ClockThứ Ba, 09/04/2019 13:15

Châu Hương Viên & ước nguyện hồi sinh

TTH - Châu Hương Viên vốn là tư thất, địa chỉ văn hóa gắn liền với tên tuổi của nhà thơ, danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị, nay hoang tàn, đổ nát khiến nhiều người phải ngậm ngùi, xót xa.

Châu Hương Viên của Ưng Bình Thúc Giạ Thị

Các nghệ nhân, nghệ sĩ trải chiếu trên nền đất biểu diễn ca Huế ở Châu Hương Viên

Hoang phế

Dịp kỷ niệm 58 năm ngày mất của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị mới đây, các văn nghệ sĩ, nghệ nhân, nghệ sĩ của CLB Ca Huế thính phòng tổ chức lễ dâng hương và biểu diễn ca Huế tại Châu Hương Viên - tư thất của ông ở 355 đường Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế. Căn nhà hoang phế như bừng sống với tiếng đàn bầu, đàn nguyệt réo rắt, với những điệu Phú lục, Cổ bản, Tương tư khúc… da diết lòng người.

Mấy mươi năm trước, Châu Hương Viên là nơi cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sống trọn cuộc đời với thi ca sau khi rời quan trường, từng là nơi hội ngộ để ngâm thơ, đàn ca, hát xướng của các bậc tao nhân, mặc khách. Ông còn là người đã có công lao lớn trong việc hình thành và phát triển ca Huế thính phòng. Bây giờ, căn nhà năm xưa không còn là ngôi nhà cổ giữa khu vườn rộng mà chỉ còn lại ngôi nhà rường ba gian, hai chái cùng khu nhà bếp liền kề hoang phế, đổ nát khiến bất cứ ai chứng kiến cũng phải chạnh lòng. Mái ngói mục nát, các cấu kiện gỗ bị mối mọt, căn nhà đứng trước nguy cơ có thể đổ sụp bất cứ lúc nào.

Trước thực trạng của Châu Hương Viên, nhà văn Tô Nhuận Vỹ không cầm được nước mắt: “Một địa chỉ văn hóa quý giá như vậy mà nay tan hoang. Ngôi nhà xiêu vẹo, đổ nát, gần 1/3 căn nhà mất mái đang được làm vườn trồng rau. Các nghệ nhân, nghệ sĩ phải kiếm cái bàn thô mộc để làm bàn thờ, tôi cúi lạy cụ mà không cầm được nước mắt”.

Việc trùng tu Châu Hương Viên được đặt ra cách đây đã lâu, với sự cố gắng của con cháu cụ Ưng Bình, nhưng bất lực. Bây giờ, ước nguyện của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, con gái của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị và các văn nghệ sĩ là sớm trùng tu ngôi nhà, biến nơi này trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa. Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB Ca Huế chia sẻ: “Mong muốn của bà Tôn Nữ Hỷ Khương là giao Châu Hương Viên lại cho tỉnh tu sửa thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa của Huế, nơi có thể tổ chức những buổi sinh hoạt thơ, những chương trình biểu diễn ca Huế. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng gia đình trong nỗ lực kêu gọi sự chung tay của chính quyền, các ban ngành liên quan để mong ước ấy trở thành hiện thực”.

Ước nguyện hồi sinh

Ước nguyện hồi sinh Châu Hương Viên không chỉ có sự quan tâm của giới văn nghệ sĩ. Chỉ là một người bình thường, không liên quan đến giới văn nghệ nhưng chị Nguyễn Thị Thùy Trang (TP. Huế) luôn đau đáu mong ước địa chỉ văn hóa này sớm được hồi sinh. Theo lời kể của chị Trang, dù không có mối quan hệ gần gũi với nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị nhưng tuổi thơ của chị lại gắn bó với ông. Chị tâm sự: “Nhà chị ở xóm Giếng Chùa, phường Thủy Xuân, gần với nơi yên nghỉ của cụ Ưng Bình nên thuở nhỏ chị vẫn chơi đùa quanh đây. Hình ảnh ông mặc chiếc áo dài the màu đen, chòm râu bạc trắng và nét cười hào sảng cứ ấn tượng mãi, hai câu thơ khắc trên bia: “Rượu có mùi hương nên uống mãi. Thi là thuốc bổ cứ ngâm chơi” những đứa trẻ xóm chị ngày ấy vẫn thuộc nằm lòng. Lớn lên, chị bắt đầu tìm hiểu mới biết ông là bậc danh nhân, là chủ nhân của những câu ca chị thuộc nằm lòng từ bé”.

Một cách tự nhiên, nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị trở thành thân thuộc với chị Trang. Cách đây 3 năm, chị tìm đến Châu Hương Viên và khóc nức nở trước cảnh hoang lạnh: “Lúc ấy, trong nhà cỏ mọc um tùm, chỉ có một bát nhang và cây đèn dầu khô cạn. Dẫm lên những viên ngói bể nát, chị đau lòng lắm và đã giãi bày trên facebook cá nhân. Chị nghĩ mình sức mọn, chẳng thể nào làm được gì nhưng vẫn luôn ao ước Châu Hương Viên được sống lại với nét văn hóa đậm hồn Huế như ngày xưa”.

