huế nói chung và Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật nói riêng đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Bởi lẽ, bên cạnh việc chính quyền “chịu chi”, dù còn nhỏ giọt để mua các tác phẩm đắt giá của một số cố hoạ sĩ danh tiếng còn là câu chuyện “khi nào có chỗ trưng bày tạm thời” và lâu dài “Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật sẽ được đặt ở đâu?”. Chưa kể nội dung trưng bày, lộ trình ra sao vẫn chưa rõ ràng.
Tác phẩm “Treo trên thời gian” của họa sĩ Bửu Chỉ vẫn chưa thể trưng bày vì không có không gian. Ảnh: NHẬT MINH
Có rất nhiều ý kiến đưa ra về phương án địa điểm cho Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật. Phần đông các chuyên gia, nhà nghiên cứu nghiêng về trụ sở UBND tỉnh hiện nay ở số 16 Lê Lợi, TP. Huế (vì tương lai trụ sở này sẽ di dời về khu đô thị mới An Vân Dương). Lý do vị trí này được chọn là không gian đắc địa, nằm trục chính của TP. Huế, tiếp giáp với bờ sông Hương và quan trọng hơn nằm trong tham vọng tạo nên tuyến phố bảo tàng với rất nhiều bảo tàng, nhà trưng bày, không gian nghệ thuật đã có sẵn trên trục đường này.
Tuy nhiên, việc di dời trụ sở UBND tỉnh để bàn giao cho Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật là câu chuyện chưa có thời gian ấn định cụ thể. Và trước thực trạng đó, nhiều người đề nghị cần có một không gian tạm thời để trưng bày những tác phẩm đến với công chúng, thay vì lâu nay chỉ sưu tầm và đem về bảo quản, cất kho.
Có thời điểm, ngành văn hoá dự tính đặt tạm thời Không gian trưng bày mỹ thuật ở số 10 Lý Thường Kiệt, sau đó mở rộng sang số 8 Lý Thường Kiệt là trụ sở Sở Văn hoá – Thể thao (khi sở này dời về khu hành chính tập trung). Nhưng dự định đó cho đến thời điểm này vẫn chưa thể thực hiện.
Bà Đinh Thị Hoài Trai – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế nói rằng, dù được thành lập hơn 2 năm nay nhưng số phận của không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Dù rất băn khoăn và nhiều lần đề xuất với các cấp ngành về trụ sở để trưng bày, phát huy các tác phẩm nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh.
“Rất nhiều anh chị em nghệ sĩ, các bảo tàng bạn vẫn hay hỏi sao thành lập lâu vậy mà đến nay vẫn chưa có không gian để trưng bày”, bà Trai kể lại. Việc chưa có một không gian như thế, theo bà Trai vẫn thấy có lỗi với những tác giả đã chuyển nhượng, hiến tặng tranh cho bảo tàng.
“Tâm lý người chuyển nhượng hay hiến tặng cho bảo tàng muốn được thấy “đứa con tinh thần” của mình ở một không gian sang trọng, tử tế. Nhưng đến nay vẫn chưa thể làm được”, bà Trai nói và lý giải thêm đó còn là rào cản trong quá trình sưu tập. “Có người muốn chuyển nhượng, hiến tặng nhưng nhìn vào thực tế, chưa có không gian họ cũng ngần ngại”, bà Trai nói thêm.
Những năm gần đây, tỉnh đã cấp kinh phí 3 tỷ đồng/năm để sưu tập tác phẩm mỹ thuật. Đến thời điểm này, có khoảng 100 tác phẩm mỹ thuật được sưu tập, hiến tặng về cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Vì không có không gian trưng bày nên những tác phẩm ấy chỉ dừng lại ở việc bảo quản ở kho, chờ có không gian mới có thể trưng bày.
Theo bà Trai, hiện hầu hết tác phẩm được bảo quản tạm thời trong một phòng ở không gian trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng. Các tác phẩm này đều được lắp khung, đặt trên các kệ giá. Bên trong phòng kho này cơ bản đảm bảo điều kiện tốt nhất trong công tác phục vụ bảo quản các tác phẩm nghệ thuật với các hệ thống điều hoà, máy đo nhiệt độ, độ ẩm, máy hút ẩm…
Theo bà Trai, hiện đơn vị đang xây dựng đề án, trong đó tiếp tục đề xuất địa điểm cho Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật. Mong muốn địa điểm đó sẽ nằm trên trục đường Lê Lợi, đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền, bởi đây là tuyến đường nằm trong thiết chế là tuyến phố bảo tàng, không gian văn hoá nghệ thuật. Tuy nhiên, việc này vẫn còn chờ sự đồng ý của tỉnh.
NHẬT MINH