|
|
Các nghệ sĩ biểu diễn ca Huế trong trang phục áo dài truyền thống. Ảnh: MC |
Ngày nay thú chơi thuyền và nghe ca Huế trên sông Hương đã trở thành một thú tiêu dao không thể thiếu của mỗi du khách khi về với Huế. Sau khi đã dạo khắp Đại nội, thăm một vòng lăng tẩm, chùa chiền, bách bộ qua Đập Đá, qua cầu Trường Tiền, thưởng thức bánh bò, bánh lọc, bánh nậm… cùng với mấy chị em, chúng tôi chỉ còn một đêm ở Huế. Có người bảo đến Huế mà không đi du thuyền và nghe ca Huế thì uổng cả đời.
Thế là chúng tôi đi ca Huế. Thuyền rồng trôi chầm chậm, cái chầm chậm cố ý lững lờ để cho du khách có thời gian ngắm Cố đô về đêm dìu dịu huyền ảo… Qua khỏi cầu Phú Xuân, thuyền nhả neo giữa dòng. Gió thổi mát rượi cảnh vật quá đỗi êm đềm như kéo chúng tôi vào một thế giới khác…
Ban nhạc chỉ với bảy nghệ sĩ, nhưng đã đủ sức hấp dẫn du khách từ trang phục, nhạc cụ cho đến… giọng nói ngọt ngào của xứ Huế! Ngồi trên chiếc chiếu hoa văn sặc sỡ dưới khoang thuyền, chúng tôi tưởng chừng như mình đang lạc giữa chốn cung đình khi tiếng ca, điệu nhạc bắt đầu trỗi lên. Cũng phải thôi bởi chốn Cố đô này, ca Huế ngày xưa là sản phẩm tao nhã chỉ dành riêng cho chốn cung đình!
Tiếng đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn nhị, tiếng nhịp phách, tiếng chén, tiếng ca là là trên mặt sông. Người nghe không chỉ đắm say với từng làn điệu dân ca ngọt ngào, uyển chuyển mà còn mê mải với từng chuyển động nhẹ nhàng uyển chuyển của đôi bàn tay nghệ nhân trên từng phím đàn, từng nhịp phách, nhất là mỗi khi đôi tay ngọc ngà của nữ nghệ sĩ trẻ giơ cao rung vút tiếng chén… Hồn dân tộc, hồn cố đô như ngập tràn cả một bầu trời sông nước thanh bình, yên ả, ngập cả lòng du khách khiến cho ngưòi nghe như đang ở trong một trạng thái lãng đãng mây ngàn giữa hư và thực, giữa đời và mộng. Nếu như điệu chầu văn ca ngợi cảnh đẹp Huế dồn dập mà lại ngân nga như lời ru thì từng điệu hò mái nhì, mái đẩy, lời ca đối đáp giữa đôi trai gái lại mênh mang như tiếng gọi về ngàn “Cung đàn buồn lưu luyến nỗi niềm… Huế đẹp ơ!” dường như cái buồn man mác, cái dịu dàng sâu lắng, cái dồn dập đầy sức sống cứ muốn níu lòng người lại với Huế: “Mai mốt ra về có dang dở gì với Huế chăng?”.
Vâng ai từng một lần nghe ca Huế mà không nặng lòng với Huế? Trải qua bao thăng trầm, ca Huế đã đi từ chốn cung đình đến cõi dân gian, từ cổ đến tân mà vẫn giữ được cái hồn rất thiêng của Huế có phải vì cái rất riêng ấy? Hay nói như Tôn Thất Bình trong “Huế đẹp - Huế Thơ”, thì “…Nó đủ khả năng diễn tả những vui buồn, mừng giận, nhớ nhung, thanh thản của người Huế xưa và hiện tại. Nó phá vỡ hàng rào giai cấp là sợi dây tình cảm nối kết những ai yêu Huế, yêu nghệ thuật dân tộc là âm hưởng ngọt ngào đầy chất thơ chảy mãi trong lòng người, như dòng Hương miên man về biển cả”.