Đọc được nỗi lòng đau đáu của chị Trang về Châu Hương Viên qua facebook, nhà thơ Võ Quê đồng cảm và tự thấy mình cũng có trách nhiệm trong việc làm cầu nối kêu gọi sự vào cuộc của mọi người, để ngôi nhà này được sống lại. Một mặt, nhà thơ Võ Quê đã vào TP. Hồ Chí Minh gặp bà Tôn Nữ Hỷ Khương, lắng nghe nguyện vọng của gia đình. Mặt khác, ông cùng chị Thùy Trang chuẩn bị cho buổi dâng hương nhân ngày giỗ cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị.

Buổi dâng hương có sự tham gia của TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao. Xót xa trước cảnh đổ nát của một địa chỉ văn hóa giá trị, ông Hải hứa với các văn nghệ sĩ sẽ cố gắng hết sức để cứu vãn Châu Hương Viên. Trước mắt là chống mối mọt, chống đỡ ngôi nhà trước mùa mưa bão. Ông Phan Thanh Hải đã trao đổi với gia đình bà Tôn Nữ Hỷ Khương về thủ tục bàn giao, đồng thời trao đổi với các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, khảo sát, đánh giá lại toàn bộ công trình. Mong muốn của các văn nghệ sĩ là lập hồ sơ đề nghị công nhận Châu Hương Viên là di tích cấp tỉnh, đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ, trùng tu phục hưng công trình này.

Theo chia sẻ của nhà thơ Võ Quê, khi có sự vào cuộc của tỉnh để trùng tu Châu Hương Viên, ông sẽ cùng các nghệ sĩ huy động sự đóng góp của các mạnh thường quân. Ông tin rằng, sẽ rất nhiều người ủng hộ và muốn chung tay. Nếu ngôi nhà được phục hồi, đây sẽ là địa chỉ sinh hoạt của các CLB thơ, giới thiệu tác phẩm mới; tổ chức các chương trình biểu diễn ca Huế, dạy đàn tranh, đàn bầu, hoặc có thể kết hợp đưa vào tour tuyến phục vụ khách du lịch.

Theo thông tin từ ông Trần Bá Thùy, chồng của bà Tôn Nữ Hỷ Khương, cách đây đã lâu, gia đình có ý nguyện tặng Châu Hương Viên cho tỉnh để làm địa chỉ văn hóa. Cả 3 người con còn sống lúc ấy là anh Bửu Huyền, chị Tôn Nữ Hỷ Thọ và vợ tôi đều đồng ký vào văn bản xin tặng ngôi nhà cho Nhà nước. Thế nhưng, sau năm 1968, khi gia đình người anh cả vào Sài Gòn, Châu Hương Viên bỏ hoang và bị nhiều người xâm lấn làm nhà ở, việc di dời, giải tỏa các hộ dân này ra khỏi khuôn viên Châu Hương Viên quá khó, chính quyền cũng lực bất tòng tâm. Bây giờ, anh em đều đã mất, chỉ còn lại vợ tôi, chúng tôi sẵn sàng tặng ngôi nhà cho tỉnh để làm nơi sinh hoạt văn hóa.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ghép tim xuyên Việt, hồi sinh thêm một cuộc đời

Trái tim hiến từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã đập những nhịp đầu tiên trong cơ thể một bệnh nhân đánh dấu thành công cho hành trình chuyển giao sự sống. Đây là ca ghép kỷ lục với thời gian cấy ghép tim chỉ hơn 50 phút tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Ghép tim xuyên Việt, hồi sinh thêm một cuộc đời
Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương

Thương hiệu ca Huế trên sông Hương nhìn chung đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của du khách thông thường. Trải nghiệm ca Huế trên sông Hương tạo được những ấn tượng khó phai, khiến văn hóa Huế thẩm thấu sâu hơn vào tâm hồn du khách phương xa. Dịch vụ ca Huế trên sông Hương dù vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng vẫn tiếp diễn đến hôm nay với tư cách là một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân Huế, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế du lịch tại địa phương.

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương
Sai sai, ngược ngược…

Tuần vừa rồi, tôi có dịp trở lại thành phố Đà Lạt, được thưởng thức đêm cồng chiêng dưới chân núi Langbiang huyền thoại - một trong những hoạt động được đánh giá là hấp dẫn nhất về đêm tại thành phố ngàn hoa.

Sai sai, ngược ngược…
Ca Huế trên sông Hương: "Cha chung không ai khóc"

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ca Huế bát nháo như hiện nay là sự phân tán quản lý với quá nhiều cơ quan và đơn vị cùng tham gia, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Ca Huế trên sông Hương  Cha chung không ai khóc
Return to top