ClockThứ Hai, 15/01/2018 12:51

Chiếc gùi của người Pa Cô

TTH - Không đơn thuần phục vụ sản xuất, sinh hoạt hằng ngày, chiếc gùi còn mang nét đặc trưng văn hóa, chứa đựng tinh hoa trong đời sống của người Pa Cô ở A Lưới.

Nông sản A Lưới: Chưa có thị trường tiêu thụ ổn địnhChuẩn bị xúc tiến đầu tư vào huyện A LướiA Lưới tổ chức truyền dạy văn hóa truyền thống cho thanh niên, học sinhTiếp xúc cử tri A LướiĐồng bào dân tộc A Lưới hướng về ngày bầu cửA Lưới “tiếp sức” mô hình rau sạch

Gùi “hồn” dân tộc

Mặc áo thổ cẩm, xâu tai, đeo mã não và đi chân đất, cụ bà Kả Mé (75 tuổi, ở làng Kêr II, xã Hồng Thủy) đung đưa chiếc Ateh chất đầy nông cụ. “Già chẳng nhớ là đã qua bao mùa lúa rẫy rồi. Chỉ nhớ cái Ateh (gùi to), Achooiq (gùi nhỏ)… ở bên già từ ngày còn nhỏ xíu”.

Chiếc gùi gắn bó cùng phụ nữ Pa Cô

Lên “phố núi” A Lưới, đi qua các bản làng hay dừng chân trên những cánh đồng bậc thang dọc con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, không khó bắt gặp những sơn nữ với nhịp gùi đong đưa. Cuộc sống hiện đại sản xuất ra nhiều công cụ thuận tiện vận chuyển nhưng vì sao người Pa Cô vẫn gắn bó với chiếc gùi, già làng, Hồ Át (73 tuổi) ở làng Ân Triêng, xã Hồng Trung lý giải: “ Địa hình rừng núi rất khó gánh, đội hay vác do vậy gùi là lựa chọn tốt nhất. Mỗi Ateh, Achooiq, Ti liet (gùi nhiều ngăn)… mang vẻ đẹp riêng, tôn lên nét duyên dáng của người mang nó. Gùi là cả tâm hồn và mang số phận của người sử dụng”.

Có lẽ do vậy, dù “cơn lốc” của cuộc sống hiện đại “quét” qua các làng bản, song hình ảnh chiếc gùi đong đưa trên lưng các chị các mẹ lên rẫy; chiếc gùi treo trên giàn bếp ngả màu cánh gián vẫn còn hiện hữu. Chiếc gùi cứ còn vẹn nguyên trong đời sống lao động, trong sinh hoạt của người Pa Cô. 

Chiếc gùi tình

Từ lao động sản xuất cho đến tín ngưỡng, tâm linh, chiếc gùi luôn gắn chặt với cuộc sống của người phụ nữ Pa Cô. Đến tuổi lấy chồng, sơn nữ cất những vật lễ hứa hôn đặc trưng vào chiếc gùi rồi mang về nhà chồng. Tuy vậy, gùi lại là “báu vật” của cánh đàn ông, bởi chỉ có các chàng trai Pa Cô tài hoa, khéo léo mới tạo nên những chiếc gùi xinh xắn, bền chắc.

Đan gùi là cơ hội để các chàng trai Pa Cô chứng tỏ cái giỏi giang để mong thuyết phục được cái bụng các cô gái tuổi xuân thì. Hơn nữa, chỉ đàn ông con trai mới có thể vào rừng tìm kiếm và chặt những cây tre, lồ ô và mây. Mây thì chỉ lấy sợi già, ở trên cao, có màu vàng hoặc xanh để đảm bảo độ dẻo và không bị mọt... Được xem như món trang sức nên gùi do chàng trai đan được trang trí sao cho thật đẹp, phù hợp vóc dáng của người thương.

Xưa kia, trong mùa lễ hội Puh Boh, Pôôc Xu Liêu (đi sim)… diễn ra vào mùa trăng huyền hoặc, sau khi trao tín vật định ước cho cô gái mà mình ưng cái bụng, suốt mùa trăng hò hẹn ấy, chàng trai giấu lễ vật “tình yêu” trong chiếc gùi rồi mới tìm đến Xu (chòi tình). Chiếc gùi càng nặng và nhiều món đồ quý thì cô gái càng “giá trị” và chứng tỏ tấm lòng của chàng dành cho nàng. Theo quan niệm, chiếc gùi- tượng trưng cho lời hứa hẹn về cuộc sống no đủ, khi mà cô gái gật đầu hẹn thề một lòng với chàng trai, đi hết cuộc đời cùng nhau.

Từ những mùa đi sim như thế, được kết nối bằng chiếc gùi “tình yêu” đã se duyên bao đôi uyên ương nên vợ duyên chồng, cùng vun xây cuộc sống, giữ bản giữ làng... “Hồi trước, trai bản muốn lấy cô gái ở làng bên, phải biết Pôôc Xu vào các mùa trăng. Phải biết Cha châp, hát Xiêng hay phải là người giỏi thổi khèn, sáo, đánh đàn… cô gái mới động lòng mà ra mở cửa. Bây giờ, yêu đương bình thường lắm. Nhưng chiếc gùi “tình yêu” thì còn đó. Các cô gái vẫn phải chất đầy chiếu, thóc gạo, zèng, rượu cần… vào những chiếc gùi mà mang về nhà chồng đấy”. Già làng Hồ Át (làng Ân Triêng, xã Hồng Trung) chắc nịch.

Ngồi ở nhà sàn, nghe già làng kể chuyện. Già vừa kể, vừa lật giở từng dòng ký ức qua những chiếc Ateh, Ti liet, Xang, Achooiq… trên gác bếp. Người già hay chuyện, những người như ông Át, gắn bó với khoảng không gian sống của bản mình, càng nhớ rõ và kỹ từng nếp nhà, từng loại gùi đặc trưng của làng bản. Cách già kể chuyện cũng đầy thú vị, đơn sơ và chan chứa tình như chính chiếc gùi của người Pa Cô vậy. “Lại thêm một mùa lúa rẫy nữa rồi”, già vừa nói, vừa chỉ tay về khoảng sân ngoài cửa: Một A y (mẹ) địu con đang “thả” những hạt thóc no đủ trong cái Ateh xuống chiếc nong, vàng ươm…

Bài, ảnh: Nguyễn Đức Nhơn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Return to top