ClockThứ Tư, 10/04/2019 06:00

Ca Huế trên sông: Tái diễn tình trạng mạnh ai nấy làm

TTH - Sau khi Trung tâm Quản lý và Tổ chức biểu diễn ca Huế giải thể, ca Huế trên sông diễn ra khá lộn xộn, mạnh ai nấy làm.

Biểu diễn ca Huế tưởng nhớ nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ ThịVun đắp tình yêu với ca Huế cho thế hệ trẻ

Biểu diễn ca Huế trên sông (Ảnh mang tính minh họa)

Mạnh ai nấy làm

Tản bộ dọc đường đi bộ ở khu vực bến thuyền Tòa Khâm, chúng tôi được khá nhiều người mời chào đi nghe ca Huế trên sông. Ban đầu là 100 nghìn đồng/người, thấy chúng tôi còn lưỡng lự, giá nhanh chóng được hạ xuống 80, 75 rồi chỉ 70 nghìn đồng/người. Đó là giá đi khách ghép, nếu thuê thuyền riêng, giá được các chủ thuyền đưa ra là 1,2 triệu đồng.

Đêm sông Hương khá nhộn nhịp, tấp nập du khách đi thuyền nghe ca Huế. 7 giờ tối, khi các thuyền ca Huế xuất bến, chúng tôi cũng theo Tổ Liên ngành kiểm tra hoạt động ca Huế lên ca nô. Tối hôm ấy, khoảng 10 thuyền có biểu diễn ca Huế, trong đó, thuyền TTH 0076 không đủ số lượng diễn viên, nhạc công theo quy định, đã bị đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm. Trung tá Lê Văn Muôn, Tổ trưởng Tổ Cảnh sát đường sông, thuộc Đội CSGT, Công an TP. Huế cho hay, hầu như lúc nào đi kiểm tra, đoàn cũng phát hiện vi phạm đối với việc tổ chức biểu diễn ca Huế trên sông.

Trước đây, việc giám sát chương trình biểu diễn ca Huế thuộc về chức năng của Trung tâm Quản lý và Tổ chức biểu diễn ca Huế. Trước khi xuất bến, các doanh nghiệp hoạt động biểu diễn ca Huế phải báo về trung tâm thông tin chương trình, trong đó ghi rõ thời gian, chương trình biểu diễn gồm những làn điệu nào, số lượng diễn viên, nhạc công, trưởng nhóm, số thuyền… Căn cứ vào đó, trung tâm có thể nắm rõ các chương trình biểu diễn của từng thuyền, từng doanh nghiệp. Sau khi trung tâm này giải thể vào cuối năm 2018, quy trình này hiện đang bỏ ngỏ, thế nên ca Huế trên sông càng lộn xộn.

Nếu trước đây, khách nghe ca Huế chủ yếu mua vé tại Trung tâm Quản lý và Tổ chức biểu diễn ca Huế, thì nay các chủ sô, chủ thuyền tự bán vé… dọc đường. Điều này nảy sinh việc chèo kéo, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp tổ chức biểu diễn, các chủ thuyền làm bầu sô, cắt bớt diễn viên, thời lượng chương trình để giảm giá. Một diễn viên ca Huế chia sẻ: “Thấy đoàn kiểm tra làm căng, diễn viên mừng lắm. Vì cạnh tranh không lành mạnh, nhiều thuyền cắt giảm diễn viên để hạ giá kéo khách nên những đơn vị làm ăn đàng hoàng gặp khó khăn. Chất lượng ca Huế cũng vì rứa mà đi xuống”.

Cũng từ khi bãi bỏ quy định cấp giấy phép hành nghề đối với lĩnh vực biểu diễn ca Huế, chất lượng diễn viên, nhạc công không còn được quản lý chặt chẽ. Trước đây, để được cấp thẻ hành nghề, mỗi diễn viên, nhạc công phải biểu diễn thành thạo vài chục làn điệu mới vượt qua các vòng thẩm định. Bây giờ, bên cạnh những nghệ sĩ được đào tạo bài bản, xuất hiện nhiều ca sĩ “một bài”, nghĩa là chỉ hát được một bài ca Huế vẫn tham gia biểu diễn.

Cần đầu mối quản lý

Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, ca Huế trên sông lâu nay vẫn tồn tại những bất cập: Thuyền chở khách quá tải; số lượng diễn viên, nhạc công không đủ theo quy định; rút ngắn thời lượng chương trình; không gian biểu diễn ca Huế chưa văn minh, lịch sự. Sau khi Trung tâm Quản lý và Tổ chức biểu diễn ca Huế giải thể, hoạt động ca Huế phụ thuộc vào công tác hậu kiểm. Nhưng, lực lượng thanh tra văn hóa mỏng, tổ kiên ngành kiểm tra hoạt động ca Huế không thể hoạt động suốt cả tuần. Khi không có mặt lực lượng chức năng, những vi phạm trong tổ chức biểu diễn ca Huế trên sông vẫn tái diễn.

Từ cuối tháng 3 đến dịp lễ 30/4 & 1/5, Tổ liên ngành kiểm tra hoạt động ca Huế tổ chức kiểm tra nội dung, thời lượng chương trình biểu diễn ca Huế, số lượng diễn viên, nhạc công, không gian biểu diễn… Đoàn đã xử lý nghiêm các trường hợp không đảm bảo số lượng diễn viên, nhạc công theo quy định, xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với công ty thực hiện chương trình không đúng giấy phép, xử phạt các trường hợp chở khách quá tải trọng cho phép...

Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao, để quyết liệt chấn chỉnh những tồn tại trong tổ chức biểu diễn ca Huế trên sông, các đơn vị liên quan phải làm tốt hơn chức năng của mình, việc kiểm tra cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn. Cùng quan điểm trên, ông Bình nhấn mạnh: “Nếu các ngành liên quan đến hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông nỗ lực làm hết trách nhiệm, những tồn tại trên sẽ được khắc phục, trong đó có vai trò của ngành văn hóa. Xu thế hiện nay hậu kiểm là chính, vì thế, cần tăng cường công tác kiểm tra. Nếu đơn vị nào liên tục vi phạm, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ thu hồi giấy phép”.

Ý kiến khác cho rằng, việc tổ chức biểu diễn ca Huế trên sông đang diễn ra tình trạng "mạnh ai nấy làm", bởi không có đơn vị trực tiếp quản lý. Để chấn chỉnh thực trạng này, cần có một đầu mối điều phối các hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế.

Cùng với các biện pháp chế tài, Tổ liên ngành sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động biểu diễn nghệ thuật cho diễn viên, nhạc công, các đơn vị tổ chức biểu diễn.

Liên quan đến môi trường diễn xướng, tại hội thảo về định hướng bảo tồn và phát huy giá trị ca Huế được tổ chức vào dịp ca Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông từng đề xuất phục dựng ca Huế trong hoạt động du lịch, theo kiểu tái hiện dạng phim trường một buổi ca Huế thực sự, trong những bối cảnh khác nhau: một buổi chúc thọ, tiệc mừng hay sự hội ngộ ngẫu hứng của một nhóm nghệ sĩ tâm giao… Những người tham gia diễn xuất tuân thủ những gì mà một buổi ca Huế xưa từng tồn tại, một chút trang trọng và sang trọng vốn có, thể hiện trong y phục, phong cách, ngôn ngữ giao tiếp...

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Quảng Điền đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội
Return to top